23/08/2014
Các đặc trưng cơ bản của pháp luật theo quan điểm xã hội học - Bài tập học kỳ Xã hội học pháp luật
I     MỞ BÀI

Trong đời sống xã hội pháp luật có vai trò hết sức quan trọng, nó là công cụ để nhà nước quản lý xã hội, điều chỉnh các quan hệ xã hội trong đời sống xã hội theo một định hướng nhất định, định hướng cho hành vi của con người. Với vai trò như vậy thì việc hiểu biết pháp luật là vô cùng quan trọng sau đây em xin trình bày khái niệm pháp luật, các đặc trưng cơ bản của pháp luật theo quan điểm xã hội học như sau.

II   GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

1.  Khái niệm pháp luật trong xã hội học pháp luật.


“Trong xã hội học pháp luật có hai xu hướng trái ngược nhau trong việc xác định bản thân khái niệm pháp luật. Một mặt, pháp luật được nhìn nhận với tư cách một công cụ mà yếu tố chính trị (giai cấp) nằm trong nó mang lại cho pháp luật tính chất tự giác, có mục đích trong quá trình hình thành cúng như trong khi áp dụng. Mặt khác, khái niệm pháp luật được xem như một loại chuẩn mực xã hội, là tổng số các quy tắc hành vi cấu tạo từ các mối liên hệ tự nhiên của con người và xuất phát từ các như cầu, lợi ích của xã hội. Như vậy, trong xã hội học pháp luật từ trước đến nay luôn tồn tại hai quan điểm (cách tiếp cận) đối với khái niệm pháp luật. Quan điểm thứ nhất gắn pháp luật với ý chí của nhà nước, do nhà nước xây dựng, ban hành (pháp luật thực định). Quan điểm thứ hai coi pháp luật như một loại chuẩn mực xã hội bên cạnh cách chuẩn mực xã hội khác, gắn với lợi ích xã hội, xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của con người (pháp luật tự nhiên)” .


1.1.Quan điểm thứ nhất

“Quan điểm thứ nhất coi pháp luật là công cụ kiểm soát xã hội một cách có ý thức. Yếu tố chính trị trong khái niệm pháp luật như một công cụ có trong quan điểm kiểm soát xã hội của nhà xã hội học pháp luật Mỹ R.Pound. Theo ý kiến của ông, trật tự pháp luật là hình thức rõ rệt và có hiệu lực nhất của sự kiểm soát xã hội và chi phối các hình thức kiểm soát, quản lý khác. Pháp luật chỉ bắt đầu giữ vị trí thực sự cùng vớ sụ phát triển của tổ chức chính trị xã hội. Pound nhấn mạnh rằng, các nền văn minh đều cần kiểm soát các lực lượng của tự nhiên cũng như của con người ở các mức độ khác nhau. Sự kiểm soát này hiện ra như sự quản lý hành vi con người nhờ sự cưỡng bức, trước hết với mục đích kìm hãm con người không có các hành vi chống đối xã hội và bắt buộc họ thực hiện các hành vi vì lợi ích của xã hội văn minh. Các công cụ quan trọng nhất là đạo đức, tôn giáo và pháp luật mà trong giai đoạn đầu của sự phát triển xã hội chúng đan xen vào nhau. Song, trong xã hội hiện đại, pháp luật trở thành công cụ quan tọng nhất của sự kiểm soát xã hội và được đảm bảo bởi sức mạnh của một xã hội được tổ chức về mặt chính trị; trong đó, nó quy định hành vi của con người bằng con đường áp dụng cưỡng bức một cách có hệ thống.

Pháp luật, theo Pound, được hiểu như một trong các yếu tố hoặc tất cả các yếu tố sau: 1, Trật tự pháp luật, tức là sự thống trị của các mối liên hệ và hành vi tương ứng, được trình bày trong các bộ luật, đạo luật... và được bảo đảm thực hiện bởi việc sử dụng các sức mạnh, lực lượng có tính chất cưỡng bức; 2, Tổng số các căn cứ và các nguyên tắc chỉ đạo phục vụ cho việc ra các phán quyết của các tòa án hay quyết định hành chính tương ứng. Ông cho rằng, pháp luật là hình thức kiểm sóat xã hội được chuyên môn hóa cao, vận hành tương ứng với toàn bộ các quy tắc độc đoán áp dụng trong các quá trình hành chính và xét xử.

