20/08/2014
Phân tích điều 97 - Phục hồi thời hạn - Bình luận Bộ luật Tố tụng hình sự
Điều 97. Phục hồi thời hạn

Nếu quá hạn mà có lí do chính đáng thì cơ quan tiến hành tố tụng phải phục hồi lại thời hạn


1. Trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự có thể vì những lí do nào đó mà thời hạn đã hết. Nếu theo các quy định về thời hạn thì về nguyên tắc, việc hết thời hạn là một căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng không tiếp tục giải quyết vấn đề liên quan (Thí dụ, khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị thì các kháng cáo, kháng nghị không được chấp nhận và việc xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm sẽ không được tiến hành). Tuy nhiên, việc quá hạn cũng có nhiều lí do khác nhau, có những lí do chính đáng và có những lí do không chính đáng. Trong trường hợp việc quá hạn có lí do chính đáng mà cơ quan tiến hành tố tụng không tiếp tục giải quyết những vẫn đề liên  quan sẽ hoặc gây thiệt hại cho nhà nước hoặc gây thiệt hại cho công dân. Để tình trạng trên đây không xảy ra, Điều luật quy định nếu quá hạn mà có lí do chính đáng thì cơ quan tiến hành tố tụng phải phục hồi lại thời hạn.


2. Phục hồi thời hạn là việc cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền không thừa nhận việc quá hạn mà ngược lại thừa nhận thời hạn đang còn trên cơ sở xác định nguyên nhân dẫn tới việc quá hạn là chính đáng.

3. Lí do chính đáng là những lí do khách quan mà bản thân các chủ thể cho dù đã cố gắng thực hiện các biện pháp khác nhau nhưng cũng không thể khắc phục được. Thí dụ, lí do việc kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm quá hạn được coi là chính đáng khi  xác định có thiên tai, địch hoạ, dịch bệnh... mà những hiện tượng trên đã trực tiếp gây ra những khó khăn cho việc kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định; thời hạn điều tra đã hết nhưng cơ quan điều tra chưa kết thúc điều tra do bị can bỏ trốn, ốm nặng cần có thời gian điều trị...

4. Nghĩa vụ phục hồi thời hạn thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Các cơ quan này, sau khi xác minh những nguyên nhân dẫn đến việc quá hạn nếu thấy đó là những lí do chính đáng thì ra các quyết định tương ứng để phục hồi thời hạn. Hậu quả của quyết định phục hồi thời hạn của cơ quan tiến hành tố tụng là việc giải quyết vụ án hình sự lại được tiến hành một cách bình thường theo các quy định  chung.

BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Người thực hiện: PGS.TS. Phạm Hồng Hải
Viện nghiên cứu Nhà nước và pháp luật

No comments:

Post a Comment