20/08/2014
Các tội phạm về tham nhũng - Tội tham ô tài sản (Điều 278) - Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 1999 - Tập 5
II- CÁC TỘI PHẠM CỤ THỂ
MỤC A:  CÁC TỘI PHẠM VỀ THAM NHŨNG

Tham nhũng là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của. Tham nhũng là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự ra đời và phát triển của bộ máy Nhà nước, nó diễn ra ở tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị; tham nhũng xảy ra ở mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội; tham nhũng được coi là một căn bệnh nguy hiểm, nó gây ra tác hại nhiều mặt, cản trở sự phát triển của xã hội, thậm chí dẫn đến sự sụp đổ của cả một thể chế. Vì vậy, Đảng và Nhà nước coi tham nhung là một trong bốn nguy cơ, là mục tiêu đấu tranh để loại trừ ra khỏi đời sống xã hội. 

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng là cuộc đấu tranh trên mọi mặt trận, trong đó việc xử lý các hành vi phạm tội về tham nhũng là một việc rất quan trọng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước loại trừ tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội nhưng cũng phải xác định rằng không thể ngày một ngày hai chúng ta có thể loại trừ tệ nạn này được, đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gay go và quyết liệt và trong tình hình kinh tế xã hội nước ta hiện nay thì tính chất phức tạp càng gấp bội.

Các tội phạm về tham nhũng là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện một cách cố ý xâm phạm đến tài sản, uy tín của cơ quan, tổ chức; xâm phạm đến tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Bộ luật hình sự năm 1999 quy định 7 tội phạm là tội phạm về tham nhũng, đó là: tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và tội giả mạo trong công tác.

Các tội phạm về tham nhũng quy định tại mục A chương XXI, So với các tội phạm này quy định tại chương IX Bộ luật hình sự năm 1985 có nhiều sửa đổi bổ sung. Bộ luật hình sự năm 1985 không phân biệt tội phạm tham nhũng với tội phạm về chức vụ khác mà coi tham nhũng cũng là tội phạm về chức vụ.

Các yếu tố định tội và định khung hình phạt quy định tại mục A chương XXI Bộ luật hình sự năm 1999 cũng có nhiều sửa đổi bổ sung theo hướng không có lợi cho người phạm tội, nhưng cũng có những quy định lại có lợi cho người phạm tội.

Sau đây chúng tài sản sẽ lần lượt nghiên cứu các tội phạm cụ thể về tham nhũng.

1. TỘI THAM Ô TÀI SẢN 

Định nghĩa: Tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý

Tội tham ô tài sản là tội phạm được Nhà nước ta quy định rất sớm, ngay sau khi giành được chính quyền, trước khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành, tội tham ô tài sản được quy định tại Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 23-10-1970 và Sắc luật số 03/SL-76 ngày 15-3-1976 của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam. Sau khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành, Quốc hội cũng đã bốn lần sửa đổi bổ sung, trong đó tội tham ô quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985 cũng được sửa đổi một lần vào ngày 10 tháng 5 năm 1997 (có hiệu lực từ ngày 22 tháng 5 năm 1997). Vì vậy, khi nghiên cứu các dấu hiệu pháp lý của tội tham ô tài sản cần chú ý đến các thời điểm thời điểm ban hành, sửa đổi, bổ sung có liên quan đến hiệu lực về thời gian quy định tại Điều 7 Bộ luật hình sự. 
Theo quan niệm truyền thống, tham ô là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lấy của công làm của riêng, là việc làm xấu xa bị xã hội lên án; tham ô được coi như là một thứ bệnh hoạn, làm giảm lòng tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước.

Khi còn sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “đứng về phía cán bộ mà nói; tham ô là ăn cắp của công thành của tư; đục khoét của nhân đân; ăn bớt của bộ đội; tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung, của 
Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình cũng là tham ô”

Tham ô là một trong những hành vi tham nhũng, nhưng có thể nói cùng với hành vi nhận hối lộ, nó là hành vi chủ yếu của tham nhũng, đặc trưng điển hình của tệ tham nhũng.

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Có thể nói, đối với tội tham ô các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm là các dấu hiệu quan trọng nhất để xác định hành vi phạm tội. Sự khác nhau giữa tội tham ô tài sản với các tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt cũng chính là sự khác nhau về các dấu hiệu thuộc chủ thể của tội phạm. 

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội tham ô tài sản cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội tham ô tài sản, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:

Trước hết, người phạm tội tham ô phải là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm đối với tài sản mà họ chiếm đoạt.
Người có chức vụ, quyền hạn đã được nêu ở phần khái niệm các tội phạm về chức vụ.
Ngoài những cán bộ, công chức ra, chủ thể của tội tham ô tài sản còn có cả những người do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, những người này tuy không phải là cán bộ, công chức, họ chỉ được các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hợp đồng làm một công việc nhất định thường xuyên hay theo thời vụ hoặc trong một thời gian nhất định có liên quan đến việc quản lý tài sản và họ có trách nhiệm quản lý đối với tài sản.

