20/08/2014
Một số vấn đề về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 1999
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa X, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 32/1999/QH 10 về việc thi hành Bộ luật hình sự (BLHS) và Bộ luật này có hiệu lực từ ngày 01-7-2000. Gần 10 năm qua, Bộ luật hình sự đã đi vào cuộc sống, phát huy những hiệu quả tích cực trong cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, 10 năm qua cũng đã có những biến đổi trong một số quan hệ xã hội làm nẩy sinh nhu cầu tất yếu phải điều chỉnh. Xã hội là một thực thể sống, trong nội hàm của nó đã buộc phải có tính tổ chức, có sự điều chỉnh. Điều chỉnh xã hội là do bản thân nhu cầu xã hội để chấn chỉnh các góc độ xã hội, đó là một tất yếu, một quy luật, một thuộc tính của mọi xã hội nhằm đảm bảo sự ổn định xã hội. Pháp luật cũng là một trong những chuẩn mực xã hội được Nhà nước duy trì, có thái độ chính thức và đảm bảo. Để tồn tại được, mọi thiết chế của Nhà nước và của xã hội phải được tổ chức trên những nền tảng chuẩn mực và ổn định, thể hiện lợi ích, tiến bộ của xã hội, đó là pháp luật. Như vậy, pháp luật là hình thức tổ chức, là nền tảng tổ chức của xã hội; của Nhà nước. Nhà nước dựa vào pháp luật, sử dụng một loại phương tiện pháp lý đặc thù là quy phạm pháp luật, văn bản pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tác động đến các quan hệ đó theo phương hướng nhất định, đó là điều chỉnh pháp luật. Chính vì vậy, ngày 19-6-2009 Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 1999 nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội theo hướng bổ sung, sửa đổi một số mối quan hệ xã hội trong lĩnh vực hình sự. Theo đó, có 44 điều luật được sửa đổi về nội dung hoặc sửa về kỹ thuật và bổ sung thêm 13 điều luật mới. Cùng ngày, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 33/2009/QH 12 về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (sau đây xin gọi chung là Nghị quyết số 33).


Ngày 29-6-2009, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự và Luật này có hiệu lực thi hành từ 0 giờ ngày 01-01-2010.


Để thi hành nghiêm túc và kịp thời các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự và thi hành khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33 ngày 17-7-2009 Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành công văn số 105/TANDTC-KHXX hướng dẫn thi hành khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33/2009/QH12.

Để tiện theo dõi, chúng tôi trình bày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự dưới góc độ hình sự hóa, phi hình sự hóa và tội phạm hóa và phi tội phạm hóa, đồng thời cũng trình bày một số suy nghĩ về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.

A. Phi hình sự hóa, phi tội phạm hóa:

1) Phi hình sự hóa

- Phi hình sự hóa là việc bỏ đi những quy định hoặc một số quy định chung làm tăng trách nhiệm hình sự của người phạm tội, bỏ loại hình phạt, bỏ đi các tình tiết định tội, định khung hình phạt đối với một hoặc một số loại tội phạm đã được quy định trong Bộ luật hình sự.

Theo khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 33 thì: Kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được công bố, tức là ngày 29-6-2009 thì:

a- Khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm không áp dụng hình phạt tử hình đối với những người phạm tội quy định tại điểm a khoản 2, Điều 1 Nghị quyết 33 (không phân biệt hành vi phạm tội thực hiện trước hay sau ngày 29-6-2009). Đó là các tội hiếp dâm (khoản 3 Điều 111), tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (khoản 3 Điều 180), tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (khoản 4 Điều 197), tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (khoản 3 Điều 221), tội đưa hối lộ (khoản 4 Điều 289) và tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (khoản 4 Điều 334).

