27/08/2014
Giải quyết yêu cầu ly hôn, chia tài sản vợ chồng và giải quyết yêu cầu đòi nợ trong vụ án ly hôn
Bài tập tình huống cá nhân Luật Tố tụng Dân sự có đáp án.

ĐỀ BÀI 01: Anh Hồng và chị Thuỷ kết hôn tháng 12/1998, trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn. Thời gian đầu của thời kỳ hôn nhân, vợ chồng chung sống hạnh phúc. Khoảng cuối năm 1999, vợ chồng có mâu thuẫn, do anh Hồng nghi ngờ vợ ngoại tình. Đến tháng 12 năm 2005, chị Thuỷ sinh con. Tháng 1/2007, anh Hồng làm đơn xin ly hôn và chia tài sản chung với chị Thuỷ nhưng chị Thuỷ không đồng ý ly hôn. Theo tài liệu trong hồ sơ thì trong thời gian sống chung anh chị có vay của ông C số tiền là 100 triệu đồng. Tháng 6/2007, Toà án sơ thẩm đã xử ly hôn và giao con chung cho chị Thuỷ nuôi, buộc anh Hồng phải cấp dưỡng nuôi con;tài sản chung của vợ chồng được chia đôi theo quy định của pháp luật; phần vay nợ của ông C được Toà án tách ra giải quyết riêng bằng vụ án đòi nợ. 

Hỏi:

a) Theo anh (chị), Toà án có thể giải quyết yêu cầu ly hôn, chia tài sản vợ chồng và giải quyết yêu cầu đòi nợ trong cùng một vụ án không? Tại sao?

b) Giả sử chị Thuỷ đang nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi thì anh Hồng có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn không?

BÀI LÀM

a) Tòa án có thể giải quyết yêu cầu ly hôn, chia tài sản vợ chồng và giải quyết yêu cầu đòi nợ trong cùng một vụ án.

Vì: Theo quy định tại Ðiều 38 BLTTDS 2004 về Nhập hoặc tách vụ án thì:“1. Tòa án có thể nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đó đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật. ”

Theo Điều 5, Mục III. Về dân sự, Công văn của Tòa án nhân dân tối cao số 81/2002/TANDTC ngày 10/06/2002 về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ hướng dẫn: “Khi giải quyết việc ly hôn và có yêu cầu phân chia tài sản mà người khác nợ vợ chồng họ hoặc vợ chồng họ nợ người khác thì cần phải đưa người nợ hoặc chủ nợ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trừ các trường hợp sau đây:

- Vợ chồng cùng đồng ý không buộc người nợ phải trả nợ cho họ;

- Chủ nợ đồng ý không buộc vợ chồng họ phải trả nợ cho chủ nợ.

- Chủ nợ chưa có yêu cầu vợ chồng họ phải trả nợ cho chủ nợ”.

Như vậy, khi giải quyết yêu cầu ly hôn, chia tài sản nếu vợ chồng không yêu cầu người nợ phải trả cho họ hoặc chủ nợ đồng ý không buộc vợ chồng phải trả nợ cho mình hoặc chủ nợ chưa yêu cầu vợ chồng phải trả nợ thì Tòa án sẽ không giải quyết yêu cầu đòi nợ và giải quyết ly hôn, chia tài sản vợ chồng trong cùng một vụ án. Sau này nếu chủ nợ yêu cầu thì họ có thể khởi kiện thành một vụ án khác và việc chưa giải quyết khoản nợ này cũng sẽ không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ các bên. 

