12/12/2014
Đề cương ôn tập môn Tư pháp quốc tế - Một số câu hỏi tham khảo (có đáp án)
Hỏi : Trọng tài là gì?

Trả lời : Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại được tiến hành theo trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Việc giải quyết tranh chấp được tiến hành bởi Hội động Trọng tài thuộc một Trung tâm Trọng tài nhất định hoặc bởi Hội đồng Trọng tài do các bên thành lập, tùy thuộc vào quyền lựa chọn của các bên.

Hỏi : Trọng tài và hòa giải khác nhau như thế nào?

Trả lời : Trong trọng tài, trọng tài viên giải quyết vụ tranh chấp và ra quyết định chung thẩm. Một khi quyết định trọng tài đã được tuyên sẽ có giá trị ràng buộc các bên cho dù các bên có đồng ý hay không

Đối với hòa giải, hòa giải viên không quyết định vụ tranh chấp mà có vai trò giúp các bên giải quyết vụ tranh chấp thông qua một quá trình thương lượng và thu hẹp những điểm bất đồng. Hòa giải viên sẽ giúp các bên đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, khác với quyết định trọng tài, thỏa thuận của các bên không mang tính ràng buộc. Trong trường hợp một bên không tự nguyện thực hiện thỏa thuận hòa giải, bên kia có thể khởi kiện ra trọng tài hoặc tòa án tùy theo thỏa thuận của các bên.

Hỏi : Những tranh chấp nào có thể được giải quyết bằng trọng tài?

Trả lời : Những tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại có thể được giải quyết bằng trọng tài.
Theo Điều 2 Khoản 3 Pháp lệnh Trọng tài Thương mại năm 2003, hoạt động thương mại là việc thực hiện một hay nhiều hành vi thương mại của cá nhân, tổ chức kinh doanh bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện, đại lý thương mại; ký gửi; thuê, cho thuê; thuê mua; xây dựng; tư vấn; kỹ thuật; li-xăng; đầu tư; tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; thăm dò, khai thác; vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường hàng không, đường biển, đường sắt, đường bộ và các hành vi thương mại khác theo quy định của pháp luật.


Hỏi : Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có những ưu điểm gì?

Trả lời : Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đơn giản hơn so với tòa án và trọng tài được giải quyết không công khai, quyết định trọng tài có giá trị chung thẩm. Ngoài ra, trong trọng tài các bên được tự do chỉ định trọng tài viên của riêng mình và tự do thỏa thuận về các trình tự, thủ tục giải quyết vụ tranh chấp như ngôn ngữ trọng tài, địa điểm trọng tài, luật áp dụng v.v...

Hỏi : VIAC là gì?

Trả lời : VIAC là tên viết tắt của cụm từ “Vietnam International Arbitration Centre at the Vietnam Chamber of Commerce and Industry” - “Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam”.

VIAC được thành lập ngày 28 tháng 4 năm 1993 theo Quyết định số 204/TTg ngày 28 tháng 4 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở hợp nhất Hội đồng Trọng tài Ngọai thương (thành lập năm 1963) và Hội đồng Trọng tài Hàng hải (thành lập năm 1964).

Hỏi : Liệu các bên có thể đưa tranh chấp ra VIAC giải quyết trong trường hợp không có thỏa thuận trọng tài không?

Trả lời : Theo quy định của Điều 3 Pháp lệnh Trọng tài Thương mại năm 2003, tranh chấp chỉ có thể được giải quyết bằng trọng tài nếu trước hoặc sau khi xẩy ra tranh chấp các bên có thỏa thuận trọng tài. Theo đó, nếu muốn giải quyết tranh chấp tại VIAC các bên phải có thỏa thuận bằng văn bản trong đó chỉ rõ chọn VIAC để giải quyết tranh chấp.

VIAC khuyến nghị các doanh nghiệp đưa điều khoản trọng tài mẫu của VIAC sau đây vào hợp đồng: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết chung thẩm tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”.

Hỏi : Liệu các bên có thể đưa tranh chấp ra tòa án giải quyết khi đã có thỏa thuận trọng tài không?

Trả lời : Không. Theo quy định của Điều 5 Pháp lệnh Trọng tài Thương mại năm 2003, trong trường hợp vụ tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài, nếu một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu.

Hỏi : Liệu các bên có thể đưa tranh chấp ra tòa án giải quyết khi đã có thỏa thuận trọng tài không?

Trả lời : Không. Theo quy định của Điều 5 Pháp lệnh Trọng tài Thương mại năm 2003, trong trường hợp vụ tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài, nếu một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu.

Theo Điều 10 của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại, thỏa thuận trọng tài vô hiệu trong những trường hợp sau đây:
1. Tranh chấp phát sinh không thuộc hoạt động thương mại;
2. Người ký thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền ký kết theo quy định của pháp luật;
3. Một bên ký kết thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
4. Thỏa thuận trọng tài không quy định hoặc quy định không rõ đối tượng tranh chấp, tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp mà sau đó các bên không có thỏa thuận bổ sung;
5. Thỏa thuận trọng tài không được lập theo quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh;
6. Bên ký thỏa thuận trọng tài bị lừa dối, bị đe dọa và có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài vô hiệu.

