23/08/2014
Các tội phạm về tham nhũng - Tội giả mạo trong công tác (Điều 284) - Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 1999 - Tập 5
7. TỘI GIẢ MẠO TRONG CÔNG TÁC   

Điều 284. Tội giả mạo trong công tác   

Định nghĩa: Giả mạo trong công tác là hành vi của một người vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. 

Tội giả mạo trong công tác là tội phạm đã được quy định tại Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985. 

Tội phạm này cũng là loại tội tham nhũng mà người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhưng không phải để chiếm đoạt, cũng không phải để nhận hối lộ hay để gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi mà người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; để làm hoặc cấp giấy tờ giả; để giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Tội phạm này, nếu chỉ xét về hành vi khách quan thì gần giống với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn nếu xét về thủ đoạn thì lại gần giống với các tội phạm khác có việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nếu xét về động cơ thì gần giống với các tội có động cơ vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác.

So với Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này, thì Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều thay đổi. Tuy vẫn cấu tạo thành 4 khoản, nhưng khung hình phạt ở mỗi khoản quy định theo hướng có lợi cho người phạm tội, hình phạt cao nhất đối với tội phạm này là hai mươi năm tù (Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985 hình phạt cao nhất là tù chung thân); bỏ tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 điều này”; hình phạt bổ sung quy định ngay trong điều luật.

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM 

 Như đã nêu ở trên, tội phạm này gần giống với một số tội phạm khác có thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn; có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác và có hành vi gian dối, nên các dấu hiệu của tội phạm này nếu xét về từng khía cạnh cũng tương tự như các dấu hiệu của các tội khác có cùng dấu hiệu mà các dấu hiệu đó đã được phân tích ở từng tôi phạm cụ thể. Tuy nhiên, để theo dõi một cách có hệ thống, chúng ta lần lượt nghiên cứu từng dấu hiệu của tội phạm này, trong đó có dấu hiệu đã được phân tích ở các tội phạm khác.

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ, các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội giả mạo trong công tác cũng là các dấu hiệu quan trọng để xác định hành vi phạm tội, là dấu hiệu phân biệt sự khác nhau giữa tội phạm này với các tội phạm khác do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện.

Chủ thể của tội giả mạo trong công tác phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội giả mạo trong công tác, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:

Trước hết, người phạm tội giả mạo trong công tác phải là người có chức vụ, quyền hạn nhất định. Phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội giả mạo trong công tác cũng tương đối rộng. Tuy nhiên, người phạm tội giả mạo trong công tác là người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; để làm hoặc cấp giấy tờ giả; để giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn khác.

Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được nêu ở phần khái niệm các tội phạm về chức vụ. Tuy nhiên, đối với tội giả mạo trong công tác còn có thể có những người không có chức vụ, quyền hạn là chủ thể của tội phạm nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức còn người thực hành nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Nếu người có chức vụ, quyền hạn lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho người khác để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; để làm hoặc cấp giấy tờ giả; để giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà người lợi dụng chức vụ, quyền hạn bị tổ chức trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội tham ô.   

Chủ thể của tội giả mạo trong công tác là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn được. Nếu là người khác thì hành vi giả mạo trên lại cấu thành tội phạm khác chứ không phải là hành vi phạm tội giả mạo trong công tác. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án giả mạo trong công tác không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức, còn người thực hành trong vụ án có đồng phạm, thì nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác thuộc trường hợp quy định tại khoản 2. khoản 3 và khoản 4 Điều 284 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp giả mạo trong công tác quy định tại các khoản trên là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với những người này họ chỉ có thể là đồng phạm trong vụ án với vai trò giúp sức, vì những người này chưa thể trở thành cán bộ, công chức.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 284 Bộ luật hình sự mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này theo khoản 1 của Điều 284 Bộ luật hình sự, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội giả mạo trong công tác quy định tại khoản 1 của điều luật chỉ là tội phạm nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm 

Khách thể của tội giả mạo trong công tác là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín. Vì vậy, giả mạo trong công tác là tội phạm tham nhũng là đối tượng bị xử lý nghiêm. 

Đối tượng tác động của tội giả mạo trong công tác là giấy tờ, tài liệu, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Người phạm tội đã tác động vào làm cho các tài liệu, giấy tờ, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn bị sai lệch, không đúng với thực tế.

