11/09/2014
Phân tích và đánh giá chính sách pháp luật của nhà Tây Chu
Bài tập học kỳ Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới có đáp án.

ĐĂT VẤN ĐỀ

Trung Quốc với hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, đây được coi là nơi có nền văn minh lâu đời nhất thế giới.  Nền văn minh Trung Quốc bắt nguồn tại các khu vực thung lũng dọc theo Hoàng Hà và Trường Giang. Góp phần tạo nên sự phồn thịnh cho lịch sử Trung Quốc phải kể dến các triều đại như nhà Thương, nhà Hạ, nhà tần…Trong đó, phải nói đến nhà Tây Chu. Nhà Chu với  một vùng lãnh thổ rộng lớn,  bằng việc áp dụng những chính sách pháp luật tiến bộ  đã tác động tích cực đến chế độ phong kiến. Chính vì vậy, để có thể tìm hiểu sâu hơn những điểm tiến bộ về chính sách pháp luật của nhà Tây Chu, sau đây em xin được trình bày về đề tài: “phân tích và đánh giá chính sách pháp luật của nhà Tây Chu”.

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

I. Khái quát chung về nhà Tây Chu

Sau Hạ - Thương là nhà chu, nhà Chu được thành lập vào khoảng năm 1027 TCN, đến năm 256 TCN thì bị nhà Tần tiêu diệt. Lấy việc rời đô về phía đông của nhà Chu làm ranh giới thì thời kì đầu của nhà Chu là Tây Chu.

1.Chế độ chính trị

Tây Chu là thời đại nổi tiếng về chế độ chính trị phong kiến. Có thể thấy,  trong lịch sử chế độ chính trị Trung Quốc cộ cùng với những triều đại khác chỉ có nhà Tây Chu có chế độ chính trị phong kiến mang ý nghĩa hoàn chỉnh. Gọi là phong kiến chính là chính quyền quốc gia được phong và kiến lập thông qua phong vương, phong đất mà trị lí một nước. Xã hội Trung Quốc mà chúng ta gọi từ thời Trần Hán về sau là xã hội phong kiến về cơ bản khác với phong kiến thời Tây Chu. Biểu hiện tương đối rõ nét của chế độ phong kiến thời Tây chu là chế độ lấy tông pháp làm cơ sở. Chế độ tông pháp Tây Chu rất đặc sắc, nói chung nó do đại tông và tiểu tông có kết cấu dạng hình cây tạo thành. Có thể nói , nhìn từ giác độ sinh hoạt xã hội, tông chủ của các tông làm trung tâm, còn nhìn từ giác độ sinh hoạt chính trị, thiên tử và các vị quân chủ của các nước là trung tâm. Chế độ phong kiến và chế độ tông pháp phối hợp bổ sung cho nhau, bảo đảm sự tồn tại và vận hành của quyền lực.

2. Bộ máy nhà nước

2.1. Bộ máy quan lại ở trung ương

Thời Tây Chu, bộ máy quan lại triều đình đi vào quy phủ. Vua thiết lập Tam công để giúp vua quản lí triều đình. Tam công bao gồm ba chức quan lớn theo thứ tự cao thấp: Thái sư, Thái phó, Thái bảo. Sau đó, nhà Tây Chu bỏ Tam công và lập ra sáu chức quan cao thấp trong triều đình(6 khanh), đó là Thái tể có quyền hành, Tư đồ chuyên quản lí công việc lao động của nô lệ, công việc chinh phạt và mở rộng đất, tòng bá và ba chức quan cuối cùng là Tư mã, Tư khẩu, Tư không lần lượt là coi việc quân chính trong triều và đối ngoại, coi việc hình pháp và cuối cùng là coi việc sản xuất thủ công nghiệp và thủy lợi.Song song với lục khanh có Thái tử liêu.

