18/08/2014
Phân tích tội xâm phạm quyền tác giả - Bình luận Bộ luật Hình sự 1999 - Tập 3
Điều 131. Tội xâm phạm quyền tác giả 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về  tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm:
a) Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;
b) Mạo danh tác giả trên tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;
c) Sửa đổi bất hợp pháp nội dung của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo  chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;
d) Công bố, phổ biến bất hợp pháp tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Định nghĩa: Tội xâm phạm quyền tác giả là hành vi chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình; Mạo danh tác giả trên tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình; Sửa đổi bất hợp pháp nội dung của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo  chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình; Công bố, phổ biến bất hợp pháp tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Tội xâm phạm quyền tác giả đã được quy định tại Điều 126 Bộ luật hình sự năm 1985 với tên gọi là tội xâm phạm quyền tác giả, quyền sáng chế, phát minh, nhưng Điều 126 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định ngắn gọn, không cụ thể và rõ ràng như Điều 131 Bộ luật hình sự năm 1999.

Điều 131 Bộ luật hình sự năm 1999 được cấu tạo thành 3 khoản, trong đó khoản 1 và khoản 2 quy định hình phạt chính, còn khoản 3 quy định hình phạt bổ sung. Khoản 1 của điều luật quy định các dấu hiệu cấu thành tội phạm nhưng được quy định cụ thể từng hành vi phạm tội tại các điểm từ a đến d, đồng thời quy định dấu hiệu làm ranh giới phân biệt hành vi phạm tội với hành vi vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính. Nói chung, Điều 131 Bộ luật hình sự năm 1999 nhà làm luật quy định hình phạt nặng hơn Điều 126 Bộ luật hình sự năm 1985, vì Điều 126 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ có một khung hình phạt và mức cao nhất của khung hình phạt là một năm tù, còn Điều 131 Bộ luật hình sự năm 1999 có tới hai khung hình phạt chính và mức cao nhất là ba năm tù; về hình phạt bổ sung, khoản 3 Điều 131 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thêm hình phạt tiền mà Điều 128 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định. Tuy nhiên, về các dấu hiệu cấu thành tội phạm, thì phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự lại hẹp hơn Điều 126 Bộ luật hình sự năm 1985, vì Điều 131 quy định những hành vi xâm phạm  quyền tác giả chưa gây hậu quả nghiêm trọng, chưa bị xử phạt hành chính hoặc chưa bị két án về tội xâm phạm quyền tác giả hoặc đã bị kết án về tội phạm này nhưng đã được xoá án tích thì chưa cấu thành tội phạm.

Điều 131 Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định xâm phạm quyền tác giả mà không quy định quyền sáng chế, phát minh, nhưng không vì thế mà cho rằng hành vi xâm phạm quyền sáng chế, phát minh không còn là hành vi phạm tội, suy cho đến cùng, thì quyền tác giả đã bao gồm cả quyền sáng chế, phát minh rồi.

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội xâm phạm quyền tác giả cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Đối với tội xâm phạm quyền tác giả chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, còn người dưới 16 tuổi không phải là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này cả hai khoản đều là tội phạm ít nghiêm trọng. Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ. Tuy nhiên, đối với tội phạm này cũng có nhiều trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn.

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm 

Khách thể của tội xâm phạm quyền tác giả là quyền nhân thân phi tài sản và quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm của họ được pháp luật bảo vệ.

Quyền tác giả là một trong những quyền cơ bản của công dân không chỉ được quy định trong Hiến pháp, mà còn quy định ở các văn bản pháp luật. Điều 60 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hoá khác. Nhà nước bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp.”Bộ luật dân sự cũng dành hẳn một chương (Chương I- Quyền tác giả của Phần thứ sáu quy định về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ) gồm 35 điều ( từ Điều 745 đến Điều 779) quy định về quyền tác giả.17

3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Người phạm tội xâm phạm quyền tác giả có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau:

Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình; 

Mạo danh tác giả trên tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;

Sửa đổi bất hợp pháp nội dung của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo  chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình; 

Công bố, phổ biến bất hợp pháp tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình

Tất cả những hành vi trên chỉ khi nào đã gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về  tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì mới cấu thành tội phạm.

