20/08/2014
Phân tích điều 96 - Tính thời hạn - Bình luận Bộ luật Tố tụng hình sự
Điều 96. Tính thời hạn

1. Thời hạn mà Bộ luật này quy định được tính theo giờ, ngày và tháng. Đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn. Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau; nếu tháng đó không có ngày trùng thì thời hạn hết vào ngày cuối cùng của tháng đó; nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn.

Khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam thì thời hạn hết vào ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh. Nếu thời hạn được tính bằng tháng thi một tháng được tính là ba mươi ngày.

2. Trong trường hợp có đơn hoặc có giấy tờ được gửi qua bưu điện  thì thời hạn được tính theo dấu bưu điện nơi  gửi. Nếu có đơn hoặc giấy tờ được gửi qua ban giám thị trại tạm giam, trại giam thì thời hạn được tính từ ngày ban giám thị trại tạm giam, trại giam nhận được đơn hoặc giấy tờ đó.


1. Trong tố tụng hình sự, thời hạn là một chế định rất quan trọng, nó liên quan đến rất nhiều chế định khác như điều tra, tạm giữ, tạm giam, chuẩn bị xét xử... Quy định thời hạn một cách hợp lí sẽ bảo đảm cho hoạt động tố tụng được tiến hành nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tài sản và công sức của nhà nước và những người tham gia tố tụng khác, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng vi phạm các quy định về thời hạn, Điều luật đã quy định cách tính thời hạn.

2. Thời hạn quy định trong BLTTHS nước ta được tính theo giờ, ngày và tháng. Thí dụ, khoản 4 Điều 81 (Bắt người trong trường hợp khẩn cấp) quy định trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đề nghị được xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp, viện kiểm sát phải ra quyết định  phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn; Điều 87 (thời hạn tạm giữ) quy định thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày kể tự khi cơ quan điều tra nhận được người bị bắt. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể ra hạn tạm giữ nhưng không quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn; trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn và tài liệu liên quan đến việc gia hạn tạm giữ, viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn; Điều 120 (thời hạn tạm giam để điều tra) trong khoản 1 quy định thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng...

3. Điều luật quy định đêm được tính từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Đây là một quy định rất quan trọng bởi lẽ, trong khoảng thời gian nói trên, một số hành vi và hoạt động tố tụng không được tiến hành trừ trường hợp có lí do không thể trì hoãn (Thí dụ, không được hỏi cung vào ban đêm, không được khám nhà, bắt người vào ban đêm...).

4. Thời hạn quy định trong điều luật này được tính theo dương lịch. Theo lịch, không phải tất cả các tháng đều có 30 ngày mà có những tháng có 31 ngày, 28 hoặc 29 ngày. Luật quy định khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn kết thúc vào ngày trùng của tháng sau, nếu tháng đó không có ngày trùng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó. Thí dụ, thời hạn điều tra vụ án cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự được bắt đầu từ ngày 31/12 năm 2003 thì sẽ hết thời hạn vào ngày 29/2/2004 bởi tháng 2/2004 chỉ có 29 ngày. Trong thực tế, thời điểm hết thời hạn có thể trùng với ngày nghỉ (bao gồm ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc các ngày lễ mà theo Hiến pháp là ngày được nghỉ việc). Trong trường hợp này thì thời điểm hết thời hạn là ngày tiếp theo ngày nghỉ (tức là ngày thứ hai của tuần làm việc hoặc ngày đầu tiên tiếp theo của ngày lễ).

5. Xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo và từ lợi ích của người bị truy tố về hình sự, Điều luật quy định khi cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định tạm giữ, tạm giam phải ghi rõ trong lệnh tạm giữ, tạm giam thời gian bắt đầu và thời hạn  kết thúc. Trong trường hợp trong lệnh tạm giam chỉ ghi ngày bắt đầu tạm giam và thời hạn tạm giam được tính bằng tháng thì một tháng được tính là 30 ngày.

6. Trong tố tụng hình sự, pháp luật quy định có hai hình thức gửi đơn hoặc giấy tờ, tài liệu. Đó là gửi trực tiếp cho người hoặc cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và gửi qua đường bưu điện. Trong trường hợp đơn, giấy tờ hoặc tài liệu được gửi qua đường bưu điện thì thời hạn bắt đầu được tính theo thời gian ghi trên dấu của bưu điện nơi gửi (thí dụ, ngày 3/2/2004 Toà án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án phạt tù 10 năm đối với bị cáo Trần Văn A quê ở Tuyên Quang. Sau khi tuyên án, bị cáo Trần Văn A kháng cáo và đơn kháng cáo được gửi theo đường bưu điện tới Toà án nhân dân thành phố Hà Nội. Ngày 28/2/2004 Toà án nhân dân thành phố Hà Nội mới nhận được đơn kháng cáo nói trên của Trần Văn A. Trong trường hợp này, kháng cáo của Trần Văn A vẫn được coi là hợp lệ và kháng cáo được tiến hành trong thời gian luật định (15 ngày) nếu trên phong bì có dấu bưu điện ghi ngày gửi trước ngày 18/2/2004.

7. Trong thực tế, các bị can, bị cáo, người bị kết án đang trong các trại tạm giam, trại giam không thể gửi đơn từ, giấy tờ, tài liệu theo một trong hai hình thức nói trên mà bắt buộc phải gửi qua khâu trung gian là ban giám thị trại tạm giam, trại giam. Trong trường hợp này, thời hạn gửi tài liệu hoặc giấy tờ, đơn từ được tính từ ngày Ban giám thị trại tạm giam, trại giam nhận đơn hoặc giấy tờ, tài liệu đó. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, người bị kết án đang trong các trại tạm giam, trại giam, Bộ công an ra các quy định cụ thể về thủ tục tiếp nhận đơn từ, giấy tờ, tài liệu của Ban giám thị các trại giam, trại tạm giam khi các trại viên có nhu cầu gửi đơn từ, giấy tờ hoặc tài liệu tới những người tiến hành tố tụng hoặc cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền.

BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Người thực hiện: PGS.TS. Phạm Hồng Hải
Viện nghiên cứu Nhà nước và pháp luật

No comments:

Post a Comment