I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hành vi giết người, từ xưa đến nay, luôn bị coi là hành vi dã man, tàn ác vì nó xâm phạm đến quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất của con người – quyền được sống. Nếu quyền này bị xâm phạm thì tất cả các quyền khác cũng không thể tồn tại và không thể được thực hiện trên thực tế. Bảo vệ cuộc sống bình yên cho mỗi người và chăm lo hạnh phúc của con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta vì con người vừa là động lực vừa là mục tiêu chính của sự phát triển, con người đã sang tạo ra xã hội và là giá trị xã hội cao quý nhất.
Nhà nước ta từ khi mới ra đời đến nay đều có các văn bản pháp luật bảo vệ lợi ích cá nhân của con người. Cơ sở pháp lý được ghi nhận trước hết là trong Hiến pháp năm 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tiếp theo đó là các Hiến pháp năm 1959, 1980 và năm 1992 đều quy định “ Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm…” (Điều 71 Hiến pháp 1992). Nó được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật hình sự.
Tuy nhiên trên thực tế quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của công dân vẫn bị vi phạm nghiêm trọng đòi hỏi sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này em đã chọn đề bài số 1 cho bài tập cá nhân cuối kỳ của mình.
Dù đã cố gắng hết sức để giải quyết tình huống nhưng do hiểu biết còn hạn chế, nên trong bài viết của em không tránh khỏi sai sót về nhận thức cũng như hình thức trình bày. Vậy em rất mong nhận được sự đánh giá và đóng góp ý kiến của các thầy cô giáo để em có thể hiểu sâu hơn và hoàn thiện bài viết của mình.
Em xin chân thành cảm ơn!
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Căn cứ vào Khoản 3 Điều 8 BLHS, hãy phân loại tội phạm đối với tội giết người.
Phân loại tội phạm trong Luật hình sự là một hoạt động lập pháp, trong đó dựa trên những tiêu chí nhất định, nhà làm luật chia tội phạm thành những nhóm khác nhau. Việc phân loại tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quy định các nguyên tắc xử lý, quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu thi hành bản án và các quy định khác về điều kiện áp dụng một số loại hình phạt và biện pháp tư pháp…Phân loại tội phạm còn là cơ sở để cụ thể hóa trách nhiệm hình sự, quy định khung hình phạt, bảo đảm nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự và hình phạt. Ngoài ra việc phân loại tội phạm còn có ý nghĩa đối với việc quy định một số chế định tạm giam, tạm giữ, thẩm quyền xét xử, thời hạn xét xử…trong bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo BLHS (đã được sửa đổi, bổ sung ngaỳ 19/6/2009), tại Khoản 2 và 3 Điều 8, nhà làm luật phân loại tội phạm thành bốn nhóm căn cứ vào mức độ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và quy định hậu quả pháp lý tương ứng với những nhóm tội phạm đó.
“2. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”.
Mức độ tính nguy hiểm của hành cho xã hội của hành vi thể hiện nội dung chính trị - xã hội của tội phạm, là sự đánh giá của xã hội về hành vi phạm tội. Đây là dấu hiệu nội dung để phân biệt các loại tội phạm, quy định dấu hiệu hình thức là mức cao nhất của khung hình phạt với những nhóm tội. Mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại Khoản 3 Điều 8 BLHS là căn cứ để cán bộ áp dụng nhằm xác định một tội phạm cụ thể thuộc loại tội phạm nào.
Tội giết người được quy tại Điều 93 BLHS như sau:
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm”.
Đối chiếu với phân loại tội phạm tại Khoản 3 Điều 8 ta thấy:
Khoản 1 Điều 93: mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình, do vậy đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Khoản 2 Điều 93: mức cao nhất của khung hình phạt là đến mười lăm năm tù thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng.
2. Căn cứ vào cách phân loại cấu thành tội phạm (CTTP) theo mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được CTTP phản ánh, hãy xác định loại CTTP đối với tội giết người (Điều 93 BLHS).
CTTP là tổng hợp những dấu hiệu chung có tính chất đặc trưng cho loại tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự. CTTP có ý nghĩa là cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự và là căn cứ pháp lý để định tội và định khung hình phạt chính xác.
