20/08/2014
Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (điều 143) - Bình luận khoa học bộ luật hình sự - Tập 2
11. TỘI HUỶ HOẠI HOẶC CỐ Ý LÀM HƯ HỎNG TÀI SẢN ( ĐIỀU 143)

Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi làm cho tài sản bị mất giá trị sử dụng hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản.

Đây là tội phạm gồm hai hành vi độc lập nhưng lại cùng tính chất, nên nhà làm luật quy định chung trong cùng một điều luật. Do đó, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xác định người phạm tội huỷ hoại tài sản hay chỉ cố ý làm hư hỏng tài sản. Nếu người phạm tội có cả hai hành vi huỷ hoại và cố ý làm hư hỏng tài sản thì phải định tội là huỷ hoại và cố ý làm hư hỏng tài sản, chứ không định tội là huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự là tội được nhập từ tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của công dân quy định tại Điều 160 và tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1985. So với Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 143 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn quy định tại Điều 138 và nặng hơn Điều 160 của Bộ luật hình sự năm 1985 về tội phạm này.  Vì vậy, nếu hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của công dân xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện thì áp dụng Điều 160 Bộ luật hình sự năm 1985 để xử lý đối với người phạm tội, ngược lại nếu hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xã hội chủ nghĩa thì được áp dụng Điều 143 Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý đối với người phạm tội.


So với tội phạm này quy định ở Điều 138 và Điều 160 Bộ luật hình sự thì Điều 143 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều điểm mới. Nếu trước đây người phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản bất kỳ có giá trị là bao nhiêu cũng bị coi là tội phạm, thì nay Điều 143 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định chỉ coi là tội phạm khi tài sản bị huỷ hoại hoặc hư hỏng có gía trị từ 500.000 đồng trở lên, nếu dưới 500.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, hoặc đã bị kết án về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, chưa được xoá án mà còn vi phạm mới bị coi là tội phạm. Ngoài các tình tiết định tội, nhà làm luật còn quy định thêm các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt. Hình phạt bổ sung sũng được quy định ngay trong cùng điều luật.


A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Đối với tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, chủ thể của tội phạm cũng tương tự như đối với tội xâm phạm sở hữu khác. Tuy nhiên, người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều luật, vì hai khoản này chỉ là tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, nhưng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại khoản 3 và khoản 4 của điều luật vì hai khoản này là tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản cũng tương tự như các tội có tính chất chiếm đoạt khác, nhưng tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, đây cũng là một điểm khác với các tội có tính chất chiếm đoạt như cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, đặc điểm này được thể hiện trong cấu thành tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ là tình tiết định khung hình phạt. Vì vậy, nếu huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà gây chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xác định người phạm tội đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nếu huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nhằm mục đích xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của con người thì hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trở thành thủ đoạn của hành vi giết người hoặc cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

3. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Do điều luật quy định hai hành vi phạm tội khác nhau nên mỗi hành vi phạm tội có hành vi khách quan khác nhau.
Huỷ hoại tài sản là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng không thể khôi phục lại được và như vậy toàn bộ giá trị tài sản không còn. Ví dụ: Đốt cháy một căn nhà, một chiếc xe ôtô cháy thành tro bụi. Tuy nhiên, trong một chừng mực nhất định thì sự phân biệt rạch ròi hành vi huỷ hoại với hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản không phải trong trường hợp nào cũng được xác định khác nhau hoàn toàn. Sự khác biệt giữa huỷ hoại và cố ý làm hư hỏng tài sản chủ yếu căn cứ vào hậu quả của hành vi gây ra đối với tài sản, nếu tài sản bị hư hỏng hoàn toàn không có khả năng khôi phục thì coi là huỷ hoại, nếu tài sản không bị mất hẳn giá trị sử dụng và có khả năng khôi phục lại toàn bộ hoặc một phần giá trị sử dụng thì coi là cố ý làm hư hỏng tài sản.
Làm hư hỏng tài sản là làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản và giá trị sử dụng bị giảm đó có thể khôi phục được (có thể khôi phục lại như cũ, nhưng có thể chỉ khôi phục lại được một phần).
Hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau tuỳ thuộc vào thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện như: Đốt cháy, đập phá, dùng thuốc nổ, dùng chất độc, hoá chất hoặc lợi dụng thiên tai để huỷ hoại tài sản...

