23/08/2014
Đánh giá địa vị pháp lý của Tổng thống Mỹ theo quy định của Hiến pháp 1787 - Bài tập học kỳ Lịch sử Nhà nước và pháp luật Thế giới
I. MỞ ĐẦU

Hiện nay, theo số liệu của tổ chức Liên hợp quốc năm 2009 thì trên thế giới có khoảng hơn 200 quốc gia, trong đó có 192 nước thành viên. Mỗi quốc gia có một chủ quyền riêng, luật pháp riêng. Vì vậy, Hiến pháp của mỗi quốc gia là khác nhau. Trong đó bản Hiến pháp đầu tiên và cũng là bản hiến pháp thành văn có hiệu lực lâu nhất trên thế giới tính tới nay chính là Hiến pháp Hợp chủng quốc  Hoa Kỳ năm 1787. Không chỉ có vậy, Hoa kỳ cũng là quốc gia điển hình cho chính thể Cộng hòa Tổng thống với đặc điểm nổi bật là địa vị pháp lý của Tổng thống. Để hiểu rõ hơn, cũng như đưa để đưa ra những nhận định chính xác nhất về đặc điểm này, sau đây là bài “Đánh giá địa vị pháp lý của Tổng thống Mỹ theo quy định của Hiến pháp 1787”.

II. ĐÁNH GIÁ ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA TỔNG THỐNG MỸ THEO QUY ĐỊNH CỦA HIẾN PHÁP 1787


Theo Hiến pháp 1787, Tổng thống hợp chủng quốc Hoa kỳ vừa thực hiện chức năng của nguyên thủ quốc gia, vừa thực hiện chức năng của người đứng đầu bộ máy hành pháp. Vì vậy, có thể nói Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một trong những chức vụ có quyền thế nhất trên thế giới.


1. Tổng thống Mỹ đứng đầu nhà nước, thực hiện chức năng của nguyên thủ quốc gia

Nhìn chung sự hiện diện của nguyên thủ quốc gia ở các nước tư bản với nhiều vẻ khác nhau song đều đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức bộ máy nhà nước: cùng là người đứng đầu nhà nước, đại diện cho nhà nước về đối nội, đối ngoại. Đặc biệt là vai trò biểu tượng cho dân tộc, liên kết phối hợp các nhánh quyền lực thể hiện quan điểm thỏa hiệp giai cấp tại các nước tư bản.

Ở Mỹ, Tổng thống không chỉ ảnh hưởng tới nền chính trị của đất nước mà còn ảnh hưởng đến cả thế giới nên chế định Tổng thống Mỹ mang tính độc lập cao. Tổng thống Mỹ do toàn dân bầu ra, nhận được toàn bộ quyền lực của mình từ nhân dân. Tuy nhiên, phương pháp bầu tổng thống là một đặc thù của chế độ Mỹ: dù tên tuổi các ứng cử viên được ghi trên lá phiếu nhưng người dân không trực tiếp bầu ra Tổng thống. Điều II, Khoản 2 Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa kỳ quy định: “mỗi bang sẽ cử ra một số đại cử tri bằng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ mà bang sẽ bầu ra trong Quốc hội”. Kết quả, ứng cử viên nào giành được số phiếu cao nhất tại mỗi bang sẽ giành được toàn bộ các “lá phiếu đại cử tri” của bang đó.  Các nhà lập hiến quy định thể thức bầu cử như vậy bởi họ sợ rằng nếu được bầu theo lối đầu phiếu trực tiếp thì Tổng thống, với sự ủng hộ của toàn dân thì sẽ có nhiều uy tín, dễ lấn át nghị viện và sẽ có khuynh hướng độc tài. Kể từ năm 1951, để ngăn ngừa sự trì trệ và bảo thủ của một người nắm quyền quá lâu, các Tổng thống Hoa Kỳ chỉ được phục vụ giới hạn hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ là 4 năm, theo Tu chính án 22, Hiến pháp Hoa Kỳ. Người muốn ứng cử Tổng thống phải là công dân Hoa Kỳ, từ 35 tuổi trở lên, đã cư trú ở Mỹ trên 14 năm.

Để gánh vác trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp, Tổng thống Mỹ, ngoài việc chủ trì ngành hành pháp phải có những quyền lực quan trọng về lập pháp và tư pháp.