Các nhà nguyên cứu xã hội học pháp luật ngày càng ý thức được tính chất chính trị của pháp luật. Freidmann phân biệt pháp luật thành “pháp luật chính trị” và “pháp luật tư pháp”. “Pháp luật chính trị” nảy sinh từ nhu cầu điều tiết bằng con đường lập pháp, hành chính hay tư pháp các vấn đề gắn liền với đời sống kinh tế, các tâm trạng chính trị, tôn giáo, chủng tộc của cá nhân, bởi vì các vấn đề này có sự đụng chạm xã hội trong các phạm vi cần sự điều chỉnh theo chính sách của nhà nước. ‘Pháp luật tư pháp” vẫn đóng khung trong các lĩnh vực truyền thống của luật dân sự mà sự hình thành trước hết vẫn là hệ quả của sự tiến bộ kĩ thuật và sự thay đổi phụ thuộc vào trình độ chuẩn bị của các luật gia vào dư luận xã hội chuyên nghiệp tương đối hẹp.

Theo quan điểm của xã hội học pháp luật macsxit, pháp luật chỉ phát sinh, tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp. Bản chất của pháp luật thể hiện ở tính giai cấp của nó, không có “pháp luật tự nhiên” hay pháp luật không mang tính giai cấp. Pháp luật là sự thể hiện ý chí của giai cấp thống trị được nâng lên thành luật, thành những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc thực hiện chung đối với toàn xã hội. Thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, pháp luật bao giờ và trước hết cũng luôn vì giai cấp thống trị. Nó là vũ khí chính trị mà giai cấp thống trị sử dụng để chống lại các giai cấp khác và quản lý xã hội theo ý muốn của giai cấp mình. Bản chất giai cấp của pháp luật đã được C.Mác và Ph. Angghen vạch rõ: “Cũng như pháp quyền của các ông chỉ là ý chí của giai cấp các ông được đề lên thành luật pháp, cái ý chí mà nội dung là do điều kiện sinh hoạt  vật chất của giai cấp các ông quyết định”. Tính giai cấp của pháp luật thể hiện trước hết ở chỗ, pháp luật phản ánh ý chí nhà nước của giai cấp thống trị. Nhờ nắm trong tay quyền lực hà nước, giai cấp thống trị đã thông qua nhà nước để thể hiện ý chí của giai cấp mình một cách tập trung, thống nhất và hợp thức hóa thành chí nhà nước; ý chí đó được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Nhà nước không chỉ ban hành pháp luật, mà còn có các biện pháp tác động nhằm đảm bảo cho pháp luật được tôn trọng và thực hiện trong thực tế, vì vậy, pháp luật là những quy tắc xử sự chung có tính bắt buộc đối với mọi người.

Trong các xã hội có giai cấp có nhiều loại chuẩn mực xã hội khác nhau, thể hiện ý chí, nguyện vọng chung của các giai cấp, các lực lượng xã hội khác nhau, nhưng chỉ có một hệ thống pháp luật chung cho toàn xã hội. 

Tính giai cấp của xã hội còn thể hiện ở mục đích điều chỉnh các quan hệ xã hội, trước hết là điều chỉnh các quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội. Vì vây, pháp luật là nhân tố để điều chỉnh về mặt giai cấp các quan hệ xã hội nhằm hướng các quan hệ xã hội phát triển theo một trật tự phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị, củng cố và bảo vệ địa vị của giai cấp thống trị. Như vậy, pháp luật là công cụ để thực hiện sự thống trị giai cấp.

Tuy nhiên, nhà nước là đại diện chính thức cho toàn xã hội, vì vậy, pháp luật do nhà nước ban hành không chỉ mang tính giai cấp, mà còn mang tính xã hội. Điều đó có nghĩa là, ở mức độ ít hay nhiều, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở mỗi giai đoạn phát triển, pháp luật còn thể hiện ý chí của giai các giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau. Như vậy, pháp luật là hiện tượng vừa mang tính giai cấp vừa mang tính xã hội. Hai thuộc tính này gắn bó mật thiết với nhau. Không có pháp luật chỉ thể hiện tính giai cấp và cũng không có pháp luật chỉ thể hiện tính xã hội. Mức độ đậm hay nhạt của hai tính chất này phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế, xã hội, đạo đức, tùy thuộc vào các quan điểm, đường lối và các trào lưu chính trị ở mỗi nước và trong những giai đoạn lịch sử khác nhau.