Thực tiễn xét xử cho thấy có những trường hợp nếu chỉ căn cứ vào hành vi thì khó xác định đó có phải là hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản hay không nhưng nếu không coi là huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng thì khó có thể xác định người phạm tội phạm tội gì. Ví dụ: Do không trúng thầu cung ứng điện sinh hoạt cho dân, nên Trần Văn C có ý định làm hại anh Nguyễn Công B là người trúng thầu. C đã bí mật nối dây điện từ ngoài đồng hồ đo điện (công tơ) tổng xuống đất làm cho điện năng bị tiêu hao gây thiệt hại cho anh B hàng chục triệu đồng, vì Công ty điện bán điện đến đồng hồ tổng còn từ đồng hồ tổng vào từng hộ dân là do anh B chịu trách nhiệm, điện năng bị tiêu hao, anh B phải thanh toán cho Công ty điện lực khoản tiền chênh lệch giữa đồng hồ tổng với đồng hồ của từng hộ dân.
Lại có trường hợp tài sản chỉ bị mất chứ không bị huỷ hoại hoặc hư hỏng theo đúng nghĩa của  nó, nhưng cũng phải coi là hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản. Ví dụ: Do thù tức với anh Hoàng Đức M, nên Vũ Khắc X đã tháo phá bờ hồ cá của anh M làm cho cá trong hồ ra hết sông.
Tuy nhiên, nếu hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà tài sản đó lại là đối tượng tác động của các tội khác đã được ở các điều luật khác trong Bộ luật hình sự thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 143 Bộ luật hình sự mà tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng như: Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 188); tội huỷ hoại rừng(Điều 189); tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231); tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiẹn ký thuật quân sự (Điều 335).

b. Hậu quả

Hậu quả của hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là giá trị hoặc giá trị sử dụng của tài sản bị huỷ hoại hoặc hư hỏng. Giá trị hoặc giá trị sử dụng của tài sản là thiệt hại do hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng gây ra chứ không phải giá trị hoặc giá trị sử dụng ban đầu của tài sản khi chưa bị huỷ hoại hoại hoặc làm hư hỏng. Ví dụ: Một chiếc xe ôtô có giá trị 700.000.000 đồng bị hư hỏng phải sửa chữa hết 20.000.000 đồng thì hậu quả do hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản là gây thiệt hại 20.000.000 đồng chứa không phải 700.000.000 đồng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 143 thì thiệt hại gây ra do hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản phải từ 500.000 đồng trở lên thì người có hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu thiệt hại dưới 500.000 đồng thì phải gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc người có hành vi phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, hoặc đã bị bị kết án về tội này, chưa được xoá án thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều luật chỉ quy định dưới 500.000 đồng nhưng dưới đến mức nào thì lại không có giới hạn, nên về nguyên tắc dù gây thiệt hại một đồng cũng vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hậu quả nghiêm trọng do hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản gây ra là những thiệt hại về thể chất, tinh thần, nếu là thiệt hại về vật chất thì những thiệt hại này không phải là thiệt hại về tài sản do hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng trực tiếp gây ra. (xem gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật).

Như vậy, đối với tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản hậu quả là dấu hiệu bắt buộc nếu chưa có hậu quả xảy ra thì chưa cấu thành tội phạm và tội phạm này cũng không có giai đoạn phạm tội chưa đạt và chuẩn bị phạm tội.

