16/08/2014
Công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân với tư cách là doanh nghiệp có chủ đầu tư chịu trách nhiệm tài sản vô hạn đối với hoạt động của doanh nghiệp - Bài tập học kỳ Luật Thương mại
Đề bài: Bình luận, đánh giá ưu điểm, hạn chế của công  ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân với tư cách là những doanh nghiệp có chủ đầu tư chịu trách nhiệm tài sản vô hạn đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

ĐẶT VẤN ĐỀ


Sự phát triển đa dạng của nền kinh tế thị trường Việt Nam kéo theo sự phát triển của pháp luật về doanh nghiệp và đã cho chúng ta biết đến nhiều loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn (một thành viên và hai thành viên). Doanh nghiệp tư nhân và Công ty hợp danh là hai loại hình doanh nghiệp có chủ đầu tư chịu trách nhiệm tài sản vô hạn đối với mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc điểm pháp lý chung này đã trở thành lý do mà hai loại hình doanh nghiệp này được giới doanh nhân ưa chuộng. Tuy nhiên chế độ chịu trách nhiệm tài sản vô hạn của chủ doanh nghiệp cũng có hai mặt của nó đó là bên cạnh mang lại nhiều thuận lợi thì nó cũng đưa đến không ít khó khăn cho chủ đầu tư cũng như doanh nghiệp của họ. Vậy cụ thể sự thuận lợi và khó khăn mà chế độ trách nhiệm tài sản vô hạn của chủ đầu tư đã mang lại những thuận lợi và khó khăn gì? Trong phạm vi bài này em xin được trình bày về đề tài: “ Bình luận, đánh giá ưu điểm, hạn chế của công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân với tư cách là những doanh nghiệp có chủ đầu tư chịu trách nhiệm tài sản vô hạn đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.”.


GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

I. Khái niệm chế độ trách nhiệm tài sản vô hạn trong kinh doanh:

Chế độ chịu trách nhiệm tài sản vô hạn trong kinh doanh được hiểu là: Chế độ chịu trách nhiệm không được giới hạn trong bất kỳ một phạm vi giá trị tài sản nào, nợ bao nhiêu phải trả bấy nhiêu cho đến khi thanh toán hết các khoản nợ.

Đối với các doanh nghệp có chủ đầu tư chịu trách nhiệm tài sản vô hạn với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp đó sẽ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của doanh nghiệp.

II. Khái quát về hai loại hình doanh nghiệp: Công ty hợp danh và Doanh nghiệp tư nhân.

1. Công ty hợp danh:

a. Khái niệm.

Công ty hợp danh được pháp luật ghi nhận chung nhất là một loại hình đặc trưng của công ty đối nhân, trong đó có ít nhất hai thành viên (đều là cá nhân và là thương nhân) cùng tiến hành hoạt động thương mại (theo nghĩa rộng) dưới một hãng chung (hay nội danh và cùng liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của công ty.

Theo Điều 130, Luật Doanh nghiệp Việt Nam quy định: Công ty hợp danh là doanh nghiệp trong đó:

- Phải có ít nhất hai thành viên hợp danh; ngoài các thành viên hợp danh, có thể có thành viên góp vốn;

- Thành viên hợp danh phải là cá nhân, có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty; 

- Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

b. Đặc điểm:

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 thì Công ty hợp danh mang các đặc điểm sau:

* Về thành viên công ty hợp danh:

- Công ty hợp danh phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung gọi là thành viên hợp danh); ngoài các thành viên hợp danh, có thể có thành viên góp vốn.

- Các quy định về thành viên hợp danh: Thành viên hơp danh là cá nhân (có thể là cá nhân người Việt Nam hoặc người nước ngoài) nhưng không rơi vào các trường hợp bị cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp tại khoản 2, Điều 13, Luật Doanh nghiệp 2005; các thành viên hợp danh trong công ty thường là những người quen biết, tin cậy lẫn nhau (thể hiện tính chất đối nhân).

