Từ khi có tội phạm, trong xã hội vấn đề đấu tranh phòng chống nó cũng được đặt ra. Cũng như bất kì hoạt động xã hội nào, đấu tranh phòng chống tội phạm cần phải được tiền hành có cơ sở khoa học. Các học giả đã nghiên cứu về nguyên nhân của tội phạm và cách khắc phục nó từ thời cổ đại. Tội phạm học hiện đại ra đời và phát triển dựa trên những tri thức tích lũy được của họ. Một trong những học thuyết về tội phạm học được biết đến và phổ biến là trường phái tội phạm học cổ điển.
Trường phái tội phạm học cổ điển hay thuyết tội phạm học cổ điển xuất hiện từ giữa thế kỉ XVIII – là trường phái đầu tiên của tội phạm học do Cesare Beccaria là người đi đầu sáng lập ra, ngoài ra còn có các học giả tiêu biểu khác như Jeremy Bentham với “Thuyết vị lợi”.
Tội phạm học cổ điển phát sinh từ phản ứng đối với hệ thống pháp luật dã man tồn tại trước Cách mạng Pháp 1789. Vào thời điểm này, hệ thống pháp luật và việc áp dụng pháp luật được thực hiện một cách tùy tiện. Hệ thống pháp luật áp dụng pháp luật tập quán cho các vùng miền khác nhau, chưa có hệ thống tư pháp hình sự thực thụ. Vua chúa thường ban hành cái được gọi bằng tiếng Pháp là letters de cachet, theo đó cá nhan có thể bị ngồi tù vì bất cứ lí do nào (chẳng hạn như không phục tùng cha mình) hoặc chảng vì lí do nào. Các hình phạt tàn nhẫn (như đóng dấu lên vai, xẻo thịt, hỏa thiêu…) hầu hết được thi hành công khai trước công chúng đều do những thẩm phán có quyền lực vô hạn tự do theo ý mình kết án người phạm tội, thậm chí kết án người vì những hành vi không được định nghĩa là tội phạm.
Khi châu Âu ngày càng hiện đại, bước sang giai đoạn công nghiệp hóa và đô thị hoa trong thế kỉ XVIII, những hình thức trừng phạt hà khắc thời trung cổ vẫn còn tồn tại, đồng thời cũng phát sinh mâu thuẫn sâu sắc giữa người có của và người không có của, kéo theo tình trạng náo động của xã hội tăng lên. Và khi tỉ lệ tội phạm tăng lên thì tính dã man của hình phạt cũng gia tăng, khiến cho vấn đề tội phạm càng tội tệ hơn. Lúc này, tầng lớp tri thức bắt đầu nhận ra mâu thuẫn của sự phát triển mang lại, về sự bất ổn của việc gia tăng tỉ lệ thuận giữa tỉ lệ tội phạm và mức độ dã man của hình phạt. Cho đến giữa thế kỉ XVIII, các nhà cải cách bắt đầu gợi ý một cách tiếp cận hợp lí hơn đối với tội phạm và hình phạt, trong đó có Cesare Beccaria.
Cesare Beccaria (1728 – 1794) được phân công chuẩn bị một báo cáo về hệ thống nhà tù vào tháng 3 năm 1763. Ông đã đọc các tác phẩm của các tác giả Anh và Pháp như David Hume, John Locke, Voltaire, Montesquieu..., quan sát sự vô nhân đạo được núp dưới chiêu bài kiểm soáy xã hội bên trong nhà tù, ghi lại những nhận xét của mình và cho ra đời tác phẩm “Tội phạm và hình phạt”. Cuốn sách của Beccaria đã cung cấp kế hoạc và đặt các giới hạn trong hệ thống pháp luật, phác họa chặt chẽ và toàn diện về hệ thống tư pháp hình sự tiên tiến có khả năng phục vụ con người tốt hơn chế độ quân chủ. Do đó, với cuốn sách này, Cesare Beccaria đã trở thành ông tổ của tội phạm học hiện đại.