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm 

Đối với tội giả mạo trong công tác, các dấu hiệu thuộc mặt khác quan cũng là những dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội cũng như để phân biệt tội giả mạo trong công tác với các tội phạm khác.

a. Hành vi khách quan

Trước hết, người phạm tội phải là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc giả mạo trong công tác; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc giả mạo. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn là dấu hiệu để phân biệt với một số tội phạm khác cũng có những hành vi khách quan như đói với tội phạm này như: tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 266); tội làm con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 267), nhưng đối với các tội phạm này người phạm tội không lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Đối với tội giả mạo trong công tác, thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn còn là tiền đề để người phạm tội thực hiện một trong những hành vi khách quan.

Theo điều văn của điều luật thì người phạm tội thực hiện một trong các hành vi khách quan sau đây:

- Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu. 
Nội dung của hành vi này gồm hai hành vi: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ và sửa chữa, làm sai lêch nội dung tài liệu.

-Sửa chữa, làm sai nội dung giấy tờ là hành vi tẩy xoá, viết thêm, bỏ bớt hoặc bằng thủ đoạn khác làm cho nội dung giấy tờ đó không còn đúng với nội dung vốn có của nó. Sửa chữa, theo hướng tích cực thì sửa sai thành đúng, nhưng hành vi sửa chữa ở đây được hiểu là sửa đúng thành sai với động cơ xấu. hậu quả của việc sửa chữa là làm sai lệch nội dung giấy tờ đó, làm cho nội dung của giấy tờ đó không đúng với thực tế kách quan.

Giấy tờ là giấy có mang một nội dung nhất định và có một giá trị theo quy định như giấy phép, giấy chứng nhận, công văn... Nói chung, giấy tờ là đối tượng tác động của tội phạm này bao gồm các loại giấy mang tiêu đề nhất định và có giá trị nhất định căn cứ vào nội dung của loại giấy tờ đó, chứ không bao gồm tất cả các loại giấy tờ.

Giấy tờ bị sửa chữa bao gồm nhiều loại, nhưng chủ yếu là các loại văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành có liên quan đến quyền và lợi ích của cá nhân, tập thể, cơ quan, tổ chức mà người phạm tội quan tâm. Ví dụ: Một chuyên viên của Bộ thương mại sửa chữa giấy phép nhập khẩu (quota) với số lượng từ 500 xe máy lên 5.000 xe máy cho một công ty; một cán bộ tổ chức sửa chữa năm sinh cho một cán bộ và đề nghị bổ nhiệm cán bộ này vào chức vụ nhất định; một cán bộ kiểm lâm đã sửa chữa biên bản thu giữ lâm sản để người vi phạm không bị xử lý...

-Sửa chữa, làm sai lệch nội dung tài liệu là hành vi thêm, bớt hoặc bằng thủ đoạn khác làm cho nội dung của tài liệu đó không đúng với nội dung vốn có của nó, sửa đúng thành sai như đối với việc sửa chữa giấy tờ.
Tài liệu và giấy tờ, xết về một khía cạnh nào đó thì cũng như nhau, trong tài liệu có giấy tờ và ngược lại trong giấy tờ cũng có tài liệu, nhưng khi nói đến tài liệu là muốn nói đến nội dung của một loại giấy tờ như: một văn bản giúp cho việc tìm hiểu một vấn đề gì, tài liệu học tập, tài liệu tham khảo, thu thập tài liệu để viết luận văn tốt nghiệp... Tài liệu có thể tồn tại dưới dạng giấy tờ, nhưng cũng có thể tồn tại dưới các dạng khác như: trên mạng internet, băng ghi hình, băng ghi âm, có khi chỉ là một danh lam thắng cảnh, một khu di tích lich sử, một tấm bia. v.v... nhưng chỉ những tài liệu có liên quan đến hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người phạm tội bị sửa chữa mới là đối tượng tác động của tội phạm này.

- Làm, cấp giấy tờ giả
Nội dung của hành vi này cũng gồm hai hành vi khác nhau, đó là: làm giấy tờ giả và cấp giấy tờ giả.
Làm giấy tờ giả là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm ra một trong các giấy tờ mang tiêu đề nhất định và có giá trị nhất định, nhưng nội dung không đúng với thực tế khách quan. Giấy tờ giả là giấy tờ không có thật, tức là cơ quan Nhà nước không ban hành loại giấy tờ đó hoặc có ban hành nhưng nội dung không đúng với giấy tờ mà người phạm tội làm. Điều luật chỉ quy định làm giấy tờ giả, mà không quy định làm tài liệu giả, nên trong trường hợp người phạm tội có hành vi làm tài liệu giả thì cần phải xác định tài liệu đó có tồn tại ở dạng giấy tờ không, nếu không tồn tại ở dạng giấy tờ thì không phải là đối tượng tác động của tội phạm này.

Cấp giấy tờ giả là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để cấp giấy tờ cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân mà người phạm tội biết chắc đó là giấy tờ giả. Hành vi cấp giấy tờ giả cho người khác, có thể cũng là hành vi làm giấy tờ giả rồi cấp giấy đó cho người mà mình quan tâm, nhưng cũng có thể người phạm tội chỉ thực hiện việc cấp giấy tờ giả đó, còn việc làm ra nó lại do một người khác thực hiện. Thông thường, người làm ra giấy tờ giả cũng là người cấp giấy tờ giả đó. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người làm và người cấp khác nhau. Ví dụ: Đô Ca Th là Thẩm phán, vụ án chưa xét xử đã yêu cầu Nguyễn Hữu Ch là Trưởng phòng nghiệp vụ cấp trích lục bản án cho Phạm Thị N nguyên đơn trong vụ án ly hôn, để N kịp xuất cảnh ra nước ngoài. Trong trường hợp này, Th là người làm giấy tờ giả, còn Ch là người cấp giấy tờ giả. Người cấp giấy tờ giả phải là người có quyền cấp giấy đó chứ không phải bằng hành động như: chuyển, đưa giấy tờ đó cho người khác. 

- Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn 
Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn là hành vi ký giả hoặc bằng những thủ đoạn khác như: in, photocopy... chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Hành vi giả mạo chữ ký của người giả mạo trong công tác có đặc điểm khác với hành vi giả mạo chữ ký quy định trong một số tội phạm khác ở chỗ: Người phạm tội giả mạo trong công tác lại chính là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để gải mạo chữ ký của người khác mà người này cũng là người có chức vụ, quyền hạn.

Vấn đề đặt ra là: Vì sao người chức vụ, quyền hạn lại phải giả mạo chữ ký của người khác, mà lại phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn mới giả mạo được chữ ký của người khác ?

Trước hết người có chức vụ, quyền hạn phải giả mạo chữ ký của người khác là vì chữ ký của người phạm tội không có giá trị hoặc không phù hợp với hình thức và nội dung giấy tờ, tài liệu. Ví dụ: Quyết định thay đổi biện pháp tạm giam phải do Chánh án ký mới có giá trị, nhưng Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà, vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân đã ký giả chứ ký của Chánh án để trả tự do cho người đang bị tạm giam. Chánh phòng Uỷ ban nhân dân huyện lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ký giả chữ ký của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện thu hồi đất của công dân.

Nói chung, người phạm tội khi giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn họ không cần phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vì việc giả mạo chữ ký của người khác thì ai cũng làm được không cần phải người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn mới làm được. Tuy nhiên, nếu không phải là ký giả mà bằng thủ đoạn khác giả mạo chức ký của người có chức vụ, quyền hạn thì người phạm tội phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn mới có thể giả mạo được. Hành vi giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn cũng là một trong những hành vi làm sai lệch nội dung giấy tờ, nhưng vì đây là hành vi giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn nên chỉ cần có hành vi giả mạo chữ ký là đã cấu thành tội phạm giả mạo trong công tác rồi. 

b. Hậu quả

Cũng như hậu quả của các tội phạm khác, hậu quả của tội giả mạo trong công tác là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội.

Hậu quả của hành vi giả mạo trong công tác không phải là dấu hiệu bắt buộc, tức là, dù hậu quả chưa xảy ra nhưng hành vi vẫn cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu hậu quả do hành vi giả mạo trong công tác gây ra là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị tổ chức trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật.  

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm 

Người phạm tội giả mạo trong công tác thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Đối với tội phạm giả mạo trong công tác, động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, nếu người phạm tội có các hành vi khách quan nêu ở trên nhưng không vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác thì hành vi giả mạo trong công tác chưa cấu thành tội phạm.

Động cơ phạm tội là cái bên trong thuộc mặt chủ quan của tội phạm và người phạm tội không bao giờ thừa nhận nếu không có căn cứ. Tuy nhiên, việc xác định động cơ của người phạm tội không phải khó tới mức không xác định được. Ngay cả việc xác định lỗi của người phạm tội cũng là một việc khó, nhưng về lý luận, ý thức chủ quan của con người bao giờ cũng được thể hiện bằng những hành vi và các dấu hiệu khách quan.
Người phạm tội vì vụ lợi mà giả mạo trong công tác là vì lợi ích của bản thân mình hoặc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình công tác. Ví dụ: Nguyễn Ngọc H là giám đốc Công ty xuất nhập khẩu, vì lợi ích của công ty mình, nên đã sửa chữa giấy phép nhập khẩu để nhập hàng tránh sự phát hiện của Hải quan.