Người có chức vụ, quyền hạn, phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản,  nếu họ không có trách nhiệm quản lý tài sản thì cũng không thể là chủ thể của tội tham ô tài sản được. Đây là điều kiện cần và đủ để một người có thể trở thành chủ thể của tội tham ô tài sản và cũng là dấu hiệu để phân biệt với một só tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt.

Người có trách nhiệm đối với tài sản là người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản như: Thủ quỹ, thủ kho, kê toán, người được giao vận chuyển tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị mình... Ngoài ra, còn những người tuy không được giao trực tiếp quản lý tài sản nhưng lại có trách nhiệm trong việc quyết định việc thu chi, xuất nhập, mua bán, trao đổi tài sản như: Giám đốc công ty, Chủ nhiệm hợp tác xã, người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức là chủ tài khoản hoặc là người có quyền quyết định về tài sản của cơ quan, tổ chức mình.

Việc xác định trách nhiệm của một người đối với tài sản là rất quan trọng, nếu xác định không đúng tư cách của người có trách nhiệm đối với tài sản mà họ chiếm đoạt thì dễ nhầm lẫn với các tội phạm có tính chất chiếm đoạt quy định tại Chương XVI Bộ luật hình sự như: tội trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản... Cũng là hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối nhưng nếu người thực hiện là người có trách nhiệm quản lý tài sản thì hành vi chiếm đoạt tài sản cấu thành tội tham ô, nhưng nếu người thực hiện không phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản thì hành vi chiếm đoạt tài sản cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ví dụ: Nguyễn Hùng C là Phó trưởng phòng kinh doanh thuộc Công ty vật tư tổng hợp. Trong một chuyến đi công tác, C đã khai khống thời gian lưu trú để được thanh toán khống 3.500.000 đồng là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, cũng tương tự như vậy, nếu Nguyễn Hùng C đã tạm ứng một số tiền để đi công tác, khi về C đã khai khống thời gian lưu trú để được thanh toán khống 3.500.000 đồng nên C không phải hoàn trả số tiền này cho phòng tài vụ thì hành vi của C lại là hành vi tham ô, vì C đã chiếm đoạt số tiền do chính mình có trách nhiệm quản lý.

Cũng chính vì đặc điểm này của tội tham ô tài sản nên về lý luận cũng như thực tiễn xét xử các luật gia đã đưa ra một kết luận là: Tham ô là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã trộm cắp, công nhiên, lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm... chiếm đoạt tài sản mà họ có trách nhiệm quản lý.

Do những đặc điểm riêng về chủ thể của tội tham ô tài sản, nên khoa học luật hình sự cho rằng, chủ thể của tội tham ô tài sản là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới tham ô được. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án tham ô không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng người thực hành trong vụ án có đồng phạm, thì nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Nếu người phạm tội chỉ chiếm đoạt dưới 500.000 đồng thì phải là người trước đó đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tham ô bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xoá kỷ luật1, mà lại có hành vi tham ô. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý kỷ luật, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi tham ô thì cũng chưa cấu thành tội phạm này. Ví dụ: Nguyễn Trung K là thủ kho Công ty vật tư nông nghiệp tỉnh P đã bị kỷ luật cảnh cáo về hành vi vi phạm kỷ luật lao động thường xuyên đi làm muộn, bỏ cơ quan không xin phép. Do bị thua bạc, nên Nguyễn Trung K đã lấy một chiếc máy bơm trị giá 450.000 đồng đem bán được 300.000 đồng thì bị bắt. Mặc dù Nguyễn Trung K đã bị xử lý kỷ luật, nhưng không phải là hành vi tham ô tài sản nên hành vi của K chưa cấu thành tội tham ô tài sản.

Nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 500.000 đồng nhưng đã  bị két án về về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản.

Đã bị kết án về tội quy định tại mục A chương này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm là trường hợp, trước khi thực hiện hành vi tham ô tài sản, người phạm tội đã bị Toà án kết án về một trong các tội: Tội tham ô tài sản ( Điều 278); tội nhận hối lộ ( Điều 279); tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản ( Điều 280); tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ ( Điều 281); tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ ( Điều 282); tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi ( Điều 283) và tội giả mạo trong công tác (Điều 284), nhưng chưa được xoá án tích theo quy định tại Điều 77 Bộ luật hình sự; nếu người phạm tội bị kết án về tội phạm khác ( không phải là một trong 7 tội phạm trên) hoặc tuy đã bị kết án về một trong 7 tội phạm trên nhưng đã được xoá án tích thì cũng chưa cấu thành tội tham ô tài sản.