Nội dung của thuyết tội phạm học cổ điển thừa nhận rằng kẻ phạm tội lựa chọn việc thực hiện tội phạm sau khi cân nhắc những hậu quả của hoạt động đó. Theo trường phái cổ điển, các cá nhân có sự tự nguyện lựa chọn những phương tiện hợp pháp hoặc bất hợp pháp để đạt được những gì họ muốn; sự lo ngại bị trừng trị có thể ngăn chặn con người khỏi việc thực hiện tội phạm; và xã hội có thể điều khiển các cử xử của họ thông qua việc tạo ra sự trừng trị của hình phạt lớn hơn những lợi ích mà việc thực hiện tội phạm đem lại.
Nội dung của học thuyết tội phạm học cổ điển này phần lớn dựa trên cơ sở ý tưởng của Cesare Beccaria thể hiện trong cuốn “Tội phạm và hình phạt”. Beccaria đưa ra những nguyên tắc sau:
- Luật pháp cần phải được sử dụng để duy trì khế ước xã hội.
- Chỉ có nhà làm luật mới được làm luật.
- Các thẩm phán khi quyết định hình phạt cần phải phù hợp với luật pháp và chỉ phù hợp với luật pháp.
- Các thẩm phán không được giải thích luật.
- Hình phạt cần phải được dựa trên nguyên tắc phù hợp giữa niềm vui thích và sự đau khổ.
- Hình phạt cần phải được căn cứ vào hành động chứ không phải người hành động.
- Hình phạt cần được quyết định bởi chính tội phạm.
- Hình phạt cần nhanh chóng và hiệu quả.
- Mọi người cần được đối xử bình đẳng.
- Hình phạt tử hình cần được hủy bỏ.
- Việc sử dụng biện pháp tra tấn để đạt được sự thú tội cần được bãi bỏ.
- Phòng ngừa tội phạm tốt hơn là trừng trị chúng.
Thuyết cổ điền giải thích nguyên nhân của tội phạm là tự do ý chí, sự lựa chọn của từng cá nhân quyết định. Có thể hiểu đơn giản như là, một người đứng trước việc quyết định ăn trộm tiền của người khác, người đó có ý chí tự do hoàn toàn có thể quyết định có hay không thực hiện hành vi ăn trộm ấy, nếu anh ta lựa chọn không ăn trộm thì anh ta sẽ không phải tội pham, còn lựa chọn ăn trộm thì sẽ thành tội phạm; trong quá trình anh ta quyết định lựa chọn có hay không thực hiện hành vi ăn trộm ý chí của anh ta hoàn toàn tự do, hoàn toàn do anh ta định đoạt hành vi thực hiện.
Một nội dung lớn khác của thuyết cổ điển đó là phòng ngừa tội phạm. Hình phạt là phương tiện đề phòng ngừa tội phạm hiệu quả; hình phạt phải tương xứng với mức độ nguy hiểm của tội phạm; hình phạt tử hình phải bị hủy bỏ; các tốt nhất để phòng ngừa tội phạm là luật phải quy định đơn giản và rõ ràng, khen thưởng người có đạo đức tốt và cải thiện nền giáo dục. Trường phái cổ điển đề cao phòng ngừa tội phạm hơn là trừng trị tội phạm, thông qua các mức hình phạt được đề ra. Sự lo ngại các hình phạt trừng trị tội phạm có thể ngăn chặn con người thực hiện hành vi phạm tội, ngăn chặn tội phạm xảy ra. Chẳng hạn, một người dự định ăn trộm biết được hình phạt có thể phải chịu khi bị bắt thực hiện tội phạm sẽ cảm thấy lo sợ, dạo động mà không thực hiện tiếp hành vi phạm tội trộm cắp nữa. Như vậy tính phòng ngừa tội phạm đã được thực hiện. Quan điểm về phòng ngừa tội phạm của trường phái cổ điển này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trường phái tội phạm học cổ điển đã có ảnh hưởng tức thời và sâu sắc đối với luật học và hệ thống pháp luật. Sự thay thế của quy tắc pháp luật cho tính chuyên quyền đọc đoán của loài người đã nhanh chóng trải rộng và tác động không nhỏ đến chính