- Trường hợp Tòa án đã tuyên tử hình đối với người phạm các tội nêu trên và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm báo cáo ngay Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để ra quyết định chuyển hình phạt tử hình xuống hình phạt tù chung thân.

b- Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện một trong các hành vi sau đây, trừ trường hợp có yếu tố định tội khác:

- Hành vi quy định tại khoản 1 các Điều 137 (Công nhiên chiếm đoạt tài sản), Trộm cắp tài sản (Điều 138), Lừa đảo tài sản (Điều 139), Tham ô tài sản (Điều 278), Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280) mà tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới hai triệu đồng.

- Hành vi quy định tại khoản 1 của các tội nhận hối lộ (Điều 279), đưa hối lộ (Điều 289), lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283), môi giới hối lộ (Điều 290), lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 291) mà tài sản phạm tội có giá trị dưới hai triệu đồng.

- Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 141 (tội chiếm giữ trái phép tài sản) mà tài sản bị chiếm giữ trái phép có giá trị dưới mười triệu đồng.

- Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 143 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản) mà thiệt hại có giá trị dưới hai triệu đồng.

- Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 161 (tội trốn thuế) mà số tiền trốn thuế dưới một trăm triệu đồng.

- Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 248 (tội đánh bạc) mà số tiền hoặc hiện vật đánh bạc có giá trị dưới hai triệu đồng.

c- Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 các Điều 171 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp), Điều 182 (tội gây ô nhiễm không khí), Điều 183 (tội gây ô nhiễm nguồn nước), Điều 184 (tội gây ô nhiễm đất), Điều 185 (tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường), Điều 191 (tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên), Điều 248 (tội đánh bạc) theo tình tiết "đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm".

- Các hành vi quy định tại khoản 1 các điều 224 (tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình vi rút tin học, Điều 225 (tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử), Điều 226 (tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính) theo tình tiết "đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính mà còn vi phạm".

Như vậy: Các tội phạm nêu trên đã được phi hình sự hóa bởi việc loại bỏ hình phạt (các hình phạt tử hình), loại bỏ các tình tiết để cấu thành tội phạm (cấu thành cơ bản) như "đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm", "đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính mà còn vi phạm" hoặc đã nâng mức định lượng trong các tội danh, ví dụ như nâng mức từ "năm trăm đồng" lên "hai triệu đồng" đối với các tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo tài sản, tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ… nâng mức từ "một triệu đồng" lên "bốn triệu đồng" với tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nâng mức từ "năm triệu đồng" lên "mười triệu đồng" với tội chiếm giữ trái phép tài sản…

Lưu ý: Chỉ những yếu tố đã nêu trong Nghị quyết 33 và đã phân tích cụ thể ở phần trên là những yếu tố không còn là tội phạm, không xử lý về hình sự. Các yếu tố định tội khác không loại trừ cấu thành tội phạm (không phi hình sự hóa) thì mặc nhiên vẫn là các yếu tố định tội của các tội phạm đó.

Ví dụ: Các yếu tố định tội như gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm trong các tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; hoặc yếu tố "gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần" trong tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ…

2) Phi tội phạm hóa:

Kể từ ngày 29-6-2009, các hành vi sau đây không còn là tội phạm tức là các hành vi này không còn nguy hiểm cho xã hội tới mức phải sử dụng các biện pháp hình sự mà chỉ cần điều chỉnh bằng các biện pháp khác.

- Sử dụng trái phép chất ma túy, quy định tại Điều 199 Bộ luật hình sự;

- ở lại nước ngoài trái phép, quy định tại Điều 274 Bộ luật hình sự;

- Các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quy định tại Điều 131 Bộ luật hình sự;

- Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quy định tại Điều 171 Bộ luật hình sự, trừ hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

3) Về việc xử lý đối với những trường hợp phi hình sự hóa, phi tội phạm hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.

Theo quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 33 thì "Trong trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản này, nếu vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án thì họ được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt".