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án tham ô thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 2. khoản 3 và khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp tham ô quy định tại các khoản trên là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với những người này họ chỉ có thể là đồng phạm trong vụ án tham ô với vai trò giúp sức, vì những người này chưa thể trở thành cán bộ, công chức hoặc những người được giao quản lý tài sản. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng có trường hợp người dưới 16 tuổi lại là người chủ mưu, khởi xướng trong vụ án tham ô có đồng phạm. Ví dụ: Trần Quốc T sinh ngày 15 tháng 1 năm 1986, đã bị nghiện ma tuý. Ngày 25-10-2001, T đến Trường phổ thông trung học cơ sở nơi mà T đã bỏ học bàn với Phạm Tuấn A là bảo vệ của nhà trường lấy linh kiện máy vi tính đem bán. Lúc đầu A chần chừ không đồng ý, sợ bị lộ, nhưng T đã vạch kế hoạch và thuyết phục A là không thể bị lộ được. A đồng ý. Khi học sinh đã tan học, A mở cửa phòng học vi tính để T vào dùng tô lô vít tháo lấy 8 ổ đĩa cứng, 15 con chuột, hai máy in và một số linh kiện có giá trị khác. Khi T mang đi tiêu thụ thì bị phát hiện bắt giữ. Trong vụ án này, A là người có trách nhiệm quản lý tài sản nhưng lại chỉ là người thực hành ( mở cửa phòng học vi tính) còn T mới 15 tuổi 9 tháng 10 ngày lại là tên chủ mưu đồng thời cũng là người cùng với A thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. 

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 278 Bộ luật hình sự mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội tham ô theo khoản 1 của Điều 278 Bộ luật hình sự, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội tham ô tài sản khoản 1 của điều luật là tội phạm nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm 

Nếu trước đây, tội tham ô quy định tại Chương các tội phạm xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa (Chương IV phần tội phạm, Bộ luật hình sự năm 1985), thì khách thể của tội phạm này nhất định là chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa. Nay tội tham ô tài sản được quy định tại Chương các tội phạm về chức vụ thì khách thể của tội phạm không còn là chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa nữa. Vậy khách thể của tội tham ô hiện nay là quan hệ xã hội nào bị xâm phạm ?

Đây là vấn đề mới và cũng là vấn đề đang có nhiều ý kiến khác nhau về khách thể của tội tham ô tài sản hiện nay.

Có ý kiến cho rằng, khách thể của tội tham ô vẫn là quan hệ sở hữu về tài sản của Nhà nước của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, vì nó trực tiếp xâm phạm đến quan hệ sở hữu. Tuy nhà làm luật không quy định sở hữu xã hội chủ nghĩa nhưng thực chất tội phạm này chỉ xâm phạm quan hệ sở hữu.

Ý kiến khác lại cho rằng, tội tham ô là tội do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện là tội phạm thuộc nhóm tội tham nhũng nên khách thể của tội phạm phải là những hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, còn quan hệ sở hữu chỉ là đối tượng tác động của tội phạm (thông qua quan hệ sở hữu mà xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức).

Có thể còn những ý kiến khác nhau về khách thể của tội tham ô tài sản. Tuy nhiên, khách thể của tội phạm này không còn là dấu hiệu để phân biệt tội tham ô tài sản với các tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt nên việc xác định khách thể của tội tham ô tài sản chỉ có ý nghĩa về lý luận mà không có ý nghĩa trong thực tiễn xét xử nên chúng tôi chỉ nêu những quan điểm khác nhau để tham khảo và tiếp tục nghiên cứu.  

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm 

Đối với tội tham ô tài sản, các dấu hiệu thuộc mặt khác quan cũng là những dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội cũng như để phân biệt tội tham ô tài sản với các tội phạm khác.

a. Hành vi khách quan

Trước hết, người phạm tội tham ô tài sản phải là người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình có để chiếm đoạt tài sản.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi chiếm đoạt tài sản đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc chiếm đoạt tài sản ; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng. Ví dụ: Nguyễn Quan L là Chánh văn phòng cơ quan T. Do cơ quan có nhu cầu phải sửa chữa trụ sở, L đã bàn bạc với Phạm Thị H kê toán trưởng, Vũ Thị M thủ quỹ sửa chữa hoá đơn, chứng từ nâng khống giá trị các hạng mục sửa chữa để chiếm đoạt 250.000.000 đồng chia nhau, phần L được 100.000.000 đồng, H được chia 80.000.000 đồng và M được chia 70.000.000 đồng.

 Tuy nhiên, người phạm tội  có việc lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản thì mới bị coi là tham ô tài sản. Nếu hành vi chiếm đoạt tài sản do người có chức vụ, quyền hạn  thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không bị coi là tham ô tài sản. Ví dụ: Trần Thị H là thuỷ quỹ của một Công ty X. Do chơi hụi nên H nợ nhiều người và mất khả năng thanh toán. H đã bàn với chồng là Đào Văn T dùng giấy tờ nhà thế chấp cho Công ty để vay 200.000.000 đồng với mục đích đầu tư nuôi tôm. Vì H là thủ quỹ Công ty lại có tài sản thế chấp nên Giám đốc công ty X đồng ý cho vợ chồng H vay tiền. Sau khi vay được tiền, vợ chồng H đã trả cho các chủ nợ, đến hạn không có tiền trả cho Công ty mới phát hiện bộ hồ sơ do vợ chồng H thế chấp cho Công ty là bộ hồ sơ giả. Hành vi chiếm đoạt của H và T là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải là hành vi tham ô tài sản, mặc dù H là người có chức vụ, quyền hạn và cũng có trách nhiệm quản lý tài sản nhưng H đã không lợi dụng chức vụ, quyền hạn đề chiếm đoạt tài sản mà chỉ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để Giám đốc công ty tin mà cho vợ chồng H vay tiền; chức vụ, quyền hạn của H chỉ là phương tiện để thực hiện thủ đoạn gian dối khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty.

Chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý. Về trách nhiệm quản lý tài sản đã được phân tích ở các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm. Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu thế nào là hành vi chiếm đoạt tài sản ?
Chiếm đoạt tài sản là một hành vi chuyển dịch bất hợp pháp tài sản từ chủ sở hữu thành tài sản của mình hoặc của người khác mà mình quan tâm. 

Hành vi chuyển dịch bất hợp pháp tài sản có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, có trường hợp người phạm tội tự chuyển dịch tài sản như: Thủ quỹ tự lấy tiền trong két, thủ kho tự lấy tài sản trong kho đem bán... Cũng có trường hợp việc chuyển dịch lại do người khác thực hiện theo lệnh của người phạm tội như: Giám đốc lệnh cho thủ quỹ đưa tiền cho mình; kê toán lập phiếu thu, phiếu chi, chuyển khoản theo lệnh của người phạm tội.

Thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của người phạm tội tham ô hoàn toàn tương tự như thủ đoạn của người phạm tội trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhệm chiếm đoạt tài sản...như: lén lút, công khai, gian dối, bội tín... Cũng chính vì đặc điểm này mà tội tham ô tài sản được coi là trộm cắp, công nhiên chiếm đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người có chức vụ, quyền hạn có trách nhiệm quản lý tài sản. 

Hiện nay, việc xác định hành vi chiếm đoạt tài sản nói chung và chiếm đoạt tài sản trong tội tham ô tài sản nói riêng trong nhiều trường hợp đã khác nhiều so với quan niệm truyền thống. Ví dụ: Nếu trước đây một thủ quỹ lấy tiền trong két đem gửi tiết kiệm mang tên mình hoặc tên người khác bị coi là chiếm đoạt tài sản và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản, thì ngày nay hành vi này của Thủ quỹ chỉ là hành vi sử dụng trái phép tài sản.

Thực tiễn xét xử cho thấy, trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhiều công ty, đơn vị đã phải chi một khoản tiền không đúng với quy định của Nhà nước. Khi chi những khoản tiền này, thông thường người phụ trách không nói lý do cho các nhân viên dưới quyền biết mục đích của việc chi tiêu và nếu có biết thì chỉ được giải thích là chi “giao dịch” hoặc “tiếp khách”. Trong các khoản chi sai nguyên tắc không ít khoản Giám đốc công ty, người đứng đầu đơn vị bỏ túi. Khi vụ án bị phát hiện, thông thường các khoản chi sai đều bị quy kết là chiếm đoạt và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản. 

Việc quy kết cho Giám đốc công ty hoặc người đứng đầu đơn vị chiếm đoạt toàn bộ số tiền chi sai nguyên tắc và truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội tham ô tài sản rõ ràng là không chính xác vì họ không chiếm đoạt số tiền đó. Vì vậy, gặp trường hợp này các cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định trong các khoản tiền chi sai nguyên tắc, khoản nào người phạm tội chiếm đoạt thì mới phạm tội tham ô, còn khoản nào chi thực thì chỉ coi hành vi đó là hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, nếu người phạm tội dùng tiền hoặc tài sản để đưa hối lộ cho người khác nhưng không có căn cứ xác định người nhận hối lộ, mới chỉ có lời khai của người đưa hối lộ thì phải coi hành vi của người “khai” đưa hối lộ là hành vi chiếm đoạt số tiền đã “khai đưa hối lộ cho người khác”. Về vấn đề này, hiện nay cũng đang có ý kiến khác nhau và việc xử lý của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, cho dù không xác định được người nhận hối lộ, bời vì người nhận hối lộ nếu không có bằng chứng cụ thể thì không bao giờ họ chịu nhận, nhưng vẫn có thể xác định người “khai” đưa hối lộ là hành vi đưa hối lộ.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng, nếu lấy tiền do mình có trách nhiệm quản lý để đưa hối lộ mà không chứng minh được hành vi nhận hối lộ thì phải coi là chiếm đoạt và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản, bởi lẽ người phạm tội đã chuyển dịch bất hợp pháp tài sản từ chủ sở hữu sang người khác mà mình quan tâm.

Quan điểm thứ ba lại cho rằng, chỉ nên truy cứu trách nhiệm hình sự đôi với hành vi trên về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 
Những quan điểm khác nhau trên, cũng xuất phát từ thực tiễn xét xử đặt ra, nhưng chưa được tổng kết, hướng dẫn thống nhất.

b. Hậu quả

Cũng như hậu quả của các tội phạm khác, hậu quả của tội tham ô tài sản là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội.

