Bài tập tình huống Luật Hình sự 2.
MỞ ĐẦU – GIỚI THIỆU TÌNH HUỐNG
Với vai trò là nền tảng kinh tế - xã hội của quốc gia, chế độ sở hữu là một trong những vấn đề trọng yếu được Nhà nước bảo vệ bằng mọi biện pháp trong đó có biện pháp hình sự. Điều này được thể hiện trong việc xử lí các hành vi xâm phạm tới chế độ sở hữu được quy định trong Bộ luật Hình sự. Những năm qua tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nhiều vụ án xảy ra với tính chất, hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, các tội phạm xâm phạm sở hữu xảy ra rất phổ biến, điển hình như tội trộm cắp tài sản, tội cướp giật tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Để có thể hiểu rõ được về các tội danh trên, ta cùng phân tích và tìm hiểu tình huống sau đây:
Ngày 2 tháng 10 năm 2000, H trộm cắp tài sản của người không quen biết (tài sản trị giá 49 triệu đồng - thuộc khoản 1 Điều 138 Bộ Luật hình sự) nhưng không bị phát hiện. Ngày 5 tháng 10 năm 2005, H lại phạm tội cướp giật tài sản (thuộc khoản 1 Điều 136 Bộ Luật hình sự) và cũng không bị phát hiện. Ngày 1 tháng 10 năm 2011, H lại phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (thuộc khoản 1 Điều 139 Bộ Luật hình sự). Sau đó, H bị bắt vào ngày 20 tháng 04 năm 2012.
Câu hỏi:
1. H có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội trộm cắp tài sản, tội cướp giật tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (nêu trên) hay không? Tại sao?
2. Các tội phạm mà H đã thực hiện thuộc loại tội phạm nào theo cách phân loại tội phạm tại khoản 3 Điều 8 Bộ Luật hình sự.
3. Giả định H bị xét xử cả 3 tội phạm nêu trên. Tội trộm cắp tài sản bị Tòa án tuyên phạt 3 năm cải tạo không giam giữ; tội cướp giật tài sản bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị Tòa án tuyên phạt 18 tháng tù thì hình phạt mà H còn phải chấp hành (cho cả 3 tội này) là bao nhiêu? Biết rằng H đã bị tạm giam 4 tháng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
4. Với 3 lần phạm tội nêu trên, trường hợp phạm tội của H có bị áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm” không?
GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG
I. H có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội trộm cắp tài sản, tội cướp giật tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không? Tại sao?
Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý bất lợi mà một người phải gánh chịu do đã phạm một tội cụ thể được quy định trong Bộ Luật hình sự. Một trong những nguyên tắc cơ bản của luật hình sự Việt Nam là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có đầy đủ dấu hiệu của tội phạm được quy định trong Bộ Luật hình sự thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, theo nguyên tắc về hiệu lực của luật hình sự thì: Luật hình sự chỉ có hiệu lực để truy cứu Trách nhiệm hình sự đối với hành vi được thực hiện sau khi luật được ban hành và có hiệu lực thi hành. Tại Khoản 1 Điều 23, Bộ Luật hình sự Việt Nam hiện hành quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nói chung được tính từ thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện.
Ta thấy, trong trường hợp đang xét:
- Về tội trộm cắp tài sản mà H đã thực hiện vào ngày 2 tháng 10 năm 2000 (tài sản trị giá 49 triệu đồng), theo khoản 1 Điều 138 Bộ Luật hình sự Việt Nam năm 1999 quy định: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm này là ba năm tù nên theo khoản 3 Điều 8 Bộ Luật hình sự thì đây là loại tội phạm ít nghiêm trọng.
Căn cứ vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 23: “Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng” thì từ ngày 2 tháng 10 năm 2000 đến ngày 2 tháng 10 năm 2005 là đã hết 5 năm, trong khi thời điểm mà H thực hiện tội phạm mới là ngày 5 tháng 10 năm 2005. Như vậy, vì thời hạn đã hết nên H sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.
- Về tội cướp giật tài sản mà H đã thực hiện vào ngày 5 tháng 10 năm 2005 theo khoản 1 Điều 136 Bộ Luật hình sự hiện hành, khung hình phạt cho tội này là “phạt tù từ một năm đến năm năm”. Mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm này là năm năm tù nên theo khoản 3 Điều 8 Bộ Luật hình sự Việt Nam thì đây là loại tội phạm nghiêm trọng.