Các trường hợp phạm tội trên thực tế thuộc một tội danh tuy cùng những đặc điểm đặc trưng nhất định nhưng có sự khác nhau về mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội. Trong đó, có những trường hợp rất khác nhau về mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội. Do vậy, đòi hỏi phải có những khung hình phạt khác nhau cho cùng một tội danh để đảm bảo có sự phân hóa trách nhiệm hình sự ngay trong luật và qua đó tạo điều kiện cho cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong thực tiễn áp dụng.
Dựa vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được CTTP phản ánh mà các nhà làm luật đã chia thành ba loại CTTP: CTTP cơ bản, CTTP tăng nặng, CTTP giảm nhẹ.
Áp dụng lý luận vào Điều 93 ta thấy:
Khoản 2: thuộc CTTP cơ bản. Bởi vì khoản 2 chỉ có dấu hiệu định tội, dấu hiệu mô tả tội phạm và cho phép phân biệt tội này với tội khác. Tức là khoản 2 chỉ bao gồm những dấu hiệu đặc trưng có ở mọi trường hợp phạm tội của tội giết người, thể hiện tính nguy hiểm của loại tội giết người và phân biệt tội giết người với tội khác (dấu hiệu hành vi tước đoạt tính mạng của người khác, dấu hiệu có lỗi và dấu hiệu hậu quả chết người)
Khoản 1: thuộc CTTP tăng nặng. Bởi nó chỉ gồm những dấu hiệu định tội (dấu hiệu của CTTP cơ bản) và dấu hiệu mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm tăng lên một cách đáng kể so với trường hợp bình thường. Hành vi đó đã hoàn toàn thỏa mãn dấu hiệu định khung cho phép chuyển khung hình phạt từ khung bình thường lên khung tăng nặng.
Khoản 3: quy định các hình phạt bổ sung có thể áp dụng cho người phạm tội. Hình phạt này chỉ được áp dụng kèm theo hình phạt chính với mục đích trừng trị, giáo dục, cải tạo người phạm tội; giáo dục, răn đe, ngăn ngừa (người khác) phạm tội; giáo dục động viên (mọi người) đấu tranh phòng chống tội phạm
3. Xác định lỗi đối với hành vi phạm tội của A và giải thích rõ tại sao.
Nguyên tắc có lỗi là một trong những nguyên tắc được quy định trong nhiều ngành luật. Đặc biệt trong Luật hình sự Việt Nam, nguyên tắc này được coi là nguyên tắc cơ bản. Có lỗi là cơ sở chủ quan để có thể buộc tội chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm cho xã hội do hành vi đó gây ra. Nếu không có lỗi thì chủ thể không phải chịu trách nhiệm hình sự, dù cho hành vi họ thực hiện đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Điều 8 BLHS Việt Nam xác định: Hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ bị coi là tội phạm khi được thực hiện một cách có lỗi cố ý hoặc vô ý.
Lỗi là thái độ tâm lý tiêu cực đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đã gây ra biểu hiện dưới hình thức cố ý và vô ý. Chủ thể bị coi là có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nếu họ đã lựa chọn hành vi đó trong khi có đủ điều kiện lựa chọn xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.
Theo dữ kiện đề bài đã cho ta thấy hành vi của A có những dấu hiệu sau:
Về lý trí: A nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội mà cụ thể ở đây là B (đang có thai) khi có ý định giết B. Trong nhận thức của A, do động cơ của A là trả thù nên A biết rõ hành vi giết B của mình là nguy hiểm cho xã hội đồng thời nhận thức được hậu quả, thấy trước hậu quả nếu thực hiện hành vi đó: B có thể bị chết.
Nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi tức là khi thực hiện hành vi A biết được hành vi của mình có hại cho xã hội, đi ngược lại yêu cầu và chuẩn mực xã hội. Sự nhận thức này phụ thuộc vào những phẩm chất của A như: kinh nghiệm sống, học vấn, trí tuệ, hiểu biết pháp luật…Khả năng nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi là phẩm chất đặc trưng cho mọi người phát triển bình thường. Điều đặc biệt cần nhấn mạnh là sự nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi không có nghĩa là phải nhận thức được tính trái pháp luật của hành vi. Một người biết hay không biết tính trái pháp luật của hành vi không phải là điều kiện bắt buộc để xác định họ có lỗi hay không có lỗi khi thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội. Thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi là hình dung ra những nét chung nhất, những đặc điểm nổi bật nhất của hậu quả do hành vi sẽ gây ra. Sự thấy trước này xuất hiện trước khi hoặc trong khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Về ý chí: Để trả thù B, A đã chuẩn bị sẵn kế hoạch để giết B và mong muốn hậu quả chết người xảy ra cho B. Thứ nhất là A nắm rõ thời gian B đi lại, khi "biết B đi chơi chưa về nhà". Thứ hai là "đến nấp ở bụi cây gần cổng nhà B" để thuận tiện cho việc thực hiện hành vi từ điều này chúng ta có thể kết luận A mong muốn cho hậu quả xaỷ ra. Nếu không có sự phát giác về dấu hiệu khả nghi của A của đội tuần tra có thể A đã thực hiện hành vi phạm tội của mình đến cùng.
Vậy trong trường hợp này, hành vi phạm tội của A là lỗi cố ý trực tiếp. Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra (Điều 9 BLHS)
4. Hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn nào phạm tội nào? Giải thích rõ tại sao.
Cũng như các hoạt động khác của con người trong xã hội, hành vi phạm tội diễn ra theo một quá trình nhất định. Người cố ý phạm tội cũng hành động theo một quá trình nhất định. Họ luôn mong muốn thực hiện được trọn vẹn quá trình đó để đạt được mục đích của mình. Nhưng trong thực tế có những trường hợp vì nguyên nhân ngoài ý muốn, người phạm tội đã không thực hiện được toàn bộ quá trình đó mà phải dừng lại ở những thời điểm khác nhau. Để đánh giá mức độ thực hiện tội phạm và qua đó có cơ sở xác định phạm vi trách nhiệm hình sự của người phạm tội, Luật hình sự Việt Nam phân biệt ba mức độ thực hiện tội phạm: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành.
Các giai đoạn thực hiện tội phạm là các mức độ thực hiện tội phạm cố ý được quy định trong luật hình sự, bao gồm chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành, phản ánh tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội ở từng thời điểm.
Căn cứ theo đề bài ta thấy hành vi của A ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Bởi vì những lý do sau:
Điều 17 BLHS đã định nghĩa “Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện cần thiết khách quan để thực hiện tội phạm”. Tức là đây là giai đoạn mà trong đó người phạm tội có hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm nhưng chưa bắt đầu thực hiện tội phạm đó.
Thời điểm sớm nhất của giai đoạn phạm tội này là thời điểm người phạm tội bắt đầu có hành vi tạo ra những điều kiện vật chất hoặc tinh thần giúp cho việc thực hiện hành vi phạm tội có thể xảy ra hoặc xảy ra được thuận lợi, dễ dàng hơn. Thời điểm muộn nhất là thời điểm trước lúc người phạm tội bắt đầu thực hiện hành vi khách quan được phản ánh trong CTTP.
Ở đây A chưa thực hiện hành vi khách quan mô tả trong CTTP của tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác. Đồng thời cũng chưa thực hiện các hành vi đi liền trước hành vi khách quan như vung dao, dương súng... mà chỉ có các hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tội phạm (chuẩn bị phạm tội tuy không còn là phạm trù ý thức của người phạm tội mà ý định đó đã được thể hiện bằng các hành động ra bên ngoài thế giới khách quan, nhưng hành vi đó cũng chưa phải là hành vi phạm tội được quy định trong mặt khách quan của CTTP): chuẩn bị kế hoạch phạm tội, thăm dò địa điểm phạm tội. Tức là A có sự chuẩn bị về kế hoạch giết B, dò hỏi tin tức để biết việc B đi chơi chưa về nên đã đến nấp ở bụi cây gần cổng nhà B, đợi B về để giết vào lúc 8h tối. Tuy nhiên trước khi thực hiện được ý đồ của mình A đã bị phát hiện.
Hành vi phạm tội của A chưa trực tiếp xâm hại đến quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, chưa làm thay đổi, biến dạng đối tượng tác động của tội phạm – B. Do chưa thực hiện hành vi được quy định trong CTTP cụ thể nên hành vi của A chưa xâm hại đến khách thể được luật hình sự bảo vệ mà mới chỉ hướng hành vi của mình vào một khách thể nhất định (B đang có thai) và đặt khách thể đó trong tình trạng nguy hiểm.