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt, tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản cũng được thực hiện do cố ý. Tuy nhiên, điều văn của điều luật quy định huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nên có ý kiến cho rằng tội phạm này vừa cố ý vừa không cố ý, hiểu như vậy là máy móc và không khoa học, bởi vì không phải tội phạm nào được quy định trong Bộ luật hình sự nhà làm luật cũng quy định dấu hiệu chủ quan của cáu thành tội phạm mà tuỳ thuộc vào từng tội phạm mà nhà làm luật có thể quy định lỗi, quy định động cơ, mục đích của người phạm tội hoặc chỉ quy định hành vi khác quan nhưng cũng có thể hiểu được người phạm tội thực hiện tội phạm đó do có ý hay vô ý. Ví dụ: Tội giết người, ai cũng biết đó là tội do cố ý, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là tội do vo ý.v.v... Khi nói huỷ hoại tài sản là đã bao gồm thái độ tam lý của người phạm tội là cố ý mà không cần phải quy định cố ý huỷ hoại tài sản, nhưng làm hư hỏng tài sản có thể có cả cố ý và vô ý, nên nhà làm luật phải quy định cố ý làm hư hỏng tài sản là để phân biệt với trường hợp vô ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 145 Bộ luật hình sự (sẽ phân tích ở phần sau - tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản).
 Mục đích của người phạm tội là mong muốn huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu người phạm tội có mục đích khác, còn việc huỷ hoại tài sản hoặc làm hư hỏng tài sản chỉ là phương pháp để đạt được mục đích khác thì không phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng. Ví dụ: Ví muốn giết cả nhà anh Đầo Văn T, nên Vũ Văn H đã đổ hai can xăng vào nhà anh T rồi châm lửa thiêu cháy toàn bộ ngôi nhà và giết chết vợ chồng anh T cùng hai đứa con của anh T.
Người phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có nhiều động cơ khác nhau như: để trả thù, vì ghen tuông... nhưng chủ yếu là vì tư thù. Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, mà nó chỉ có ý nghĩa trong việc xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm.


B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản không có các tình tiết định khung hình phạt
Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. So với tội tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại khoản 1 Điều 138 và khoản 1 Điều 160 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn. Vì vậy, đối với hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau ngày 4-1-2000 (ngày Chủ tịch nước công bố Bộ luật hình sự năm 1999), mới phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử thì được áp dụng khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.
Khi áp dụng khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự cần chú ý một số điểm sau:

- Giá trị tài sản bị huỷ hoại hoặc hư hỏng từ 500.000 đồng đén dưới 50.000.000 đồng là giá thị trường tự do vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội.

- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà còn vi phạm là trường hợp, trước khi thực hiện hành vi tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, người phạm tội đã bị xử phạt hành chính cũng về hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản bằng một trong các hình thức được quy định trong Pháp lệnh xử phạt hành chính do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dung mà chưa quá một năm; nếu người phạm tội bị xử phạt hành chính về hành vi khác ( không phải là hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng) thì không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự;

- Đã bị kết án về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm là trường hợp, trước khi thực hiện hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, người phạm tội đã bị Toà án kết án về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nhưng chưa được xoá án tích theo quy định tại Điều 77 Bộ luật hình sự; nếu người phạm tội bị kết án về tội phạm khác ( không phải là tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản) thì cũng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự;

Khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm ít nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là ba năm tù, nên đối với người phạm tội dưới 16 tuổi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu các tình tiết khác như nhau thì mức hình phạt đối với người phạm tội phụ thuộc vào những yếu tố sau:

- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có ít hoặc không có tình tiết tăng nặng;  

- Người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ;

- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ được phạt nhẹ hơn người có ít tình tiết giảm nhẹ;

- Tài sản bị huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng càng có giá trị cao, hình phạt càng nặng;

- Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ phải đúng quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự về loại hình phạt này. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo hoặc áp dụng mức thấp nhất của khung hình phạt ( sáu tháng tù). Nếu người phạm tội đáng được khoan hồng nhưng chưa tới mức được miến trách nhiệm hình sự thì cũng có thể áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với họ.

2. Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 143 Bộ luật hình sự

a. Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có tổ chức
Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải trường hợp huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên mà tuỳ từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi dục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành thì mới là phạm tội có tổ chức. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có tổ chức cũng có những đắc điểm riêng như:

Người thực hành trong vụ huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là người trực tiếp thực hiện hành vi, những thủ đoạn để huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

b. Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác

Đây là trường hợp người phạm tội đã dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm để huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Do việc dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm nên tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản cao hơn.

