27/09/2014
Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật - ĐH Luật Hà Nội năm 2013 - Chương XXI - Nhà nước trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam
CHƯƠNG XXI

NHÀ NƯỚC TRONG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Nhà nước trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa là một trong những vấn đề quan trọng nhất của nhà nước xã hội chủ nghĩa mà lí luận về nhà nước và pháp luật nghiên cứu. Việc nghiên cứu vấn đề này vừa có giá trị lí luận sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn vị trí, vai trò của nhà nước trong xã hội xã hội chủ nghĩa nói chung, trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa nói riêng, vừa góp phần bổ sung vào hệ thống các quan điểm khoa học về nhà nước xã hội chủ nghĩa trong điều kiện cải cách, đổi mới, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay. Về thực tiễn, việc nghiên cứu vấn đề nhà nước trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa tạo cơ sở lí luận và thực tiễn để đề xuất các quan điểm khoa học và những giải pháp khả thi nhằm giải quyết hàng loạt vấn đề thực tiễn cấp bách liên quan đến hệ thống chính trị đang đặt ra trong các nước xã hội chủ nghĩa để đảng phát huy được vai trò lãnh đạo của mình đối với nhà nước và cả hệ thống chính trị, còn nhà nước phát huy được vị trí trung tâm và vai trò chủ đạo đối với quản lí xã hội trong hệ thống chính trị; phân định rõ nhiệm vụ, chức năng giữa đảng cộng sản với nhà nước xã hội chủ nghĩa và giữa các tổ chức cơ sở đảng với các cơ quan nhà nước tương ứng, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp lãnh đạo của đảng cộng sản đối với nhà nước xã hội chủ nghĩa để đảng vẫn lãnh đạo được nhà nước nhưng không làm thay nhà nước, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp quản lí xã hội bằng pháp luật của nhà nước xã hội chủ nghĩa để nhà nước phát huy hết hiệu lực của mình nhưng vẫn tuân theo đường lối, chính sách của đảng cộng sản; đổi mới sự lãnh đạo của đảng cộng sản và quản lí của nhà nước xã hội chủ nghĩa đối với các tổ chức xã hội để đảng vẫn lãnh đạo được các tổ chức xã hội và nhà nước vẫn quản lí được các tổ chức xã hội nhưng không can thiệp quá mức cần thiết vào tổ chức và hoạt động của họ;
đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội để họ vừa tuân theo sự lãnh đạo của đảng cộng sản và quản lí của nhà nước xã hội chủ nghĩa, vừa phát huy vai được tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong tổ chức và hoạt động của mình nhằm tham gia tích cực hơn nữa vào quản lí nhà nước, quản lí xã hội và đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu, lợi ích chính đáng của các thành viên.


I. KHÁI NIỆM HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa do giai cấp công nhân lãnh đạo và tiến hành cùng với các tầng lớp nhân dân lao động khác đã xóa bỏ nhà nước cũ – nhà nước của giai cấp bóc lột chiếm thiểu số trong xã hội và thiết lập nhà nước mới – nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Nhân dân lao động từ thân phận nô lệ đã trở thành những người làm chủ nhà nước, làm chủ xã hội và cùng nhau đoàn kết xung quanh nhà nước của mình để bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Để đảm bảo thực hiện đúng đắn và đầy đủ quyền lực của mình, nhân dân lao động còn thành lập các tổ chức xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản và quản lí của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đảng cộng sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa và các tổ chức xã hội được tập hợp trong một hệ thống có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, kỉ luật nghiêm minh, thống nhất về ý chí và hành động do đảng cộng sản lãnh đạo. Hệ thống đó được gọi là hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trước khi nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ra đời, đã có một số tổ chức cách mạng được thành lập như đảng cộng sản, công đoàn, đoàn thanh niên... Nhưng chỉ từ khi nhà nước của nhân dân lao động ra đời thì hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa mới chính thức được hình thành một cách đầy đủ, bởi vì nhà nước là tổ chức quyền lực chính trị của toàn thể nhân dân lao động, thể hiện tập trung nhất, đầy đủ nhất ý chí và lợi ích của nhân dân lao động, là công cụ chủ yếu nhất để nhân dân lao động sử dụng trong việc thực hiện quyền lực của mình.