Từ sự phân tích nêu trên, có thể định nghĩa pháp luật theo quan điểm thứ nhất như sau: Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của giai câp thống trị trong xã hội, là nhân tố diều chỉnh các quan hệ xã hội” . 

1.2.Quan điểm thứ hai

“Theo quan điểm thứ hai, khái niệm pháp luật bị kéo ra khỏi khuôn khổ của thực tiễn các tổ chức nhà nước, định tìm trong pháp luật cái mà không cần viện dẫn đến nhà nước cũng có thể tách nó khỏi các quy tắc hành vi; gắn với sự ra đời và hoạt động của các chuẩn mực xã hội được hình thành một cách tự phát trong xã hội, trong sự né tránh pháp luật hoặc bổ khuyết những thiếu hụt trong pháp luật. Pháp luật được luận giải như một hiện tượng xã hội khách quan với dấu hiệu cấu thành của nó là sự bình đẳng hình thức của các chủ thể giao tiếp pháp luật. Nguyên tắc (cố hữu của pháp luật và thể hiện đặc trưng của nó) bình đẳng hình thức giữa mọi người trong các quan hệ xã hội của chúng được luận chứng như sự tông hợp về mặt pháp luật bình đẳng, tự do và công bằng. Theo cách tiếp cân này, pháp luật với tư cách hình thức đặc thù của các quan hệ xã hội giữa con người theo nguyên tắc bình đẳng hình thức -  đó là mức độ tự do mang tính bình đẳng trừu tượng và công bằng như nhau đối với tất cả mọi người. Trong xã hội, bên cạnh các lợi ích cũ luôn có sự xất hiện các lợi ích mới và chính ở đây vận hành một cơ chế chọn lọc, định hướng của sự kiểm soát xã hội, mà mục đích cuối cùng của nó là phối hợp các lợi ích với các yêu cầu về công bằng. Công bằng nằm ở ý tưởng thỏa mãn tối đa các nguyện vọng, nhu cầu và lợi ích của con người. Chính vì vậy, trong lĩnh vực chuẩn mực pháp luật cần hòa hoãn và phối hợp các nguyện vọng, nhu cầu, lợi ích này ở mức độ có thể được, bảo đảm nó ở mức có thể.
J.J.  Rousseau quan niệm rằng, pháp luật hình thành từ ý chí chung và vì lợi ích chung của tất cả các thành viên trong xã hội. “Khi toàn dân quy định một điều gì cho toàn dân thì họ chỉ xem xét cho toàn thể, nếu hình thành quan hệ thì phải là quan hệ giữa toàn thể trên một cách nhìn này với toàn thể trên một cách nhìn khác, cái toàn thể không hề bị chia tách ra. Như vây, chất liệu để xây dựng là chất liệu chung, cũng như ý chí xây dựng là ý chí chung. Cái đó tôi gọi là luật”. Luật bao giờ cũng là tổng quát chung cho mọi người. Luật coi tất cả thần dân (thuật ngữ “thầndân” được Rousseau dùng để chỉ các thành viên của xã hội trong mối quan hệ của họ với sự phục tùng pháp luật nhà nước) là một cơ thể mà trừu tượng hóa các hành động. Mọi chức năng liên quan đến đối tượng cá nhân không phải là chức năng của quyền lực lập pháp. Không nên hỏi ai là người làm ra luật và luật là nhứng điều khoản của ý chí chung; không nên hỏi nguyên thủ có đứng trên luật không vì ông ta cũng chỉ là một thành viên của nhà nước; không nên hỏi luật có thể nào bất công chăng, vì không ai lại bất công với chỉnh bản thân mình. Cúng không nên hỏi ta được tự do và tuân theo pháp luật như thế nào, vì luật chỉ là ghi lại ý chí của ta mà thôi. Rousseau coi nước cộng hòa là tất cả những nước nào do pháp luật trị vì bất kể dưới hình thức nào. Luật trị vì tức là lợi ích chung trị vì.
Rousseau phân chia luật thành luật chính trị (còn gọi là luật cơ bản, điều chỉnh mối quan hệ chung của toàn xã hội), luật dân sự (giải quyết những mối quan hệ giữa các thành  viên trong xã hội với nhau), Luật hình sự (giải quyết quan hệ giữa con người với luật pháp, có ý nghĩa là trừng phạt của mọi người đối với kẻ vi phạm luật). “Gắn liền với ba loại luật trên, có một loại luật thứ tư quan trọng hơn cả. Luật này không khắc lên đá lên đồng mà khắc vào lòng dân, tạo nên hiến pháp chân chính của một quốc gia. Luật này mỗi ngày lại có thêm sức mới; khi các thứ luật khác đã già cỗi hoặc tắt ngấm thì luật này thắp cho nó lại sáng lên, bổ sung, thay thế nó, dùy trì cả dân tộc trong tinh thần thể chế, lẳng lặng đưa sức mạnh của thói quen thay vào sức mạnh của quyền uy. Luật thứ tư này chính là phong tục tập quán, nói chung là dư luận nhân dân. Ông nhận định rằng các điều luật của nhà nước cần phải phù hợp vói ý chí của nhân dân lao động. Quyền lực của nhà nước cần phải được thể hiện phù hợp với các phán xét của nhân dân.