Về lĩnh vực lập pháp, dù Hiến pháp quy định mọi quyền lập pháp phải được trao cho Quốc hội, nhưng Tổng thống, với tư cách người hoạch định chủ yếu chính sách công cộng, vẫn có một vai trò lập pháp quan trọng. Mục 2 và 3 Điều I khoản 7 Hiến pháp Hoa Kỳ bắt buộc bất cứ đạo luật nào mà Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đều phải được trình lên tổng thống trước khi trở thành luật. Một khi đạo luật được trình lên, Tổng thống có thể ban bố hoặc phủ quyết hay không hành động gì. Khi dự án luật này được chuyển lại hai viện, trừ  khi có hai phần ba tổng số nghị sĩ trong mỗi viện phủ quyết để gạt bỏ sự phủ quyết của Tổng thống, không thì dự án luật đó phải bị hủy bỏ. Trong trường hợp không hành động gì, sau 10 ngày không kể chủ nhật, nếu Quốc hội vẫn còn nhóm họp thì đạo luật trở thành luật; còn nếu không thì văn bản luật không thể trả về Quốc hội được, lúc đó đạo luật không thành luật. Trường hợp này được biết đến là “pocket veto” (tạm dịch là “phủ quyết gián tiếp”).

Phần lớn các văn bản luật mà Quốc hội xử lý được dự thảo với sáng kiến của ngành hành pháp mà đứng đầu là Tổng thống. Trong một thông điệp đặc biệt hàng năm gửi cho Quốc hội, tổng thống có thể đề xuất những văn bản pháp luật nào được cho là cần thiết. Nếu Quốc hội phải ngừng họp mà không đề cập được những đề xuất này, thì Tổng thống có quyền triệu tập phiên họp đặc biệt. 

Về lĩnh vực tư pháp, Trong số các quyền hợp hiến của Tổng thống có quyền bổ nhiệm các quan chức chính quyền quan trọng: Tổng thống cũng có quyền đề cử các thẩm phán liên bang trong đó bao gồm các thẩm phán tòa phúc thẩm và Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các thẩm phán được đề cử này phải được Thượng nghị viện Hoa Kỳ chấp thuận. Một quyền quan trọng nữa là ban bố lệnh ân xá hoàn toàn hay có điều kiện cho bất kỳ ai đã bị kết tội vi phạm luật pháp liên bang - trừ trường hợp còn nghi vấn. 

Thực hiện chức năng của một nguyên thủ quốc gia, thay mặt đất nước về đối nội cũng như đối ngoại, Theo Hiến pháp, Tổng thống là quan chức liên bang chịu trách nhiệm tối cao về các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với các nước khác. Thông qua Bộ Ngoại giao, tổng thống chịu trách nhiệm bảo vệ người Mỹ ở nước ngoài và bảo vệ những kiều dân nước ngoài ở Mỹ. Tổng thống quyết định việc có công nhận hay không công nhận các quốc gia mới và các chính quyền mới, đàm phán các hiệp ước với những quốc gia khác sẽ liên minh với Hoa Kỳ khi được hai phần ba thành viên Thượng viện thông qua. 

Có thể nói quyền quan trọng nhất của Tổng thống là quyền lực tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ trong vai trò tổng tư lệnh. Trong lúc quyền lực tuyên chiến được hiến pháp đặt nằm trong tay Quốc hội thì tổng thống là người nắm quyền tư lệnh và điều khiển trực tiếp quân đội và có trách nhiệm lập kế hoạch chiến lược quân sự. 

2. Tổng thống Mỹ nắm giữ quyền hành pháp

Bộ máy nhà nước Tư sản Mỹ áp dụng triệt để học thuyết “Tam quyền phân lập”. Trong đó, quyền lập pháp thuộc về Nghị viện, quyền hành pháp thuộc về Tổng thống và quyền tư pháp thuộc về Tòa án. Ba cơ quan nắm giữ ba quyền lực một cách cân bằng, nhằm tránh sự độc đoán, lạm dụng quyền lực. 

Có quan điểm cho rằng sự mạnh mẽ của chính quyền hành pháp là một trong những điều kiện cơ bản để có nền cai trị tốt. Các nhà lập hiến của Hoa Kỳ đã ghi nhận quyền lực của người đứng đầu đất nước trong Điều II, khoản 1 Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa kỳ: “Quyền hành pháp sẽ được trao cho Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”. Nắm quyền hành pháp, Tổng thống là người duy nhất quản lý đất nước nên có những quyền hạn rất lớn. Chính phủ cũng là cơ quan hành pháp nhưng chỉ là cơ quan tư vấn, giúp việc cho Tổng thống. Chính phủ chỉ tồn tại độc lập và theo ý chí của Tổng thống, không chịu trạc nhiệm trước Quốc hội. Có thể thấy, Tổng thống đã chiếm vị trí hàng đầu trong cơ chế chính trị Hoa Kỳ.