Ngoài ra công ty hợp danh còn có thể có hoặc không có thành viên góp vốn: Thành viên góp vốn có thể là tổ chức, cá nhân, có thể là người Việt Nam hoặc cũng có thể là người nước ngoài không rơi vào trường hợp bị cấm góp vốn vào Doanh nghiệp theo khoản 4, Điều 13, Luật Doanh nghiệp 2005.

* Về tư cách pháp lý:

Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

* Chế độ chịu trách nhiệm:

-  Thành viên hợp danh của công ty hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn liên đới bằng toàn bộ tài sản của mình về các khoản và nghĩa vụ tài sản của công ty mỗi thành viên chịu một phần khoản nợ dựa theo tỷ lệ góp vốn. Việc liên đới chịu trách nhiệm có nghĩa, các chủ nợ có thể yêu cầu một trong các thành viên hợp danh phải thanh toán tất cả các khoản nợ cho các thành viên hợp danh còn lại và thành viên này sẽ được hoàn trả lại từ thành viên khác; hoặc trong trường hợp một thành viên hợp danh mặc dù đã thanh toán hết khoản nợ của mình (theo tỷ lệ giá trị phần vốn góp) nhưng vẫn có trách nhiệm đối với khoản nợ của các thành viên hợp danh khác.

-  Thành viên góp vốn của công ty hợp danh chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của công ty trong phạm vi sô vốn đã góp.

Thực tế có sự tồn tại của cả hai chế độ chịu trách nhiệm vô hạn và hữu hạn của các thành viên công ty tuy nhiên vì công ty hợp danh với đặc trưng bản chất của loại công ty đối nhân vì vậy thành viên hợp danh và chế độ trách nhiệm vô hạn liên đới về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mới là yếu tố chủ chốt.

2. Doanh nghiệp tư nhân:

a. Khái niệm:

Khái niệm Doanh nghiệp tư nhân được quy định tại Điều 141, Luật Doanh nghiệp 2005có thể hiểu là: Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

b. Đặc điểm:

* Thành viên:

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp chỉ do một cá nhân làm chủ hay còn gọi là doanh nghiệp một chủ. Chủ thể thành lập doanh nghiệp tư nhân là cá nhân, có thể là cá nhân trong nước hoặc cũng có thể là cá nhân nước ngoài. Trong quan hệ giữu vốn và tài sản thì chủ doanh nghiệp tư nhân bỏ toàn bộ vốn và tài sản để thành lập doanh nghiệp tư nhân, không có sự tách bạch giữa tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân và tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân (chủ doanh nghiệp tư nhân cũng không cần phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn vào doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn của doanh nghiệp tư nhân và phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh.  Trong quan hệ quản lý doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân được toàn quyền quản lý doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghệp tư nhân có thể thuê người quản lý doanh nghệp tư nhân. Chủ doanh nghiêp tư nhân được hưởng mọi lợi nhuận và phải gánh chịu mọi rủi ro từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

* Chế độ chịu trách nhiệm của chủ doanh nghiệp tư nhân: Đối với chủ doanh nghiệp tư nhân, do tính chất độc lập về tài sản của doanh nghiệp không có nên chủ doanh nghiệp tư nhân – người chịu trách nhiệm duy nhất trước mọi rủi ro của doanh nghiệp sẽ phải chịu chế độ trách nhiệm vô hạn. Chủ doanh nghiệp tư nhân không chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong phạm vi phần vốn đầu tư đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh mà phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình, trong trường hợp phần vốn đã đăng ký đầu tư không đủ  để trang trải các khoản nợ của doanh nghiệp tư nhân. Một doanh nghiệp tư nhân không có khả năng để thanh toán các khoản nợ đến hạn và lâm vào tình trạng phá sản thì tất cả những tài sản thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân đều nằm trong diện tài sản phá sản của doanh nghiệp. Một cá nhân chỉ có quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.

* Tư cách pháp lý: Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân. Thể hiện ở: Trong các loại hình doanh nghiệp, theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, duy nhất Doanh nghiệp tư nhân không được thừa nhận là có tư cách pháp nhân, không được phát hành bất kỳ một loại chứng khoán nào và không có con dấu.