Từ nhiều năm nay, ở các nước xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa và vị trí, vai trò của nhà nước trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội như triết học, khoa học chính trị (hay chính trị học), lí luận về nhà nước và pháp luật... Và đã thu được những thành tựu nhất định. Cũng do xuất phát từ nhiều góc độ nghiên cứu các quan hệ chính trị trong xã hội xã hội chủ nghĩa (quan hệ chính trị là quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội liên quan tới việc giành, giữ và thực hiện quyền lực nhà nước vì quyền lực nhà nước là trung tâm quyền lực chính trị), hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa được định nghĩa là phương thức thể hiện và phương tiện thực hiện các quan hệ chính trị giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và các tầng lớp xã hội khác; từ góc độ nghiên cứu nội dung và hình thức của quyền lực chính trị trong xã hội xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa được xem như là phương thức thể hiện và là phương tiện thực hiện quyền lực của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản; từ góc độ nghiên cứu cơ cấu chức năng của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa thì hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa được coi là toàn bộ các tổ chức do giai cấp công nhân và nhân dân lao động thành lập để cùng thực hiện quyền lực nhân dân, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản.

Mỗi định nghĩa về hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa đều có ý nghĩa khoa học riêng phục vụ cho nhiệm vụ, mục tiêu nghiên cứu khoa học đồng thời qua đây chúng ta cũng nhận thấy hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa là khái niệm khoa học có nội hàm phong phú, phức tạp, có tính đa diện, đa nghĩa, đa chiều. Tuy nhiên, dù được xem xét từ góc độ nào đi nữa thì hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa vẫn luôn luôn được coi là tổng thể các công cụ (phương tiện) chính trị - pháp lí hữu hiệu nhất để nhân dân thực hiện quyền lực của mình dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa bao gồm: Đảng cộng sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa và các tổ chức xã hội. Đảng cộng sản là tổ chức chính trị lãnh đạo nhà nước và cả hệ thống chính trị; nhà nước xã hội chủ nghĩa là tổ chức chính trị mang quyền lực của toàn thể nhân dân lao động, thực hiện quản lí xã hội bằng pháp luật dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản; các tổ chức xã hội là những tổ chức tự nguyện, tự quản do đảng cộng sản lãnh đạo và nhà nước quản lí có trách nhiệm tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội và tiến hành các hoạt động xã hội khác nhằm đáp ứng quyền lợi chính đáng của các thành viên. Ở Việt Nam, cơ cấu của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa được quy định rõ trong Hiến pháp năm 1992, bao gồm: Đảng cộng sản Việt Nam (Điều 4), Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 2, Điều 3), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên như Công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ Việt Nam và các tổ chức xã hội khác (Điều 9, Điều 10).

Do được xây dựng, củng cố, phát triển trên cơ sở về kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, đạo đức, xã hội của xã hội xã hội chủ nghĩa và chịu sự chi phối của bản chất của chế độ chính trị - xã hội xã hội chủ nghĩa (mà cốt lõi của nó là nhân dân lao động làm chủ nhà nước và xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản) cho nên hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa có những đặc điểm cơ bản như sau:

Một là, ra đời, tồn tại, phát triển cùng với sự ra đời, tồn tại, phát triển của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Mặc dù có một số tổ chức thành viên hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa như đảng cộng sản, công đoàn, đoàn thanh niên cộng sản nhưng chỉ đến khi nhà nước xã hội chủ nghĩa được thiết lập thì hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa mới chính thức được hình thành đầy đủ, vì nhà nước là “trụ cột” của hệ thống chính trị, tổ chức quyền lực chính trị của nhân dân lao động do đảng cộng sản lãnh đạo và là “tấm gương” hội tụ toàn bộ đời sống chính trị của xã hội chủ nghĩa.

Hai là do cơ cấu tổ chức chặt chẽ với sự phân định rõ ràng, cụ thể thể hiện nhiệm vụ, chức năng của các tổ chức thành viên trong việc thực hiện quyền lực nhân dân trên các cơ sở nguyên tắc. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, đảng cộng sản lãnh đạo, tập trung dân chủ, bình đẳng giữa các dân tộc trong việc tham gia vào đời sống chính trị của đất nước, pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Ba là có sự thống nhất cao về ý chí và hành động giữa các tổ chức thành viên nhằm đảm bảo thực hiện đúng đắn, đầy đủ quyền lực nhân dân, vì dân giàu, nước mạnh; xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tính thống nhất do bắt nguồn từ sự thống nhất về cơ sở kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, đạo đức, xã hội của xã hội xã hội chủ nghĩa.

Bốn là có tính chất dân chủ rộng rãi. Dân chủ vừa là mục tiêu, động lực, vừa là phương tiện để tổ chức và vận hành hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Các tổ chức thành viên hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa đều là những bộ phận cấu thành của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, được tổ chức và hoạt động trên nguyên tắc dân chủ. Họ vừa có thể tham gia đóng góp ý kiến vào tổ chức và hoạt động của nhau, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia tích cực và đông đảo vào tổ chức và hoạt động của từng thành viên và của cả hệ thống chính trị.

Năm là do một đảng lãnh đạo là đảng cộng sản. Là tổ chức chính trị ra đời trong phong trào công nhân, được vũ trang bằng học thuyết Mác-Lênin, có tổ chức chặt chẽ và kỉ luật nghiêm minh, bằng hi sinh phấn đấu quên mình cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đảng cộng sản đã chiếm được niềm tin yêu và cảm phục của toàn thể nhân dân lao động và trở thành đảng duy nhất có đủ uy tín và khả năng lãnh đạo hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa và cả xã hội xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp Việt Nam năm 1992 quy định: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.(Điều 4)

II. VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, nhà nước giữ vị trí trung tâm và có vai trò chủ đạo đối với quản lí xã hội. Sở dĩ nhà nước xã hội chủ nghĩa giữ được vị trí trung tâm và có vai trò chủ đạo đó là vì so với các tổ chức thành viên khác của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, nhà nước có hai ưu thế đặc biệt quan trọng.

Một là nhà nước xã hội chủ nghĩa là tổ chức chính trị mang quyền lực nhân dân, thể hiện tập trung nhất, đầy đủ nhất ý chí và lợi ích của nhân dân. Nhà nước xã hội chủ nghĩa có được ưu thế này do những nguyên nhân dưới đây:

- Nhà nước xã hội chủ nghĩa là sản phẩm thắng lợi của cuộc cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo và tiến hành cùng với các giai cấp và tầng lớp xã hội khác, vì mục tiêu xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột, bất công, tiến lên xây dựng chế độ thật sự ấm no, tự do, hạnh phúc, dân chủ, bình đẳng. Đây thật sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

- Nhà nước xã hội chủ nghĩa được xây dựng, củng cố và phát triển trên cơ sở xã hội rộng lớn nhất so với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Cơ sở xã hội rộng lớn ấy là toàn thể nhân dân lao động mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Điều 2 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 quy định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nên tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.”

- Nhà nước xã hội chủ nghĩa có quyền lực công khai, bao trùm toàn xã hội và tác động trong phạm vi rộng lớn nhất so với quyền lực của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân được hợp pháp hóa, công khai hóa và thực hiện hóa bằng pháp luật do nhân dân tạo ra, do đó tác động tới mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội xã hội chủ nghĩa và được đảm bảo thực hiện bằng mọi biện pháp của nhà nước trong đó có biện pháp cưỡng chế.

- Nhiệm vụ, mục tiêu của nhà nước phù hợp với ý nguyện, lợi ích của nhân dân: Xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, bảo đảm công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân về mọi mặt, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân; thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị xã hội khác nhau.

- Mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước và những vấn đề quan trọng nhất liên quan tới lợi ích của cả nước và địa phương đều được nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia xây dựng, quyết định và thực hiện. Hiến pháp Việt Nam năm 1992 quy định: “Công dân có quyền tham gia quản lí Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với các cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.” (Điều 53).

- Các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước đều xuất phát từ nhân dân, một lòng phục vụ nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. Ở Việt Nam, Hiến pháp năm 1992 quy định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.” (Điều 8).

Hai là nhà nước xã hội chủ nghĩa là công cụ có hiệu lực nhất để thực hiện quyền lực nhân dân. Ưu thế thứ hai của nhà nước xã hội chủ nghĩa có được bởi những lí do sau:

- Do có cơ sở xã hội rộng lớn nhất so với các thành viên khác của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa cho nên nhà nước xã hội chủ nghĩa có khả năng triển khai một cách nhanh chóng và có hiệu quả mọi chính sách, pháp luật của mình, khi những chính sách, pháp luật ấy được nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp xây dựng, quyết định và ủng hộ. Nhà nước xã hội chủ nghĩa có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia tích cực, có hiệu quả vào việc thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ấy; gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật do mình ban hành; xử lí mọi hành vi pháp luật trong bộ máy nhà nước và ở ngoài xã hội một cách kịp thời, nghiêm chỉnh, nhanh chóng, đúng pháp luật; thường xuyên điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn đang biến đổi nhanh chóng và sâu sắc.

- Nhà nước xã hội chủ nghĩa có quyền ban hành pháp luật và bảo đảm thực hiện pháp luật bằng biện pháp cưỡng chế. Xây dựng pháp luật là hình thức hoạt động quản lí trước tiên của nhà nước xã hội chủ nghĩa nhằm đưa ra hệ thống các quy phạm pháp luật mang tính bắt buộc chung đối với toàn xã hội hay phần lớn xã hội. Khi có pháp luật tốt, nhà nước xã hội chủ nghĩa bảo đảm thực hiện pháp luật ấy bằng tất cả sức mạnh vật chất và tinh thần của mình; trong đó có biện pháp cưỡng chế. Các tổ chức xã hội trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa tự mình không có quyền ban hành pháp luật. Trong trường hợp pháp luật quy định các tổ chức đó tham gia quản lí nhà nước thì họ có thể cùng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên tịch để hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ, chức năng, thẩm quyền của hai bên.

- Nhà nước xã hội chủ nghĩa có bộ máy chuyên nghiệp mà bộ máy đó vừ quản lí bằng pháp luật các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, vừa áp dụng biện pháp cưỡng chế khi cần thiết trên cơ sở pháp luật. Các tổ chức thành viên khác của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa hoặc là lãnh đạo bộ máy nhà nước (đảng cộng sản) hoặc là tham gia cùng với bộ máy nhà nước (các tổ chức xã hội khác) thực hiện tốt hai nhiệm vụ đó, chứ không phải là những tổ chức chuyên trách quản lí xã hội bằng pháp luật và áp dụng biện pháp cưỡng chế theo pháp luật.

- Nhà nước xã hội chủ nghĩa là chủ sở hữu tối cao những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội, nắm trong tay nguồn lực kinh tế, tài chính, kĩ thuật to lớn, không những có khả năng bảo đảm sự hoạt động bình thương của mình mà còn hỗ trợ các tổ chức thành viên khác của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa hoạt động có hiệu quả. Các tổ chức thành viên của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa đều dựa vào cơ sở vật chất kĩ thuật của nhà nước xã hội để hoạt động và nhà nước xã hội chủ nghĩa luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ hoạt động, vì mục tiêu chung là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

- Nhà nước xã hội chủ nghĩa là tổ chức chính trị duy nhất trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa mang chủ quyền quốc gia. Đặc tính này thể hiện ở chỗ Nhà nước xã hội chủ nghĩa có toàn quyền quyết định và thực hiện các chính sách đối nội, đối ngoại của mình, không lệ thuộc vào ý chí từ bên ngoài; có quyền nhân danh cả quốc gia và toàn thể dân tộc trong quan hệ đối ngoại và là chủ thể của công pháp quốc tế.

III. QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC VỚI CÁC TỔ CHỨC THÀNH VIÊN KHÁC TRONG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

1. Quan hệ giữa nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Đảng cộng sản

Trong mối quan hệ giữa nhà nước xã hội chủ nghĩa với đảng cộng sản thì đảng lãnh đạo nhà nước còn nhà nước được tổ chức và hoạt động theo đường lối, chính sách của đảng. Sở dĩ đảng cộng sản có khả năng lãnh đạo được nhà nước xã hội chủ nghĩa là vì: Đảng cộng sản là lực lượng xã hội tiên tiến nhất, được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác-Lênin (ở Việt Nam, Đảng cộng sản còn được vũ trang bằng tư tưởng Hồ Chí Minh) – kim chỉ nam cho hành động của đảng và cả xã hội, đảng đã  chiếm được lòng tin sâu sắc, tình cảm thân thiết của nhân dân bằng thực tiễn đấu tranh cách mạng đầy hi sinh, gian khổ của mình vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội; đảng đã tạo được uy tín lớn trên trường quốc tế, đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ quý báu của các đảng công nhân ở nhiều nước trên thế giới.

Nội dung lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước gồm: Đảng vạch ra đường lối chiến lược về đối nội, đối ngoại để nhà nước thể chế hóa thành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho nhà nước, giới thiệu đảng viên và người ngoài đảng đủ năng lực và phẩm chất để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, bố trí vào những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước hoặc để nhân dân bầu vào các cơ quan dân cử trực tiếp; thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, tác phong cho cán bộ, đảng viên và người ngoại đảng làm việc trong bộ máy nhà nước; kiểm tra hoạt động của bộ máy nhà nước, chỉ đạo công cuộc cải cách, hoàn thiện bộ máy nhà nước và công cuộc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong bộ máy  nhà nước hiện nay. Các hình thức lãnh đạo chủ yếu của đảng cộng sản đối với nhà nước xã hội chủ nghĩa là những nghị quyết, chỉ thị có tính chất định hướng, chỉ đạo sự hoạt động của bộ máy nhà nước. Đảng cộng sản sử dụng hai phương pháp chủ yếu để lãnh đạo nhà nước xã hội chủ nghĩa là tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục và tự nêu gương của đảng viên làm việc trong bộ máy nhà nước.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng có vai trò quan trọng đối với đảng cộng sản. Sự hoạt động của nhà nước trên ba lĩnh vực xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật chính là nhằm biến đường lối, chính sách của đảng thành hiện thực sinh động, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Ba hình thức hoạt động pháp luật này của nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng phải dựa trên đường lối, chính sách của đảng cộng sản và nhằm thực hiện những mục tiêu mà đảng đã đặt ra. Như vậy, nhà nước xã hội chủ nghĩa là công cụ có hiệu lực nhất và quan trọng nhất để đảng cộng sản đưa đường lối, chính sách của mình vào cuộc sống. Đồng thời, nhà nước xã hội chủ nghĩa còn là tổ chức quyền lực chính trị có trách nhiệm bảo vệ đảng cộng sản, tạo mọi điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần cho đảng hoạt động có hiệu quả.

Những phương hướng chủ yếu nhằm tiếp tục củng cố, thắt chặt hơn nữa và phát huy mối quan hệ giữa nhà nước xã hội chủ nghĩa với đảng cộng sản trong điều kiện cải cách, đổi mới, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay là: Nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn nữa về tính chất chính trị trong sự lãnh đạo của đảng đối với nhà nước, có nghĩa là đảng vạch ra đường lối đối nội, đối ngoại để nhà nước thể chế hóa thành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật ấy đồng thời kiểm tra sự hoạt động của nhà nước, chứ đảng không làm thay nhà nước, phân định rõ ràng và cụ thể hơn nữa nhiệm vụ, chức năng giữa đảng với nhà nước; cải cách toàn diện bộ máy đảng và bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả: tăng cường lãnh đạo, bồi dưỡng cán bộ đảng và cán bộ nhà nước; luôn luôn đổi mới nội dung, hình thức và phương thức lãnh đạo của đảng đối với nhà nước, cũng như nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động của nhà nước nhằm nâng cao chất lượng lãnh đạo của đảng đối với nhà nước và phát huy hết hiệu lực quản lí của nhà nước theo đường lối, chính sách của đảng; thường xuyên tổng kết thực tiễn quan hệ giữa các nhà nước với đảng cộng sản để có căn cứ đề xuất quan điểm và giải pháp tiếp tục củng cố, phát huy mối quan hệ đó.