Như vậy, việc xử lý đối với những trường hợp phi hình sự hóa, phi tội phạm hóa được thực hiện cụ thể là:

a) Trong giai đoạn xét xử

Kể từ ngày 29-6-2009, nếu vụ án đang trong giai đoạn xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm thì cần xử lý như sau:

- Trường hợp Viện kiểm sát có công văn rút lại hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ trách nhiệm hình sự của bị can mà Tòa án cấp sơ thẩm xét thấy có căn cứ thì Tòa án áp dụng điểm b khoản 2 Điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát;

- Trường hợp Viện kiểm sát rút truy tố (bằng công văn hoặc quyết định) và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án (làm chủ tọa phiên tòa) áp dụng điểm đ, khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 33 và Điều 181 Bộ luật tố tụng hình sự ra quyết định đình chỉ vụ án;

- Trường hợp Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án áp dụng điểm đ, khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 33, điểm 2 Điều 107 và Điều 180 Bộ luật tố tụng hình sự ra quyết định đình chỉ vụ án;

- Trường hợp vụ án đang trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, thì Tòa án cấp phúc thẩm phải mở phiên tòa và Hội đồng xét xử áp dụng điểm đ, khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 33, điểm e Điều 107, Điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự, quyết định hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án.
Lưu ý: Việc đình chỉ vụ án đối với các trường hợp nêu trên là đình chỉ về trách nhiệm hình sự, tức là những người đã thực hiện các hành vi đó không có tội, không phải chịu trách nhiệm hình sự, còn đối với các vấn đề khác trong vụ án hình sự đó như trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc xét xử về các tội phạm khác, các bị cáo khác trong vụ án đó (nếu có) vẫn được giải quyết theo thủ tục chung.

B) Trong giai đoạn thi hành án hình sự

- Đối với người đang chấp hành hình phạt tù, hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội, thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu nơi có người bị kết án đang chấp hành hình phạt, ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại, theo đề nghị của cơ quan thi hành án phạt tù hoặc cơ quan thi hành hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội;

- Đối với người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại theo đề nghị của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục;

- Đối với người đang chấp hành hình phạt cấm cư trú hoặc quản chế, thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người đó chấp hành hình phạt, ra quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc thời hạn quản chế còn lại theo đề nghị của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú.

- Đối với người đang chấp hành hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm một số công việc nhất định, tước một số quyền công dân, thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người đó cư trú hoặc làm việc ra quyết định miễn chấp hành thời hạn còn lại của những hình phạt này, theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi người đó cư trú hoặc làm việc;

- Đối với người bị xử phạt tù, xử phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của Quân đội đang được tạm đình chỉ, hoãn hoặc chưa chấp hành hình phạt, thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu nơi người đó cư trú hoặc làm việc ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt, theo đề nghị của Viện kiểm sát cùng cấp.

- Đối với người bị xử phạt bằng các hình phạt khác đang được tạm đình chỉ, hoãn hoặc chưa chấp hành hình phạt, thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người đó cư trú hoặc làm việc, ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt, theo đề nghị của Viện kiểm sát cùng cấp. 
Lưu ý:

- Án treo không phải là một loại hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự, mà đó là hình phạt tù có điều kiện "Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần thiết phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm". Do đó, nếu người bị kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo thuộc các trường hợp nêu tại điểm đ, khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33, thì họ cũng đương nhiên được miễn chấp hành hình phạt tù còn lại, thời gian thử thách còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt tù và thời gian thử thách.

- Chỉ miễn chấp hành hình phạt chính, hình phạt bổ sung, còn các vấn đề khác như TNDS, xử lý vật chứng… người đó vẫn phải thi hành.

- Trường hợp một số người bị kết án về nhiều tội (trong một bản án hoặc nhiều bản án), trong đó có tội mà theo luật mới, họ không phải chấp hành hình phạt nữa (không còn là tội phạm) thì:

+ Nếu người bị kết án chưa chấp hành hoặc đang chấp hành hình phạt nhưng thời gian đã chấp hành hình phạt chưa vượt quá mức hình phạt mà Tòa án đã xử phạt đối với các tội không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 1, Nghị quyết số 33 thì họ được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt đối với tội mà Luật mới không quy định là tội phạm nữa.