III. Đánh giá ưu điểm, nhược điểm của công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân với tư cách là những doanh nghiệp có chủ đầu tư chịu trách nhiệm tài sản vô hạn đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

1. Những ưu điểm và nhược điểm giống nhau của doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.

Công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân có đặc điểm chung nhất là chủ đầu tư, kinh doanh chịu chế độ trách nhiệm tài sản vô hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ về tài sản trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì vậy mà hai loại hình doanh nghiệp này đều có các ưu điểm và nhược điểm chung xoay quanh đặc điểm chung này.

a. Ưu điểm chung:

*  Chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của chủ chủ đầu tư (chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh) giúp tạo được niềm tin cho chủ nợ và bạn hàng. Nhờ vào chế độ trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh trong công ty hợp danh và chủ doanh nghiệp tư nhân nên hai loại hình doanh nghiệp này có tính an toàn pháp lý cao, khi các bạn hàng tham gia quan hệ với doanh nghiệp ngày càng được thu hút do hoạt động của những doanh nghiệp này dượcđảm bảo bởi một chế độ trách nhiệm vô hạn của các thành viên và chủ doanh nghiệp, từ đó tạo được uy tín, sự tin tưởng lớn đối với chủ nợ và bạn hàng. Chế độ trách nhiệm vô hạn của các chủ đầu tư không chỉ tạo ra sự tin tưởng cho khách hàng mà tạo ra vô số thuận lợi rất cần thiết trong quá trình kinh doanh cho bản thân doanh nghiệp, ví dụ như với uy tín đó của thành viên hợp danh hay chủ doanh nghiệp tư nhân thì công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân đó có thể được các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các đối tượng khác… cho vay vốn, hoãn nợ, khoanh nợ. Có thể nói chế độ trách nhiệm vô hạn đã tạo ra sự an toàn pháp lý cho bạn hàng rất yên tâm và thích thú khi quan hệ với các loại hình doanh nghiệp này. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các công ty hợp danh và doanh nghệp tư nhân phát triển với khả năng thu hút vốn dễ dàng, đồng thời có cơ hội cạnh tranh trên thương trường bằng thứ vũ khí “trách nhiệm tài sản vô hạn của chủ đầu tư”.

Mặt khác, chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ thành viên hợp danh và chủ doanh nghiệp tư nhân được thể hiện ở chỗ, trong trường hợp doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì pháp luật quy định, tài sản của doanh nghiệp khi lâm vào tình trạng phá sản bao gồm tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp tư nhân và tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh (khối tài sản dân sự) mà không trực tiếp dùng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Còn đối với những loại hình doanh nghiệp khác có chủ sở hữu chịu chế độ trách nhiệm hữu hạn về những nghĩa vụ của doanh nghiệp như Công ty trách nhiệm hữu hạn hay Công ty cổ phần thì phần tài sản của công ty khi lâm vào tình trạng phá sản chỉ gồm những tài sản thuộc sở hữu của công ty. Vì vậy nên các khoản nợ của công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân được đảm bào thanh toán bằng cả tài sản của doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp, làm giảm tỷ lệ phải gánh chịu rủi ro của chủ nợ và các đối tác của doanh nghiệp.

* Ưu điểm chung thứ hai là: Đều có sự đơn giản về mô hình tổ chức và tham gia của các thành viên trong doanh nghiệp nên ít chịu trách nhiệm và sự điều chỉnh của pháp luật, pháp luật đã nới lỏng sự quản lý và trao quyền tự quyết định các vấn đề của doanh nghiệp cho các chủ đầu tư.

b. Hạn chế chung:

* Hạn chế về thành viên: Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 09 năm 2007 quy định mỗi cá nhân chỉ được quyền đăng ký thành lập một doanh nghiệp tư nhân hoặc chỉ được làm thành viên hợp danh của một công ty hợp danh, trừ trường hợp các thành viên hợp danh còn lại thỏa thuận khác. Trong khi đó các thành viên của công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn không bị hạn chế về việc tham gia và thành lập các doanh nghiệp. Đây chính là nguyên nhân mà các thành viên hợp danh và chủ doanh nghiệp tư nhân luôn phải gánh chịu nhiều rủi ro, thậm chí mất tất cả tài sản.

* Như đã trình bày ở trên phần về công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân thì thành viên công ty hợp danh và chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm tài sản vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về các khoản nợ và nghiã vụ tài sản của của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh tức là họ có nghĩa vụ phải gánh chịu mọi rủi ro trong kinh doanh của doanh nghiệp bằng cả khối tài sản đã đầu tư vào doanh nghiệp và tài sản thuộc sở hữu cá nhân. Chính vì vậy nếu doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản, mà tổng khoản nợ lớn hơn tổng số tài sản hiện có của doanh nghiệp thì chủ đầu tư sẽ rất dễ có thể mất toàn bộ tài sản vì phải dùng tất cả số tài sản của mình để thanh toán các nghĩa vụ của doanh nghiệp.

* Khả năng huy động vốn của hai loại hình doanh nghiệp này là hạn chế vì cả công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân đều không có quyền phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

2. Những điểm khác nhau của công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.

2.1 Về thành viên:

- Số lượng thành viên:

Đối với doanh nghiệp tư nhân: Theo khoản 1, Điều 141 Luật Doanh nghiệp quy định Doanh nghiệp tư nhân là do duy nhất một cá nhân làm chủ hay còn gọi là doanh nghiệp một chủ. Đây là đặc điểm về thành viên để phân biệt giữa doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh cùng các loại hình doanh nghiệp khác.

Đối với công ty hợp danh: Tại điểm a, khoản 1, Điều 130 Luật Doanh nghiêp 2005 quy định Công ty hợp đánh phải có ít nhất hai thành viên hợp danh, như vậy, số thành viên tối thiểu của công ty hợp danh phải là hai và pháp luật không giới hạn số lượng thành viên tối đa, điều này do các thành viên hợp danh trong công ty thỏa thuận quyết định.

- Về các loại thành viên:

Đối với doanh nghiệp tư nhân: Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ, ngoài ra không có thành viên nào của doanh nghiệp nữa.

Đối với công ty hợp danh: Tại Điều 130 LDN quy định CTHD có hai loại thành viên là thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Chế độ pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hai loại thành viên này là khác nhau như chúng ta đã phân tích ở trên. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ tài sản của công ty. Một công ty hợp danh được thành lập phải có tối thiểu hai thành viên hợp danh. Công ty hợp danh có thể có hoặc không có thành viên góp vốn, thành viên góp vốn chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

- Quyền của các thành viên:

Đối với doanh nghiệp tư nhân do là cá nhân duy nhất làm chủ doanh nghiệp, tự đầu tư vốn và gánh chịu mọi rủi ro trong hoạt động của doanh nghiệp nên chủ DNTN có toàn quyền quản lý, điều hành hoạt động và phân phối lợi nhuận trong doanh nghiệp mà không bị giới hạn bởi bất kỳ chủ thể nào khác

Các thành viên hợp danh của công ty hợp danh cũng có các quyền quản lý và quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty, song quyền này không hoàn toàn tuyệt đối và riêng biệt, vì nó còn phụ thuộc vào các thành viên hợp danh khác và Hội đồng thành viên. Không những thế, thành viên hợp danh còn bị hạn chế một số quyền như: không được kinh doanh cùng ngành nghề kinh doanh của công ty nhân danh cá nhân hoặc người khác; không được chuyển một phần hay toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại…quy định tại khoản 3, Điều 133, Luật Doanh nghệp 2005.

Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp tư nhân có thêm những đặc quyền khác mà thành viên hợp danh không có đó là: quyền cho thuê doanh nghiệp và quyền bán doanh nghiệp (quy định tại các Điều 144, 145 Luật Doanh nghiệp).