Chất nổ là những chất có sức công phá lớn, có tính nguy hiểm cao đối với con người như: thủ pháo, lựu đạn, vật liệu nổ dùng trong công nghiệp, trong quốc phòng...
Chất cháy là những chất dễ cháy hoặc tự bốc cháy trong một môi trường nhất định như: xăng, dầu, phốt pho, các chất hoá học khác dễ bốc cháy hoặc tự bốc cháy...
Thủ đoạn nguy hiểm khác là thủ đoạn gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của con người như: thuốc độc, thuốc trừ sâu, diệt chuột, a xít...

c. Gây hậu quả nghiêm trọng

Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp do huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản đã gây ra những thiệt hại về vật chất, tính mạng, sức khoẻ và các thiệt hại khác ngoài giá trị tài sản trực tiếp bị hủy hoại hoặc hư hỏng. Được coi là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi phạm tội  huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản gây ra nếu:


- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người có tỷ lệ thương tật từ 21% đến 40%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả mọi người từ 21% đến 40%;

- Gây thiệt hại về tải sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

- Ngoài thiệt hại về sức khoẻ, tài sản, còn những thiệt hại khác như gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an ở địa phương, gây hoang mang cho nhân dân trong một địa bàn nhất định...Những thiệt hại này, tuỳ từng vụ án cụ thể mà các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào tình hình cụ thể để xác định đã là hậu quả nghiêm trọng chưa, nếu tổng hợp các tình tiết mà xác định đã gây ra hậu quả  nghiêm trọng thì người phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mới bị coi là phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản gây hậu quả nghiêm trọng theo điểm c khoản 2 Điều 143 Bộ luật hình sự

 - Nếu tài sản bị huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng dưới 500.000 đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự mà không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều này.

d. Để che giấu tội phạm khác

Đây là trường hợp người phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nhằm mục đích che giấu một tội phạm mà người phạm tội đã thực hiện trước đó nhưng chưa bị phát hiện, hoặc có nguy cơ bị phát hiện nên người phạm tội đã huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản để hy vọng rằng tội phạm mà họ đã thực hiện sẽ không bị phát hiện. Ví dụ: Hoàng Trung K là thủ kho gạo đã lấy gạo trong kho bán lấy tiền. Để hành vi tham ô của mình không bị phát hiện, K đã đốt kho để phi tang.

đ.  Vì lý do công vụ của người bị hại

Đây là trường hợp người phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản với động cơ trả thù mà người bị trả thù ở đây là người đã thì hành một công vụ có liên quan đến quyền lợi của người phạm tội; vì đã thi hành công vụ nên mới bị huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Mối quan hệ giữa việc thi hành công vụ với hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là quan hệ nhân quả, nếu có việc thi hành công vụ của người bị hại và sau đó có việc huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, nhưng giữa việc thi hành công vụ của người bị hại với hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người phạm tội không có liên quan thì cũng không thuộc trường hợp vì lý do công vụ của người bị hại. Ví dụ: Anh Chu Hải Th là Chấp hành viên đã tổ chức cưỡng chế thi hành án buộc Đào Xuân T phải trả nhà cho bà Lê Thị H. Một hôm, Đào Xuân T thấy anh Th cùng với chị Đào Xuân L là em gái của T trong một quán bia, T cho rằng anh Th dụ dỗ em gái mình, nên đã gây sự cãi nhau với anh Th và đập phá xe máy của anh Th gây thiệt hại 3.500.000 đồng.

Thông thường người bị hại sau khi dã thi hành công vụ nên mới bị huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, nhưng cũng có trường hợp người bị hại bị huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản vì sắp thi hành một công vụ có liên quan đến quyền lợi của người phạm tội nên bị huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Ví dụ: Nguyễn Như B biết bị cưỡng chế giải phóng mặt bằng, B đã nhiều lần đến cầu xin anh Tô Quyết T là người phụ trách việc giải phóng mặt bằng, nhưng đều bị anh T khước từ. Để ngăn cản việc bị cưỡng chế, B đã phá hỏng xe ủi của Đội thi công giải phóng mặt bằng gây thiệt hại 4.000.000 đồng.

e. Tái phạm nguy hiểm

Trường hợp phạm tội này lại hoàn toàn giống với tất cả những trường hợp tái phạm nguy hiểm khác, chỉ cần xác định người phạm tội có đủ các dấu hiệu quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự. Đây là tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội, không phụ thuộc vào hành vi phạm tội cụ thể của tội phạm này hay tội phạm khác.

g. Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng

Đây là trường hợp thiệt hại mà người phạm tội huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng dến dưới 200.000.000 đồng.