Ví dụ 1: Nguyễn Văn T bị Tòa án xử phạt 1 năm tù về tội "sử dụng trái phép chất ma túy" và 2 năm tù về tội "giao cấu với trẻ em", tổng hợp hình phạt chung là 3 năm tù. Nếu Nguyễn Văn T chưa chấp hành hình phạt tù hoặc đang chấp hành hình phạt tù nhưng thời gian đã qua chấp hành hình phạt tù chưa quá 2 năm, thì Nguyễn Văn T được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt 1 năm tù của tội "sử dụng trái phép chất ma tuy".

+ Nếu người bị kết án đã chấp hành một phần hình phạt hoặc đang chấp hành hình phạt, nhưng thời gian chấp hành hình phạt bằng hoặc vượt quá mức hình phạt mà Tòa án đã xử phạt đối với tội không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

Ví dụ 2: Nếu trong ví dụ 1 nêu trên, Nguyễn Văn T đã chấp hành hình phạt tù hoặc quá 2 năm thì Nguyễn Văn T được miễn chấp hành phần hình phạt tù còn lại.

- Việc đình chỉ vụ án, miễn một phần hay miễn chấp hành toàn bộ hình phạt là do có sự thay đổi về chính sách hình sự (đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm), đây không phải là việc truy tố, xét xử oan sai nên họ không có quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự và Nghị quyết số 388/2003/QH11 "về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra".

- Các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33 mà đang bị truy nã, thì Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án, miễn chấp hành hình phạt, đồng thời thông báo cho cơ quan đã ra quyết định truy nã để cơ quan này ra quyết định đình nã nếu họ không bị truy nã về tội phạm khác.

- Đối với người đã bị kết án theo điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33 có yêu cầu xóa án tích thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho họ.

Lưu ý: Theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 33 thì: "điểm b khoản 2, các khoản 4, 8, 32 Điều 1 sửa đổi bổ sung các điều 140, 84, 161, 248 của Bộ luật hình sự và các quy định khác có lợi cho người phạm tội được áp dụng đối với tất cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ ngày 01-01-2010 mà sau thời điểm đó (tức là sau 0 giờ ngàu 01-01-2010) mới bị phát hiện đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích".

Quy định này thể hiện rất rõ nguyên tắc áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội, nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa.

B. Hình sự hóa và tội phạm hóa:

- Tội phạm hóa: Một số quan hệ xã hội trước đây không được điều chỉnh bằng pháp luật hình sự, nhưng đến nay dưới "con mắt" của Nhà nước thì các mối quan hệ đó phải được pháp luật hình sự điều chỉnh. Những hành vi mà Nhà nước xác định là nguy hiểm cho xã hội trở thành một tội phạm và được quy định trong Bộ luật hình sự và đương nhiên tùy theo tính chất, mức độ (tính nguy hiểm của hành vi) mà xác định các chế tài phù hợp, tức là xác định loại hình phạt, điều kiện quyết định hình phạt đối với loại tội phạm này hay tội phạm khác là quá trình tội phạm hóa.

Hình sự hóa còn được hiểu theo nghĩa rộng hơn đó là khi bổ sung vào một điều luật hình sự nào đó các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, tăng nặng hơn mức độ hình phạt tù hoặc áp dụng các hình phạt khác (các hình phạt chính, hình phạt bổ sung) nặng hơn, mở rộng hơn về đối tượng phạm tội, đưa thêm vào cấu thành cơ bản những yếu tố định tội, giảm bớt định lượng trong cấu thành cơ bản… Do đó, theo chúng tôi, tội phạm hóa là một trong những thể hiện cụ thể của quá trình hình sự hóa.

