20/08/2014
Phân tích điều 292 - Thông báo và xác minh những tình tiết mới được phát hiện - Bình luận Bộ luật Tố tụng hình sự
Điều 292. Thông báo và xác minh những tình tiết mới được phát hiện

1. Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân có quyền phát hiện những tình tiết mới của vụ án và báo cho viện kiểm sát hoặc toà án. Viện trưởng viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm ra quyết định xác minh những tình tiết đó.

2. Nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 291 của Bộ luật này thì Viện trưởng viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị tái thẩm và chuyển hồ sơ vụ án sang toà án có thẩm quyền. Nếu không có căn cứ thì viện trưởng viện kiểm sát trả lời cơ quan, tổ chức hoặc người đã phát hiện biết rõ lí do của việc không kháng nghị.

1. Xuất phát từ nguyên tắc dân chủ trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, BLTTHS của nước ta quy định người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân đều có quyền phát hiện những tình tiết mới của vụ án và thông báo cho viện kiểm sát hoặc toà án.


2. Cho tới nay, ở nước ta chưa có quy định các bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, nếu từ một nguồn thông tin nào đó, một công dân, tổ chức, cơ quan nhà nước biết được vụ án được giải quyết không đúng pháp luật mà nguyên nhân của nó là trong quá trình xét xử toà án đã không biết và không sử dụng một tình tiết nào đó thì cá nhân và tổ chức nói trên có quyền trực tiếp hoặc thông qua đơn thông báo cho toà án hoặc viện  kiểm sát. Cơ quan  tiếp nhận thông tin của công dân và tổ chức về các tình tiết mới được phát hiện phải lập biên bản và chuyển đến viện kiểm sát có thẩm quyền xác minh và ra kháng nghị  theo thủ tục tái thẩm.


3. Luật tố tụng hình sự nước ta từ trước tới nay đều có các quy định giao thẩm quyền kháng nghị tái thẩm cho viện kiểm sát bởi lẽ chỉ có viện kiểm sát mới có điều kiện xác minh về những tình tiết mới được phát hiện. Khi nhận được thông báo của công dân, tổ chức, cơ quan nhà nước khác về những tình tiết mới được phát hiện, viện trưởng viện kiểm sát ra quyết định cử cán bộ (thường là kiểm sát viên thuộc bộ phận kiểm sát điều tra và thực hành quyền công tố hoặc điều tra viên của viện kiểm sát) đi xác minh những tình tiết đó. Quá trình xác minh những tình tiết mới được phát hiện thực chất cũng là một hoạt động điều tra do viện kiểm sát tiến hành nhằm xác định có hay không có tình tiết mới đó và giá trị pháp lí của những tình tiết mới đó có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định đã có hiệu lục pháp luật của toà án hay không. Kết quả xác minh những tình tiết mới phải được thể hiện bằng văn bản báo cáo với viện  trưởng viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị theo trình tự tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án và người này quyết định kháng nghị hay không kháng nghị theo trình tự tái thẩm đối với bản án, quyết định nêu trên.

4. Khi thấy có một trong bốn căn cứ để  kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 291 BLTTHS, viện trưởng viện kiểm sát có thẩm quyền ra quyết định kháng nghị tái thẩm và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cùng quyết định  kháng nghị tái thẩm cho toà án có thẩm quyền. Trong trường hợp không có căn cứ để  kháng nghị theo thủ tục tái thẩm thì viện trưởng viện kiểm sát trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, người đã có thông báo về tình tiết mới được phát hiện biết rõ lí do của việc không  kháng nghị.

BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Người thực hiện: PGS.TS. Phạm Hồng Hải
Viện nghiên cứu Nhà nước và pháp luật

No comments:

Post a Comment