Hậu quả của tội phạm chưa xảy ra, do chưa thực hiện được hành vi được quy định trong CTTP nên hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm chưa xảy ra.
5. Mức cao nhất Tòa án có thể áp dụng đối với A là bao nhiêu? Giải thích rõ tại sao.
A đang ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, tức là A chưa bắt đầu thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan của CTTP cụ thể.
Khoản 1 và 2 Điều 52 BLHS quy định:
1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt đựơc quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
2. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng là không quá hai mươi năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
Như vậy, mức hình phạt cao nhất mà Tòa án có thể áp dụng đối với A là không quá hai mươi năm tù.
Ở đây, hành vi của A mới chỉ tạo ra các điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện phạm tội. Chuẩn bị phạm tội bao giờ cũng ít nguy hiểm hơn so với phạm tội chưa đạt và tội phạm đã hoàn thành. Vì vậy, mặc dù khi quyết định hình phạt Tòa án vẫn căn cứ vào chế tài của quy phạm pháp luật quy định loại tội tương ứng nhưng được giảm nhẹ đặc biệt.
A phải chịu trách nhiệm hình sự vì hành vi của A đã thỏa mãn dấu hiệu CTTP của hành vi phạm tội chưa hoàn thành. Về khách quan, hành vi chuẩn bị kế hoạch phạm tội, thăm dò địa điểm phạm tội…để thực hiện tội phạm đã chứa đựng tính nguy hiểm cho xã hội, đặc biệt là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ trong tình trạng bị đe dọa. Về mặt chủ quan, A chuẩn bị hành vi phạm tội và mong muốn thực hiện hành vi đó. Bên cạnh đó, hành vi của A ở đây chỉ bị dừng lại bởi những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của A, A bị đội tuần tra phát hiện chứ không phải do A tự ý chấm dứt. Do vậy trách nhiệm hình sự cần được đặt ra đối với A.
Hơn nữa, A có ý định giết B (đang có thai). Trường hợp giết người này bị coi là trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự vì hành vi phạm tội xâm phạm đến đối tượng được xã hội quan tâm và bảo vệ đặc biệt. Hành vi giết phụ nữ mà biết là có thai thể hiện tính vô nhân đạo cao độ, rất khác so với trường hợp phạm tội phạm tội giết người thông thường. Hành vi phạm tội không chỉ xâm phạm đến tính mạng của B mà còn xâm phạm đến sự sống trong tương lai của đứa con. Và hành vi này còn xuất phát từ động cơ: trả thù!
6. Giả sử A là người nước ngoài và hành vi nói trên của A xảy ra ở Việt Nam thì A có bị xử lý theo luật hình sự Việt Nam không? Giải thích rõ tại sao.
Điều 5 BLHS Việt Nam quy định về hiệu lực của BLHS đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:
1. Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Theo khoản 1 Điều 5 thì mọi công dân Việt Nam, người nước ngoài (trừ những trường hợp ngoại lệ được nêu tại khoản 2 Điều này) và nguời không có quốc tịch khi có hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam.
Khái niệm lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã được quy định tại Điều 1 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 bao gồm: Đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời. Lãnh thổ được giới hạn bởi biên giới quốc gia trên bộ, trên biển, trong lòng đất và biên giới trên không. Theo các công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia; các tuyên bố và các văn bản pháp lý của Nhà nước ta thì các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, thềm lục địa và các vùng đặc quyền kinh tế đều thuộc chủ quyền quốc gia. Theo các Công ước mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã kí kết tham gia; các tuyên bố và các văn bản pháp lý của nhà nước ta thì các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế đều thuộc chủ quyền quốc gia (như Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp ngày 10/9/1964; Công ước về thềm lục địa ngày 10/6/1964; Công ước về Luật biển ngày 10/12/1982; Nghị định số 30/CP ngày 29/01/1980 của Hội đồng bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về vùng nội thủy; Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ngày 12/5/1977 về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam...). Theo Công ước quốc tế, thì các tàu quân sự Việt Nam trwo Quốc kỳ Việt Nam đang có mặt ở vùng biển cả, ở vùng biển cả, ở vùng lãnh hải hoặc cảng biển của một quốc gia nào khác; các tầu dân sự của Việt Nam đang treo Quốc kỳ Việt Nam và có mặt tại biển cả; các máy bay của Việt Nam đang bay ngoài lãnh thổ Việt Nam. Các hành vi phạm tội thực hiện trên các vùng này đều bị xử lý theo BLHS Việt Nam.