2.2. Bộ máy quan lại ở địa phương

Ở địa phương,  phân chia khu vực hành chính mở rộng và hoàn thiện hơn so với Hạ - Thương. Xung quanh kinh đô Cảo Kinh thiết lập Lục toại – sáu khu quản lí hành chính. Quan đúng đầu Toại gọi là Toại sư, quản lí đất đai và dần số ở Toại. Nhà Chu đã thiết lập một cấp hành chính địa phương trực tiếp của triều đình là các nước chư hầu. Đứng đầu nước chư hầu là vua chư hầu, được cha truyền con nối. Vua chư hầu có quyền lập ra bộ máy chính quyền của mình theo mô hình của nhà Chu nhưng với quy mô nhỏ hơn và toàn quyền cai trị vùng đất mình được phong nhưng phải phục tùng thiên tử. Quan hệ cơ bản giữa vua chư hầu và vua Chu là Triều cống vàTuần thú. Đó là theo định kì hoặc đột xuất, vua chư hầu về triều đình yết kiến Thiên tử và nộp cống cho vua Chu các sản vật của địa phương. Còn Thiên tử nhà Chu thường đi tuần thú các nước chư hầu để nắm bắt tình hình địa phương. Bộ máy chính quyền của chư hầu là hình ảnh thu nhỏ của chính quyền trung ương.Chính quyền cấp cơ sở thì thôn Trưởng vẫn do công xã bầu ra, nhưng phải được chính quyền cấp trên phê chuẩn.

II. Chính sách pháp luật nhà Tây Chu

1.Các quy định về lễ của nhà Tây Chu

Thời Tây Chu, chính sách pháp luật nổi bật là lễ trị. Lễ bắt từ tập quán tế tự của xã hội nguyên thủy đến xã hội có nhà nước, lễ phát triển thành hiệu lực hành vi điều chỉnh mối quan hệ giữa người với người, giữa kẻ dưới với người bề trên. Lễ của nhà Tây Chu do Chu Công Đán chế định trong khi quy định việc xây dựng nhà nước nhà Chu, nội dung của lễ bao gồm những chế độ luật lệ, quy phạm hành vi và nghi thức lễ tiết của các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, pháp luật, hôn nhân, gia đình, đạo đức, luân lý, phong tục tập quán…

Nguyên tắc cơ bản của lễ là “ thân thân, tôn tôn”. Mục đích của lễ nhằm  “kinh lý quốc gia, ổn định xã tắc, đưa nhân dân vào vòng trật tự, làm lợi cho việc nối dõi về sau”. Như vậy, lễ là sự thể hiện danh phận của các đẳng cấp trong giai cấp thống trị nhà Chu, phản ánh sự kết hợp quan hệ tông pháp và tổ chức chính quyền nhà nước.

Do cơ chế chính trị nhà Chu dựa trên chế độ tông pháp nên nhà Chu đặt ra lễ. Lễ dùng để phân biệt sang hèn, trật tự tôn ti trong xã hội, những nghi thức về ăn, ở, hội họp, cưới xin…do đó người ta làm theo lễ một cách tự nguyện. Lễ trở thành quy tắc xử sự của mọi người trong xã hội, nếu ai không tuân theo lễ sẽ bị cười chê là không có chính nghĩa, không biết lễ…Nói đến hệ thống lễ gồm 5 loại, gọi là ngũ lễ: “Cát lễ: lễ tế các thần linh;Cung lễ: lễ cúng tế, ma chay, mất mùa;Quân lễ: lễ ra quân;Tân lễ: lễ tiếp đón các chư hầu;Gia lễ: lễ hôn nhân, lễ đặt con trưởng”. Dần dần lễ trở thành một cơ chế chính trị trong nhà Chu.

2. Các quy định về hình pháp của nhà Tây Chu

Hình là hình phạt. Xét về mặt hình thức, cả lễ và hình đều là những quy phạm xã hội điều chỉnh hành vi xử sự của con người. Xét về mối quan hệ và vai trò của chúng thì lễ là mục tiêu, còn hình là biện pháp để duy trì việc thực hiện lễ. Hình trừng trị những cái gì mà lễ không cho phép, tức là bị pháp luật cấm đoán.

Nhà Chu đã đề ra nguyên tắc: “ minh đức thân phạt”. Hệ thống hình phạt của nhà Tây Chu kế thừa ngũ hình nhà Thương và bổ sung thêm bốn hình phạt nữa gọi là “cửu hình”(9 loại hình phạt). Bốn hình phạt bổ sung là: tiên(đánh bằng roi), phốc( đánh giữa chợ), lưu( đi đày) và thục(chuộc tội). Đến vương triều thứ năm là Chu Mục Vương, đặt ra lữ hình. Lữ hình là cửu hình được bổ sung và sửa đổi, thể hiện tư tưởng pháp luật “minh đức thận phạt”.Đó là giảm thiểu những điều khoản hình phạt nặng, mở rộng phạm vi của thục hình, người bị tuyên phạt hình có liên quan đến ngũ hình, được phép dùng tiền chuộc để miễn hình phạt. Số lượng tiền chuộc có quy định cụ thể. Đối tượng của việc chuộc tiền miễn tôi hình hạn chế ở tội đang còn hiểm nghi. Mặt khác, khi định tội, lượng hình cần phải phân biệt lầm lỡ với cố ý, phạm tội nhất thời và tái phạm nhiều lần.Tội tuy nhỏ nhưng cố ý hoặc tái phạm thì nghiêm trị, tội lớn nhưng do lầm lỡ hoặc nhất thời thì có thể xử nhẹ.

Về tố tụng, Lữ hình còn quy định “ ngũ thính” nhằm phòng ngừa quan lại xử án lạm dụng pháp luật. “Ngũ thích” gồm:  xét xử phải dùng chứng cứ; quan sát sắc mặt để phân biệt khẩu cung thật hay giả; giám sát quan tòa xét án; các vụ trong án phải do Chu vương xét hỏi;  quan xử án nếu sợ quyền thế, đền ơn trả oán, ăn hối lộ, nhận nhờ vả thì cũng tội như kẻ phạm tội.

III. Đánh giá chính sách pháp luật của nhà Tây Chu

1.Ưu điểm: Thời Tây Chu, với những chính sách pháp luật tiến bộ, sự kết hợp giữa lễ và hình pháp đã đem lại cho nhà Tây chu những ưu điểm.

Đầu tiên, việc đặt ra những quy định về lễ đã tạo ra những quy tắc xử sự chung cho mọi người. Có thể nói, xã hội vận hành và thống nhất dựa trên lễ. Vì vậy, sau khi nhà Tây Chu suy tàn, Trung Quốc bước và thời kì khủng hoảng từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Trong bối cảnh đó, những chuẩn mực cũ bị hủy hoại, những chuẩn mực mới chưa định hình, nên những trật tự về lễ cũng bị phá bỏ, xã hội bị đảo lộn. Xã hội Trung Quốc rơi vào tình trạng khủng hoảng về chính trị - xã hội và đạo đức luân lý hết sức sâu sắc.

Thứ hai: những chính sách pháp luật nhà Tây Chu còn thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Theo Khổng Tử, xã hội loạn là do lễ chế bị nhà Chu buông lỏng, do vậy mà ông đã đề nghị khôi phục lễ. Có thể thấy, trong thời kì này với tình hình xã từng trải qua thời kì công xã thị tộc thì việc duy trì lễ là cần thiết và phù hợp. Cho đến sau này, khi lễ nhà Chu trở thành truyền thống, xã hội đặt ra yêu cầu phải dùng pháp luật để cai trị thì những giá trị đạo đức vẫn được kế thừa và phát huy.

