MỞ ĐẦU – TÌNH HUỐNG
Cá nhân là chủ thể thường xuyên, quan trọng, chủ yếu và phổ biến nhất của quan hệ pháp luật dân sự. Có thể nói, cá nhân tham gia vào tất cả các quan hệ pháp luật dân sự, dù có là các quan hệ pháp luật dân sự của pháp nhân, tổ hợp tác hay hộ gia đình cũng phải thông qua hành vi của cá nhân.
Trong quan hệ pháp luật dân sự, mối quan hệ về quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các cá nhân gắn bó chặt chẽ với nhau. Việc một người vắng mặt ở nơi cư trú trong một thời gian dài mà không có tin tức chứng minh rằng người đó còn sống hay đã chết không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp họ mà còn ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của các chủ thể liên quan khác. Chính vì vậy, để bảo vệ những quyền này, pháp luật đã quy định những điều kiện, trình tự để tạm dừng hoặc chấm tư cách chủ thể của cá nhân dưới nhiều hình thức, một trong số đó là “ Tuyến bố mất tích”.
Thông qua tình huống về một quyết định tuyên bố mất tích thực tiễn và trả lời những câu hỏi liên quan sau đây, chúng ta có thể rõ hơn phần nào những quy định của Luật dân sự Việt Nam về vấn để này:
“Ông Nguyễn D.T và anh Nguyễn D.K là anh em ruột, có xác nhận của chính quyền địa phương. Từ khi sinh ra cho tới nay, ông T và ông K chỉ sinh sống và làm ăn ở xã Y, huyện X thành phố Hà Nội. Từ đầu năm 1989, anh K (chưa có vợ và con) bỏ nhà đi biệt tích không bàn bạc, thông báo gì cho ông T và gia đình. Bản thân ông T và gia đình đã nhiều lần tìm kiếm nhiều nơi nhưng không có tin tức gì về anh K. Ngày 25/4/2013, ông T ( là anh của anh K) có đơn yêu cầu của Tòa án tuyên bố anh K mất tích. Tòa án nhân dân huyện T đã đăng tin nhắn tìm anh K trên đài tiếng nói Việt Nam (phát sóng vào lúc 17 giờ 50 phút ngày 14, 15, 16 tháng 5 năm 2013) và đăng tin trên báo Nhân dân số 21058 ngày 12/5/2013, số 21059 ngày 13/5/2013, số 21060 ngày 14/5/2013) đến ngày 30 tháng 9 năm 2013 mà không có tin tức gì của anh K.
Xét thấy, lời khai của ông Nguyễn D.T phù hợp với xác nhận của chính quyền địa phương xã Y về việc anh Nguyễn D.K bỏ nhà đi biệt tích từ đầu năm 1989 đến nay không có tin tức gì. Từ thời điểm Tòa án nhân dân huyện X đăng tin nhắn tìm anh K lần đầu tiên cho tới ngày 30 tháng 9 năm 2013, đã hết thời hạn 4 tháng nhưng anh K vẫn không có bất kỳ liên lạc nào với Tòa án hoặc có tin tức về cho gia đình. Tại phiên họp, ông T vẫn giữ yêu cầu tuyên bố anh K mất tích. Đối chiếu quy định tại Điều 78 Bộ luật Dân sự về điều kiện tuyên bố mất tích, Tòa án nhận yêu cầu của ông T về việc tuyên bố anh Nguyễn D.K mất tích như quan điểm đề nghị của Viện Kiểm sát. Ông T không có yêu cầu đề nghị nào khác nên Tòa không xét.
Quyết định:
Áp dụng khoản 3 Điều 26, Điều 311, 316, 317, 331, 332 Bộ luật Tố tụng dân sự; Áp dụng Điều 78 Bộ luật dân sự;
Chấp nhận đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích của ông Nguyễn D.T.
Tuyên bố anh Nguyễn D.K (sinh năm 1970, nơi cư trú cuối cùng: xã Y, huyện X, Hà Nội) mất tích.”
Câu hỏi:
1. Các điều kiện để tuyên bố cá nhân mất tích trong trường hợp trên? Nhận xét về các điều kiện được áp dụng trong trường hợp trên.
2. Quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của cá nhân bị tuyên bố mất tích? Những ai bị ảnh hưởng đến lợi ích và bị ảnh hưởng như thế nào khi cá nhân bị tuyên bố mất tích trong trường hợp trên?
3. Giả sử cá nhân bị tuyên bố mất tích là bên thế chấp đồng thời là người vay tiền của Ngân hàng thì Ngân hàng có đòi nợ khi đến hạn được không? Chỉ rõ các căn cứ pháp lý làm cơ sở cho lập luận của mình.
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Các điều kiện để tuyên bố cá nhân mất tích? Nhận xét về các điều kiện được áp dụng.
Tại Khoản 1 Điều 78 Bộ Luật dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện hành quy định: “Khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án có thể tuyên bố người đó mất tích. Thời hạn hai năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.”
Điều 330 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2004 (được sửa đổi. bổ sung năm 2011) quy định: “Khi làm đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích đương sự phải gửi kèm đơn là chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích hai năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm.”
Vậy, để Tòa án nhân dân có thể ra quyết định tuyên bố một người mất tích, đồng thời tạm dừng mọi năng lực pháp luật dân sự của một cá nhân khi thỏa mãn ban điều kiện: nhận được đơn yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan, có chứng cứ chứng minh thời gian biệt tích là hai năm trở lên và đã đăng thông báo tìm kiếm trên các phương tiện, thông tin đại chúng.
Trước hết, về chủ thể có quyền yêu cầu tuyên bố mất tích, đó là người có quyền và lợi ích liên quan, là những người có mối liên hệ nào đó mà quyền lợi và nghĩa vụ của họ bị ảnh hưởng do sự vắng mặt của người mất tích. Trong trường hợp này là ông T – anh ruột của K đã viết đơn nộp cho Tòa án theo quy định của pháp luật và có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố em trai mình mất tích.
Xét về không gian, Khoản 1 Điều 52 Bộ Luật dân sự Việt Nam hiện hành quy định: “Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống”. Từ khi sinh ra đến khi bỏ nhà đi, anh K chỉ sống ở xã Y, huyện X thành phố Hà Nội. Vậy, nơi cư trú cuối cùng của anh K là xã Y, huyện X thành phố Hà Nội, ông T có thể làm đơn gửi đến Tòa án nhân dân huyện X để Tòa án xem xét các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật và đưa ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích.
Về việc xét đơn yêu cầu, Điều 331 Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định các điều kiện về Chuẩn bị xét đơn yêu cầu:
“Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Toà án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích.
Nội dung thông báo và công bố thông báo được thực hiện theo quy định tại Điều 327 và Điều 328 của Bộ luật này. Thời hạn thông báo là bốn tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên.
Trong thời hạn công bố thông báo, nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu hoặc người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trở về và yêu cầu Toà án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu thì Toà án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.”
Xét về mặt thời gian, Điều 74 Bộ luật Dân sự quy định: “Khi một người biệt tích sáu tháng liền trở lên thì những người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Toà án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự...” Sau khi anh K bỏ nhà đi năm 1989, gia đình cũng đã báo cáo chính quyền địa phương và cũng được xác nhận sự việc. Từ đầu năm 1989 đến ngày 25/4/2013 là ngày ông T đệ đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích là hơn 24 năm mà ông T và gia đình không nhận được bất kì tin tức xác thực nào về việc H còn sống hay đã chết nên theo Điều 74 Bộ Luật dân sự, ông T có quyền “yêu cầu Toà án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và có thể yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt”. Tới ngày 12/5/2013, Tòa án đã bắt đầu đăng tin tìm anh K trên phương tiện thông tin đại chúng. Điều đó có nghĩa là Tòa án đã ra quyết định thông báo tìm kiếm trong thời hạn 20 ngày theo đúng luật định (Khoản 1
Điều 331 bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành). Bên cạnh đó, ông T cũng đã tìm kiếm anh K ở nhiều nơi trong suốt thời gian K biệt tích nhưng không có kết quả. Nhưng đến ngày 30 tháng 9 năm 2013 nghĩa là hơn 24 năm, ông T và gia đình vẫn không có tin tức xác thực về việc anh K còn sống hay đã chết nên theo yêu cầu của ông T, Toà án nhân dân huyện T sẽ xem xét và có thể ra quyết định tuyên bố K mất tích (Điều 78 Bộ Luật dân sự).