Người phạm tội vì động cơ cá nhân khác là vì lợi ích của người khác mà người phạm tội quan tâm mà không vì lợi ích của cá nhân mình hoặc cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên. Ví dụ: Vũ Hồng M là trưởng phòng thi hành án dân sự đã sửa chữa bản án có hiệu lực pháp luật theo hướng có lợi cho Đặng Xuân D là em vợ của M.  

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội giả mạo trong công tác không có các tình tiết định khung hình phạt 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 284 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội giả mạo trong công tác, có khung hình phạt từ một năm đến năm năm tù, là tội phạm nghiêm trọng. 
So với tội giả mạo trong công tác quy định tại Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn và nếu so sánh giữa tội giả mạo trong công tác quy định tại Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 thì Điều 284 nhẹ hơn Điều 224 vì mức cao nhất  của khung hình phạt quy định tại Điều 284 là tù hai mươi năm, còn mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại Điều 224 là tù chung thân. Do đó, hành vi phạm tội giả mạo trong công tác thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 1 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội giả mạo trong công tác theo khoản 1 Điều 284 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc nếu có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới một năm tù), nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì được hưởng án treo. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến năm năm tù. 

2. Phạm tội giả mạo trong công tác thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 284 Bộ luật hình sự 

a.Có tổ chức.

Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, giả mạo trong công tác có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Nhưng không phải vụ án giả mạo trong công tác có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên, mà tuỳ từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi dục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên phạm tội giả mạo trong công tác có tổ chức có những đặc điểm riêng như:

Người thực hành trong vụ án giả mạo trong công tác có tổ chức phải là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để giả mạo trong công tác. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện các hành vi khách quan quy định tại khoản 1 Điều 284 Bộ luật hình sự.

b. Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu

Trường hợp phạm tội này là trường hợp đối với người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu thật đúng với quy định của Nhà nước, nhưng lại lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu có nội dung sai lệch với nội dung thật.

Người có trách nhiệm lập các giấy tờ, tài liệu là người được giao lập các giấy tờ, tài liệu nhưng đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để làm sai lệch nôi dung thật của các giấy tờ tài liệu. Ví dụ: Trịnh Kim A là cán bộ của Sở giáo dục, đào tạo tỉnh T, được phân công viết Bằng tốt nghiệp phổ thông trung học. Lợi dụng nhiệm vụ được giao, Trịnh Kim A đã thông đồng với một số người khác làm 50 bằng tốt nghiệp giả để trục lợi.

Người có trách nhiệm cấp các giấy tờ, tài liệu là người được giao cấp các giấy tờ, tài liệu nhưng đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để làm sai lệch nội dung thật của các giấy tờ tài liệu và cấp cho người khác. Ví dụ: Trần Văn K là cán bộ của Toà án huyện Q, được giao cấp trích lục bản án. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, K đã làm giả trích lục bản án ly hôn rồi cấp cho Trần Xuân P là anh họ của K đang làm ăn ở nước ngoài, để Trần Xuân P dùng trích lục bản án ly hôn giả này kết hôn với người khác ở nước ngoài.

c. Phạm tội nhiều lần

Phạm tội giả mạo trong công tác nhiều lần là có từ hai lần giả mạo trong công tác trở lên và mỗi lần giả mạo trong công tác đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (kỷ luật, phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội nhiều lần.

Trong trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi khách quan quy định tại khoản 1 của điều luật và mỗi hành vi đó nếu tách ra thì cũng đã cấu thành tội phạm và mỗi hành vi người phạm tội thực hiện vào những thời điểm khác nhau thì cũng coi là phạm tội nhiều lần. Ví dụ: Ngày 1-10-2000, Nguyễn Đức Th cấp giấy tờ giả, đến ngày 10-10-2000, Th lại giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, nếu trong cùng một thời gian, người phạm tội có nhiều hành vi khách quan quy định tại khoản 1 của điều luật thì không coi là phạm tội nhiều lần. Ví dụ: Ngày 15-1-2002, Trần Quốc T vừa ký giả chức ký của người có chức vụ, quyền hạn vừa cấp giấy tờ giả có chữ kỹ giả cho người khác.

d. Gây hậu quả nghiêm trọng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở các tội phạm khác. Tuy nhiên, đối với tội giả mạo trong công tác, chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó việc xác định thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi giả mạo trong công tác gây ra, phải căn cứ vào hướng dẫn về tình tiết này đối với các tội phạm khác.