Đối với tội tham ô tài sản, thiệt hại trước hết là thiệt hại về tài sản, ngoài ra còn có những thiệt hại khác phi vật chất.

Hậu quả của tội tham ô tài sản, xét về phương diện các yếu tố cấu thành tội phạm thì không phải là dấu hiệu bắt buộc, tức là, dù hậu quả chưa xảy ra nhưng hành vi vẫn cấu thành tội phạm. 

Hiện nay, không chỉ đối với tội tham ô tài sản mà đối với nhiều tội phạm khác, nhà làm luật quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt làm ranh giới phân biệt tội phạm với hành vi vi phạm, nên có quan điểm cho rằng, thiệt hại về tài sản của các tội phạm này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm nếu chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được nhưng giá trị tài sản dưới mức quy định của điều luật thì chưa cấu thành tội phạm. Đây là sự nhầm lẫn giữa hậu quả của tội phạm với thiệt hại thực tế đã xảy ra, bời vì hậu quả của tội phạm không chỉ là những thiệt hại do tội phạm đã gây ra mà còn đe doạ gây ra cho xã hội, tức là thiệt hại vật chất chưa xảy ra nhưng cũng đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. 

Đối với tội tham ô tài sản cũng vậy, nhà làm luật quy định chiếm đoạt từ 500.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu chiếm đoạt dưới 500.000 đồng thì phải có thêm những điều kiện như: Gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Quy định này không có nghĩa là trong mọi trường hợp người phạm tội phải chiếm đoạt được 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng có kèm theo điều kiện thì mới cấu thành tội phạm, mà quy định này chỉ đối với trường hợp người phạm tội có ý định tham ô 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng và ngay cả với hai trường hợp này nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản thì hành vi của họ vẫn cấu thành tội phạm nhưng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Khái niệm chiếm đoạt chứa đựng nội dung của sự cố ý nên cũng có thể hiểu rằng người phạm tội có ý định chiếm đoạt. Tuy nhiên, nếu có ý định chiếm đoạt 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng nhưng chưa chiếm đoạt được thì hầu như người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi tham ô tài sản gây ra là những thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi tham ô tài sản gây ra nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả nghiêm trọng do hành vi tham ô tài sản gây ra:

- Làm chết một người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa. 2

Tuy nhiên, hướng dẫn trên là hướng dẫn đối với các tội xâm phạm sở hữu, nhưng đối với tội tham ô cũng là tội phạm có tính chất chiếm đoạt nên trong khi chưa có hướng dẫn chính thức về trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đối với tội tham ô tài sản, có thể áp dụng Thông tư liên tịch này để xác định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đối với tội phạm này.

Về Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999 cũng có nhiều vấn đề cần trao đổi, nhưng dù sao đó cũng là một văn bản hướng dẫn của các cơ quan có trách nhiệm ở trung ương, nên chúng tôi không đề cập khi phân tích các dấu hiệu cấu thành các tội phạm về chức vụ. Nếu thời gian sắp tới Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an và Bộ Tư pháp ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng các quy định tại chương “các tội phạm về chức vụ” mà tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng không giống như quy định tại thông tư số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001, thì cũng không có gì là lạ và chúng ta sẽ căn cứ vào các hướng dẫn đó để xác định trường hợp tham ô gây hậu quả nghiêm trọng.3

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm 

Tội tham ô cũng là tội phạm có tính chất chiếm đoạt nên cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt khác, người phạm tội thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; không có trường hợp tham ô tài sản nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn chiếm đoạt được tài sản. 

Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt sản. Vì vậy, có thể nói mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội tham ô tài sản. Nếu mục đích của người phạm tội chưa đạt được (chưa chiếm đoạt được tài sản), thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản, nếu mục đích đó không cấu thành một tội phạm độc lập. Ví dụ: Mai Anh Th là kê toán nhà máy X, vì bị kỷ luật, nên Mai Anh Th có thù hằn với ông Đinh Khắc T là Giám đốc nhà máy. Khi ông T gợi ý với Th sửa chữa sổ sách để rút 100.000.000 đồng chia nhau thì Th đồng ý ngay, vì Th cho rằng sau khi rút được tiền, Th sẽ tố cáo hành vi của ông T để trả thù vì việc Th bị kỷ luật.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội tham ô tài sản không có các tình tiết định khung hình phạt 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 278 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội tham ô tài sản, có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù. So với tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt, thì khoản 1 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn, nhưng căn cứ vào các dấu hiệu quy định tại khoản 1 của Điều 278 thì khoản 1 Điều 278 không có lợi cho người phạm tội, vì khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định chiếm đoạt 5.000.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn khoản 1 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định chiếm đoạt 500.000 đồng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự và nếu so sánh tội tham ô quy định tại Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 với tội tham ô quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985 thì không có tội phạm nào nặng hơn tội phạm nào, nên hành vi tham ô xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985.

