Điều 293. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
2. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án quân sự cấp dưới.
3. Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án nhân dân cấp huyện. Viện trưởng viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án quân sự cấp khu vực.
4. Bản kháng nghị của những người quy định tại Điều này phải được gửi cho người bị kết án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị.
1. Khác với thủ tục giám đốc thẩm trong đó quyền kháng nghị được giao cho cả chánh án toà án nhân dân và viện trưởng viện kiểm sát nhân dân từ cấp tỉnh trở lên, chánh án toà án quân sự và viện trưởng viện kiểm sát quân sự cấp quân khu trở lên, trong thủ tục tái thẩm quyền kháng nghị chỉ giao cho viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trở lên và viện trưởng viện kiểm sát quân sự cấp quân khu trở lên. Sự khác biệt này là do trước khi quyết định kháng nghị hay không kháng nghị theo thủ tục tái thẩm cần tiến hành xác minh có hay không có các tình tiết mới và giá trị pháp lí của chúng. Việc làm này chỉ có thể tiến hành bởi các kiểm sát viên hoặc điều tra viên của viện kiểm sát.
2. Theo quy định của Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân và BLTTHS, thẩm quyền kháng nghị tái thẩm chỉ thuộc viện trưởng viện kiểm sát. Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động của viện kiểm sát hiện nay, viện phó viện kiểm sát phụ trách về hình sự thường được phân công thay mặt hoặc theo sự uỷ quyền của viện trưởng viện kiểm sát ra kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Điều này cũng không trái với Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân và BLTTHS.
3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tất cả các cấp trừ quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Đây cũng là một quy định mới trong BLTTHS năm 2003 so với quy định tương ứng trong BLTTHS 1988. Điều 263 BLTTHS 1988 quy định Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án nhân dân hoặc toà án quân sự các cấp. Theo quy định này có thể hiểu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao có quyền kháng nghị tái thẩm đối với cả quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và thực tế điều này cũng đã tồn tại trước khi nhà nước ta ban hành Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2002. Điều này đã dẫn đến sự phức tạp trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự bởi sau khi Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã xét xử vụ án nếu Viện kiểm sát nhân tối cao không đồng ý vẫn có thể ra kháng nghị theo trình tự tái thẩm và một lần nữa khi có kháng nghị trên đây, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lại tiếp tục xét xử vụ án. Tuy nhiên, vì đã xét xử nên trong lần này mặc dù có kháng nghị, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao sẽ vẫn bảo vệ quan điểm của mình và không thay đổi quyết định. Như vậy, vô hình chung kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ mang tính hình thức vì sẽ không thể có thay đổi trong quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao khi xét xử lại vụ án. Theo quy định của Luật tổ chức toà án nhân dân năm 2002, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là cấp xét xử cuối cùng và là cấp cao nhất, vì vậy Điều 293 BLTTHS quy định Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không có quyền kháng nghị tái thẩm đối với quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Xung quanh vấn đề này hiện vẫn có những quan điểm khác nhau. Mặc dù là cấp xét xử cuối cùng và là cấp cao nhất nhưng quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao vẫn có thể có những sai lầm. Nếu không cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyền kháng nghị đối với quyết định đó thì cơ quan nào sẽ xem xét lại và khắc phục những sai lầm có thể có như đã nêu trên. Nhưng nếu cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyền kháng nghị đối với quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được kháng nghị mấy lần và khi nào thì tố tụng hình sự mới kết thúc. Đã có những người đề xuất ý kiến cần thành lập trong Quốc hội một uỷ ban mới gọi là Uỷ ban giám sát tư pháp với chức năng xem xét lại các bản án, quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao khi phát hiện có những sai lầm trong bản án và quyết định đó. Tuy nhiên, điều này lại trái với Hiến pháp vì Hiến pháp đã khẳng định ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì chỉ toà án mới có thẩm quyền xét xử các vụ án khác nhau và Toà án nhân dân tối cao (mà cụ thể là Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao) là cấp xét xử cao nhất. Chính vì vậy, tư tưởng thành lập Uỷ ban giám sát tư pháp đã không trở thành hiện thực và cho tới nay trong giới khoa học pháp lí hình sự cũng như trong các cơ quan tư pháp vẫn đang bàn luận về một vấn đề trong trường hợp quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có sai lầm thì cơ quan nào có thẩm quyền sửa chữa, khắc phục. Theo quan điểm của chúng tôi, trong điều kiện ở nước ta chưa có Toà án hiến pháp nên việc phát hiện, khắc phục những sai lầm trong các quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao nên giao cho Quốc hội. Trong những trường hợp cần thiết, Quốc hội thành lập Uỷ ban đặc biệt để điều tra, xem xét lại các bản án, quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và báo cáo để Quốc hội quyết định. Nghị quyết của Quốc hội là quyết định cuối cùng mà các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân phải thực hiện.
4. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án quân sự cấp dưới. Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án nhân dân cấp huyện. Viện trưởng viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án quân sự cấp khu vực.
5. Kháng nghị theo thủ tục tái thẩm của Viện trưởng viện kiểm sát là căn cứ để toà án có thẩm quyền tổ chức phiên toà tái thẩm và kết quả của phiên toà tái thẩm có thể liên quan tới quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kết án và những người khác. Để những người này có điều kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Điều luật quy định sau khi ra quyết định kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, viện kiểm sát có trách nhiệm gửi bản kháng nghị đó cho người bị kết án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị.
BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Người thực hiện: PGS.TS. Phạm Hồng Hải
Viện nghiên cứu Nhà nước và pháp luật
No comments:
Post a Comment