Quan điểm thứ hai mang lại cho xã hội học pháp luật cơ sở lý luận cần thiết cho việc nghiên cứu khái niệm pháp luật. Theo quan điểm này, khái niệm pháp luật cần phải, một mặt, dựa trên nhận thức về pháp luật như là mức độ ngang nhau của tự do trong các quan hệ xã hội, mặt khác, dưa trên phạm trù then chốt đối với xã hội học là phạm trù lợi ích. Từ những điều trình bày trên đây, trong quan niệm xã hội học pháp luật, pháp luật được hiểu là hình thức thực hiện các lợi ích xã hội theo nguyên tắc bình đẳng hình thức. Các lợi ích xã hội được thực hiện dưới hình thức pháp luật trong và chỉ trong thường hợp, khi mà tự do trong việc thực hiện lợi ích của một chủ thể mang lại mức độ tự do ngang nhau đối với lợi ích của chủ thể khác (nghĩa là không có không được tạo ra một thứ đực quyền, đặc lợi cho một lợi ích này mà lại làm tổn hại đến lợi ích khác). Các nhà xã hội học pháp luật gọi những lợi ích có sự phối hợp chặt chẽ với nhau như vậy là những lợi ích được tạo thành bởi pháp luật.

Pháp luật là phương thức bảo vệ và thực hiện các lợi ích được tạo thành bởi pháp luật, đại diên cho cái chung trong những cái khác biệt. Nhiều khi trong các lợi ích xã hội có tính ddooid kháng có thể phối hợp cho nhau trong phạm vi các đòi hỏi của chuẩn mực chung, ngang bằng cho tất cả mọi người (nghĩa là phù hợp với nguyên tắc bình đẳng hình thức về mặt pháp luật). Các lợi ích xã hội dược thừa nhận là mang tính chất được tạo thành bởi pháp luật, cong nhà lập pháp đưa ra phạm trù khách quan để đánh giá, để đưa ra tính chuẩn mực và để củng cố ý nghĩa được tạo thành bởi pháp luật của các lợi ích xã hội tương ứng trong pháp luật. Phạm trù này là sự đòi hỏi, theo đó chỉ có thể hiện thực hóa một số lợi ích với điều kiện có mức độ ngang nhau nhau để tự do thực hiện các lợi ích khác. Các phạm trù lợi ích nói trên, trong khi phản ánh bản chất xã hội của pháp luật, mang lại cơ sở lý luân cần thiết để soạn thảo chương trình, nội dung nghiên cưu xã hội học pháp luật và đánh giá các kết quả của chúng

Sự tranh luận giữa hai quan điểm trên, về thực chất, liên quan đến vấn đề: chỉ thừa nhận pháp luật thực định, chỉ thừa nhận pháp luật tự nhiên hay cả hai loại đó. Sự xem xét mối quan hệ giữa luật thực định với luật tự nhiên cho thấy nổi lên ba điểm: 1, hệ thống pháp luật chấp nhận luật tự nhiên sẽ có hai hệ thống luật song song tồn tại, luật thực định và luật tự  nhiên;2, luật thực định phải khởi nguồn từ nguyên tắc luật tự nhiên và luật tự nhiên được coi là cao hơn luật thành văn; 3, Luật tự nhiên hướng tới cái nên làm, còn luật thực định hướng tới cái phải làm, vì vây, luật thực định là sự cụ thể hóa luật tự nhiên. Thực ra, luật thực định và luật tự nhiên đều phản ánh lợi ích xã hội ở mức độ khác nhau. Luật tự nhiên chưa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, có ảnh hưởng mạnh mẽ đên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. ở nươc ta dù rằng vấn đề nghiên cứu luật tự nhiên mới chỉ được đặt ra trong những năm gần đây, song, việc kế thừa, tiếp thu những giá trị nhân văn của luật tự nhiên với tư cách là những giá trị mang tính tiến bộ, phổ quát cảu nhân loại và những giá trị truyền thống đạo lý, thuần phong mý tục của dân tộc thì đẫ được hà nước ta vận dụng trong quá trinh hoạt động xây dựng pháp luật từ trước đến nay. Nếu đẫ thừa nhận pháp luật là những quy tắc xử sự thành văn thể hiện ý chí của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì hà tất phải tranh luậ đâu là luật thực định đâu là luật tự nhiên; bởi lẽ chúng đẫ hòa quyện với nhau trong hệ thống pháp luật của nhà nước ta” .