Hỏi : Muốn nộp Đơn kiện ra VIAC tôi phải làm thế nào?

Trả lời : Đơn kiện sẽ nộp trực tiếp tại trụ sở chính VIAC (Số 9 phố Đào Duy Anh, Hà Nội, Việt Nam). Đơn kiện phải bao gồm những nội dung sau:
Ø Ngày, tháng, năm viết đơn;
Ø Tên và địa chỉ của Nguyên đơn và Bị đơn;
Ø Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp
Ø Căn cứ pháp lý để khởi kiện;
Ø Trị giá của vụ tranh chấp và các yêu cầu khác của Nguyên đơn;
Ø Tên Trọng tài viên có tên trong Danh sách Trọng tài viên mà Nguyên đơn chọn hoặc yêu cầu của 
Nguyên đơn về việc Chủ tịch Trung tâm chỉ định Trọng tài viên cho mình

Kèm theo Đơn kiện, Nguyên đơn phải gửi bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ thỏa thuận trọng tài, các tài liệu, chứng cứ có liên quan và chứng từ nộp tạm ứng phí trọng tài. Đơn kiện và các tài liệu kèm theo phải lập đủ số bản (05 bản) để gửi cho các thành viên trong Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp, mỗi người một bản, cho Bị đơn một bản và một bản lưu tại VIAC.

Hỏi : Công ước Niu Oóc là Công ước gì? Hiện nay có bao nhiêu quốc gia là thành viên của Công ước? Việt Nam đã tham gia Công ước này chưa?

Trả lời : Công ước về Công nhận và Thi hành các Quyết định Trọng tài nước ngoài của Liên Hiệp quốc thường được gọi là Công ước Niu Oóc, được thông qua vào năm 1958 và đánh dấu một mốc quan trọng trong trọng tài quốc tế. Công ước này đòi hỏi những nước tham gia phải công nhận các thoả thuận trọng tài bằng văn bản và tòa án của các nước thành viên phải từ chối giải quyết các các tranh chấp có dẫn chiếu đến một thoả thuận trọng tài. Các nước tham gia cũng phải công nhận và cho thi hành các quyết định trọng tài được tuyên tại những nước là thành viên của Công ước. Tính đến nay đã có 137 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Công ước. Việt Nam tham gia Công ước vào ngày 12 tháng 12 năm 1995. Để có bản đầy đủ của Công ước Niu Oóc, hãy vào trang web của UNCITRAL website.

Hỏi : Các bên có bắt buộc phải chỉ định trọng tài viên có tên trong Danh sách Trọng tài viên của VIAC không khi thủ tục trọng tài được giải quyết theo Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC?

Trả lời : Theo Quy tắc tố tụng của VIAC, đối với các vụ tranh chấp trong nước các bên phải chỉ định trọng tài viên có tên trong Danh sách Trọng tài viên của VIAC. Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, các bên có thể chỉ định trọng tài viên không có tên trong Danh sách Trọng tài viên của VIAC.

Hỏi : Đề nghị cho biết mức phí trọng tài khi giải quyết tại VIAC.

Trả lời : Hiện nay VIAC có Biểu phí trọng tài được chia làm hai loại gồm phí trọng tài áp dụng cho các vụ tranh chấp trong nước và phí trọng tài áp dụng cho vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Mức phí cụ thể sẽ được tính theo trị giá vụ tranh chấp mà các bên yêu cầu.

Hỏi : Trong quá trình giải quyết tranh chấp, việc các bên tự hoà giải có được công nhận không? Nếu có thì quyết định công nhận hoà giải thành được thi hành như thế nào?

Trả lời : Ðiều 37 Pháp lệnh Trọng tài Thương mại ngày 25/2/2003 (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2003) quy định, các bên có thể tự hoà giải. Trong trường hợp hoà giải thành thì theo yêu cầu của các bên, Hội đồng Trọng tài sẽ đình chỉ tố tụng. Các bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài lập biên bản hoà giải thành và ra quyết định công nhận. Biên bản phải được các bên và các trọng tài viên ký. Quyết định công nhận hoà giải thành của Hội đồng trọng tài là chung thẩm và được thi hành theo quy định tại điều 57 của Pháp lệnh này

Ðiều 57 Pháp lệnh quy định về thi hành Quyết định trọng tài như sau: Sau thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định trọng tài, nếu một bên không tự nguyện thi hành, bên đươc thi hành quyết định có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án cấp tỉnh, nơi có trụ sở, nơi cư trú hoặc nơi có tài sản của bên phải thi hành quyết định.

Hỏi : Khi lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, tòa án có hỗ trợ ra lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền lợi của các bên tranh chấp không?

Trả lời : Điều 33 Pháp lệnh Trọng tài Thương mại quy định như sau:
Trong quá trình Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại hoặc có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại, thì các bên có quyền làm đơn đến Toà án cấp tỉnh nơi Hội đồng Trọng tài thụ lý vụ tranh chấp yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời sau đây
1. Bảo toàn chứng cứ trong trường hợp chứng cứ đang bị tiêu huỷ hoặc có nguy cơ bị tiêu huỷ
2. Kê biên tài sản tranh chấp;
3. Cấm chuyển dịch tài sản tranh chấp
4. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản tranh chấp;
5. Kê biên và niêm phong tài sản ở nơi gửi giữ;
6. Phong toả tài khoản tại ngân hàng.

Như vậy, khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các bên vẫn có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Ngoài Điều 33 quy định về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Pháp lệnh Trọng tài còn quy định về thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 34), thay đổi hoặc hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 35), trách nhiệm của bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 36).

Hỏi : Giá trị pháp lý của Quyết định trọng tài? Trường hợp đã có Quyết định trọng tài, nếu một bên không đồng ý với Quyết định trọng tài thì có quyền kiện tiếp ra tòa án hay không?

Trả lời : Theo quy định tại Điều 6 của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại, Quyết định Trọng tài là chung thẩm, các bên phải thi hành, trừ trường hợp Toà án huỷ quyết định trọng tài theo quy định của Pháp lệnh này.

Khác với tòa án, nguyên tắc giải quyết bằng trọng tài đó là xét xử “một lần”. Vì vậy, Quyết định trọng tài có giá trị chung thẩm. Khi đã có Quyết định trọng tài các bên không thể khởi kiện tiếp ra tòa án.

Hỏi : Xin cho biết tiêu chuẩn để trở thành trọng tài viên? Những ai không được làm trọng tài viên?

Trả lời : Theo Điều 12 Pháp lệnh Trọng tài Thương mại, công dân Việt Nam có đủ các điều kiện sau đây có thể làm Trọng tài viên:
(a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
(b) Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, vô tư, khách quan;
(c) Có bằng đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ năm năm trở lê
Cũng theo Điều 12 Pháp lệnh Trọng tài Thương mại, những người sau đây không được làm trọng tài viên:
(a) Người đang bị quản chế hành chính, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xoá án tích không được làm Trọng tài viên.
(b) Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức đang công tác tại Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án không được làm Trọng tài viên.

Hỏi : Trong trường hợp chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp, các bên có quyền chọn luật áp dụng không?

Trả lời : Điều 7 Pháp lệnh Trọng tài Thương mại quy định như sau:
1. Đối với vụ tranh chấp giữa các bên Việt Nam, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật của Việt Nam để giải quyết tranh chấp.
2. Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn. Việc lựa chọn pháp luật nước ngoài và việc áp dụng pháp luật nước ngoài không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Như vậy, các bên chỉ có quyền chọn luật áp dụng khi vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Đối với vụ tranh chấp trong nước thì các bên không có quyền chọn luật áp dụng. Trong trường hợp các bên không lựa chọn pháp luật để giải quyết vụ tranh chấp thì Hội đồng Trọng tài quyết định.

Hỏi : Thời hiệu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là bao lâu?

Trả lời : Điều 21 Pháp lệnh Trọng tài Thương mại quy định thời hiệu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như sau:
1. Đối với vụ tranh chấp mà pháp luật có quy định thời hiệu khởi kiện thì thực hiện theo quy định đó của pháp luật.
2. Đối với vụ tranh chấp mà pháp luật không quy định thời hiệu khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện giải quyết vụ tranh chấp bằng trọng tài là hai năm, kể từ ngày xảy ra tranh chấp, trừ trường hợp bất khả kháng. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày xảy ra sự kiện cho đến khi không còn sự kiện bất khả kháng.

Hỏi : Tôi muốn chọn trọng tài adhoc để giải quyết tranh chấp. Xin cho biết pháp luật Việt Nam có cho phép sử dụng trọng tài adhoc không?

Trả lời : Theo Điều 19 Pháp lệnh Trọng tài Thương mại, các bên có quyền lựa chọn Trung tâm Trọng tài hoặc Hội đồng Trọng tài do các bên thành lập (trọng tài adhoc) để giải quyết vụ tranh chấp.
Điềukhoản trọng tài mẫu của VIAC

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) khuyến nghị các doanh nghiệp đưa điều khoản trọng tài mẫu sau đây của VIAC vào các hợp đồng thương mại:

Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”.

Ngoài ra, các bên có thể bổ sung các nội dung sau đây:
a) Số lượng trọng tài viên là (1 hoặc 3) …
b) Địa điểm tiến hành trọng tài tại …

Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, các bên có thể bổ sung:
c) Luật áp dụng cho hợp đồng này là luật của …
d) Ngôn ngữ dùng trong tố tụng trọng tài là …

No comments:

Post a Comment