Căn cứ vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 23: “Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng” thì sau ngày 5 tháng 10 năm 2015 mới hết 10 năm. Tuy nhiên, ngày 1 tháng 10 năm 2011, H lại phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc khoản 1 Điều 139 Bộ Luật hình sự Việt Nam năm 1999 có sửa đổi, bổ sung năm 2009: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc…, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Với mức cao nhất của khung hình phạt là ba năm tù, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản H thực hiện thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng.
Theo Khoản 3 Điều 23 Bộ Luật hình sự Việt Nam hiện hành quy định: “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới”.
Do đó, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội cướp giật tài sản được tính lại từ ngày 1 tháng 10 năm 2011 chứ không phải từ ngày 5 tháng 10 năm 2005. Vì vậy H phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: tội cướp giật tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
II. Các tội phạm mà H đã thực hiện thuộc loại tội phạm nào theo cách phân loại tội phạm tại khoản 3 Điều 8 Bộ Luật hình sự.
Muốn biết tội phạm của một người đã thực hiện thuộc loại tội gì, ta phải căn cứ vào việc xác định xem người phạm tội đó thực hiện tội phạm gì, tội phạm đó được phản ánh trong khoản nào, điều nào của Bộ Luật Hình sự, và mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm đó. Cùng với đó là cách phân loại tội phạm theo khoản 3 Điều 8 Bộ Luật Hình sự, ta sẽ kết luận được loại tội phạm mà H phạm phải.
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật được quy định trong Bộ luật Hình sự và phải chịu hình phạt. Trên thực tế, những hành vi phạm tội có mức độ nguy hiểm cho xã hội và có tính chất khác nhau. Tội phạm được phân ra thành các nhóm khác nhau, được quy định tại khoản 3 Điều 8 Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”.
Ngày 2 tháng 10 năm 2000, H trộm cắp tài sản của người không quen biết (tài sản trị giá 49 triệu đồng). Theo khoản 1 Điều 138 Bộ Luật hình sự Việt Nam năm 1999 về tội trộm cắp tài sản có quy định “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Mức cao nhất của khung hình phạt của loại tội này là phạt tù ba năm. Vậy tội mà H phạm là tội ít nghiêm trọng.
Ngày 5 tháng 10 năm 2005, H lại phạm tội cướp giật tài sản và theo khoản 1 Điều 136 Bộ Luật hình sự năm 1999: “Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”. Như vậy, mức cao nhất của khung hình phạt là năm năm và theo quy định về loại tội phạm theo cách phân loại tội phạm tại khoản 3 Điều 8 Bộ Luật hình sự hiện hành thì tội mà H phạm là tội nghiêm trọng.
Ngày 1 tháng 10 năm 2011, H lại pham tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc khoản 1 Điều 139 Bộ Luật hình sự. Tại khoản 1 Điều 139 Bộ Luật hình sự có sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Với mức cao nhất của khung hình phạt cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phạt tù ba năm thì tội mà H phạm là tội ít nghiêm trọng theo quy định về loại tội phạm theo cách phân loại tội phạm tại khoản 3 Điều 8 Bộ Luật hình sự hiện hành.
III. Giả định H bị xét xử cả 3 tội phạm nêu trên. Tội trộm cắp tài sản bị Tòa án tuyên phạt 3 năm cải tạo không giam giữ; tội cướp giật tài sản bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị Tòa án tuyên phạt 18 tháng tù thì hình phạt mà H còn phải chấp hành (cho cả 3 tội này) là bao nhiêu? Biết rằng H đã bị tạm giam 4 tháng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Giả định được đưa ra là H bị xét xử về cả 3 tội phạm nêu trên, thì hình phạt mà H phải chấp hành được tính theo điểm b, khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự hiện hành:
“Nếu hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỉ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành một ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều luật này”
Như vậy, H bị Tòa án xét xử về ba tội:
- Tội trộm cắp tài sản bị tuyên phạt 3 năm cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 1 năm tù;
- Tội cướp giật tài sản được Tòa án tuyên phạt 3 năm tù;
- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị Tòa án tuyên phạt 18 tháng tù.
Tuy nhiên, H đã bị tạm giam 4 tháng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù; cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng một ngày tù và theo quy định tại Điều 33 Bộ luật hình sự.