Hiện nay, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở trung ương mới hướng dẫn áp dụng một số chương đối với một số tội phạm. Về tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên, mỗi tội phạm tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khác nhau nên hậu quả do hành vi phạm tội gây ra cũng khác nhau. Việc đánh giá hậu quả như thế nào là nghiêm trọng do hành vi phạm tội gây ra phải tuỳ thuộc vào hành vi phạm tội cụ thể. Đối với tội giả mạo trong công tác, nếu căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 thì không phù hợp, nhưng trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể, chúng tôi chỉ nêu cách xác định thế nào là hậu quả nghiêm trọng đối với các tội xâm phạm sở hữu tại Thông tư liên tịch số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 để tham khảo. Theo thông tư này, được coi là gây hậu quả nghiêm trọng nếu: 

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.43
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 284 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

So với khoản 2 Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 2 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn. Vì vậy, hành vi  giả mạo trong công tác xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 2 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 284 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới ba năm tù) nhưng không được dưới một năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì, khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 2 là khoản 1 Điều 284 Bộ luật hình sự ). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2, thì có thể bị phạt tới mười lăm năm tù. 

3. Giả mạo trong công tác thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 284 Bộ luật hình sự 

Khoản 3 Điều 284 Bộ luật hình sự chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt đó là, giả mạo trong công tác gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Hậu quả do hành vi giả mạo trong công tác lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra là hậu quả rất nghiêm trọng khác. 

Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi giả mạo trong công tác gây ra là những thiệt rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Cũng như đối với một số tội phạm khác, tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng khác do hành vi giả mạo trong công tác gây ra, nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi giả mạo trong công tác gây ra:

- Làm chết hai người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản thuộc hai đến ba trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Làm chết một người và còn làm bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Làm chết một người và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. v.v...

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng.44

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 284 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, cũng là tội phạm rất nghiêm trọng.

So với khoản 3 Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 3 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn. Ngoài ra, khoản 3 Điều 284 có thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội, vì khoản 3 Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 điều này” là yếu tố định khung hình phạt, còn khoản 3 Điều 284 không quy định tình tiết này là yếu tố định khung hình phạt nữa. Vì vậy, hành vi giả mạo trong công tác xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 3 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999. Khi áp dụng khoản 3 của điều luật cần chú ý:

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật thì cũng chỉ áp dụng khoản 2 điều luật mà không áp dụng khoản 3 của điều luật, vì tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều này” khoản 3 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn quy định nữa.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 3 Điều 284 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới bảy năm tù) nhưng không được dưới ba năm tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới mười lăm năm tù. 

4. Giả mạo trong công tác thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 284 Bộ luật hình sự 

Khoản 4 Điều 284 Bộ luật hình sự cũng chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt đó là: “giả mạo trong công tác gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2,khoản 3 của điều luật chỉ khác ở chỗ: hậu quả do hành vi giả mạo trong công tác gây ra là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi giả mạo trong công tác gây ra là những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi giả mạo trong công tác gây ra:

Làm chết ba người trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai trường hợp được coi là hậu quả rất nghiêm trọng;

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.45

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 284 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

So với khoản 4 Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 4 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn và có lợi cho người phạm tội, vì khoản 4 Điều 284 không còn quy định tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này” là yếu tố định khung hình phạt. Vì vậy, hành vi phạm tội giả mạo trong công tác được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện thì áp dụng khoản 4 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999.

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 của điều luật thì cũng chỉ áp dụng khoản 3 điều luật mà không áp dụng khoản 4 của điều luật, vì tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này” khoản 4 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn quy định nữa.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 4 Điều 284 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). 
Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới mười hai năm tù) nhưng không được dưới bảy năm tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, là người có nhân thân xấu, thì có thể bị phạt tới hai mươi năm tù.

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi

Theo quy định tại khoản 5 Điều 284 Bộ luật hình sự thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

So với quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì hình phạt bổ sung đối với tội giả mạo trong công tác quy định tại khoản 5 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm được sửa đổi, bổ sung như sau: 

- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 5 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm”. 

- Nếu căn cứ vào mức hình phạt thì khoản 5 Điều 284 nhẹ hơn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng căn cứ vào nguyên tắc áp dụng hình phạt thì khoản 5 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không có lợi cho người phạm tội vì việc áp dụng hình phạt cấm đảm chức vụ đối với người phạm tội là bắt buộc “bị cấm”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định không bắt buộc Toà án phải áp dụng “có thể bị cấm”. 

Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 5 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội. 

Về hình phạt tiền, Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 và khoản 5 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 không có gì thay đổi, nên hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện thì áp dụng Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 đối với bị cáo.

No comments:

Post a Comment