20/08/2014
Phân tích điều 95 - Biên bản - Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng Hình sự
Điều 95. Biên bản

1. Khi tiến hành các hoạt động tố tụng, bắt buộc phải lập biên bản theo mẫu quy định thống nhất.
Trong biên bản ghi rõ địa điểm, ngày, giờ, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, những người tiến hành, tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động tố tụng, những khiếu nại, yêu cầu, đề nghị của họ.

2. Biên bản phiên toà phải có chữ kí của chủ toạ phiên toà và thư kí toà án. Biên bản các hoạt động tố tụng khác phải có chữ kí của những người mà Bộ luật này quy định trong từng trường hợp. Những điểm sửa chữa trong biên bản cũng phải được xác nhận bằng chữ kí của họ.


1. Điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự (quy định về chứng cứ) tại điểm d Khoản 2 quy định biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử là một trong những nguồn của chứng cứ. Chính vì vậy, chúng luôn luôn có giá trị để chứng minh về một tình tiết nào đó của vụ án hình sự. Để bảo đảm các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện một cách đúng đắn và thống nhất các quy định của pháp luật khi tiến hành các hành vi và hoạt động tố tụng khác nhau, Điều luật này của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định các cơ quan này phải lập biên bản. Ngoài Điều 95 BLTTHS còn có nhiều điều luật khác quy định thủ tục lập biên bản về các hành vi và hoạt động tố tụng hình sự cụ thể mà khi thực hiện các hành vi và hoạt động tố tụng đó người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người liên quan phải tuân theo. Thí dụ, Điều 80 quy định về bắt bị can, bị cáo để tạm giam; Điều 81 quy định về bắt người trong trường hợp khẩn cấp; Điều 84 quy định biên bản về việc bắt người.


2. Biên bản về các hành vi và hoạt động tố tụng là một văn bản ghi nhận diễn biến, nội dung, những người tham gia một công việc nào đó trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Thí dụ, biên bản bắt người phạm pháp quả tang; biên bản đối chất, nhận dạng; biên bản khám người; biên bản khám nhà; biên bản thu giữ các tài liệu, vật chứng...

3. Vì hành vi và hoạt động tố tụng bao giờ cũng được tiến hành ở một thời điểm và địa điểm nào đó nên pháp luật quy định khi tiến hành các hoạt động tố tụng trong biên bản phải ghi rõ địa điểm, ngày, giờ, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc của hoạt động tố tụng. Những người tiến hành, tham gia hoặc liên quan đến hoạt động tố tụng cần phải được ghi rõ trong biên bản và cuối biên bản phải có chữ kí của họ. Những biên bản về hoạt động tố tụng nếu không có chữ kí của những người nói trên sẽ không có giá trị pháp lí và không được dùng làm chứng cứ để chứng minh một tình tiết nào đó của vụ án.

4. Pháp luật yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng phải có các mẫu biên  bản thống nhất về cùng một hoạt động tố tụng. Thí dụ, biên bản lấy lời khai của viện kiểm sát và của cơ quan điều tra, biên bản về từ chối luật sư bào chữa của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án và các loại biên bản khác phải được lập giống nhau.

5. Trong quá trình lập biên bản, có thể có sự thay đổi, sửa chữa, bổ sung. Những điểm thay đổi, sửa chữa, bổ sung đó bên cạnh phải có chữ kí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia hoặc người liên quan đến hoạt động tố tụng. Những ý kiến đề nghị, yêu cầu hoặc khiếu nại liên quan đến nội dung của biên bản cũng phải được ghi trong chính biên bản đó làm cơ sở cho việc xem xét, giải quyết của cơ quan và những người có thẩm quyền.

6. Tại  phiên toà xét xử, biên bản phiên toà do thư kí (hoặc các thư kí) ghi chép. Mặc dù phiên toà có nhiều người tiến hành tố tụng như chủ toạ phiên toà, thẩm phán - thành viên hội đồng xét xử, hội thẩm nhân dân, đại  diện viện kiểm sát và nhiều người tham gia phiên toà như người bào chữa, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, người phiên dịch, người giám định... nhưng biên bản phiên toà chỉ cần có chữ kí của chủ toạ phiên toà và thư kí toà án. Những người khác không có nghĩa vụ và cũng không có quyền kí vào biên bản phiên toà mặc dù một số người trong những người nói trên có quyền được đọc biên bản phiên toà và có yêu cầu và kiến nghị nếu không đồng ý với nội dung nào đó nêu trong biên bản.

BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Người thực hiện: PGS.TS. Phạm Hồng Hải
Viện nghiên cứu Nhà nước và pháp luật

No comments:

Post a Comment