2.2. Trách nhiệm pháp lý của chủ đầu tư.

* Thứ nhất, mặc dù cùng chịu chế độ trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ và  nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp nhưng cũng có sự khác nhau giữa chế độ trách nhiệm của chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

Theo Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2005 thì chủ doanh nghệp tư nhân là cá nhân duy nhất làm chủ doanh nghiệp và đồng thời gánh chịu những rủi ro từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là trách nhiệm vô hạn đối với một cá nhân duy nhất về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp.

Theo khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp thì tất cả các thành viên hợp danh của công ty hợp danh (mà tối thiểu là hai thành viên) là người đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành hoạt động hàng ngày của công ty. Tức là các thành viên hợp danh là chủ sở hữu chung của công ty có đầy đủ các quyền điều hành và quản lý công ty (khác thành viên góp vốn). Đồng thời với những quyền chung như vậy thì pháp luật cũng quy định nghĩa vụ của thành viên hợp danh phải “liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty” quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 134 Luật Doanh nghiệp. Như vậy, khác với chủ Doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của Công ty hợp danh chịu chế độ trách nhiệm vô hạn với tính chất liên đới.

Tính chất liên đới của trách nhiệm vô hạn đem lại nhiều ưu thế hơn cho chế độ trách nhiệm tài sản vô hạn thông thường. Bởi vì chế độ trách nhiệm vô hạn liên đới đảm bảo quyền của chủ nợ có thể yêu cầu một trong số các thành viên hợp danh phải thanh toán tất cả khoản nợ của các thành viên khác hay một thành viên hợp danh không chỉ có trách nhiệm đối với phần nợ của mình, mà còn có trách nhiệm đối với khoản nợ của các thành viên khác. Chế độ trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh không chỉ tạo ra sự tin tưởng cho khách hàng mà còn tạo ra vô số thuận lợi rất cần thiết trong quá trình kinh doanh, với uy tín được đảm bảo bằng trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh công ty sẽ được các ngân hàng, các đối tượng khác cho vay vốn, hoãn nợ, khoanh nợ, các bạn hàng yên tâm, thích thú khi quan hệ với công ty, tạo điều kiện cho công ty phát triển, khả năng thu hút vốn tăng lên.

2.3. Đặc điểm về vốn:

a) Khả năng huy động vốn.

- Khả năng huy độnh vốn của công ty hợp danh là lớn hơn rất nhiều doanh nghiệp tư nhân.

Vì doanh nghiệp tư nhân chỉ thực hiện việc huy động vốn chủ yếu qua việc vay các tổ chức và cá nhân khác ngoài doanh nghiệp, hoặc sự tăng sự tăng đầu tư vốn từ phía chủ doanh nghiệp tư nhân.

Công ty hợp danh bên cạnh hình thức tăng vốn như trên, công ty có thể huy động vốn thông qua việc tiếp nhận thêm thành viên mới (theo Điều 139 Luật doanh nghiệp), thành viên mới có thể là thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Đối với những nhà đầu tư nhỏ lẻ không muốn chế độ trách nhiệm vô hạn với nhiều rủi ro muốn tìm cho mình một lá chắn an toàn từ trách nhiệm hữu hạn, cũng không có nhu cầu tham gia quản lý và điều hành công ty thì có thể tham gia công ty với tư cách là thành viên góp vốn.

Doanh nghiệp tư nhân không thể thực hiện được việc tiếp nhận them thành viên mới vì bản chất của doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do duy nhất một cá nhân làm chủ.

Hơn nữa việc các thành viên công ty hợp danh chịu trách nhiệm tài sản không chỉ tạo ra sự tin tưởng cho khách hanhg mà còn khẳng định uy tín của mình, nhờ có trách nhiệm vô hạn liên đới về tài sản mà các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các đối tượng khách cho vay vốn. Điều này vừa đem lại ưu thế cho công ty, vừa thỏa mãn nhu cầu tham gia của các nhà đầu tư.

- Quan hệ sở hữu vốn và tài sản:

Ở doanh nghệp tư nhân, chủ doanh nghệp tư nhân bỏ toàn bộ vốn và tài sản để thành lập doanh nghiệp tư nhân nên không có sự tách bạch giữa tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân và tài sản của doanh nghiệp; pháp luật chỉ quy định nghĩa vụ kê khai các loại tài sản góp vốn còn chủ doanh tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản, vốn góp vào doanh nghiệp tư nhân. Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn điều lệ tùy ý mà không phải đăng ký, chỉ trong trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì phải đăng ký lại với cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi giảm vốn.