Khoản 1 Điều 33 Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành:
“…Tù có thời hạn là việc buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại trại giam trong một thời hạn nhất định. Tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức tối thiểu là ba tháng, mức tối đa là hai mươi năm.
Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng một ngày tù”.
Vậy, dựa trên Điều 33 Bộ luật Hình sự, 4 tháng tạm giam tương đương với 4 tháng tù.
Cuối cùng, sau khi quy đổi ta tổng hợp thành hình phạt chung theo điểm a, khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự:
“Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được tổng hợp lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được quá ba năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, ba mươi năm đối với hình phạt tù có thời hạn”.
Tổng hợp hình phạt của H còn phải chấp hành cho cả ba tội Trộm cắp tài sản, Tội cướp giật tài sản, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là: bốn năm 18 tháng tù giam. Vì H đã bị tạm giam 4 tháng tù nên thời gian chấp hành hình phạt sẽ trừ đi thời gian tạm giam, tạm giữ sau khi đã quy đổi. Vậy, H chịu hình phạt cuối cùng cho cả ba tội là bốn năm 18 tháng tù trừ đi 4 tháng tù, tức là: bốn năm 14 tháng tương đương với 5 năm 2 tháng tù.
IV. Với 3 lần phạm tội nêu trên, trường hợp phạm tội của H có bị áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm” không?
Để trả lời được câu hỏi này, trước hết ta cần phải biết các tình tiết tăng nặng và hiểu rõ tình tiết tăng nặng “tái phạm”.
Khi quyết định hình phạt, Tòa án không chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, mà còn phải căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Trong quá trình quyết định hình phạt đối với người phạm tội, việc nhận thức thống nhất về vai trò của các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (được quy định tại khoản 1 – điều 48 Bộ Luật hình sự) để xem xét, cân nhắc và áp dụng chính xác các tình tiết này trong thực tiễn là nhiệm vụ rất quan trọng.
“Tái phạm” là một trường hợp phạm tội đuợc quy định cụ thể trong khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự: “Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý”.
Để hiểu rõ hơn về tình tiết tăng nặng “tái phạm”, ta cần xét đến Điều 49 của Bộ Luật hình sự. Như vậy, để có thể áp dụng tình tiết tăng nặng “ tái phạm ”, cần phải thỏa mãn các điều kiện sau :
* Lần phạm tội trước đã bị kết án.
* Chưa được xóa án tích.
* Phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nguy hiểm, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
Trong tình huống này, ngày 2 tháng 10 năm 2000 H đã trộm cắp tài sản của người không quen biết (tài sản trị giá 49 triệu đồng – thuộc khoản 1 Điều 138 Bộ Luật hình sự năm 1999) nhưng không bị phát hiện. Ngày 5 tháng 10 năm 2005, H lại phạm tội cướp giật tài sản (thuộc khoản 1 Điều 136 Bộ Luật hình sự năm 1999) và cũng không bị phát hiện. Ngày 1 tháng 10 năm 2011, H lại phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (thuộc khoản 1 Điều 139 Bộ Luật hình sự hiện hành). Sau đó, H bị bắt vào ngày 20 tháng 4 năm 2012. Như vậy, các hành vi phạm tội trước ngày 1 tháng 10 năm 2011 của H đều không bị phát hiện, chứng tỏ các lần phạm tội trước chưa bị kết án. Như vậy, khi đối chiếu tình huống với các quy định tại khoản 1 - Điều 49 Bộ luật hình sự, trường hợp của H không thỏa mãn đủ điều kiện để áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm”. Vì vậy, trong tình huống này, hành vị phạm tội của H không bị áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm”.
KẾT LUẬN
Tội phạm nói chung là hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt. Việc định tội danh đúng sẽ là tiền đề cho việc quyết định hình phạt được chính xác, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, nâng cao uy tín, hoạt động của các cơ quan tố tụng cũng như góp phần củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
GIÁO TRÌNH
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam, Tập I, Nxb. Công An Nhân Dân, Hà Nội, Năm 2013.
2. Khoa luật - Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật hình sự (Phần chung), Nxb. Đại Học Quốc Gia, Hà Nội, 2005.
3. GS.TS. Nguyễn Ngọc Hoà, Mô hình luật hình sự Việt Nam, Nxb. Công An Nhân Dân, Hà Nội, 2010
VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
4. Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999.
5. Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999 (đã được sửa đổi và bổ sung năm 2009).
6. Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2003.
No comments:
Post a Comment