Khoản 1 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là bảy năm tù, nên đối với người phạm tội dưới 16 tuổi mà thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 278 thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội tham ô tài sản theo khoản 1 Điều 278 Bộ luật hình sự, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54).4 Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới hai năm tù), nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì được hưởng án treo. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến bảy năm tù. 

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì:
- Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 278 Bộ luật hình sự bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật;
- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự sẽ được áp dụng hình phạt thấp hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ;
- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng; 
- Người phạm tội chiếm đoạt được tài sản phải bị phạt nặng hơn người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản; tài sản bị chiếm đoạt càng nhiều, hình phạt càng nặng;
- Người phạm tội bồi thường được càng nhiều tài sản bị chiếm đoạt thì mức hình phạt càng được giảm so với người phạm tội chỉ bồi thường hoặc chỉ bồi thường không đáng kể. 5

2. Tham ô tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự 

a.Có tổ chức.

Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, tham ô tài sản có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ án tham ô tài sản có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên, mà tuỳ từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi dục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành thì mới là phạm tội có tổ chức. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên phạm tội tham ô tài sản có tổ chức có những đặc điểm riêng như:

Người thực hành trong vụ án tham ô có tổ chức phải là người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp thực hiện hành vi chiếm đoạt và thủ đoạn chiếm đoạt tài sản như: Thủ quỹ lấy tiền trong két, sửa chữa sổ sách; kê toán viết phiếu thu chi khống, sửa chữa sổ sách hoặc xác nhận các phiếu thu chi khống để hợp thức hoá việc chiếm đoạt tài sản;

Tham ô có tổ chức thường khó bị phát hiện, vì việc thu, chi khống đã được hợp thức hoá bằng một hệ thống sổ sách, hoá đơn chứng từ. Chỉ khi nào một trong những người đồng phạm tố giác thì sự việc mới bị phát hiện;

Trong những năm gần đây, tham ô có tổ chức với quy lớn thường được tổ chức rất chặt chẽ và kèm theo hành vi tham ô là hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ. Người phạm tội tham ô tài sản và dùng tài sản chiếm đoạt được đưa hối lộ cho những người có chức, có quyền với mục đích để được bao che cho hành vi tham ô của mình, người nhận hối lộ lúc đầu chỉ là để bao che cho hành vi tham ô nhưng sau đó lại là người giúp sức hoặc chính họ lại là người khởi xướng để đồng phạm tham ô tiếp tài sản. Các vụ án tham nhũng như: vụ Nhà máy dệt Nam Định, vụ Tamexco, vụ Epco-Minh Phụng, vụ Mường Tè, vụ nước khoáng Kim Bôi...phản ảnh rất rõ đặc điểm này của tham ô có tổ chức.

b. Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm.

Dùng thủ đoạn xảo quyệt khi thực hiện hành vi tham ô tài sản là trường hợp  người phạm tội có những mánh khoé, cách thức thâm hiểm làm cho cơ quan, tổ chức, người quản lý tài sản và những người khác khó lường trước để đề phòng như: Thủ quỹ, kê toán sửa chữa sổ sách để chiếm đoạt tài sản bằng các hoá chất rất khó phát hiện hoặc sau khi đã chiếm đoạt được tài sản người phạm tội tạo hiện trường giả như phá khoá cửa tạo vụ trộm cắp giả, giả vờ bị cướp, bị cướp giật, bị trộm cắp... để che giấu hành vi tham ô của mình.

Dùng thủ đoạn nguy hiểm khi thực hiện hành vi tham ô tài sản là trường hợp người phạm tội có những thủ đoạn chiếm đoạt tài sản hoặc thủ đoạn che giấu hành vi tham ô gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của con người như: Thủ kho sau khi lấy tài sản trong kho do mình quản lý, đã đốt kho để phi tang; người bảo vệ hồ cá dùng hoá chất hoặc thuốc trừ sâu, diệt chuột đổ xuống ao, hồ để bắt cá chết nổi gây ô nhiễm nguồn nước sạch gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của nhiều người.

c. Phạm tội nhiều lần

Tham ô tài sản nhiều lần là có từ hai lần tham ô tài sản trở lên và mỗi lần tham ô tài sản đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý ( xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội tham ô tài sản nhiều lần. 

d. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng

Đây là trường hợp người phạm tội tham ô tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội khác, nếu tài sản bị chiếm đoạt không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản là căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).

Mặc dù điều luật quy định chiếm đoạt tài sản, nhưng không vì thế mà cho rằng, người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản trị giá từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng mới thuộc trường hợp phạm tội này, mà chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản, đã thực hiện thủ đoạn để chiếm đoạt  có giá trị như trên là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, nếu chưa chiếm đoạt được tài sản thì người phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

Ví dụ: Vũ Thị C là thủ quỹ công ty kinh doanh tổng hợp huyện K, do chơi số đề nên thị C đã lấy 30.000.000 đồng trong két đem giấu vào tủ tài liệu ở cơ quan rồi tạo dựng hiện trường giả là bị mất trộm. Sau khi cơ quan công an nhận được tin Công ty K bị mất trộm đã khám xét hiện trường và phát hiện đó là hiện trường giả, nên đã đấu tranh với thị C. Thấy không thể chối cãi nên C đã nhận tội. Mặc dù Thị C chưa chiếm đoạt được số tiền 30.000.000 đồng nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, thị C còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 với tình tiết dùng thủ doạn xảo quyệt.

