20/08/2014
Phân tích điều 291 - Những căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm - Bình luận Bộ luật Tố tụng hình sự
Điều 291. Những căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Những tình tiết được dùng làm căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là:

1. Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật;

2. Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm đã có kết luận   không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai;

3. Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án bị  giả mạo hoặc không đúng sự thật.

4. Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật.

1. Trước đây Điều 261 BLTTHS năm 1988 của nước ta chỉ quy định có ba tình tiết được dùng làm căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Đó là:

- Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật;

- Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai;

- Vật chứng hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật.

Ngoài ba tình tiết nêu trên được dùng làm căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, Điều 291 BLTTHS năm 2003 còn quy định tại khoản 4 là những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật là căn cứ thứ tư để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.


2. Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định làm những nguồn chứng cứ rất quan trọng về vụ án hình sự. Người làm chứng là người không liên quan đến vụ án hình sự cũng không có lợi ích gì cho dù vụ án được cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết như thế nào. Chính vì vậy, lời khai của người làm chứng thường là khách quan nhất so với lời khai của những người tham gia tố tụng khác. Trong quá trình đánh giá chứng cứ, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thường đặt niềm tin nhiều hơn vào lời khai của người làm chứng. Để bảo đảm tính khách quan về những lời khai của người làm chứng, pháp luật tố tụng hình sự quy định người làm chứng có nghĩa vụ khai báo trung thực và đầy đủ tất cả những tình tiết mà họ đã biết được. Điều 307 Bộ luật hình sự  1999 quy định người làm chứng khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn tồn tại những trường hợp xuất phát từ những động cơ khác nhau mà người làm chứng đã khai báo hoặc cung cấp những tài liệu sai sự thật cho cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan này vì đã quá tin vào lời khai của người làm chứng mà giải quyết vụ án không đúng. Sau khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nếu cơ quan tiến hành tố tụng xác định lời khai của người làm chứng trước đây là không đúng sự thật thì đây là một căn cứ để người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đó.

3. Kết luận giám định cũng là một nguồn chứng cứ quan trọng về vụ án hình sự. Về nguyên tắc, cơ quan giám định và người giám định phải sử dụng kiến thức chuyên môn của mình để thực hiện các yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng nêu trong quyết định trưng cầu giám định. Người giám định khi được phân công giám định phải có nghĩa vụ đưa ra các kết luận của cá nhân về những vấn đề cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu. Trong thực tế vẫn tồn tại những trường hợp do trình độ chuyên môn  kém hoặc do những lí do khác mà người giám định đã có những kết luận không đúng sự thật. Nếu điều này được phát hiện sau khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà nó có thể làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định đó thì đây là một căn cứ để người có thẩm quyền ra kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

4. Trong tố tụng hình sự, khi người tham gia tố tụng hình sự không nói được tiếng Việt Nam hoặc trong hồ sơ vụ án có những tài liệu tiếng nước ngoài cần dịch sang tiếng Việt Nam thì cơ quan tiến hành tố tụng mời người phiên dịch. Cũng như người làm chứng, người giám định, người phiên dịch không có lợi ích liên quan tới vụ án hình sự. Họ cũng có nghĩa vụ phải dịch  các tài liệu và lời nói của những người khác sang tiếng Việt Nam một cách trung thực. Nếu bản dịch của họ không đúng sự thật và vì thế nó làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định của toà án thì sau khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định được điều đó thì đây là một căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

5. Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm là những người tiến hành tố tụng. Trong từng giai đoạn, các kết luận của họ thường được phản ánh trong các văn bản tố tụng như Kết luận điều tra, Cáo trạng, bản án hoặc quyết định của toà án trong đó Kết luận điều tra là quan điểm đề nghị truy tố của cơ quan điều tra gửi viện kiểm  sát, Cáo trạng là quan điểm truy tố của viện  kiểm sát đề nghị toà án xét xử. Nếu những kết luận của những người nói trên không đúng sẽ dẫn tới hậu quả tất yếu là vụ án bị xét xử sai. Sau khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, việc phát hiện các kết luận của những người nói trên là không đúng sẽ là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

6. Vật chứng là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng về vụ án hình sự. Nó là những chứng cứ vật chất do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập hoặc do họ nhận được từ các nguồn khác nhau. Theo các quy định của luật tố tụng hình sự, vật chứng phải được thu thập và bảo quản theo một trình tự luật định. Tuy nhiên, trong thực tế có thể có những lí do khác nhau mà vật chứng bị giả mạo, đánh tráo (thí dụ, ma tuý bị đánh tráo bởi một chất khác không phải là ma tuý; hung khí giết người bị đánh tráo thành một vật dụng khác; tiền giả bị đổi thành tiền thật...). Trong trường hợp này, việc sử dụng các vật chứng nêu trên sẽ làm cho việc xét xử vụ án không đúng, người có tội có thể trở thành vô tội hoặc ngược lại người không phạm tội có thể bị kết án là có tội. Nếu sau khi bản án hoặc quyết định của toà án có hiệu lực pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện ra tình tiết nêu trên thì tình tiết này cũng là một căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

7. Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, khi tiến hành các hành vi và hoạt động tố tụng khác nhau, các cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành lập biên bản. Biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác đều là những nguồn chứng cứ quan trọng mà cơ quan tiến hành tố tụng dựa vào đó để giải quyết vụ án hình sự. Khi biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu  khác bị giả mạo hoặc không phản ánh đúng sự thật khách quan về những diễn biến của vụ án đã xảy ra sẽ dẫn tới hậu quả là toà án ra bản án, quyết định không đúng pháp luật (thí dụ, biên bản khám nhà và thu  giữ đồ vật trong khi khám nhà thể hiện cơ quan điều tra đã thu giữ ma tuý nhưng thực tế không có việc này sẽ dẫn tới một người không tàng trữ, mua bán hoặc sử dụng các chất ma uý có thể bị truy tố, xét xử về các tội phạm ma tuý tương ứng). Tình tiết này nếu được phát hiện sau khi bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật sẽ là một căn  cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

8. Điều 291 BLTTHS năm 2003 quy định một căn cứ mới để kháng nghị  theo thủ tục tái thẩm là "Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật". Những tình khác ở đây được hiểu là những tình tiết không liên quan đến ba căn cứ đã nêu trên. Những tình tiết đó có thể liên quan tới thủ tục tố tụng, tới đạo đức nghề nghiệp cũng như trình độ nghiệp vụ của những người tiến hành tố tụng như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân hoặc thư kí phiên toà. Thí dụ, việc áp dụng thời hiệu không đúng dẫn đến vụ án bị đình chỉ không có căn cứ pháp luật; điều tra viên, kiểm sát viên hoặc thẩm phán nhận hối lộ để điều tra, truy tố, xét xử một người không có tội hoặc không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội; vì động cơ vụ lợi hoặc các động cơ cá nhân khác thư kí phiên toà ghi biên bản phiên toà không đúng sự thật diễn ra tại phiên toà; nhân viên đánh máy cố tình viết bản án hoặc quyết định sai sự thật. Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật cũng có thể liên quan tới những người khác không phải là người tiến hành tố tụng. Thí dụ, người có chức vụ, quyền hạn ép buộc nhân  viên tư pháp làm sai sự thật...

BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Người thực hiện: PGS.TS. Phạm Hồng Hải
Viện nghiên cứu Nhà nước và pháp luật

No comments:

Post a Comment