Cũng theo khoản 1 thì hành vi phạm tội được coi là thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam khi hành vi và hậu quả của nó bắt đầu hoặc kết thúc hoặc có 1 giai đoạn thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, cụ thể như sau:
- Bắt đầu thực hiện tội phạm ỏ VN và chấm dứt, kết thúc tội phạm đó trên lãnh thổ Việt Nam.
- Bắt đầu thực hiện tội phạm ở nước ngoài nhưng tội phạm chấm dứt,kết thúc ở Việt Nam.
- Bắt đầu thực hiện tội phạm ở VN nhưng tội phạm chấm dứt, kết thúc ở nước ngoài.
- Bắt đầu thực hiện tội phạm ở nước ngoài, tiếp tục thực hiện tội phạm đó ở Việt Nam và kết thúc ở nước ngoài.
Dựa vào những điều đã phân tích ở trên A sẽ bị xử lý theo BLHS Việt Nam, cụ thể là Tòa án sẽ áp dụng các Khoản 1 Điều 93, Điều 17, Điều 52 khi xét xử A.
Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 5 BLHS cũng quy định trường hợp ngoại lệ sau: “Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao” tức là không xét xử A theo thẩm quyền của Tòa án Việt Nam.
Thông thường, những người được hưởng đặc quyền ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự là những người đứng đầu nhà nước, các thành viên chính phủ, các thành viên của các đoàn ngoại giao như Đại sứ, Bí thư, Tham tán đại sứ, Tùy viên…, theo tục lệ quốc tế thì vợ hoặc chồng, con chưa thành niên của những người này cũng được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự ( Công ước Vienne năm 1961, 1963, pháp lệnh về quyền ưu đãi và miễn trừ dành cho cơ quan đại diện của tổ chức Quốc tế tại Việt Nam, pháp lệnh lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1990).
Tuy nhiên hành vi của A vẫn bị coi là tội phạm. Điểm khác ở đây là vì lý do về ngoại giao nên A sẽ không bị truy cứ trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam mà trách nhiệm hình sự của A sẽ được giải quyết thông qua con đường ngoại giao. Trong một số trường hợp A vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam nếu điều ước quốc tế quy định hoặc thông qua con đường ngoại giao, nhà nước mà A mang quốc tịch và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thỏa thuận sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự của họ theo pháp luật Việt Nam.
Tóm lại, nếu giả sử A là người nước ngoài mà hành vi phạm tội của A như trong đề bài đã nêu thì có hai trường hợp xảy ra:
* Nếu A không thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc các quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế: A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh giết người tại Điều 93 BLHS năm 1999, và được áp dụng Điều 52 khi tuyên án phạt.
* Nếu A thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc các quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì trong trường hợp này hành vi phạm tội của A vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng được giải quyết không bằng thủ tục tố tụng thông thường mà thông qua con đường ngoại giao.
III. KẾT LUẬN
Có thể thấy, đây là một tình huống rất cụ thể, một hành vi phạm tội khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Sau khi đã giải quyết xong tình huống, em đã lĩnh hội và tăng thêm được rất nhiều kiến thức chung của Luật hình sự về các vấn đề quan trọng như hiệu lực của BLHS, phân loại tội phạm, CTTP…hiểu thêm được các Điều 93, Điều 17, Điều 52.
Tội phạm được coi là khái niệm cơ bản nhất, là cơ sở thống nhất cho việc xác định những tội phạm cụ thể trong phần tội phạm của BLHS, trực tiếp thể hiện một cách rõ nét những nguyên tắc cơ bản của luật hình sự Việt Nam. Việc phân loại tội phạm, CTTP, xác định lỗi của người phạm tội, hiệu lực của BLHS sẽ phân loại hình phạt tương ứng cho từng loại tội phạm. Từ đó, người phạm tội sẽ có được sự xét xử đúng tội và đúng mức phạt. Nó vừa đảm bảo không sót người, sót tội mà còn đảm bảo tính khoan dung của pháp luật, mở ra con đường sống cho người phạm tội biết ăn năn hối cải.
No comments:
Post a Comment