Văn hóa công sở là tổng thể các yếu tố về hành vi giao tiếp, tinh thần thái độ trong việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, cán bộ trong việc sản xuất, bố trí các trang thiết bị làm việc, bài trí công sở. Văn hóa công sở phản ánh những giá trị xã hội có thực liên quan đến quá trình điều hành công sở, mối quan hệ giữa văn hóa công sở với văn hóa truyền thống dân tộc đòi hỏi các tổ chức khi xây dựng các chuẩn mực điều hành cần phải hướng dẫn sự hài hòa chung của xã hội. Các yếu tố cấu thành văn hóa công sở rất đa dạng và phong phú, mỗi yếu tố cấu thành đều ảnh hưởng nhất định đến tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức. Vì vậy xem xét các yếu tố này có ý nghĩa lớn để xây dựng và hoàn thiện văn hóa công sở, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi đặt ra hiện nay. Các yếu tố cấu thành văn hóa công sở bao gồm: Yếu tố trang phục, giao tiếp ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, bài trí công sở, phong tục tập quán, vị trí địa lý, đạo đức xã hội, dư luận xã hội, thiết chế bộ máy cơ quan..
* Về trang phục: Người cán bộ, công chức, viên chức khi làm việc ở công sở phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự; nếu những ngành có trang phục riêng thì phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Thẻ cán bộ, công chức, viên chức luôn phải được đeo bên mình khi thực thi nhiệm vụ. Trong thẻ phải có tên cơ quan, ảnh, họ và tên, chức danh, số hiệu của cán bộ, công chức, viên chức
* Về giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức:Phải có thái độ lịch sự, tôn trọng mọi người; ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc, không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt….Trong giao tiếp, ứng xử với nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với người dân trong quá trình thực thi nhiệm vụ[1]. Khi giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp cần phải trung thực, thân thiện, hợp tác. Ngoài ra mức độ tự giác, đoàn kết trong công sở đóng vai trò như là yếu tố cốt lõi, có nhiệm vụ là sợi dây liên kết con người, thể hiện tinh thần làm việc với cái tâm bên trong, tạo nên các thang bậc của lòng nhiệt huyết, cũng từ đó làm cho mọi người ý thức với chính bản thân và ý thức được trong mối liên hệ với mọi người “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.
* Việc bài trí công sở (treo Quốc huy và Quốc kỳ): Quốc huy phải được treo trang trọng tại phía trên cổng chính hoặc toà nhà chính nơi cơ quan làm việc. Kích thước của Quốc huy phải phù hợp với không gian treo; không treo Quốc huy đã quá cũ hoặc đã bị hư hỏng. Đối với Quốc kỳ cũng cần được treo tại nơi trang trọng trước công sở hoặc toà nhà chính. Quốc kỳ được treo phải đúng về tiêu chuẩn, kích thước, màu sắc như đã quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
* Bài trí khuôn viên công sở: Mỗi cơ quan khi hoạt động đều phải gắn biển tên cơ quan tại cổng chính, ghi đầy đủ tên cơ quan bằng tiếng Việt và địa chỉ của cơ quan đóng trụ sở. Tại các phòng làm việc phải gắn biển tên ghi rõ họ tên đơn vị, họ và tên, chức danh cán bộ, công chức, viên chức…Tài liệu, hồ sơ và các phương tiện làm việc cần sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Mỗi cơ quan cần phải sắp xếp một khu vực thuận tiện để phương tiện giao thông cho cán bộ, công chức, viên chức và của khách đến giao dịch tại cơ quan.
* Vị trí địa lý, phong tục tập quán: Vị trí khung cảnh nơi làm việc của cán bộ công chức bao gồm các yếu tố nghỉ ngơi, giải trí,làm việc ảnh hưởng đến tâm lý, thể trạng, thể lực và năng suất lao động của cán bộ công chức[2]. Cần bố trí công sở ở vị trí thuận lợi nằm ở trung tâm khu vực đển tiện cho giao thông, liên lạc, có diện tích phù hợp, có môi trường trong sạch, không ô nhiễm, trụ sở cơ quan phải phù hợp với vị trí địa lý[3].
Văn hóa công sở xuất phát tứ vai trò của chính công sở trong đời sống xã hội và trong hoạt động của bộ máy hành chính mà nó là một bộ phận cấu thành. Xây dựng văn hóa công sở là xây dựng một nền nếp làm việc khoa học, có kỷ cương, dân chủ. Nó đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lỹ cũng như toàn bộ thành viên của cơ quan phải quan tâm đến hiệu quả hoạt động chung của cơ quan mình. Người chỉ huy phải hiểu rõ vai trò của các nhân viên, đưa ra các mệnh lệnh chỉ huy chính xác đúng đắn, giải quyết công việc thấu tình đạt lý. Cán bộ phải tôn trọng kỷ luật cơ quan, phải đoàn kết và hợp tác trên những nguyên tắc chung, chống lại bệnh quan liêu, hách dịch, cơ hội.
Công sở là là nơi diễn ra hoạt động của nhà nước, là bộ mặt của cơ quan nhà nước và thực hiện các giao dịch hành chính. Để bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; đồng thời xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
PHỤ LỤC
[1] Hiện nay, thái độ của một bộ phận không nhỏ CBCC đối với nhân dân không được tốt, thường là quan lieu, xa rời dân, làm cho nhân dân có cách nhìn không thiện cảm, vào công sở như “vào cửa quan”. Do vậy yếu tố này luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cách nhìn của nhân dân đối với công sở, thể hiện nét đẹp văn hóa của CBCC khi tiếp xúc với công dân.
[2] Thực tiễn cho thấy rằng các công sở có trụ sở tại các vùng kinh tế phát triển thì phát triển hơn các công sở ỏ những vùng có kinh tế kém phát triển hơn, nên hiệu quả làm việc của cán bộ công chức ở vùng có nền kinh tế phát triển cũng sẽ cao hơn so với các nơi khác. Cán bộ công chức ở vùng kình tế phát triển sẽ nắm bắt được nhiều thông tin hơn, họ nhạy bén hơn trong công việc, yêu cầu của công việc cũng bắt bược họ phải có những bước chuẩn bị kỹ càng hơn, vì vậy tâm lý làm việc của cán bộ công chức sẽ thay đổi theo, mức độ cạnh tranh trong công việc cũng cao hơn. Ngược lại cán bộ công chức ở vùng sâu vùng xa sẽ ít có điều kiện tiếp cận với thông tin hơn, mức độ cạnh tranh trong công việc cũng giảm.
[3] Ví dụ : khi bố trí nơi làm việc của Ủy ban nhân dân thì cần chú ý tới các yếu tố như là gần đường giao thông tốt, thuận lợi, ở vị trí trung tâm, gần các tổ chức khác như trường học, bệnh viện, gần với các tổ chức khác. Trong tổ chức, cơ quan, các phòng ban cần được bố trí hợp lý, không để xảy ra tình trạng các phòng ban có liên hệ chặt chẽ với nhau lại bố trí xa nhau quá, khó khăn trong việc giao dich, trao đổi thông tin công việc của tổ chức.
No comments:
Post a Comment