Trong những năm qua, chính sách mở cửa để hội nhập với thế giới của nước ta đã và đang được thực hiện ngày càng tích cực. Thông qua việc thực hiện những chính sách này mà số lượng người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam càng ngày càng tăng. Nhà nước ta đã có những quy chế pháp lý riêng để quản lý những người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam. Chắc chắn rằng, những quy chế pháp lý này so với quy chế pháp lý hành chính của công dân Việt Nam sẽ có những điểm khác biệt. Để có thể hiểu biết chính xác hơn về những khác biệt này, bài viết này chúng em xin được làm rõ vấn đề: Phân tích về những điểm khác biệt trong quy chế pháp lí hành chính của người nước ngoài cư trú ở Việt Nam so với quy chế pháp lý hành chính của công dân Việt Nam và lí do của sự khác biệt đó.
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. KHÁI NIỆM
1. Công dân
Quốc tịch là một phạm trù chính trị - pháp lí thể hiện mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân, đồng thời quốc tịch còn xác định một cá nhân là công dân. Có thể nói người có quốc tịch của quốc gia nào là công dân của quốc gia đó.
Khoản 1 Điều 17 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”.
Theo Khoản 5 Điều 3 Luật quốc tịch Việt Nam 2008, “Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam.” Vậy, người nước ngoài là người đang ở một nước nhưng không có quốc tịch của nước sở tại.
2. Quy chế pháp lý hành chính của công dân Việt Nam
Quy chế pháp lí hành chính của công dân là tổng thể các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lý hành chính nhà nước. Quy chế pháp lý của công dân Việt Nam có những đặc điểm:
- Mọi công dân Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền về tự do cá nhân về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây là quyền quan trọng nhất của công dân.
- Quy chế pháp lý hành chính của công dân được xác lập trên cơ sở các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân do Hiến pháp quy định và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có thể hạn chế quyền và nghĩa vụ của công dân trên cơ sở pháp luật.
- Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên pháp luật phải có những quy định thích hợp để công dân có quyền và nghĩa vụ được thực hiện trên thực tế.
- Quyền và nghĩa vụ là hai mặt không thể tách rời. Công dân được hưởng quyền đồng thời phải làm tròn nghĩa vụ đối với nhà nước.
- Nhà nước tạo điều kiện cho nhu cầu chính đáng của cá nhân được thỏa mãn.
- Nhà nước chỉ truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với công dân khi có hành vi vi phạm pháp luật và chỉ trong giới hạn mà pháp luật cho phép.
- Nhà nước không ngừng hoàn thiện quy chế pháp lý hành chính của công dân để đảm bảo cho công dân tham gia tích cực vào quản lý nhà nước.
2. Quy chế pháp lý hành chính của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam
Quy chế pháp lý hành chính của người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là tổng thể những quy định của pháp luật về các quyền và nghĩa vụ pháp lí của người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Quy chế pháp lý hành chính của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có những đặc điểm sau:
- Bất kỳ người nước ngoài nào cũng phải chịu sự tài phán của hai hệ thống pháp luật: Pháp luật của nước sở tại và pháp luật của nước mà họ mang quốc tịch.
- Tất cả những người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống ở Việt Nam đều bình đẳng về năng lực pháp luật hành chính.
- Quy chế pháp lí hành chính của người nước ngoài có hạn chế nhất định so với công dân Việt Nam.
II. PHÂN TÍCH NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT TRONG QUY CHẾ PHÁP LÝ HÀNH CHÍNH CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI CƯ TRÚ TẠI VIỆT NAM SO VỚI QUY CHẾ PHÁP LÝ HÀNH CHÍNH CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM.
1. Về khái niệm
Về định nghĩa: Quy chế pháp lí hành chính của công dân là tổng thể các quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lí hành chính nhà nước. Quy chế pháp lý hành chính của người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là tổng thể các quyền và nghĩa vụ pháp lí của người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.
Về đặc điểm, công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam còn người nước ngoài cư trú tại Việt Nam không có quốc tịch nước Việt Nam. Quy chế pháp lí của công dân Việt Nam được quy định trong các văn bản pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và được đảm bảo thực hiện trong thực tế còn quy chế pháp lý hành chính của người nước ngoài cư trú ở Việt Nam được quy định trong Hiến pháp và những văn bản pháp luật khác như: pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000... Mọi công dân Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền về tự do cá nhân, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… còn người nước ngoài cư trú tại Việt Nam phải chịu sự tài phán của hai hệ thống pháp luật: Pháp luật Việt Nam và pháp luật nước mà họ mang quốc tịch nên họ bị hạn chế về nhiều mặt, nhiều lĩnh vực; ví dụ như không được lựa chọn nghề nghiệp như công dân Việt Nam. Quy chế pháp lí hành chính của công dân xác lập trên cơ sở các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân do Hiến pháp quy định, chỉ những cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có thể hạn chế quyền và nghĩa vụ của công dân. So với quy chế pháp lý của công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam bị hạn chế một số quyền và nghĩa vụ.
