Điều 290. Tính chất của tái thẩm
Thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà toà án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.
1. Tố tụng hình sự là một quá trình rất phức tạp và trong bất kì giai đoạn nào cũng có thể tồn tại những sai lầm nhất định. Những sai lầm đó có thể gặp trong giai đoạn điều tra khi cơ quan điều tra tiến hành thu thập chứng cứ, giai đoạn truy tố hoặc giai đoạn xét xử khi viện kiểm sát hoặc toà án đánh giá và sử dụng chứng cứ, áp dụng điều luật hoặc ra một văn bản tố tụng nào đó. Để ngăn ngừa những sai lầm có thể xảy ra và khắc phục khi những sai lầm đã xảy ra, luật tố tụng hình sự đã quy định những thủ tục khác nhau trong đó có thủ tục xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Mỗi thủ tục nêu trên có tính chất, mục đích khác nhau. Nếu như xét xử phúc thẩm là việc toà án cấp trên trực tiếp xét lại bản án hoặc quyết định của toà án cấp dưới chưa có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng cáo hoặc kháng nghị, xét xử giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có việc vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án thì tái thẩm là việc toà án có thẩm quyền xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị khi có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà toà án đã không biết được khi ra các bản án hoặc quyết định đó.
2. Những điều kiện cần và đủ để xét xử tái thẩm một vụ án hình sự bao gồm:
- Bản án hoặc quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật;
- Có những tình tiết mới được phát hiện mà sự hiện diện của những tình tiết này có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà toà án đã không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó;
- Có kháng nghị của người có thẩm quyền theo các trình tự và thủ tục do luật tố tụng hình sự quy định.
3. Tình tiết mới được phát hiện là những tình tiết biết được sau khi đã có quyết định hoặc bản án có hiệu lực pháp luật. Các tình tiết này có thể do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phát hiện và cũng có thể do các cơ quan nhà nước khác, tổ chức xã hội hoặc công dân phát hiện và thông báo (hoặc bằng miệng hoặc bằng văn bản) cho cơ quan tiến hành tố tụng biết. Những tình tiết đã được biết trong quá trình giải quyết vụ án từ khi khởi tố điều tra tới trước khi toà án ra quyết định hoặc bản án đã có hiệu lực pháp luật không được coi là các tình tiết mới. Nếu những tình tiết này đã không được toà án áp dụng dẫn đến việc ra quyết định hoặc bản án không đúng pháp luật thì đây không phải là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
4. Những tình tiết mới được phát hiện phải có giá trị làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà toà án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó. Nếu những tình tiết mới chỉ có giá trị làm thay đổi một nội dung nào đó không cơ bản của bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì chúng không phải là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Thí dụ, các tình tiết mới được phát hiện chỉ làm thay đổi mức bồi thường thiệt hại, biện pháp hình phạt (tù giam hay án treo), thay đổi đường lối xét xử (hoãn thi hành án hay thi hành ngay)...
5. Thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án là sự thay đổi hoàn toàn hoặc thay đổi lớn về nội dung của bản án hoặc quyết định đó. Thí dụ, các tình tiết mới được phát hiện là chứng cứ chứng minh người bị kết án không phạm tội, phạm tội nặng hơn hoặc nhẹ hơn so với tội danh mà toà án đã áp dụng trong bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Hình phạt đã áp dụng hoặc quá nhẹ, hoặc quá nặng so với hành vi mà thực tế người bị kết án đã thực hiện.
BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Người thực hiện: PGS.TS. Phạm Hồng Hải
Viện nghiên cứu Nhà nước và pháp luật
No comments:
Post a Comment