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở đây (người nợ hoặc chủ nợ) có thể tham gia tố tụng trong vụ giải quyết yêu cầu ly hôn, chia tài sản của vợ chồng do tự mình yêu cầu, có thể theo yêu cầu của Tòa án nhân dân, có thể theo yêu cầu của nguyên đơn hay bị đơn (khoản 4, Điều 56 BLTTDS 2004). Thực tiễn ta có thể thấy, có rất nhiều vụ Tòa án đã giải quyết yêu cầu ly hôn, chia tài sản của vợ chồng và giải quyết yêu cầu đòi nợ trong cùng một vụ án. Ví dụ: Vụ ly hôn giữa chị Đỗ Thị Kiển và anh Nguyễn Văn Thế (cùng trú xã Mỹ Thọ, huyện C.L. cũng đã được TAND huyện đưa ra xét xử vào tháng 12.2008. Theo bản án, anh Thế phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi 2 con là Nguyễn Thanh Tâm và Nguyễn Thanh Tịnh đến khi đủ 18 tuổi. Ngoài ra, chị Kiển được sở hữu 1 ngôi nhà cấp 4, sử dụng 262m2 đất vườn và một số vật dụng gia đình khác. Anh Thế được sử dụng 1 xe honda 50, sở hữu 100m2 đất ở và các vật dụng khác; đồng thời, có nghĩa vụ trả số nợ chung của hai vợ chồng khi chưa ly hôn.(nguồn: www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=205063)

Việc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia vào một vụ kiện đã phát sinh giữa nguyên đơn và bị đơn vẫn có lợi cho họ hơn, nhất là trong những tranh chấp về tài sản vì nếu họ không tham gia tố tụng ngay thì sau khi Tòa án đã xử, những quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn và bị đơn đã được Tòa án xác định, mà lúc đó người thứ ba mới khởi kiện thì việc xử lý sẽ khó khăn, phức tạp hơn. 

b) Nếu chị Thủy đang nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi thì anh Hồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Vì: Theo khoản 2, Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn: “Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn”. Thực tiễn cho thấy đã có nhiều trường hợp người chồng yêu cầu ly hôn vợ mình khi người vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, như trường hợp:

Chị Nguyễn Thị Vân quê ở Thái Bình sau khi lấy chồng, sinh con được một tháng thì chồng chị Vân đòi ly hôn. Tuy nhiên đơn xin ly hôn của người chồng đã không được thụ lý vì người vợ ( tức chị Vân) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.( nguồn: http://phapluatvn.vn/doi-song/hon-nhan-gia-dinh/201203/Quyen-yeu-cau-ly-hon-theo-luat-hien-hanh-Vo-chong-deu-thiet-2064645/). Hoặc như trường hợp của chị Nga: Chị đang có thai 6 tháng và chồng chị về yêu cầu ly hôn (Nguồn: http://vietbao.vn/Trang-ban-doc/Khi-vo-dang-co-thai-chong-co-duoc-phep-ly-hon /20809681/478/)... Tất cả những trường hợp trên đều không được Tòa án giải quyết. 

Luật hôn nhân và gia đình xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em, bảo vệ phụ nữ có thai và thai nhi đã quy định điều kiện hạn chế ly hôn đối với người chồng, trong khi vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi. Và ở đây, điều kiện hạn chế ly hôn này chỉ áp dụng đối với người chồng, mà không áp dụng đối với người vợ. Trong trường hợp người vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, xét thấy mâu thuẫn giữa vợ chồng rất sâu sắc, tình cảm yêu thương giữa vợ chồng đã hết, nếu duy trì quan hệ hôn nhân sẽ không có lợi cho sức khỏe của mình, của thai nhi hay của con mới sinh, mà người vợ có yêu cầu ly hôn thì tòa án vẫn thụ lý đơn yêu cầu xin ly hôn của người vợ và giải quyết theo thủ tục chung.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật tố tụng dân sự, Nxb. CAND, Hà Nội, 2011.
2. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2005;
3. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000;
4. Trần Anh Tuấn, “ Nhập tách vụ án dân sự - một số ván đề lý luận và thực tiễn” Tạp chý TAND, số 3/2005, tr.14-16;

5. Công văn của Tòa án nhân dân tối cao số 81/2002/TANDTC ngày 10/06/2002 về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ

No comments:

Post a Comment