2. Trong lĩnh vực hành chính - chính trị
Xét trong lĩnh vực hành chính - chính trị, người nước ngoài và công dân Việt Nam đều có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, đảm bảo bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín, có quyền được bảo vệ tính mạng, nhân phẩm, danh dự, tài sản; có quyền khiếu nại tố cáo để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Tuy nhiên, so với công dân Việt Nam, các quyền dành cho người nước ngoài đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam có phần hạn chế hơn nhiều:
Đối với công dân Việt Nam, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội được nhà nước thừa nhận rộng rãi và được quy định trong Hiến pháp: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (Điều 28 Hiến pháp 2013). Ngược lại, đối với người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, quyền này bị hạn chế và hầu như không có. Nhà nước ta không thừa nhận việc người nước ngoài tham gia vào bộ máy quản lý nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế, họ vẫn có thể được tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan nhà nước đối với những công việc không liên quan đến bí mật quốc gia và an ninh quốc phòng khi được sự đồng ý của cán bộ, công chức có thẩm quyền.
Điều 27 Hiến pháp 2013 quy định quyền bầu cử, ứng cử: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân”. Nhưng nhóm người nước ngoài không có quyền này.
Thực tế cho thấy, quyền tự do đi lại và cư trú của người nước ngoài bị hạn chế hơn rất nhiều so với công dân Việt Nam. Đây là một quyền chính trị quan trọng mà Nhà nước ta đã quy định rõ đối với công dân trong Hiến pháp: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước” (Điều 23 Hiến pháp 2013). Trong khi đó, pháp luật Việt Nam quy định về quyền này của người nước ngoài rất chặt chẽ và cụ thể. Ví dụ người nước ngoài muốn cư trú ở Việt Nam phải làm các thủ tục nhập cảnh; phải đăng kí mục đích, thời hạn và địa chỉ cư trú tại Việt Nam... Tuy nhiên, nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài xuất nhập cảnh. Hay pháp luật nước ta quy định người nước ngoài không được cư trú, đi lại ở những khu vực, địa điểm cấm người nước ngoài cư trú, đi lại như khu vực vành đai biên giới, các khu vực công nghiệp quốc phòng, khu quân sự, các khu vực có yêu cầu bảo vệ an ninh đặc biệt… quy định tại chương II và chương III Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đối với một số người nước ngoài, nhà nước Việt Nam còn dành một số quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, miễn trừ lãnh sự khi xét xử trong khi công dân Việt Nam không cần thiết và không có những quy định này. Ngoài ra, công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khi có hành vi phạm tội nghiêm trọng mà bị xét xử theo pháp luật Việt Nam còn người nước ngoài có thể bị trục xuất trong những trường hợp: vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt nam, bị xử phạt vi phạm hành chính; phạm tội nhưng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội…
Công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam đều phải có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Nhưng so với người nước ngoài, công dân Việt Nam còn có các nghĩa vụ và trách nhiệm khác, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ tổ quốc, phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tham gia quân sự khi tới độ tuổi theo quy định của pháp luật. Ngoài ra công dân Việt Nam phải có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc (giữ gìn bí mật nhà nước), mọi hành vi phản bội đều bị trừng trị thích đáng. Như vậy, so với công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được hạn chế một số nghĩa vụ liên quan đến quân sự và bí mật quốc gia.
3. Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội
a. Quyền lao động :
Đây là một quyền quan trọng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội và có ý nghĩa lớn với mọi công dân cũng như toàn xã hội. Trong Hiến pháp 1992, Điều 55 quy định: “Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân…” Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Điều 56 Hiến pháp 1992 đã quy định rất cụ thể: “Nhà nước ban hành chính sách, chế độ bảo hộ lao động…” Nhưng trong Hiến pháp 2013, quyền này được quy định chi tiết như sau: “1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. 2. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. 3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.”
Quyền lao động của công dân được Nhà nước bảo đảm từng bước trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, qua đó cũng giúp cho đất nước phát triển, của cải trong xã hội ngày càng nhiều hơn và phong phú hơn.
Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có quyền lao động nhưng không được tự do lựa chọn nghề nghiệp như công dân Việt Nam. Pháp luật quy định cụ thể một số ngành nghề mà người nước ngoài không được phép hoạt động (Ví dụ nghề lái xe chở khách, nghề lái ca nô và các phương tiện vận chuyển hành khách…). Người nước ngoài có quyền làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam và được các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam cấp giấy phép lao động. Người sử dụng được phép tuyển người nước ngoài làm việc khi cần có các chuyên gia có chuyên môn kỹ thuật cao.
b. Quyền tự do kinh doanh :
Đây cũng là môt quyền được pháp luật quy định rõ ràng trong Hiến pháp, bộ luật cơ bản và có hiệu lực pháp lý cao nhất: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33 Hiến pháp 2013). Vậy, nhà nước ta tạo điều kiện cho công dân tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật cho phép, góp phần phát triển kinh tế nhiều thành phần.
Đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, pháp luật chỉ cho phép họ kinh doanh một số ngành nghề nhất định và phạm vi kinh doanh cũng bị thu hẹp hơn so với công dân. Một số ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh doanh của người nước ngoài tại Việt Nam như: Ngành luật sư, các ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, trong lĩnh vực tín dụng, hoạt động kinh tế tại vùng biển, hoạt động thương mại du lịch. Tuy vậy, trong điều kiện hiện nay có một số nghề kinh doanh đặc biệt mà người nước ngoài được phép tham gia nhưng phải nộp bản cam kết cho công an cấp tỉnh hoặc ấp huyện nơi họ hành nghề (VD: cho thuê nghỉ trọ, nghề khắc con dấu…)
c. Quyền sở hữu thu nhập hợp pháp :
Đây là quyền mà cả công dân và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam đều được hưởng. Tuy nhiên xét về mọi khía cạnh thì người Việt Nam luôn được ưu tiên hơn.
d. Quyền xây dựng nhà ở theo quy hoạch :
Đây là sự khác biệt cơ bản trong lĩnh vực kinh tế - xã hội giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Điều 5 luật đất đai 2013 quy định “Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:…Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ…”. Để được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, người nước ngoài phải thuộc đối tượng được mua, thừa kế, tặng cho và sở hữu nhà ở tại Việt Nam và nhà ở mà cá nhân, doanh nghiệp trên được mua, sở hữu là căn hộ chung cư trong các dự án phát triển nhà ở thương mại và không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại. Còn công dân Việt Nam không bị hạn chế quyền mua nhà ở các khu vực này cũng như những địa điểm trên phạm vi Việt Nam.
e. Nghĩa vụ đóng thuế :
Đối với công dân Việt Nam thì chỉ phải chịu thuế thu nhập thường xuyên còn đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam thì phải chịu thuế về thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên. Người nước ngoài dù không ở Việt Nam nhưng có thu nhập phát sinh tại Việt Nam luôn phải đóng thuế thu nhập cao. Như vậy người nước ngoài phải có nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cao hơn so với công dân Việt Nam.
f. Các nghĩa vụ khác :
Các nghĩa vụ khác như: nghĩa vụ lao động công ích, nghĩa vụ tham gia xây dựng công trình công cộng, nghĩa vụ khắc phúc hậu quả thiên tai… Hầu hết các nghĩa vụ này thì người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có thể có hoặc không thực hiện nhưng người Việt Nam thì bắt buộc.
4. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội
Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, quy chế pháp lí của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam và công dân Việt Nam có những sự khác biệt nhất định, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục và văn hóa.
a. Về giáo dục
Tuy công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đều có quyền học tập tại Việt Nam và được tuyển sinh, quản lí theo quy chế của Việt Nam nhưng Công dân Việt Nam không những được tự do học tập trong nước mà còn được đi học ở nước ngoài theo con đường tự chọn về ngành học, bậc học, nước mà công dân du học… Còn người nước ngoài cư trú ở Việt Nam và con em của họ được vào học tại các trường học Việt Nam trừ một số trường đại học, trường chuyên nghiệp hoặc một số ngành học trong các trường có liên quan đến an ninh, quốc phòng…Và việc tiếp nhận, quản lí đào tạo đối với người nước ngoài học tại các cơ sỏ giáo dục thuộc Bộ quốc phòng, Bộ công an, Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cơ yếu Chính phủ, Học viện chính trị - hành chính quốc gia được thực hiện theo quy đinh riêng của Nhà nước. Như vậy, có thể thấy, trong lĩnh vực giáo dục, quyền của người nước ngoài bị hạn chế và bị quản lí nghiêm ngặt hơn công dân Việt Nam.
b. Về văn hóa
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, công dân Việt Nam có nghĩa vụ bảo vệ các di sản văn hóa dân tộc, chịu trách nhiệm pháp lí khi có hành vi xâm hại di sản văn hóa dân tộc… Pháp luật không quy định quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam về vấn đề này. Tuy nhiên, ta có thể thấy các khu di tích văn hóa có những quy định riêng ngăn chặn hành vi xâm hại tới các di sản văn hóa đôi với mọi người thăm quan di tích. Với người nước ngoài, những di sản văn hóa ở Việt Nam với họ không mang ý nghĩa lớn lao như với người Việt Nam nhưng các di sản đó thể hiện nét đẹp truyền thống, bản sắc của Việt Nam. Mọi người cần phải chung tay bảo vệ vẻ đẹp đó.
c. Các lĩnh vực khác
Ngoài ra, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam cũng được pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ trong một số lĩnh vực như công dân Việt Nam như: hôn nhân – gia đình, báo chí thông tin, sở hữu trí tuệ, y tế, bảo trợ xã hội… tuy nhiên các quyền của họ trong những lĩnh vực này cũng bị hạn chế hơn nhiều so với công dân Việt Nam.
III. LÝ DO QUY CHẾ PHÁP LÍ HÀNH CHÍNH CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI CƯ TRÚ TẠI VIỆT NAM KHÁC QUY CHẾ PHÁP LÍ CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM
1. Nguyên tắc quốc tịch
Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ pháp lí giữa cá nhân với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước cũng như trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân Việt Nam. Nhà nước ta bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và theo quy định của pháp luật. Vì vậy mà quy chế pháp lý hành chính nhà nước giữa công dân và người nước ngoài có sự khác biệt, cụ thể là các quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài hẹp hơn so với công dân Việt Nam.
2. Nguyên tắc đảm bảo an ninh quốc phòng
Vấn đề độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia hiện nay đối với Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung là một vấn đề quan trọng, là mối quan tâm hàng đầu của các nhà làm chính trị. Nó gắn liền và ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển cũng như cuộc sống của nhân dân. Một quốc gia khi mất đi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thì nước đó sẽ tiêu vong, công dân nước đó sẽ nghèo đó và khổ cực. Vì vậy, mọi hoạt động nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia cần được cân nhắc kỹ lưỡng kể cả đối với việc ban hành các quy chế hành chính nhà nước đối với người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Để đảm bảo các bí mật về quốc phòng, an ninh và các công việc nội bộ của đất nước mà Nhà nước ta đã hạn chế việc tìm hiểu các vấn đề chính trị, các công việc nội bộ của Nhà nước ta của người nước ngoài của người nước ngoài như: Người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam có quyền tự do đi lại nhưng bị hạn chế không được đi lại tùy tiện ở các khu vực quốc phòng, các nơi liên quan đến an ninh, quốc phòng… Bên cạnh việc bị hạn chế một số quyền nhất định thì người nước ngoài cũng không phải thực hiện một số nghĩa vụ như nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Có thể thấy, sự khác biệt quy chế pháp lý hành chính của người nước ngoài cư trú ở Việt Nam và công dân Việt Nam là do những yêu cầu thiết yếu để bảo vệ Tổ quốc.
Nhà nước ta bảo hộ các quyền của công dân Việt Nam trên cơ sở pháp luật Việt Nam, tạo mọi điều kiện để công dân phát huy những khả năng vốn có của mình, góp phần xây dựng đất nước. Còn đối với người nước ngoài, Nhà nước ta bảo hộ quyền lợi của họ dựa trên những điều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết hoặc tham gia.
KẾT LUẬN
Từ việc phân tích sự khác biệt giữa quy chế pháp lý của công dân Việt Nam và quy chế pháp lý của công dân nước ngoài trên các lĩnh vực hành chính – chính trị; kinh tế - xã hội và văn hóa – xã hội cùng việc giải thích lý do dẫn tới sự khác biệt đó là theo nguyên tắc quốc tịch và nguyên tắc an ninh – quốc phòng. Những phân tích nói trên đã góp phần không nhỏ giúp chúng ta hiểu hơn về những quy định, pháp luật hành chính của nước ta trong việc bảo vệ và phát triển đất nước. Bài viết còn nhiều sai sót, mong thầy cô góp ý để chúng em sửa đổi và bổ sung, để những bài viết sau có chất lượng tốt hơn. Chúng em xin chân thành cảm ơn!
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình:
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Nhà xuất bản Công an nhân dân; Hà Nội 2013; Chương X Quy chế pháp lí hành chính của công dân, người nước ngoài; trang 265 – 298.
Văn bản quy phạm pháp luật
2. Chương I Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008; Những quy định chung.
3. Chương I, II, III Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 28/4/2000.
4. Điều 5 luật Đất đai 2013.
No comments:
Post a Comment