Như vậy, quá trình hình sự hóa, tội phạm hóa là một quá trình ngược lại của quá trình phi hình sự hóa, phi tội phạm hóa. Quá trình này thể hiện việc điều chỉnh pháp luật hay cũng là thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước cho phù hợp với sự phát triển của các mối quan hệ xã hội.

1. Tội phạm hóa:

Một số hành vi trước đây không coi là tội phạm, không được quy định trong Bộ luật hình sự thì nay đã được coi là tội phạm và quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự, đó là các tội:

- Điều 164a: Tội in, phát hành, mua bán, trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

- Điều 164b: Tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

- Điều 170a: Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

- Điều 181a: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che dấu sự thật trong hoạt động chứng khoán.

- Điều 181b: Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán.

- Điều 181c: Tội thao túng giá chứng khoán.

- Điều 182a: Tội vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại.

- Điều 182b: Tội vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường.

- Điều 191a: Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác.

- Điều 226b: Tội sử dụng mang máy vi tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

- Điều 230 a: Tội khủng bố.

- Điều 230b: Tội tài trợ khủng bố.

Tùy theo tính chất, mức độ (tính nguy hiểm) của hành vi phạm tội của từng tội phạm cụ thể, nhà làm luật đã quy định các chế tài (hình phạt) tương xứng (xin xem cụ thể Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự).

2. Hình sự hóa:

- Điều 119: "Tội mua bán người". Tuy các mức hình phạt trong cấu thành cơ bản và cấu thành tăng nặng không thay đổi, nhưng đối tượng mà tội phạm xâm hại đã có thay đổi, đó là không chỉ còn là phụ nữ mà là người, tức là không còn sự phân biệt giới tính. Hành vi mua bán nam giới đã được coi là tội phạm. Mặt khác, trong cấu thành tăng nặng đã thêm tình tiết "để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân".

- Điều 120: Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, cấu thành cơ bản của tội phạm này không có gì thay đổi, nhưng trong cấu thành tăng nặng đã đưa thêm tình tiết "để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân".

Đối với hai Điều 119 và 120 Bộ luật hình sự, có sửa đổi mang tính chất kỹ thuật ở một vài tính tiết định khung tăng nặng, Ví dụ: tình tiết "mua bán nhiều người và mua bán nhiều lần" thành "đối với nhiều người và phạm tội nhiều lần"; "mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em" thành "đối với nhiều trẻ em";

- Điều 160: Tội đầu cơ: Trong cấu thành cơ bản đã quy định thêm tình tiết "hoặc tình hình khó khăn về kinh tế" và nâng mức hình phạt tiền từ "năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng" lên "từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng".

- Điều 171: Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: Tội phạm này đã bỏ các dấu hiệu xử phạt hành chính, đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nhưng tăng mức hình phạt tiền từ "hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng" lên "từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng" và trong khoản 2 đã đưa thêm hình phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng; trong khoản 2 đã loại bỏ tình tiết định khung tăng nặng là "gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng"; khoản 3 đã nâng mức phạt tiền (hình phạt bổ sung) "từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng" lên "từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng".

Như vậy, trong tội phạm này vừa có quá trình hình sự hoá, vừa có phi hình sự hoá .

- Điều 174: Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai:

Đây là một điều luật được sửa đổi, bổ sung lớn. Trong đó, trong cấu thành cơ bản của điều luật đã bổ sung thêm yếu tố: "đất có diện tích lớn hoặc có giá trị lớn" và "gây hậu quả nghiêm trọng". Tình tiết "đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này" được giữ lại, tạo thành điểm a, khoản 1 của điều luật, khoản 2 của điều luật này thêm tình tiết tăng nặng tại điểm a là "có tổ chức", sửa tình tiết "đất có diện tích lớn hoặc có giá trị lớn "thành "đất có diện tích rất lớn hoặc có giá trị rất lớn"; bổ sung khoản 3 về hình phạt tù từ năm năm đến mười hai năm đối với trường hợp: Đất có diện tích đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn" và "gây hậu quả nghiêm trọng"; khoản 4 của điều luật tăng mức phạt tiền (hình phạt bổ sung) từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng" lên "từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng".

- Điều 182: Tội gây ô nhiễm môi trường:

Thực chất đây là tội danh được hợp nhất, thiết kế lại từ ba tội về gây ô nhiễm môi trường (không khí, nguồn nước và đất). Trong cấu thành cơ bản, mức hình phạt đã được tăng nặng hơn so với các điều 182, 183, 184 BLHS 1999. Mức hình phạt tù tối đa của khung cơ bản đã tăng từ "ba năm" lên "năm năm", trong cấu thành tăng nặng đã thêm tình tiết tại điểm a: có tổ chức, mức hình phạt tiền trong khoản 3 cũng được tăng lên từ "năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng" lên "từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng".

- Điều 185: Sửa đổi tên của điều luật từ tội "Nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường thành tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam".

Trong cấu thành cơ bản của tội phạm này đã nâng hình phạt tiền "từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng" lên "từ hai trăm triệu đồng đến một tỷ đồng" và loại bỏ tình tiết "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này…".

Trong cấu thành tăng nặng tại khoản 2 đã có thêm những tình tiết tăng nặng là: a) có tổ chức, B) chất thải nguy hại có số lượng lớn hoặc chất thải khác có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn.

Trong khoản 4 đã nâng mức phạt tiền (hình phạt bổ sung) từ năm triệu đồng đếnh năm mươi triệu đồng "lên "từ một trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng".

- Điều 190: Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

- Điều 191: Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên.

Điều luật này được sửa từ điều luật quy định "tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên"

Hai điều 190 và 191 được sửa có tính chất kỹ thuật cho phù hợp với Luật bảo vệ môi trường. Trong cấu thành cơ bản cũng đã đưa thêm những tình tiết mới như "nuôi, nhốt, bộ phận cơ thể…của loài động vật đó…" (Điều 190), sửa từ "chế độ sử dụng, khai thác" thành "quản lý" (Điều 191); trong cấu thành tăng nặng của khoản 3 Điều 191 nêu trên cũng đã thêm một số tình tiết tăng nặng là: a) có tổ chức, B) sử dụng công cụ phương tiện, biện pháp bị cấm, c) gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt…

Hai điều luật này đều nâng mức phạt tiền trong cấu thành cơ bản và trong hình phạt bổ sung;

- Các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin:

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS quy định thêm một số tội danh mới, trong đó có một số điều về công nghệ thông tin, đó là các Điều 226a, 226b. Bên cạnh đó cũng đã sửa đổi, bổ sung cả ba điều luật về lĩnh vực công nghệ thông tin.

+ Điều 224: Tội phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số;

+ Điều 225: Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số;

+ Điều 226: Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.

Việc sửa đổi ba điều luật nêu trên đều theo hướng thiết kế điều luật cụ thể hơn, rõ ràng hơn, đưa thêm vào cấu thành tăng nặng một số tình tiết định khung như "có tổ chức", "tái phạm nguy hiểm", "đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ an ninh, quốc phòng" (khoản 2 và 3 Điều 224); "Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, "Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước, hệ thống thông tin phục vụ an ninh quốc phòng", "Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng, hệ thống thông tin điều khiển giao thông". (khoản 2 và 3 Điều 225); "Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet". "Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên" (Điều 226).

Cả ba điều luật này đều được sửa đổi theo hướng tăng nặng hình phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng" lên từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng (khoản 1 Điều 224, và 225) và từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng lên "từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng" (khoản 1 Điều 226).

Hình phạt tiền là hình phạt bổ sung của Điều 224 và 225 không có sự sửa đổi so với luật cũ, nhưng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung của Điều 226 đã nâng từ "ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng" lên "từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng".