sách hình sự và hệ thống hình phạt. Nguyên tắc hình phạt phải thích hợp với tội phạm đã được thừa nhận chung trong suốt thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX. Song, trường phái này vẫn bộc lộ những nhược điểm trong cách tiếp nhận. Thứ nhất, các nhà tội phạm học cổ điển chấp nhận một cách tự nhiên con người có khả năng tự do lựa chọn điều xấu và điều tốt mà chưa đặt vấn đề tại sao con người lại có hành vi như vậy, động cơ và những tình huống cụ thể xung quanh hành vi phạm tôi. Thứ hai, sự đơn giản trong lí luận rằng trắch nhiệm của hệ thống tư pháp hình sự chỉ đơn giản là thi hành pháp luật một cách nhanh chóng và đối với bình đằng với mọi người bị các nhà phê bình chỉ trích. Trong cuối thế kỉ XIX, chịu sự tác động của những giải thích khoa học trong lĩnh vực triết học. các nhà tội phạm học đã thay đổi sự chú ý của mình từ hành động đến người có hành động. Nhiều nhà khoa học tiên tiến đã có sự thay đổi quan niểm về nguyên nhân của tội phạm.
Nếu áp dụng ở Việt Nam, trường phái tội phạm học cổ điển rất có ý nghĩa trong việc xây dựng hệ thống pháp luật hình sự và các quy phạm pháp luật hình sự. Chẳng hạn như nguyên tắc pháp chế và nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của luật hình sự Việt Nam hay ý nghĩa của hình phạt áp dụng trong bộ luật hình sự. Biểu hiện của nguyên tắc pháp chế là đòi hỏi việc truy cứu trách nhiệm hình sự của người phạm tội phải tuân thủ các quy định của ngành luật hình sự, Tòa án quyết định hình phạt và phải căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự có nét giống với những nguyên tắc dành cho thẩm phán của trường phái cổ điển. Một ví dụ khác, hình phạt chỉ được áp dụng đối với những hành vi được bộ luật hình sự quy định là tội phạm và phải được xác định cho từng tội danh cụ thể đã được quy định. Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích, ngăn ngừa họ phạm tội mới, giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm (Điều 27 Bộ luật hình sự 2005). Mục đích sử dụng hình phạt trong luật hình sự Việt Nam có điểm tương đồng với nguyên tắc áp dụng hình phạt của thuyết tội phạm học cổ điển.
Trường phái tội phạm học cổ điển ra đời có một ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, tạo nền tảng cho sự nghiên cứu tội phạm nhằm phòng ngừa chúng cùng những ảnh hưởng xấu tới cuộc sống xã hội, làm tiền đề hình thành nên khoa học nghiên cứu tội phạm. Thời đại ngày nay đánh dấu sự trở lại của thuyết cổ điển rằng sự trừng phạt phải phù hợp với mức độ nghiêm trọng của tội phạm và tội lỗi của kẻ phạm tội. Do vậy, việc tìm hiểu về thuyết cổ điển là cần thiết, góp phần hiểu rõ hơn về tội phạm đề từ đó nghiên cứu và tìm ra những biện pháp phòng ngừa tội phạm hợp lí và hiệu quả.
Trên cơ sở tự nghiên cứu và tìm tài liệu, bài viết không tránh khỏi những sai sót, mong thầy cô xem xét và bỏ qua. Em xin cảm ơn thầy cô!
Tài liệu tham khảo
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Tội phạm học, NXB.CAND, Hà Nội, 2009.
2. Dương Tuyết Miên (chủ biên), Giáo trình Tội phạm học, NXB.Giáo dục, Hà Nội, 2010.
3. Bộ luật hình sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Cảm ơn bạn Giang Linh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment