12. TỘI THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY THIỆT HẠI NGHIÊM TRỌNG ĐẾN TÀI SẢN CỦA NHÀ NƯỚC (ĐIỀU 144)
Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước là hành vi không làm hoặc làm không hết trách nhiệm nên đã để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước do mình trực tiếp quản lý.
Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước là tội phạm được quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1985 với tội danh “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa”. Nếu xét về phạm vi áp dụng thì Điều 144 Bộ luật hình sự năm 1999 hẹp hơn Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1985 vì tài sản của Nhà nước hẹp hơn tài sản xã hội chủ nghĩa.
So với Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 144 Bộ luật hình sự năm 1999 không có thay đổi lớn, chỉ quy định cụ thể thiệt hại nghiêm trọng về tài sản là thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng và được cấu tạo thành 4 khoản, trong đó khoản quy định hình phạt bổ sung. Mặc dù có mức cao nhất là mười lăm năm tù, nhưng mức hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ, nên Điều 144 Bộ luật hình sự năm 1999 được coi là nhẹ hơn Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1985, vì vậy hành vi phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý thì được áp dụng Điều 144 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.
A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này được coi là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước mới là chủ thể của tội phạm này, vì vậy, các dáu hiệu về chủ thể của tội phạm này là yếu tố định tội bắt buộc của cấu thành tội phạm. Việc xác định tư cách chủ thể của tội phạm này là việc làm đầu tiên khi xác định hành vi phạm tội.
Người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước là người được giao chiếm hữu, sử dụng một số tài sản nhất định bằng các hình thức như: trông giữ, vận chuyển, khai thác lợi ích (giá trị sử dụng) của tài sản. Những người này có thể do bầu cử, do bổ nhiệm, do ký hợp đồng... Nếu không được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản thì không thành chủ thể của tội phạm này mà tuỳ trường hợp có thể là chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự.
Cũng tương tự như đối với các tội xâm phạm sở hữu khác, người phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước là người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 144 Bộ luật hình sự mà không chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại khoản 1 và khoản 2 của điều luật vì khoản 1 là tội phạm ít nghiêm trọng, còn khoản 2 là tội phạm nghiêm trọng.
2. Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm
Khách thể của tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước cũng tương tự như các tội xâm phạm sở hữu khác, nhưng tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu và khác với các tội có tính chất chiếm đoạt là người phạm tội không chiếm đoạt tài sản mà chỉ làm mất, làm hỏng hoặc gây lãng phí. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt giữa tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước với các tội tham ô, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
3. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan
Có thể nói người phạm tội chỉ có hành vi khách quan duy nhất là thiếu trách nhiệm, bản thân của hành vi này đã phản ảnh bản chất của tội phạm. Nhưng biểu hiện của hành vi thiếu trách nhiệm lại không phải giống nhau nó tuỳ thuộc vào nhiệm vụ được giao và tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra thiệt hại về tài sản.
Hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý tài sản Nhà nước thường được biểu hiện như vi phạm các nguyên tắc, chính sách, chế độ liên quan đến việc quản lý tài sản của Nhà nước như: chế độ quản lý vật tư, kho tàng; chế độ phòng cháy, chữa cháy; chế độ thu chi tiền mặt; chế độ xuất, nhập vật tư, thiết bị; chế độ bảo quản hàng hoá.v.v... các nguyên tắc, chế độ có liên quan đến việc quản lý tài sản có thể là các nguyên tắc, chế độ quản lý kinh tế, nhưng cũng có thể chỉ là nguyên tắc, chế độ về hành chính nhưng có liên quan quản lý tài sản, đôi khi chỉ là một bản nội quy cơ quan nếu vi phạm mà gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản do mình trực tiếp quản lý thì cũng bị coi là thiếu trách nhiệm.
Thiếu trách nhiệm là không làm hoặc làm không hết trách nhiệm được giao nên mới gây ra thiệt hại về tài sản, nếu làm tròn trách nhiệm được giao thì không thể gây thiệt hại. Trường hợp đã làm hết trách nhiệm mà thiệt hại về tài sản vẫn xảy ra thì không phải là thiếu trách nhiệm và họ không phạm tội này dù thiệt hại về tài sản nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng. Ví dụ: Nguyễn Chí K và Đỗ Đức T là cán bộ Ngân hàng thương mại thành phố H có nhiệm vụ đem 2 kg vàng về thành phố Hải Dương thuê gia công đồ trang sức, nhưng đến km 72 + 900 đường 5A thì bị tai nạn, anh K bị chết còn anh T bị thương nặng bất tỉnh. Do bị tai nạn nên bị mất 2 kg vàng. Qua điều tra cơ quan điều tra đã xác định tại nạn xảy ra lỗi hoàn toàn thuộc về lái xe ôtô, còn hai anh K và T không có lỗi. 2 kg vàng bị mất là do Đỗ Văn H và Nho Văn M là người trong thôn Dương Thái, xã Phúc Thanh A ra xem tai nạn và nhặt được. Trong trường hợp này, hai anh K và T đã làm hết trách nhiệm được giao, không có lỗi nên không bị coi là thiếu trách nhiệm.
b. Hậu quả
Hậu quả của tội phạm này là thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước, ngoài ra không có thiệt hại nào khác.
Thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước chính là giá trị tài sản bị thiệt hại do hành vi thiếu trách nhiệm của người có nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản gây ra. Được coi là thiệt hại nghiêm trọng nếu tài sản bị thiệt hại có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
Thiệt hại về tài sản phải do chính hành vi thiếu trách nhiệm gây ra mới là hậu quả của tội phạm này, nếu thiệt hại đó không phải do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra thì không được tính để xác định hậu quả của tội phạm này.
Nếu thiệt hại về tài sản không phải là tài sản do người phạm tội trực tiếp quản lý thì không tính vào hậu quả của hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đén tài sản mà tuỳ trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự.
Nếu ngoài thiệt hại về tài sản mà còn gây ra những thiệt hại khác như thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của người khác thì cũng tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự.
4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm
Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước được thực hiện do vô ý, chứ không phải do cố ý như đối với các tội xâm phạm sở hữu đã giới thiệu ở trên.
Các dấu hiệu về vô ý phạm tội được quy định tại Điều 10 Bộ luật hình sự. Có hai trường hợp vô ý phạm tội:
Trường hợp thứ nhất là người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, nhưng cho rằng thiệt hại đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Người phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước thường phạm tội trong trường hợp này; khoa học luật hình sự gọi trường hợp vô ý phạm tội này là “vô ý vì quá tự tin”.
Trường hợp thứ hai là người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước. Khoa học luật hình sự gọi trường hợp vô ý phạm tội này là “vô ý vì cẩu thả. Trường hợp vô ý này thường xảy ra đối với người phạm tội không có chức vụ mà chỉ là người có quyền hạn trong việc quản lý tài sản như: thủ kho, thủ quỹ, do vi phạm các quy định về quản lý tài sản như: phòng cháy, phòng nổ, phòng tiên tai, nên đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước.
Cả hai trường hợp vô ý trên, người phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước đều có thể mắc phải tuỳ thuộc vào trách nhiệm của họ đối với việc quản lý tài sản và hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra thiệt hại tài sản. Việc xác định lỗi vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước của người phạm tội là bắt buộc, nhưng không bắt buộc phải xác định người phạm tội do vô ý vì quá tự tin hay vô ý vì cẩu thả.
B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
1. Phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước không có các tình tiết định khung hình phạt
Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 144 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. So với tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 144 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn. Vì vậy, đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau ngày 4-1-2000 ( ngày Chủ tịch nước công bố Bộ luật hình sự năm 1999), mới phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử thì được áp dụng khoản 1 Điều 144 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.
Khi áp dụng khoản 1 Điều 144 Bộ luật hình sự cần chú ý một số điểm sau:
- Giá trị tài sản bị thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng là giá thị trường tự do vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội.
- Tài sản bị mất mát, hư hỏng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra là tài sản được xác định không có khả năng tìm lại được hoặc phục hồi được như cũ. Tuy nhiên, đối với trường hợp do thiếu trách nhiệm mà để người khác chiếm đoạt tài sản và ngay sau khi bị phát hiện tài sản bị chiếm đoạt được thu hồi thì tuỳ từng trường hợp cụ thể người có hành vi thiếu trách nhiệm có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng về nguyên tắc hành vi thiếu trách nhiệm đã gây ra thiệt hại nên hành vi thiếu trách nhiệm đã cấu thành tội phạm.
- Tài sản bị lãng phí do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra là tài sản đã chi tiêu vào những việc lẽ ra không phải chi như: chi liên hoan, tiệc tùng, chi quá mức được chi...
Việc xác định tài sản bị mất mát, hư hỏng hoặc lãng phí trong một số trường hợp không phải bao giờ cũng rành mạch như chúng ta tưởng, có khi mất mát cũng là lãng phí, hư hỏng hoặc ngược lại.
Khoản 1 Điều 144 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm ít nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là ba năm tù, nên đối với người phạm tội dưới 16 tuổi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước khoản 1 Điều 144 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu các tình tiết khác như nhau thì mức hình phạt đối với người phạm tội phụ thuộc vào những yếu tố sau:
- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có ít hoặc không có tình tiết tăng nặng;
- Người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ;
- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ được phạt nhẹ hơn người có ít tình tiết giảm nhẹ;
- Tài sản bị thiệt hại càng có giá trị cao, hình phạt càng nặng;
- Người phạm tội khắc phục phần lớn thiệt hại về tài sản thì được áp dụng hình phạt nhẹ hơn người phạm tội không khắc phục hoặc khắc phục không đáng kể thiệt hại về tài sản.
- Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ phải đúng quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự về loại hình phạt này. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo hoặc áp dụng mức thấp nhất của khung hình phạt ( sáu tháng tù). Nếu người phạm tội đáng được khoan hồng nhưng chưa tới mức được miến trách nhiệm hình sự thì cũng có thể áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với họ.
2. Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 144 Bộ luật hình sự
Khoản 2 của điều luật chỉ quy định một trường hợp phạm tội, đó là tài sản của Nhà nước bị thiệt hại có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ cần xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt vào thời điểm bị thiệt hại, nếu có gía trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng là người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 144 Bộ luật hình sự, tất nhiên là các dấu hiệu khác về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước phải thoả mãn.
Khoản 2 Điều 144 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là bảy năm tù, nên đối với người phạm tội dưới 16 tuổi cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước khoản 2 Điều 144 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu các tình tiết khác như nhau thì mức hình phạt đối với người phạm tội phụ thuộc vào những yếu tố sau:
- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có ít hoặc không có tình tiết tăng nặng;
- Người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ;
- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ được phạt nhẹ hơn người có ít tình tiết giảm nhẹ;
- Tài sản bị thiệt hại càng có giá trị cao, hình phạt càng nặng;
- Người phạm tội khắc phục phần lớn thiệt hại về tài sản thì được áp dụng hình phạt nhẹ hơn người phạm tội không khắc phục hoặc khắc phục không đáng kể thiệt hại về tài sản.
- Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình (dưới hai năm tù), nhưng không được dưới sáu tháng tù, không được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo.
3. Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 144 Bộ luật hình sự
Khoản 3 của điều luật chỉ quy định một trường hợp phạm tội, đó là tài sản của Nhà nước bị thiệt hại có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên. Các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ cần xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt vào thời điểm bị thiệt hại, nếu có gía trị từ 500.000.000 đồng trở lên là người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 144 Bộ luật hình sự, tất nhiên là các dấu hiệu khác về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước phải thoả mãn.
Khoản 3 Điều 144 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm rất nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là mười lăm năm tù, nên đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước khoản 3 Điều 144 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu các tình tiết khác như nhau thì mức hình phạt đối với người phạm tội phụ thuộc vào những yếu tố sau:
- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có ít hoặc không có tình tiết tăng nặng;
- Người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ;
- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ được phạt nhẹ hơn người có ít tình tiết giảm nhẹ;
- Tài sản bị thiệt hại càng có giá trị cao, hình phạt càng nặng;
- Người phạm tội khắc phục phần lớn thiệt hại về tài sản thì được áp dụng hình phạt nhẹ hơn người phạm tội không khắc phục hoặc khắc phục không đáng kể thiệt hại về tài sản.
- Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới bảy năm tù), nhưng không được dưới hai năm tù. Việc cho người phạm tội hưởng án treo phải rất thận trọng, vì đây là tội phạm rất nghiêm trọng.
4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản của Nhà nước từ một năm đến năm năm.
Hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản của Nhà nước chỉ áp dụng đối với người phạm tội có chức vụ quản lý tài sản và vì thiếu trách nhiệm trong việc quản lý tài sản nên gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản do mình trực tiếp quản lý. Nếu người có chức vụ quản lý tài sản nhưng không phải do thiếu trách nhiệm trong việc quản lý tài sản thì không áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản đối với họ.
nguồn :BÌNH LUẬN BỘ LUẬT HÌNH SỰ
PHẦN CÁC TỘI PHẠM, ĐINH VĂN QUẾ
THẠC SĨ LUẬT HỌC – TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
No comments:
Post a Comment