- Điều 202: Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Điều luật này không có gì thay đổng trong cấu thành cơ bản, chỉ sửa đổi bổ sung tại điểm b, khoản 2 từ "trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác: thành "trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng". Như vậy, chỉ cần xác định được người phạm tội có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định (50miligam/100mililít máu, hoặc 0,25miligam/1 lít hơi thở) là dã bị xử phạt theo điểm b khoản 2 Điều 202 mà không cần phải đến mức say như trước. Quy định này rõ ràng là nghiêm khắc hơn khi đưa vào tình tiết "bia", "chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng" và đó cũng chính là sự điều chỉnh rất cần thiết nhằm thiết lập lại trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay.

- Điều 248: Tội đánh bạc và Điều 249: Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.

+ Đối với tội đánh bạc nâng mức tiền hoặc hiện vật lên "hai triệu đồng, đến dưới năm mươi triệu đồng" trong cấu thành cơ bản (phi hình sự hoá) và trong cấu thành tăng nặng đã sửa điểm b, khoản 2, xác định rõ "tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên" để thay cho tình tiết "có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn".

+ Đối với tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, trong cấu thành cơ bản chỉ bổ sung thêm từ "trái phép" vì trong thực tế cũng có những hình thức đánh bạc không trái phép (hợp pháp) như casino, xổ số…

- Điều 251: Tội rửa tiền.

Đây là điều luật được sửa đổi, bổ sung từ "tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có". "Điều luật mới này cũng được thiết kế thành 4 khoản nhưng quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn.

Trong cấu thành cơ bản đã mô tả các hành vi phạm tội (điểm a, b, c, d) để dễ nhận biết hành vi rửa tiền cụ thể.

Trong cấu thành tăng nặng tại khoản 2 đã bổ sung một số tình tiết mới là: d) có tính chất chuyên nghiệp, đ) dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; e) tiền, tài sản phạm tội có giá trị lớn; g) thu lợi bất chính lớn; h) gây hậu quả nghiêm trọng, i) tái phạm nguy hiểm.

Trong cấu thành tăng nặng tại khoản 3 cũng bổ sung các tình tiết là:

a) Tiền, tài sản phạm tội có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn.
B) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn.

Riêng tình tiết "phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng "được sửa thành điểm c) gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khoản 4 là các quy định về hình phạt bổ sung, so với luật cũ thì người phạm tội có thể bị "tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản" (Luật cũ là có thể bị tịch thu tài sản, khi áp dụng dễ hiểu là phải tịch thu toàn bộ tài sản. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến ba lần số tiền hoặc giá trị tài sản phạm tội (luật cũ quy định là giá trị tài sản được hợp pháp hoá).

3. Về việc xử lý đối với những trường hợp tội phạm hoá, hình sự hoá trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự:

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Nghi quyết số 33/2009/NQ-QH12 ngày 19-6-2009 thì:

"Các khoản 5, 6, 7, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 34 Điều 1 sửa đổ, bổ sung các điều 119, 120, 160, 164a, 164b, 170a, 171, 174, 181a, 181b, 181c, 182, 182a, 182b, 185, 190, 191, 191a, 202, 224, 225, 226, 226a, 226b, 230a, 230b, 252 của Bộ luật hình sự và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ ngày 01 tháng 01 năm 2010 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xoá án tích, trong trường hợp này vẫn áp dụng các điều khoản tương ứng trong Bộ luật hình sự chưa được sửa đổi, bổ sung để giải quyết".

Như vậy, những điều luật được tội phạm hoá hoặc hình sự hoá chỉ có có hiệu lực pháp luật từ 0 giờ 00 ngày 01-01-2010. Các hành vi phạm tội xảy ra trước thời điểm này, nhưng sau đó mới bị phát hiện, đang điều tra, truy tố, xét xử hoặc đang xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, xoá án tích thì không áp dụng các quy định mới này để xử lý mà phải áp dụng các điều khoản tương ứng của Bộ luật hình sự chưa sửa đổi, bổ sung (BLHS 1999) để giải quyết.