Việc xác định người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về  tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm không khó, nhưng việc xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả gây hậu quả nghiêm trọng là vấn đề không đơn giản. Các cơ quan có thẩm quyền chưa có hướng dẫn thế nào là hậu quả nghiêm trọng do hành vi xâm phạm quyền tác giả gây ra. Cũng chính vì vậy mà trong thực tế hành vi xâm phạm quyền tác giả rất ít được xử lý về hình sự, ngay việc khởi kiện vụ án dân sự cũng rất ít. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý của người bị xâm phạm ngại đến Toà án. Mặt khác, chế độ nhuận bút cho các tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật... chẳng đáng là bao nên tác giả bị xâm phạm cũng không muốn khởi tố hoặc khởi kiện. 

b. Hậu quả

Hậu quả của tội xâm phạm quyền tác giả là những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho tác giả và những thiệt hại khác gây ra cho xã hội. 

Có hai mức thiệt hại: Nếu thiệt hại chưa tới mức nghiêm trọng thì người thực hiện hành vi phải là người đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội xâm phạm quyền tác giả, chưa được xoá án tích thì mới bị coi là tội phạm; nếu thiệt hại gây ra được xác định là nghiêm trọng thì hành vi xâm phạm quyền tác giả cấu thành tội phạm. Mặc dù chưa có hướng dẫn chính thức thế nào là hậu quả nghiêm trọng do hành vi xâm phạm quyền tác giả gây ra, nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, đối chiếu với thực tiễn xét xử, có thể coi những thiệt hại sau đây là hậu quả nghiêm trọng do hành vi xâm phạm quyền tác giả gây ra:

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

- Gây thiệt hại về sức khoẻ cho tác giả có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

- Ngoài ra, gây thiệt hại nghiêm trọng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Loại thiệt hại này rất khó xác định, do đó cần đánh giá một cách toàn diện tất cả các mặt, trên cơ sở đó để xác định những thiệt hại cho xã hội do hành vi xâm phạm quyền tác giả gây ra. Ví dụ: Mai Ngọc Ch sao chép một đề tài khoa học của tác giả Hoàng Mạnh H để làm luận văn tốt nghiệp. Do không phát hiện được khi bảo vệ luận văn nên Hội đồng chấm luận văn đã cho điểm giỏi và Ch được cấp bằng tốt nghiệp. Sau đó tác giả H phát hiện đề tài khoa học của mình bị Ch sao chép, nên đã khiếu nại. Nhà trường và các cơ quan chức năng phải tổ chức thanh tra kết luận và thu hồi bằng tốt nghiệp của Ch. 

4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm 

Người phạm tội xâm phạm quyền tác giả thực hiện hành vi của mình do cố ý, với nhiều động cơ, mục đích khác nhau như: vì lợi ích vât chất, vì danh vọng, địa vị xã hội... Nếu vì mục đích chống lại chính quyền nhân dân mà xâm phạm quyền tác giả thì tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XI Bộ luật hình sự. Ví dụ: Một người dựa trên nền nhạc của một bài hát của nhạc sỹ Phạm Minh T để viết lời có nội dung chống lại chính quyền, rồi phổ biến cho đông đảo nhiều người nhằm , thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 88 Bộ luật hình sự. 

B. NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 131 Bộ luật hình sự 

Là trường hợp xâm phạm quyền tác giả mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, là cấu thành cơ bản của tội phạm, được quy định tại khoản 1 Điều 131 Bộ luật hình sự có hình phạt phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng và cũng là một trong những trường hợp có khung hình phạt nhẹ nhất vì mức cao nhất của phung hình phạt cũng chỉ là loại hình phạt cải tạo không giam gữi.

So với khoản 1 Điều 126 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này, thì khoản 1 Điều 131 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn nên được áp dụng đối với hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý. Ngoài hình phạt nhẹ hơn, khoản 1 Điều 131 còn quy định các tình tiết là dấu hiệu định tội như: “gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm”. Đây là nhưng tình tiết làm ranh giới phân biệt hành vi phạm tội với hành vi vi phạm hành chính.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 1 Điều 131 Bộ luật hình sự, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội chỉ thực hiện một hành vi trong các hành vi quy định từ điểm a đến điểm d khoản 1 của điều luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, thì Toà án có thể áp dụng hình phạt tiền, chỉ áp dụng hình phạt  cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội nếu có nhiều tình tiết tăng nặng, không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ. Đây là một trong rất ít trường hợp không quy định hình phạt tù đối với người phạm tội, hình phạt cải tạo không giam giữ là loại hình phạt nặng nhất đối với người phạm tội này. Điều này, cho thấy chính sách hình sự của Nhà nước đối với người phạm tội này chủ yếu lấy giáo dục là chính; sau khi đã bị xử phạt hành chính mà họ vẫn còn vi phạm thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng ngay cả khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng không áp dụng biện pháp nghiêm khắc đối với họ. 

2. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 131 Bộ luật hình sự

a. Phạm tội có tổ chức

Cũng như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, xâm phạm quyền tác giả có tổ chức là trường hợp có nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau,vạch kế hoạch để thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

Xâm phạm quyền tác giả có tổ chức là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia, trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.    

b. Phạm tội nhiều lần

Là trường hợp xâm phạm quyền tác giả từ hai lần trở lên và mỗi lần xâm phạm đã có đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm quyền tác tác giả. Nếu hành vi xâm phạm quyền tác giả từ hai lần trở lên, nhưng chưa có lần nào bị xử phạt hành chính hoặc chưa bị kết án về tội xâm phạm quyền tác giả hoặc tuy đã bị kết án về tội này nhưng đã được xoá án, thì hành vi xâm phạm chưa cấu thành tội xâm phạm quyền tác giả. Nếu có hai lần xâm phạm quyền tác giả, trong đó có một lần đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội xâm phạm quyền tác giả chưa được xoá án, thì hành vi xâm phạm quyền tác giả mới cấu thành tội phạm và thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 131 Bộ luật hình sự, chứ không thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần. 

c. Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng 

Về kỹ thuật lập pháp thì quy định này đã không phân biệt tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm quyền tác giả gây hậu quả rất nghiêm trọng với hành vi xâm phạm quyền tác giả gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vì đều được quy định trong một khung hình phạt. Tuy nhiên khi áp dụng hình phạt thì việc phân biệt hai trường hợp phạm tội này là rất cần thiết, vì xâm phạm quyền tác giả gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn gây hậu quả rất nghiêm trọng.  

Xâm phạm quyền tác giả gây hậu quả rất nghiêm trọng là trường hợp do hành vi xâm phạm quyền tác giả nên đã gây ra những thiệt hại rất nghiêm trọng về sức khoẻ, tài sản hoặc những thiệt hại khác cho xã hội. Mặc dù cho đến nay chưa có giải thích hoặc hướng dẫn thế nào là xâm phạm quyền tác giả gây hậu quả rất nghiêm trọng, nhưng căn cứ vào thực tiễn xét xử có thể coi những thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng:

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Gây thiệt hại về sức khoẻ cho tác giả có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;

- Ngoài ra, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Loại thiệt hại này khó xác định, do đó cần đánh giá một cách toàn diện tất cả các mặt, trên cơ sở đó để xác định những thiệt hại cho xã hội do hành vi xâm phạm quyền tác giả gây ra như: Do xâm phạm quyền tác giả mà đã gây ra hậu quả làm nhiều người bị tổn hại đến sức khoẻ có tỷ lệ thương tật dưới 61% hoặc vừa gây tổn hại vừa gây thiệt hại về tài sản... 

Xâm phạm quyền tác giả gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp do hành vi xâm phạm quyền tác giả nên đã gây ra những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tính mạng, tài sản hoặc những thiệt hại khác cho xã hội. Có thể coi những thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng:

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;

- Làm chết người;

- Ngoài ra, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Loại thiệt hại này cũng khó xác định, do đó cần đánh giá một cách toàn diện tất cả các mặt, trên cơ sở đó để xác định những thiệt hại cho xã hội do hành vi xâm phạm quyền tác giả gây ra như: Do xâm phạm quyền tác giả mà đã gây ra hậu quả làm nhiều người bị tổn hại đến sức khoẻ có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc vừa gây tổn hại sức khoẻ vừa gây thiệt hại về tài sản... 

Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 131 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng. So với Điều 126 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 2 Điều 131 Bộ luật hình sự năm 1999 là quy định mới hoàn toàn nên không áp dụng đối với hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 131 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 131 Bộ luật hình sự, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, thì Toà án có thể áp dụng dưới 6 tháng tù nhưng không được dưới 3 tháng tù; nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự và Điều 31 Bộ luật hình sự thì Toà án có thể áp hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội. Nếu người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 125 Bộ luật hình sự và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ thì Toà án áp dụng mức cao của khung hình phạt; nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì Toà án có thể cho người phạm tội được hưởng án treo.

3. Hình phạt bổ sung

Ngoài hình phạt chính, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Nếu áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung thì chỉ áp dụng đối với trường hợp người phạm tội không bị áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính

---
Chú giải

17 Xem phụ lục. Bộ luật dân sự (trích)

Nguồn: BÌNH LUẬN BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999 - PHẦN CÁC TỘI PHẠM - Thạc sĩ Luật học Đinh Văn Quế, Tòa án Nhân dân tối cao.

No comments:

Post a Comment