2. Các đặc trưng cơ bản của pháp luật

2.1.Tính quy định xã hội của pháp luật

“Dưới góc độ xã hội học pháp luật , tính quy định xã hội của pháp luật là một đặc trưng cơ bản của hiện tượng pháp luật. Đặc trưng này nói lên rằng, pháp luật trước hết được xem như một hiện tượng xã hội, nảy sinh từ các tiền đề có tính chất xã hội, tức là những nhu cầu khách quan của thực tiễn đời sống xã hội, phản ánh các quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của xã hội ở những giai đoạn lịch sử nhất định, đặc biệt là quan hệ kinh tế. Trong mối quan hệ với kinh tế, pháp luật phụ thuộc vào kinh tế, thể hiện ở chỗ nội dung của luật là do các quan hệ kinh tế - xã hội quy định; chế độ kinh tế là cơ sở, nền tảng của pháp luật. Pháp luật luôn phản ánh sự phát triển của chế độ kinh tế, nên nó không thể cao hơn hoặc thấp hơn sự phát triển của chế độ kinh tế. Một hki chế độ kinh tế thay đổi thì sớm hay muộn sẽ  theo sự thay đổi của pháp luật. Bên cạnh đó, pháp luật có sự tác động trở lại đối với sự phát triển của kinh tế. Sự tác động đó mang tính tích cưc khi nội dung pháp luật có tính tiến bộ, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và lực lượng tiến bộ trong xã hội, phản ánh đúng trình độ phát triển của kinh tế . ngược lại, sự tác động mang tính tiêu cực khi pháp luật mang tính nội dung thoái bộ, lạc hậu, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị đã lỗi thời, muốn dùng pháp luật để duy trì các quan hệ kinh tế không còn phù hợp.

Nội dung của pháp luật được quy định bởi tình hình đặc điểm, các điều kiện về quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội của các quốc gia ở từng thời điểm pháp triển. Trong xã hội luôn luôn tồn tại nhiều mối quan hệ xã hội với tính chất đa dang và phức tạp; vì vậy, mục đích xã hội của pháp luật là hướng tới điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, pháp luật không thể điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội, mà chỉ có thể điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản, có tính phổ biến điển hình; thông qua đó, tác đọng đến các quan hệ xã hội khác, định hướng cho những quan hệ đó phát triển theo những mục đích mà nhà nước đã xác định. Mọi sự thay đổi của pháp luật, suy cho cùng, đều suất từ sự thay đổi của các quan hệ xã hội và chịu sự quyết định bởi chính thực tiễn xã hội. Điều đó nói lên bản chất xã hội của pháp luật” .

2.2.Tính chuẩn mực của pháp luật

“Dưới góc nhìn của nhiều nhà xã hội học pháp luật thì pháp luật thường được tiếp cận, nghiên cứu với tư cách một loại chuẩn mực xã hội. Vì vậy, tính chuẩn mực của pháp luật là một chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự, đó là những “khuôn mẫu”, “mực thước” được xác định một cách tương đối cụ thể , rõ rằng trong chừng mực cụ thể. Tính chuẩn mực của pháp luật nói lên những giới hạn cần thiết mà nhà nwocs quy định để mọi chủ thể xử sự một cách tự do trong khuôn khổ cho phép thường biểu hiện dưới dạng cái có thể, cái được phép, cái không được phép và cái bắt buộ thực hiện ... Vượt ra khỏi phạm vi, giới han đó là vi phạm pháp luật. Không thể có chuẩn mực pháp luật chung chung, trừu tượng, mà nó phải được thể hiện ra thành những quy tắc , yêu cầu cụ thể, dưới dạng các quy phạm pháp luật. Chuẩn mực  pháp luật là các quy tắc điều chỉnh hành vi ; bởi vậy, nếu không đặt ra các quy phạm pháp luật thì sẽ không có căn cứ pháp lý để đánh giá hành vi nào là hợp pháp hành vi nào là bất hợp pháp.