2. Quan hệ giữa nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các tổ chức xã hội khác

Tổ chức xã hội là tập hợp quần chúng nhân dân, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tự quản vì mục tiêu chung là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, do đảng cộng sản lãnh đạo và chịu sự quản lí bằng pháp luật của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vai trò của các tổ chức xã hội hết sức quan trọng và to lớn. Ở Việt Nam, theo Điều 9 Hiến pháp năm 1992, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, có nhiệm vụ tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước.

Trong quan hệ giữa nhà nước xã hội chủ nghĩa với các tổ chức xã hội thì nhà nước có quyền và nghĩa vụ quản lí các tổ chức xã hội bằng pháp luật còn các tổ chức xã hội có nghĩa vụ tuân theo sự quản lí của nhà nước bằng pháp luật, có quyền, nghĩa vụ tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội, có quyền hoạt động xã hội trong khuôn khổ pháp luật để đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của các thành viên.

Nội dung quản lí bằng pháp luật của nhà nước xã hội chủ nghĩa đối với các tổ chức xã hội bao gồm: Ban hành pháp luật để tạo ra khuôn khổ pháp luật (khung pháp luật) cho việc tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội; cung cấp các phương tiện vật chất, kĩ thuật và tạo những điều kiện thuận lợi khác về vật chất và tinh thần trong khuôn khổ pháp luật cho các tổ chức xã hội hoạt động và đào tạo cán bộ cho các tổ chức xã hội; kiểm tra, giám sát các hoạt động của các tổ chức xã hội; xử lí cá nhân, tổ chức  có hành vi cản trở bất hợp pháp việc tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội và thành viên tổ chức xã hội vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực xã hội khác.

Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội trong quan hệ với nhà nước được thể hiện ở những điểm cơ bản sau: Được thành lập theo thủ tục, trình tự do pháp luật quy định; tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc thành lập, củng cố, hoàn thiện và bảo vệ bộ máy nhà nước; tham gia xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật; tham gia thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của cả nước và địa phương; kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước; quản lí những công việc mà nhà nước giao cho; giáo dục các thành viên ý thức sống và làm việc theo pháp luật và động viên  họ tích cực tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội; tiến hành các hoạt động xã hội cần thiết trong khuôn khổ pháp luật để thỏa mãn nhu cầu, lợi ích chính đáng của các thành viên.

Để củng cố, thắt chặt hơn nữa và phát huy mối quan hệ giữa nhà nước với các tổ chức xã hội ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay, cả hai bên đều cần áp dụng các biện pháp nhất định. Về phía nhà nước, cần luôn luôn đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp quản lí đối với các tổ chức xã hội sao cho nhà nước vẫn quản lí được các tổ chức xã hội bằng pháp luật nhưng lại không can thiệp vụn vặt, quá mức cần thiết vào tổ chức và hoạt động của họ; kiên quyết chống mọi biểu hiện “hành chính hóa” tổ chức xã hội; hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức xã hội; xử lí kịp thời, nghiêm minh, nhanh chóng mọi vi phạm pháp luật của các tổ chức xã hội và thành viên các tổ chức xã hội; thường xuyên tổng kết việc quản lí các tổ chức xã hội bằng pháp luật để rút ra bài học kinh nghiệm cho các hoạt động quản lí sau.

Đối với các tổ chức xã hội, đổi mới tổ chức theo hướng gọn, nhẹ, tinh thông và hiệu quả; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động để lôi cuốn tất cả các thành viên vào mọi hoạt động của tổ chức, trong đó có tham gia quản lí nhà nước và quản lí xã hội; tham gia tích cực hơn nữa vào xây dựng, củng cố, hoàn thiện, bảo vệ nhà nước, vào công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa, đạo đức cách mạng cho tất cả các thành viên nhằm bồi dưỡng và nâng cao lập trường chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ văn hóa và lối sống của con người mới xã hội chủ nghĩa; thường xuyên tổng kết việc tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội để rút ra bài học kinh nghiệm cho các hoạt động sau.

No comments:

Post a Comment