Thứ ba: Bên cạnh việc đặt ra lễ, Nhà Tây Chu còn đặt ra những hình pháp. Giữa lễ và hình có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Lễ là mục tiêu và để đảm bảo cho những mục tiêu đó đạt hiệu quả thì hình pháp đã được đặt ra nhằm đảm bảo cho lễ được thực thi và việc không tuân theo lễ phải bị trừng trị nghiêm chỉnh. Đây có thể coi là sơ khai của cơ quan bảo vệ pháp luật về sau.

2.Hạn chế:  Ngoài những ưu điểm thì chính sách pháp luật Tây Chu còn có những mặt hạn chế: 

Đầu tiên: Chính sách pháp luật mang tính tàn bạo, hình phạt dã man, mang tính nhục hình cao. “Ngũ hình” trong pháp luật Tây Chu được kế thừa và phát triển trực tiếp từ hệ thống ngũ hình của pháp luât triều Hạ - Thương, gồm những hình phạt dã man, tác động trực tiếp đến thân thể con người, gây đau đớn và có thể khiến họ mang thương tật suốt đời, thậm chí mất mạng. Các hình phạt trong ngũ hình ít tính giáo dục và nhân đạo mà chủ yếu mang tính trừng phạt nặng và răn đe.

Thứ hai: Chính sách  pháp luật nhà Tây Chu thể hiện sự bất bình đẳng giữa các giai cấp tầng trong xã hội. Điều đó, thể hiện qua những quy định về hình, mà nội hàm của nó chứa đựng các hình phạt chủ yếu được đặt ra để áp dụng đối với các tầng lớp thứ dân, tầng lớp bị trị trong xã hội. Vì vậy, cho dù cùng phạm một tội như nhau, nhưng tầng lớp quý tộc và thứ dân sẽ phải chịu hình thức chế tài khác nhau, thông thường thứ dân mới phải chịu hình phạt. Thông qua cách nhìn nhận của các nhà làm luật, sự bất bình đẳng trong pháp luật thể hiện sự bất bình đẳng trong xã hội.

Thứ ba: kỹ thuật tố tụng chính sách pháp luật của nhà Tây Chu còn sơ khai, mang tính chủ quan áp đặt. Đơn cử như phương thức quan tư pháp thẩm vấn lấy lời khai của phạm nhân là phương thức “ ngũ thính”. Nội dung này chủ yếu dựa trên quan điểm chủ quan của nhà làm luật.nhưng căn cứ để xác định một người là kẻ gian như: mắt bị mờ nhòa, khi thẩm vấn bị nhầm lẫn,mặt đỏ ửng ra dáng hổ thẹn…mang tính chính xác không cao. Vốn dĩ cơ địa,tâm lí của mỗi người là khác nhau và biểu hiện ra sẽ khác nhau. Vì thế, sử dụng những căn cứ đó để tính gian hay không của một người là thiếu chính xác, những ước chừng đó chỉ mang tính phỏng đoán của cơ quan tư pháp.

KẾT LUẬN

Thông qua tìm hiểu chính sách pháp luật nhà Tây Chu đã đem đến nhiều nhũng điểm mới, những hiểu biết cơ bản áp dụng vào trong quá trình học tập và nghiên cứu một vấn đề nhà nước và pháp luật Trung Quốc. Như vậy, có thể thấy, khi đánh giá về chính sách pháp luật nhà Tây chu có rất nhiều những điểm tiến bộ, bên cạnh những ưu điểm góp phần giúp nhà Chu ngày càng hoàn thiện và phát triển thì vẫn còn những mặt hạn chế, làm cho xã hội ngày càng khủng hoảng, trật tự không được đảm bảo, dẫn đến sự bất bình đẳng trong xã hội và còn mang tính vô nhân đạo, ảnh hưởng xấu đến sự tồn tại của nhà Tây chu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Giáo trình lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới – Trường Đại Học Luật Hà Nội
2.Giáo trình lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới - TS.Nguyến Minh Tuấn.NXB chính trị quốc gia,2014.

No comments:

Post a Comment