Trong xã hội nguyên thủy chỉ có những tập quán xã hội nào được thực hiện thực sự trong hành vi của con người và có sức mạnh thực tế thì mới có thể hy vọng được các thành viên của xã hội tuân theo và thực hiện. Trong xã hội như thế, tính phổ biến của thực tiễn xã hội không thể đi chệch các chuẩn mực được nuôi dưỡng thực sự bởi vì, những chuẩn mực như thế không tồn tại bên ngoài thực tiễn xã hội. Tính chuẩn mực chỉ có thể được thể hiện ở bên ngoài thực tiễn xã hội, được hình thành tương ứng với các quan hệ xã hội, ko nảy sinh vấn đề đảm bảo tính hiệu lực của chuẩn mực và vấn đề tách rời thực tế, bởi lẽ, hành vi sai lệch chỉ mang tính chất cá biệt. Thực ra, tính chuẩn mực của các tập quán trong xã hội nguyên thủy cũng như trong các xã hội sau này đã ngầm ẩn trong trong sức mạnh của tính phổ biến của các hành vi được thực hiện bởi con người. Có lẽ dây chính là lý do khiến nhà xã hội học E.A.Hoebel phản đối quan niệm cho rằng, trong xã hội nguyên thủy chưa biết đên pháp luật mà chỉ có tập quán thống trị; hoặc pháp luật nguyên thủy là tổng hợp các tập quán của các bộ lạc. Hoebel coi pháp luật có bốn thành tố: yếu tố chuẩn mực, hành vi phù hợp với chuẩn mực, cá tòa án và sự cưỡng bức. Nếu có thể phát hiện được rằng bốn yếu tố này có sự liên hệ với một bộ phận nhất định các tập quán của xã hội nguyên thủy thì xã hội nguyên thủy đã biết đến pháp luật rồi. Theo ý kiến của Hoebel, thủ tục tố tụng cũng có thấy ở xã hội nguyên thủy rồi, bởi vì, nếu một thủ tục nào tuân theo một cung cách xử lý đã được quy định và thừa nhận thì nó được xem là tòa án, dù thứ tòa án này chẳng có gi khác hơn ngoài dư luận xã hội. Điều kiện cơ bản, cần thiết thực sự cho pháp luật (và để khẳng định đó là pháp luật), dù trong xã hội nguyên thủy hay văn minh, là sự sử dụng hợp pháp sự trừng phạt bởi một cơ quan một tổ chức được thừa nhận.

Chuẩn mực pháp luật khác với các chuẩn mực pháp luật khác ở một điểm cơ bản là nó mang tính cưỡng bức của nhà nước. Các chuẩn mực xã hội khi được nhà nước thừa nhận, sử dụng, bảo đảm bằng khả năng cưỡng bức, sẽ trở thành chuẩn mực pháp luật. Nếu nhà nước và các cơ quan của nó không còn thừa nhận, thực hiện áp dụng các chuẩn mực đó nữa, tức là dưới góc độ lợi ích nhà nước nó trở nên không còn tác dụng thì lúc đó nó đã mất đi tác dụng của một chuẩn mực pháp luật. Tuy không còn là một chuẩn mực pháp luật, nhưng nếu vê mặt thực tiễn chuẩn mực đó vẫn sống, vẫn chi phối hành vi của con người thì tính chất chuẩn mực của nó lại mang tính phong tục, tập quán, đạo đức hay thẩm mỹ chứ không phải là pháp luật nữa. Chuẩn mực pháp luật thành văn đã hàm chứa trong nó các quy tắc xử sự mà trong phần lớn các trường hợp đã được thể hiện và thực hiện trong hành vi thực tế của con người.