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 33 thì "đối với những hành vi phạm tội được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự xảy ra trước 0 giờ ngày 01-01-2010 và đã có bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, thì không được căn cứ vào những quy định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, thì không được căn cứ vào những quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự có nội dung khác so với các điều luật đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm, trong trường hợp kháng nghị dựa vào căn cứ khác hoặc đã kháng nghị trước ngày 01-01-2010 thì việc xét xử giám đốc thẩm phải tuân theo quy định tại điểm b và điểm c khoản này.

Như vậy, khi bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào các quy định mới của BLHS sửa đổi bổ sung (dù có lợi hay bất lợi) để kháng nghị giám đốc thẩm. Nếu kháng nghị trước ngày 01-01-2010 hoặc có căn cứ khác thì khi xét xử giám đốc thẩm phải tuân theo điểm b, c của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS.

C. Một số vấn đề khác:

1. Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội.

Khoản 5 Điều 69 bổ sung thêm nguyên tắc "khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù".

Đây là một bổ sung thể hiện rất rõ tính nhân đạo đối với những người chưa thành niên phạm tội. Việc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội từ trước đến nay vẫn chủ yếu lấy giáo dục làm chính. Các hình phạt nhẹ luôn được các Toà án quan tâm áp dụng để giáo dục, giúp đỡ họ có ý thức tôn trọng pháp luật, có điều kiện để sửa chữa những sai lầm, phát triển tốt và trở thành công dân có ích cho xã hội. Chỉ những trường hợp bất đắc dĩ, đã giáo dục nhiều lần nhưng không sửa chữa được, hiệu quả của việc giáo dục không đạt được như mong muốn, hoặc hành vi phạm tội rất nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, thì Toà án phải áp dụng hình phạt tù nhưng dù là hình phạt tù vẫn là nhẹ hơn nhiều so với người đã thành niên phạm tội tương ứng.

2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự quy định rất nhiều các dấu hiệu định tội, định khung hình phạt, có những dấu hiệu định tội được thiết kế ngay trong cấu thành cơ bản, hầu hết các dấu hiệu định khung tăng nặng được thiết kế trong các khoản 2 và khoản 3 của điều luật cụ thể. Các dấu hiệu đó là số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn; thu lợi bất chính lớn, rất lớn đặc biệt lớn; hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; tiền, tài sản phạm tội có giá trị lớn, rất lớn và đặc biệt lớn; gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng…

Để việc định tội danh chính xác, quyết định hình phạt đúng đắn, các cơ quan có thẩm quyền cần thật khẩn trương nghiên cứu và ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về những dấu hiệu nêu trên của từng tội danh cụ thể.

3. Các cơ quan có thẩm quyền cần phải rà soát các văn bản đã ban hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.

4. Công văn số 105/TANDTC-KHXX ngày 17-7-2009 của TANDTC là công văn "tạm thời hướng dẫn" thi hành khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33/2009/NQ.QH12. Các hướng dẫn này mới chỉ tập trung vào các vấn đề phi tội phạm hoá, phi hình sự hoá và có tính chất giải quyết tình thế khi "chờ các cơ quan có thẩm quyền ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành". Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tư pháp nói chung và các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng nói riêng áp dụng thống nhất các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự. Các cơ quan có thẩm quyền cần hết sức khẩn trương nghiên cứu và sớm ban hành Thông tư liên tịch về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự.

5. Để tránh những sai sót đáng tiếc có thể xảy ra do không kịp thời cập nhật văn bản pháp luật mới, các Toà án nhân dân và Toà án quân sự cần tổ chức tập huấn ngay Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, Nghị quyết số 33/2009/NQ-QH12 ngày 19-6-2009 và công văn số 105/TANDTC-KHXX ngày 17-7-2009 của Toà án nhân dân tối cao.

Thạc sỹ: Nguyễn Quang Lộc

No comments:

Post a Comment