Trong suốt thời gian từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu đến ngày Tòa án ra quyết định tuyên bố mất tích, ông T không rút lại đơn yêu cầu và anh K không trở về nên Tòa án chấp nhận tuyên bố yêu cầu mất tích của ông T.
Vậy, trong trường hợp đang xét, tất cả các điều kiện để tuyên bố một người mất tích đều đầy đủ nên việc Tòa án ra quyết định tuyên bố anh K mất tích là hợp lý.
II. Quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của cá nhân bị tuyên bố mất tích? Những ai bị ảnh hưởng đến lợi ích và bị ảnh hưởng như thế nào khi cá nhân bị tuyên bố mất tích trong trường hợp trên?
Việc tuyên bố một người là mất tích kéo theo những hậu quả pháp lí về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản.
Thứ nhất, về quan hệ nhân thân. Quan hệ nhân thân là quan hệ giữa người với người về một giá trị nhân thân của các nhân hay tổ chức. Việc xác định một giá trị nhân thân là quyền nhân thân phải được pháp luật thừa nhận. Quyền nhân thân là quyền không đo lường được, không thể chuyển giao được người khác, hoặc uỷ quyền cho người giam hộ. Có hai loại quan hệ nhân thân là quan hệ nhân thân không gắn với tài sản và quan hệ nhân thân gắn liền tài sản. Trường hợp đang xét là quan hệ nhân thân gắn liền với tài sản, là những giá trị nhân thân được xác lập làm phát sinh các quyền tài sản. Anh K bỏ nhà đi từ đầu năm 1989 được hơn 20 năm, mặc dù gia đình đã tìm kiếm cộng với sự giúp sức của tòa án, nhưng vẫn không tìm ra, đến ngày 30 tháng 9 năm 2013 Tòa án tuyên bố mất tích. Vậy, K tạm thời bị đình chỉ tư cách chủ thể. Tuy nhiên quyết định này không làm chấm dứt hoàn toàn tư cách chủ thể của K mà chỉ tạm thời bị đình chỉ cho tới khi tuyên bố mất tích chấm dứt, nghĩa là tới khi có thông tin chi tiết về việc anh K còn sống hay đã chết. Quan hệ nhân thân giữa ông T với anh K không thay đổi (quan hệ gia đình). Việc tuyên bố anh K mất tích đồng thời với việc toàn bộ tài sản của K được giao cho cá nhân có mặt khác quản lý theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, về quan hệ tài sản. Bộ luật Dân sự năm 2005, tại Điều 163 có định nghĩa: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Tài sản của người bị tuyên bố mất tích được quản lí theo quy định của Tòa án được quy định tại các điều 75, 76, 77, 79 Bộ luật Dân sự 2005 về quản lí tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú. Điều 79 có ghi: “Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại khoản 1 Điều 75 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Toà án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 76 và Điều 77 của Bộ luật này.”
Điều 75 quy định:
“1. Theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án giao tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú cho những người sau đây quản lý:
a) Đối với tài sản đã được người vắng mặt uỷ quyền quản lý thì người được uỷ quyền tiếp tục quản lý;
b) Đối với tài sản chung thì do chủ sở hữu chung còn lại quản lý;
c) Tài sản do vợ hoặc chồng đang quản lý thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý; nếu vợ hoặc chồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì con đã thành niên hoặc cha, mẹ của người vắng mặt quản lý.
2. Trong trường hợp không có những người được quy định tại khoản 1 Điều này thì Toà án chỉ định một người trong số những người thân thích của người vắng mặt tại nơi cư trú quản lý tài sản; nếu không có người thân thích thì Toà án chỉ định người khác quản lý tài sản.”