Chuẩn mực pháp luật được thực hiện chừng nào nó còn phù hợp với các quan hệ xã hội và lợi ích của các giai cấp thống trị nảy sinh từ các quan hệ xã hội này. Chuẩn mực pháp luật nào không còn phản ánh đúng các quan hệ xã hội nữa thì nhà nước tước mất của nó sức mạnh hoặc thay đổi về mặt hình thức. Rõ ràng ở đây không nói đến sự vi phạm các yêu cầu của chuẩn mực pháp luật trong tiến trình thực hiện nó mà nói đến quá trình hình thành những quan hệ xã hội thực tế, trong quá trình đó thể hiện một nội dung chuẩn hóa mới xuất hiện (có thể mới chỉ trong thực tế áp dụng pháp luật chứ chưa phải ở chuẩn mực pháp luật được công bố chính thức). Nếu chuẩn mực pháp luật thể hiện nhu cầu xã hội thì đứng đằng sau đó là chính quyền nhà nước với nhiệm vụ bảo vệ các quan hệ xã hội thống trị; phù hợp với các quan hệ xã hội ấy, chuẩn mực tạo thành hành vi phù hợp với pháp luật tức là cưỡng bức tuân theo nó. Sự thực hiện phổ biến và tương ứng với các quan hệ xã hội thống trị đồng thời cũng là tính chuẩn mực. Các cơ quan thực hiện, áp dụng pháp luật thường quy định nội dung của một chuẩn mực pháp luật nhất định bằng con đường giải thích tương ứng với các quan hệ mới, trong khi các quan hệ mới về cơ bản được phản ánh cả trong lập pháp một cách thích hợp. Như vậy, tính hiệu lực của chuẩn mực pháp luật dựa trên không chỉ ý chí mà cả trên thực tế xã hội, không chỉ trong sự xuất hiện chuẩn mực pháp luật mà cả trong việc tiếp tuc thực hiện chuẩn mực pháp luật đó nữa” .

2.3.Tính ý chí của pháp luật

“Pháp luật không phải là kết quả của sự tự phát hay cảm tính mà bao giờ cũng là  hiện tượng ý chí. Pháp luật thể hiện các quan hệ xã hội và ý chí giai cấp có gốc rễ từ các quan hệ xã hội được thể hiên ra trong hệ thống các chuẩn mực pháp luật. Xét về bản chất, ý chí pháp luật là ý chí của giai cấp cầm quyền trong xã hội, được thể hiện rõ trong mục đích xây dựng pháp luật, nội dung pháp luật và dự kiến hiệu ứng của pháp luật khi triển khai vào thực tế đời sống xã hội. Tính ý chí nói lên mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời nhau giữa pháp luật và nhà nước. Là hai thành tố của thượng tầng kiến trúc , cả hai hiện tượng nhà nước và pháp luật đều có chung nguồn gốc phát sinh, phát triển. Nhà nước là một tổ chức đặc biệt có quyền lực chính trị, nhưng quyền lực đó chỉ có thể được triển khai và phát huy co hiệu lực trên cơ sở các quy định của pháp luật. Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành, luôn phản ánh các quan điểm, đường lối chính trị của giai cấp nắm quyền lực nhà nước và bảo đảm cho quyền lực đó được triển khai nhanh chóng, rộng rãi trên quy mô toàn xã hội. Chính vì vậy, nhà nước không thể tồn tại và phát huy tác dụng nếu thiếu pháp luật; ngược lại pháp luật chỉ có thể phát sinh, tồn tại có hiệu lực khi nó dựa trên cơ sở sức mạnh của quyền lực nhà nước. Vì vậy, không thể nói pháp luật đứng trên nhà nước hay nhà nước đứng trên pháp luật.

Khi xem xét mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật xã hội học pháp luật còn xem xét đến khía cạnh giá trị xã hội của mỗi hiện tượng. Pháp luật do nhà nước xây dựng, ban hành, nhưng khi đã được công bố và có hiệu lực thi hành, thì pháp luật lại trở thành hiện tượng có sức mạnh công khai, có tính bắt buộ thực hiện đối với mọi chủ thể , trong đó có nhà nước. Nhà nước nói chung và các cơ quan của nó nói riêng đều phải tôn trọng pháp luật không thể xem nhẹ chà đạp lên pháp luật. Pháp luật không chỉ phản ánh bản chất giai cấp, mà còn phản ánh nhu câu  khách quan, phổ biến của các mối quan hệ xã hội. Vì vậy, pháp luật không thể ban hành một cách tùy tiện, chủ quan, duy ý chí, không tính đến những nhu cầu, lợi ích của các giai cấp, tầng lớp xã hội. Khi những bộ phận nhất định của pháp luật trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn xã hội thì nhà nước phải tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ để ban hành văn bản pháp luật mới.