Trong bản thân ngành hành pháp, Tổng thống có những quyền hạn rộng lớn để điều hành công việc quốc gia và các hoạt động của chính quyền liên bang. Tổng thống có thể ban hành các quy định, quy chế và chỉ thị, được gọi là những chế tài hành pháp, có hiệu lực bắt buộc của luật pháp đối với các cơ quan liên bang mà không cần có sự tán thành của Quốc hội. Là tổng chỉ huy của các lực lượng vũ trang Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, tổng thống cũng có thể huy động các đơn vị Cận vệ quốc gia của bang phục vụ cho liên bang. Trong thời gian chiến tranh hay trong tình trạng khẩn cấp quốc gia, Quốc hội có thể trao cho tổng thống những quyền hạn thậm chí còn rộng hơn nữa để điều hành nền kinh tế quốc dân và bảo vệ an ninh của Hợp chúng quốc.

Trách nhiệm của tổng thống là “trông coi việc luật pháp được thi hành một cách trung thực”. Để thực hiện bổn phận này, Tổng thống được giao trách nhiệm nắm giữ 4 triệu công chức ngành hành pháp liên bang. Tổng thống bổ nhiệm và Thượng viện phê chuẩn người đứng đầu tất cả các bộ và các cơ quan hành pháp, cùng với hàng trăm quan chức cao cấp liên bang khác. Tuy nhiên, phần đông viên chức liên bang được lựa chọn thông qua hệ thống công chức nhà nước mà ở đó việc bổ nhiệm và đề bạt dựa trên cơ sở năng lực và kinh nghiệm. Quyền sa thải các viên chức hành pháp của Tổng thống từ lâu nay là một vấn đề tranh chấp chính trị. Thông thường, tổng thống có quyền sa thải các viên chức hành pháp theo ý của mình. Tuy nhiên, theo luật định thì Quốc hội có thể ngăn chặn và kiềm chế quyền của tổng thống khi sa thải các ủy viên của các cơ quan độc lập đặc trách về các qui định kiểm soát về các vấn đề đặc biệt nào đó hay một số các viên chức hành pháp cấp thấp.

Tuy nhiên, Tổng thống Hoa Kỳ không phải là người đứng ngoài vòng kiểm soát của pháp luật. Theo khoản 4 Điều II của Hiến pháp Mỹ 1787, Tổng thống, phó Tổng thống và tất cả các thành viên của chính quyền Hợp chủng quốc Hoa kỳ sẽ bị cách chức nếu bị kết tội phản quốc, tội nhận hối lộ cũng như những trọng tội khác.

III. KẾT LUẬN

Tóm lại, chế định Tổng thống Mỹ theo Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1787 là một trong những thiết chế vô cùng đặc biệt trong cơ chế chính trị. Tổng thống nắm quyền lực vô cùng to lớn, có thể nói Tổng thống gần như là cá nhân nắm giữ quyền tối cao của nền chính trị Mỹ nhưng quyền lực đó lại bị hạn chế bởi hai cơ quan là Quốc hội và Tòa án theo nguyên tắc phân chia quyền lực. Tuy vậy, nguyên tắc đó trong thực tiễn không cản trở Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trở thành một trong những người có quyền lực nhất trên thế giới.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

GIÁO TRÌNH:
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2012.
2. Khoa luật - Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, Nxb. Đại học quốc gia, Hà Nội, 1997.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
3. Thái Vĩnh Thắng, “Chế định tổng thống Hoa Kỳ, Hiến pháp và thực tiễn”, Tạp chí luật học, số 5/1996.
4. Thái Vĩnh Thắng, Nhà nước và pháp luật tư sản đương đại, lí luận và thực tiễn, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2008.

MỘT SỐ TRANG WEB THAM KHẢO:
5. Tổng thống Hoa kỳ http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%95ng_th%E1%BB%91ng_Hoa_K%E1%BB%B3- Tr.C3.A1ch_nhi.E1.BB.87m_v.C3.A0_quy.E1.BB.81n_l.E1.BB.B1c
6. Khái quát chính quyền Mỹ, chương 3: ngành hành pháp: Quyền lực của Tổng thống: http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_usgovernment_ii.html
7. Khái quát hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ: http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_uslegalsystem_x.html

LUẬN VĂN:
8. Hoàng Văn Tuấn, “Quyền lực của Tổng thống Mỹ theo quy định của Hiến pháp 1787 và trên thực tế”.

No comments:

Post a Comment