đ. Gây hậu quả nghiêm trọng khác 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 1 của điều luật, chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này là hậu quả nghiêm trọng do hành vi phạm tội tham ô từ 500.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng. Nếu dưới 500.000 đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng thì đã thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật rồi. Được coi là gây hậu quả nghiêm trọng khác nếu do hành vi tham ô mà:

- Làm chết một người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa. Việc đánh giá này hoàn toàn thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Khoản 1 của điều luật chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng còn điểm đ khoản 2 của điều luật lại quy định gây hậu quả nghiêm trọng khác, nên có ý kiến cho rằng hậu quả nghiêm trọng khác và hậu quả nghiêm trọng không phải là một. Đây là vấn đề có thể có những quan điểm khác nhau, vì về lý luận cũng như thực tiễn xét xử chưa có trường hợp nào cần phải phân biệt giữa hậu quả nghiêm trọng với hậu quả nghiêm trọng khác. Mặt khác, Bộ luật hình sự năm 1985 quy định tội tham ô tài sản cũng chỉ quy định hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà chưa quy định hậu quả nghiêm trọng khác. 

Tuy nhiên, khi nói hậu quả nghiêm trọng do hành vi tham ô gây ra và hậu quả nghiêm trọng khác do hành vi tham ô gây ra cũng có thể hiểu được rằng, hậu quả nghiêm trọng do hành vi tham ô gây ra là những thiệt hại trực tiếp do chính hành vi phạm tội cũng như thủ đoạn thực hiện tội phạm gây ra như: giá trị tài sản bị chiếm, còn hậu quả nghiêm trọng khác do hành vi tham ô gây ra là những thiệt hại gián tiếp do việc thực hiện tội phạm gây ra như: do tham ô tài sản nên gây ra sự nghi ngờ nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng, do tham ô tài sản nên không thực hiện được chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sỹ. v.v...

Nếu sự phân biệt trên là có căn cứ thì khoản 1 của điều luật quy định hậu quả nghiêm trọng cũng khó xác định ngoài giá trị tài sản bị chiếm đoạt, thì các thiệt hại khác đều là những thiệt hại gián tiếp do hành vi phạm tội gây ra và nó chỉ là hậu quả khác. Do đó có ý kiến cho rằng, khoản 1 điều luật cũng nên quy định gây hậu quả khác mới chính xác. Quan điểm này cũng có cơ sở lý luận và thực tiễn. Hy vọng rằng khi có điều kiện, nhà làm luật sẽ nghiên cứu sửa đổi để phù hợp hơn. 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
So với khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 2 Điều 278 có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội, mặc dù khung hình phạt ở khoản 2 Điều 133 và khoản 2 Điều 278 như nhau (từ bảy năm đến mười lăm năm). Vì vậy, khi áp dụng khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý một số điểm sau:

Nếu hành vi tham ô có sự thông đồng với người khác xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không áp dụng khoản 2 Điều 133 hay khoản 2 Điều 278 mà áp dụng khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985;

Nếu hành vi tham ô có tổ chức xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không áp dụng khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985 mà áp dụng khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999;

Nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì vẫn áp dụng khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985;

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội tham ô tài sản theo khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự, Toà án cũng cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới bảy năm tù) nhưng không được dưới hai năm tù vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 2 là khoản 1 Điều 278 Bộ luật hình sự ).

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì: Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 278 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự. 6

3. Tham ô tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự 

a. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự, chỉ khác là tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng. Cũng như các trường hợp khác, việc xác định giá trị tài sản là căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).

Cũng như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2, điều luật chỉ quy định chiếm đoạt tài sản nhưng không vì thế mà cho rằng, người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản trị giá từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng mới thuộc trường hợp phạm tội này, mà chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản và đã thực hiện thủ đoạn chiếm đoạt số tài sản có giá trị như trên là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, nếu chưa chiếm đoạt được tài sản thì người phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả  nghiêm trọng khác, chỉ khác ở chỗ: Trường hợp phạm tội này hậu quả khác do hành vi tham ô gây ra là hậu quả rất nghiêm trọng. Cũng như các trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng khác, khi xác định cần căn cứ vào các thiệt hại về thể chất, về tài sản, thiệt hại phi vật chất do hành vi phạm tội tham ô gây ra. 

Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi tham ô tài sản gây ra là những thiệt  rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi tham ô tài sản gây ra nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi tham ô tài sản gây ra:

-Làm chết hai người;
-Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
-Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
-Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
-Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;
-Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản thuộc hai đến ba trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Làm chết một người và còn làm bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Làm chết một người và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. v.v...

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng. 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

So với khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định theo hướng có lợi cho người phạm tội, mặc dù khung hình phạt ở khoản 3 Điều 133 và khoản 3 Điều 278 như nhau (từ mười lăm năm đến hai mươi năm tù). Vì vậy, khi áp dụng khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý một số điểm sau:

Nếu hành vi tham ô có tổ chức xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không áp dụng khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985 mà áp dụng khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999;

Nếu hành vi tham ô có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 278 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không áp dụng khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 và cũng không áp dụng khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985; 

Nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì vẫn áp dụng khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985;

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội tham ô tài sản theo khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới mười lăm năm tù) nhưng không được dưới bảy năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 3 là khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự ).

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì: Người phạm tội thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 278 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự. 7

4. Tham ô tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự 

a. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự, chỉ khác là tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên. Cũng như các trường hợp khác, việc xác định giá trị tài sản là căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).

Cũng như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 và và điểm a khoản 3, điều luật chỉ quy định chiếm đoạt tài sản nhưng không vì thế mà cho rằng, người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản trị giá từ năm trăm triệu đồng trở lên mới thuộc trường hợp phạm tội này, mà chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản và đã thực hiện thủ đoạn chiếm đoạt số tài sản có giá trị như trên là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, nếu chưa chiếm đoạt được tài sản thì người phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng khác quy định tại điểm đ khoản 2 và gây hậu quả rất nghiêm trọng khác tại điểm b khoản 3 của điều luật, chỉ khác ở chỗ: Trường hợp phạm tội này hậu quả khác do hành vi tham ô gây ra là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cũng như các trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, khi xác định cần căn cứ vào các thiệt hại về thể chất, về tài sản, thiệt hại phi vật chất do hành vi phạm tội tham ô gây ra. 

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi tham ô tài sản gây ra là những thiệt  đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi tham ô tài sản gây ra nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi tham ô tài sản gây ra:

-Làm chết ba người trở lên;
-Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
-Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
-Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
-Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;
-Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng;
-Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai trường hợp được coi là hậu quả rất nghiêm trọng;

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

So với khoản 4 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ xét về hình phạt  thì khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, vì mức thấp nhất của khung hình phạt là hai mươi năm tù và khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 bỏ tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 điều này”.  Vì vậy, khi áp dụng khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý một số điểm sau:

Nếu hành vi tham ô có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều 278 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không áp dụng khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 và cũng không áp dụng khoản 4 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985; 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội tham ô tài sản theo khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới hai mươi năm tù) nhưng không được dưới mười lăm năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 4 là khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự ).

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì: Người phạm tội thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 278 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự.8

Do điều luật quy định khung hình phạt có ba mức khác nhau và để việc áp dụng thống nhất pháp luật Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15-3-2001 dẫn áp dụng một số quy định của các Điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 Bộ luật hình sự. Theo hướng dẫn này thì:

Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với giá trị tài sản bị chiếm đoạt như sau:

- Xử phạt hai mươi năm tù nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng;
- Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ đồng đến dưới ba tỷ đồng;
- Xử phạt tử hình nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ ba tỷ đồng trở lên.

Trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn, đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nhẹ hơn, cụ thể như sau:

- Xử phạt tù từ mười lăm năm đến dưới hai mươi năm nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng (trường hợp này phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự);
- Xử phạt hai mươi năm tù nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ đồng đến dưới ba tỷ đồng;
- Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ ba tỷ đồng trở lên.

Trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn, đồng thời đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ xét thấy cần tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, thì có thể phạt người phạm tội mức hình phạt nặng hơn mức hình phạt được hướng dẫn trên, cụ thể như sau:

- Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng;
- Xử phạt tử hình nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ  đồng trở lên.

Trong trường hợp theo hướng dẫn thì người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội  đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội) thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.

Được coi là đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt nếu:
- Đã bồi thường được ít nhất  một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt;  
- Đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn... đến mức tối đa). 

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội tham ô tài sản 

Theo quy định tại khoản 5 Điều 278 Bộ luật hình sự thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội tham ô tài sản còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

So với tội tham ô tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985 thì hình phạt bổ sung đối với tội tham ô tài sản quy định tại Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm được sửa đổi bổ sung như sau: 

Nếu Điều 142 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 5 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”. Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội tham ô trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 5 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội. 

Nếu Điều 142 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “có thể bị phạt tiền đến ba mươi triệu đồng và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, thì khoản 5 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”. Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt tiền đối với người phạm tội tham ô trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không được áp dụng khoản 5 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 mà phải áp dụng Điều 142 Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự thì có thể phạt dưới mười triệu đồng nhưng không được dưới một triệu đồng vì theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Bộ luật hình sự mức phạt tiền không được dưới một triệu đồng.

No comments:

Post a Comment