Thiệt hại do hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản gây ra chứ không phải giá trị ban đầu của tài sản bị huỷ hoại hoặc làm hư hỏng, trừ trường hợp giá trị ban đầu của tài sản bị huỷ hoại hoàn toàn (mất hết giá trị sử dụng).

Cũng như các trường hợp xác định giá trị tài sản khác, việc xác định giá trị tài sản trường hợp này cũng phait căn cứ vào giá thị trường tự do vào thời điểm xảy ra hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản, trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định.

3. Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng  tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 143 Bộ luật hình sự

a. Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đén dưới năm trăm triệu đồng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 143 chỉ khác ở chỗ giá trị tài sản bị thiệt hại là từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng

Đây là trường hợp phạm tội tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật, chỉ khác ở chỗ hậu quả trong trường hợp này là rất nghiêm trọng. Được coi là gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi phạm tội  huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản gây ra nếu:

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người có tỷ lệ thương tật từ 41% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 41%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả mọi người từ 41% đến 60%;

- Gây thiệt hại về tải sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Ngoài thiệt hại về sức khoẻ, tài sản, còn những thiệt hại khác như gây ảnh hưởng rất xấu đến tình hình trật tự trị an ở địa phương, gây hoang mang cho nhân dân trong một địa bàn nhất định...Những thiệt hại này, tuỳ từng vụ án cụ thể mà các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào tình hình cụ thể để xác định đã là hậu quả rất nghiêm trọng chưa, nếu tổng hợp các tình tiết mà xác định đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì người phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mới bị coi là phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản gây hậu quả rất nghiêm trọng theo điểm b khoản 3 Điều 143 Bộ luật hình sự

- Nếu tài sản bị huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng dưới 500.000 đồng mà gây hậu quả rất nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 143 Bộ luật hình sự (trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng) mà không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 của điều này. Đây là vấn đề mới, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa có hướng dẫn, nhưng theo chúng tôi, nếu giá trị tài sản bị thiệt hại dưới 500.000 đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng, người phạm tội đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 143, nên gây hậu quả rất nghiêm trọng thì phải coi là trường hợp khoản 1 của luật cộng với hậu quả nghiêm trọng (tạm coi là hậu quả nghiêm trọng bằng nửa hậu quả rất nghiêm trọng).

4. Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 143 Bộ luật hình sự


a. Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 143 chỉ khác ở chỗ giá trị tài sản bị thiệt hại là từ  500.000.000 đồng trở lên

b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Đây là trường hợp phạm tội tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 của điều luật, chỉ khác ở chỗ hậu quả trong trường hợp này là đặc biệt nghiêm trọng. Được coi là gây hậu quả đặc nghiêm trọng do hành vi phạm tội  huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản gây ra nếu:

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 61%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả mọi người từ 61%;

- Gây thiệt hại về tải sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;

- Ngoài thiệt hại về sức khoẻ, tài sản, còn những thiệt hại khác như gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến tình hình trật tự trị an ở địa phương, gây hoang mang cho nhân dân trong một địa bàn nhất định...Những thiệt hại này, tuỳ từng vụ án cụ thể mà các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào tình hình cụ thể để xác định đã là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng chưa, nếu tổng hợp các tình tiết mà xác định đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mới bị coi là phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo điểm b khoản 4 Điều 143 Bộ luật hình sự

- Nếu tài sản bị huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng dưới 500.000 đồng mà gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 143 Bộ luật hình sự (trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng) mà không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 của điều này.

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý lalmf hư hỏng tài sản còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

nguồn:

BÌNH LUẬN BỘ LUẬT HÌNH SỰ
PHẦN CÁC TỘI PHẠM,ĐINH VĂN QUẾ
THẠC SĨ LUẬT HỌC – TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

No comments:

Post a Comment