Thực tế chỉ ra rằng, chỉ những lực lượng nào nắm được nhà nước thì mới có khả năng thực hiện ý chí và lợi ích của mình một cách tối đa trong pháp luật. Một khi ý chí và lợi ích được hợp pháp hóa thành pháp luật thì nó được đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước. Chính vì vậy, mọi quá trình xây dựng, tổ chức, thực hiện và bảo vệ pháp luật đều được diễn ra dưới những hình thức cụ thể, theo những nguyên tắc và thủ tục chặt chẽ” .

2.4.Tính cưỡng chế của pháp luật

“Pháp luật do nhà nước xây dựng, ban hành và bảo đảm thực hiện. Điều đó có nghĩa pháp luật được hình thành và phát triển bằng con đường nhà nước chứ không thể bằng bất cứ một con đường nào khác. Với tư cách của mình, nhà nước là một tổ chức hợp pháp, công khai và có quyền lực bao trùm toàn xã hội. Nhà nước không chỉ xây dựng và ban hành pháp luật, mà còn có các biện pháp tác động nhằm đảm bảo cho pháp luật được tôn trọng và thực thi một cách có hiệu quả thông qua việc nhà nước thường xuyên củng cố và hoàn thiện bộ máy công cụ thể hiện quyền lực nhà nước như quan đội, cảnh sát, tòa án, nhà tù ... Nhờ đó, khi pháp luật được nhà nước ban hành và bỏ đảm thực hiện, nó sẽ có sức mạnh của quyền lực nhà nước và có thể tác động đến tất cả mọi người . đặc trưng này chỉ có ở pháp luật, không có ở các loại chuẩn mực xã hội khác.

Pháp luật được thể hiện trong nhiều biến thể hành vi của con người nếu tính đến bản chất giai cấp của nó, mối liên hệ phân hóa của các lợi ích và khả nawgn cưỡng bức từ phía nhà nước. Tuy vậy, trong thực tế xã hội có những trường hợp tính cưỡng chế chỉ bảo đảm một cách hình thức sức mạnh của pháp luật. Trong cuộc sống, phần lớn hành vi của con người hình thành phù hợp với chuẩn mực pháp luật mà không cần đến sự đe dọa bởi sức mạnh cưỡng chế. Chẳng hạn, trong nhiều tình huống cụ thể của cuộc sống, người ta thực hiện hành vi mà chả cần đến nguyên tắc, quy định của pháp luật; nếu dược hỏi: “tại sao lại xử sự như thế?”, họ chỉ nói: “người khác cũng làm như thế”, hoặc “cha tôi cũng làm như vậy”...; ít khi người ta nói “pháp luật quy định phải làm như vậy”. Điều này cũng dễ hiểu vì các quan hệ xã hội nào được thể hiện trong các chuẩn mực pháp luật thì nó cúng ảnh hưởng đến sự hình thành một cách tự nhiên hành vi của con người. Đông thời, một bộ phận hành vi của cong người, do tách khỏi hoặc trái với chuẩn mực pháp luật, nên trở thành hành vi vi phạm pháp luật. Trong đa số trường hợp này , sự cưỡng bức tham gia chuẩn mực pháp luật là cái biến khả năng trừng phạt (xử lý theo luật định) thành hiện thực. Đó chính là sự bảo đảm cho hiệu lực của chuẩn mực pháp luật . chuẩn mực pháp luật vì thế có một sức mạnh chuẩn hóa thực sự, ảnh hưởng đến ý thức của những người vi phạm pháp luật theo hướng tuân theo duy trì và thực hiện chuẩn mực. Điều quan trọng hơn, xét về mặt pháp luật, hành vi của con người thường được định hướng, hướng dẫn bởi chính các tình huống của thực tiễn xã hội cho nên, trên thực tế, bản thân các sự việc hiên tượng pháp luật tồn tại thực sự trong xã hội cũng đã có hoặc hàm chứa sức mạnh chuẩn hóa thông qua sự tác động của chúng đến sức mạnh các nhân” .

III.  KẾT LUẬN

Như vậy, theo quan điểm của các nhà xã hội học pháp luật thì các đặc trưng cơ bản của pháp luật phô diễn một cách đầy đủ. Càng hiểu rõ về pháp luật thì ta càng cần phải thực hiện tốt pháp luật và tham gia xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật nhà nước góp phần xây dựng cuộc sống ổn định tuân thủ pháp luật.

Bài làm của em còn nhiều thiếu xót mong thầy, cô giúp đỡ. Em xin chân thành cảm ơn!

DANG MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. TS. Ngọ Văn Nhân, Xã hội học pháp luật, NXB Hồng Đức, Hà Nội 2012.

No comments:

Post a Comment