Áp dụng vào tình huống đang xét thì khi Tòa án tuyên bố anh K mất tích thì quan hệ tài sản của K được xử lý như sau:
Tài sản của K tại nơi cư trú do người được K ủy quyền trước khi mất tích quản lí. Trong tình huống anh K không ủy quyền cho ai quản lí tài sản, nếu là tài sản thuộc sở hữu chung thì sẽ do chủ sở hữu chung còn lại quản lí. Vì anh K chưa kết hôn, không bị hạn chế về năng lực hành vi dân sự nên tài sản riêng của K do Tòa án chỉ định một trong những người thân thích của K quản lí, có nghĩa là cha, mẹ ông T hoặc ông T hay anh, chị khác của K (nếu có hay còn sống) quản lý, theo phán quyết của Tòa án. Vậy, trong trường hợp này, ông T là anh ruột của K nên là người có lợi ích ảnh hưởng trực tiếp tới việc K bị tuyên bố mất tích. Toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của K sẽ do cha, mẹ của K và ông T hoặc ông T quản lý. Cha, mẹ hoặc ông T, người quản lý tài sản của K phải có trách nhiệm đối với tài sản đó theo Điều 76, 77 Bộ luật Dân sự hiện hành. Cụ thể: “Người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú có các nghĩa vụ sau đây: 1. Giữ gìn, bảo quản tài sản của người vắng mặt như tài sản của chính mình; 2. Bán ngay tài sản là hoa màu, sản phẩm khác có nguy cơ bị hư hỏng; 3. Thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thanh toán nợ đến hạn của người vắng mặt bằng tài sản của người đó theo quyết định của Toà án; 4. Giao lại tài sản cho người vắng mặt khi người này trở về và phải thông báo cho Toà án biết; nếu có lỗi trong việc quản lý tài sản mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.” (Điều 76). Và “Người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú có các quyền sau đây: 1. Quản lý tài sản của người vắng mặt; 2. Trích một phần tài sản của người vắng mặt để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ thanh toán nợ đến hạn của người vắng mặt; 3. Được thanh toán các chi phí cần thiết trong việc quản lý tài sản.”(Điều 77).
III. Giả sử cá nhân bị tuyên bố mất tích là bên thế chấp đồng thời là người vay tiền của Ngân hàng thì Ngân hàng có đòi nợ khi đến hạn được không? Chỉ rõ các căn cứ pháp lý làm cơ sở cho lập luận của mình.
Trên thực tế, anh K đã được Tòa án nhân dân huyện X tuyên bố mất tích. Giả sử, anh K là bên thế chấp đồng thời là người vay tiền Ngân hàng thì Ngân hàng có căn cứ pháp lý để có thể đòi được nợ khi đến hạn.
Khẳng định trên đây là hoàn toàn có căn cứ pháp lý:
Về vấn đề thế chấp:
Khoản 1 Điều 342 Bộ luật Dân sự có quy định:
“Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.
Trong trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp.
Trong trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai…”
Theo tình huống được giả sử, trước khi mất tích, anh K là bên thế chấp đồng thời là người vay tiền của Ngân hàng. Theo Khoản 1 Điều 342, anh K đã thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (Ngân hàng). Tuy nhiên, khi chưa thực hiện nghĩa vụ dân sự một cách đầy đủ đối với Ngân hàng thì anh K đã bỏ nhà đi biệt tích từ đầu năm 1989 đến năm 2013, và đã được Tòa án nhân dân huyện X tuyên bố mất tích. Như vậy, lúc này Ngân hàng (là bên nhận thế chấp tài sản) có quyền “Yêu cầu xử lý tài sản thế chấp theo quy định tại Điều 355 hoặc khoản 3 Điều 324 của Bộ luật này và được ưu tiên thanh toán” (Quy định tại Khoản 7, Điều 351 Bộ luật Dân sự).
Điều 355 về xử lý tài sản thế chấp:
“Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo quy định tại Điều 336 và Điều 338 của bộ luật này”.
Điều 336 Bộ luật Dân sự về xử lý tài sản cầm cố:
“Trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thoả thuận thì tài sản cầm cố được xử lý theo phương thức do các bên đã thoả thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản cầm cố”.
Điều 338 Bộ luật dân sự về thanh toán tiền bán tài sản cầm cố:
“Tiền bán tài sản cầm cố được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ cho bên nhận cầm cố sau khi trừ chi phí bảo quản, bán tài sản và các chi phí cần thiết khác có liên quan để xử lý tài sản cầm cố; trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm là khoản vay thì thanh toán cho bên nhận cầm cố theo thứ tự nợ gốc, lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại nếu có; nếu tiền bán còn thừa thì phải trả lại cho bên cầm cố; nếu tiền bán còn thiếu thì bên cầm cố phải trả tiếp phần còn thiếu đó” .
Như vậy, nếu chỉ căn cứ vào những điều trên thì Ngân hàng hoàn toàn có thể đòi được nợ của anh K khi đến hạn cho dù anh K đã mất tích.
Tuy nhiên, còn một vấn đề chúng ta cần chú ý nữa. Đó là vấn đề về thừa kế, theo khoản 2 Điều 75 Bộ luật dân sự:
“Trong trường hợp không có những người được quy định tại khoản 1 Ðiều này thì Toà án chỉ định một người trong số những người thân thích của người vắng mặt tại nơi cư trú quản lý tài sản; nếu không có người thân thích thì Toà án chỉ định người khác quản lý tài sản”.
Trong trường hợp nếu đã thanh toán khoản nợ Ngân hàng bằng khoản tiền bán tài sản cầm cố mà chưa đủ thì người quản lý tài sản có nghĩa vụ phải trả tiếp khoản nợ còn thiếu đó trong khuôn khổ tài sản của người mất tích (trong trường hợp này là anh K). Điều này được quy định trong khoản 3 Điều 76 Bộ luật Dân sự:
“Thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thanh toán nợ đến hạn của người vắng mặt bằng tài sản của người đó theo quyết định của Tòa án”
Dựa vào tất cả những căn cứ pháp lý như trên, trong trường hợp anh K là bên thế chấp đồng thời là người vay tiền của Ngân hàng thì Ngân hàng hoàn toàn có thể đòi được nợ khi đến kỳ hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên thế chấp đồng thời là bên vay tiền.
KẾT LUẬN
Việc tuyên bố một cá nhân mất tích có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó góp phần đảm bảo lợi ích và nghĩa vụ của chủ thể có liên quan, giải quyết những hậu quả pháp lý liên quan tới việc giải quyết tài sản, quan hệ nhân thân của người đó… Việc xác định đúng điều kiện và hậu quả pháp lí của các tuyên bố này là cơ sở để đảm bảo công bằng quyền lợi cho các chủ thể, đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả những quy định của pháp luật.
Pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định rất cụ thể về các điều kiện cũng như trình tự, thủ tục giải quyết và hậu quả pháp lý của việc tuyên bố mất tích, cụ thể là trong Bộ luật dân sự và Luật tố tụng dân sự. Vậy, ta có thể đưa ra kết luận rằng Luật dân sự Việt Nam hiện hành đã góp phần giải quyết những vấn đề dân sự phát sinh đời sống hằng ngày, đảm bảo xã hội phát triển ổn định, đời sống nhân dân cải thiện, ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình:
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập I, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2013.
2. Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009.
Văn bản quy phạm pháp luật:
3. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
4. Luật dân sự Việt Nam năm 2005.
5. Luật Tố tụng dân sự năm 2004 (có sửa đổi, bổ sung năm 2011).
6. Quyết định 127/2005/QĐ-NHNN sửa đổi Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tien-te-Ngan-hang/Quyet-dinh-127-2005-QD-NHNN-Quy-che-cho-vay-to-chuc-tin-dung-khach-hang-sua-doi-Quyet-dinh-1627-2001-QD-NHNN-52831.aspx
7. Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN về Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tien-te-Ngan-hang/Quyet-dinh-1627-2001-QD-NHNN-Quy-che-cho-vay-cua-to-chuc-tin-dung-doi-voi-khach-hang-7333.aspx
No comments:
Post a Comment