Còn đối với công ty hợp danh, việc tăng hay giảm vốn điều lệ của công ty phải được Hội đồng thành viên quyết định quy định tại điểm b, c, d, e khoản 3 Điều 135 Luật Doanh nghiệp, sửa đổi nội dung Điều lệ công ty quy định khoản 2 Điều 22 Luật Doanh nghiệp và tiến hành đăng ký lại với cơ quan đăng ký kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Doanh nghiêp. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 132 Luật Doanh nghiêp thì khi góp vốn vào công ty hợp danh các thành viên góp vốn phải thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty.

Do vậy, so với doanh nghiệp tư nhân thì tài sản của công ty hợp danh có sự độc lập và tách biệt hẳn với khối tài sản của thành viên công ty, đây cũng là một trong những ưu điểm lớn của công ty hợp danh

2.4. Tư cách pháp lý.

Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể tử ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Quy định tại khoản 2 Điều 130 Luật Doanh nghiệp quy định. Trong khi đó, Luật doanh nghiệp lại không công nhận tư cách pháp nhân cho Doanh n ghiệp tư nhân. Tư cách pháp nhân mang lại sự tin cậy lớn hơn đối với các bạn hàng. Việc có hay không tư cách pháp nhân là điều kiện hết sức quan trọng để xem xét doanh nghiệp được tham gia thực hiện các hành vi kinh doanh một cách rộng rãi ở mức độ nào. Vì vậy đây là một hạn chế của doanh nghiệp tư nhân.

2.5. Thủ tục thành lập.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân đơn giản hơn so với việc thành lập công ty hợp danh.

KẾT THÚC VẤN ĐỀ

Nói tóm lại qua những phân tích, đánh giá về doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh như trên, ta có thể thấy rằng, hai lạo hình doanh nghiệp này cùng có chủ chủ đầu tư chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản  mang một số các ưu, nhược điểm chung tuy nhiên cả hai loại hình doanh nghiệp này cũng có rất nhiều điểm khác biệt, khác biệt ngay cả trong chế độ trách nhiệm vô hạn. Đứng ở những phương diện khác nhau thì tính ưu việt và lợi thế của hai loại hình doanh nghiệp này là khác nhau. Nếu đứng ở phương diện nhà đầu tư thì tất nhiên việc thành lập doanh nghiệp tư nhân là thuận tiên, đơn giản và có nhiều ưu thế hơn nhưng nếu đứng ở phương diện đối tác của doanh nghiệp thì việc hợp tác với một công ty hợp danh là an toàn và tin tưởng hơn rất nhiều. Chính vì nhận thức được những ưu và nhược điểm của hai loại hình doanh nghiệp này mà các chủ đầu tư cảm thấy chủ động hơn trong việc tham gia, thành lập, tổ chức, quản lý, cũng chính vì vậy mà đây là hai loại hình doanh nghiệp khá được ưa chuộng, phổ biến trong lựa chọn của giới doanh nhân Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Luật Thương mại Việt nam module 1và module 2 Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, 2006.
2. Luận án Thạc sỹ Luật học -  Vũ Đặng Hải Yến: Một số vấn đề pháp lý về công ty hợp danh, 2003.
3. Luận án Tiến sỹ Luật học – Địa vị pháp lý của Doanh nghiệp tư nhân, 2003.
4. Thông tin trên các trang web:
thongtinphapluatdansu.wordpress.com
www.thanhlapcongty.org
www.phapluatviet.com

Cảm ơn bạn Nguyễn Thị Thanh - K34 đã chia sẻ tài liệu này! ^.^

1 comment:

  1. Cung cấp dịch vụ kế toán trọn gói uy tín cho các doanh nghiệp chi tiết mời truy cập
    keyword: dịch vụ kế toán
    keyword: dich vu ke toan

    ReplyDelete