14/06/2014
Bài tập học kỳ Luật Đất đai - Đề 10

Gia đình ông H được giao 2 ha đất để trồng lúa đã được 10 năm nhưng điều kiện khí hậu hạn hán nhiều, đất lại ở dốc cao nên trồng lúa không năng suất. Qua một số lần trồng thử nghiệm, ông H nhận thấy chất đất này phù hợp với việc trồng các loại cây khác hơn vì vậy ông muốn chuyển sang trồng một số loại cây như lạc, đỗ, cà phê. Khi ông H nêu vấn đề này với một cán bộ xã thì được trả lời là ông không được phép trồng cây công nghiệp trên đất trồng lúa, nếu muốn chuyển mục đích sử dụng đất thì phải lên UBND xã xin phép.

Hỏi:

1. Anh (Chị) hãy cho biết cán bộ xã giải thích như vậy đúng hay sai? Vì sao?
2. Hãy tư vấn cho ông H cần phải làm như thế nào mới đúng pháp luật?
3. Cơ quan nào có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất? Vì sao?

Bài làm

Trên cơ sở căn cứ phân loại duy nhất là dựa trên tiêu chí căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, Luật đất đai năm 2003 đã chia đất đai thành ba phân nhóm sau: 

- Nhóm đất nông nghiệp

- Nhóm đất phi nông nghiệp

- Nhóm đất chưa sử dụng

Theo quy định của Luật đất dai năm 2003 có thể hiểu nhóm đất nông nghiệp là tổng thể các loại đất có đặc tính sử dụng giống nhau, với tư cách là tư liệu sản xuất chủ yếu phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, khoanh nuôi tu bổ bảo vệ rừng, nghiên cứu thí nghiệm về nông nghiệp, lâm nghiệp.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật đất đai năm 2003 nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau:

- Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa, đất đồng cổ dùng và chăn nuôi, đất trồng cây hàng năm khác;
- Đất trồng cây lâu năm;
- Đất rừng sản xuất;
- Đất rừng phòng hộ;
- Đất rừng đặc dụng;
- Đất nuôi trồng thủy sản;
- Đất làm muối;
- Đất nông nghiệp khác theo quy định của Chính phủ;

Như vậy, có thể thấy nhóm đất nông nghiệp bao gồm những loại đất được sử dụng chủ yêu và mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp đó là diện tích đất trồng các loại cây lương thực như lúa, ngô, khoai, sắn, đất trồng các cây lâu năm có giá trị kinh tế cao như dừa, cam, chanh, bưởi...

Nội dung

1. Anh (Chị) hãy cho biết cán bộ xã giải thích như vậy đúng hay sai? Vì sao?

Trước tiên, cán bộ xã giải thích việc ông H không được phép trồng cây công nghiệp trên đất trồng lúa là chính xác. Việc chuyển mục đích sử dụng đất giữa các loại đất quy định tại Điều 13 của Luật đất đai năm 2003 được quy định tại Điều 36. Khoản 1 Điều này có quy định các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó bao gồm quy định sau: “ Chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản;”.  Đồng thời cũng theo khoản 2 Điều 74 Luật đất đai năm 2003: “ Người sử dụng đất chuyên trồng lúa nước có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; không được chuyển sang sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản và vào mục đích phi nông nghiệp nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.”

Tiếp theo, cán bộ xã giải thích rằng nếu ông H muốn chuyển mục đích sử dụng đất thì phải lên ủy ban nhân dân xã xin phép là sai vì ủy ban nhân dân xã chưa có đủ thẩm quyền để thực hiện việc trên.

Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định tại Điều 37 Luật đất đai năm 2003. Theo khoản 2 Điều 37 có viết: “ Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, các nhân; giao đất đối với cộng đồng dân cư.” Khoản 3 Điều 37 Luật đất đai năm 2003 có quy định về thẩm quyền của ủy ban nhân dân xã như sau: “ Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cho thuê đất thược quý đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.” Như vậy, nếu muốn chuyển mục đích sử dụng đất ông H phải lên xin phép tại ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã hoặc thành phố trực thuộc tỉnh nơi cư trú chứ không phải lên ủy ban nhân dân xã xin phép.

Đồng thời cũng cần lưu ý khoản 4 Điều 37 này rằng: “ Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này không được ủy quyền.” Có nghĩa, ông H chỉ có thể lên xin phép chuyển mục địch sử dụng đất tại ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã hoặc thành phố trực thuộc tỉnh mà thôi.

2. Hãy tư vấn cho ông H cần phải làm như thế nào mới đúng pháp luật?

Theo điểm a khoản 1 Điều 36 Luật đất đai năm 2003 quy định nếu ông H muốn chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa hiên thời sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản thì ông cần phải đăng kí và được sự cho phép của ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi ông cư trú.

Cũng theo khoản 2 Điều 36 nếu ông H chuyển đất trồng lúa sang mục đích trồng các cây công nghiệp ngắn ngày hoặc không thuộc vào ba loại đất trồng trên thì ông không cần phải đăng kí xin phép tại ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nhưng phải đăng kí với văn phòng của tổ chức có thẩm quyền đăng ký quyền sử dụng đất (gọi chung là văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất) hoặc ủy ban nhân dân xã nơi có đất.

Nếu ông H muốn đồng thời chuyển đất trồng lúa sang mục đích sử dụng cả hai kiểu trên thì cần phải vừa đăng kí xin phép tại ủy ban nhân dân huyện, quận, thĩ xã, thành phố trực thuộc tỉnh vừa phải đăng kí tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc ủy ban nhân dân xã nơi có đất.

Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp phải xin phép được quy định tại Điều 125 Luật đất đai năm 2003. Theo điểm a khoản 1 Điều 125 quy định thì ông H xin chuyển mục đích sử dụng đất nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý đât đai huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi có đất với đầy đỷ hồ sơ được quy định tại điểm b khoản 1 Điều này: “ Hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất gồm đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất, Giấy chứng nhân quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, dự án đầu tư của tổ chức theo quy định của pháp luật về đầu tư.”

3. Cơ quan nào có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất? Vì sao?

Căn cứ vào khoản 1 và 2 Điều 37 Luật đất đai năm 2003 về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất có thể thấy cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Theo khoản 1 Điều này, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức. “Tổ chức” theo khoản 1 Điều 9 Luật đất đai năm 2003 quy định: “Các tổ chức trong nước bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghê nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế - xã hội, tổ chức sự nghiệp công, đơn vị vũ trang nhân dân và các tổ chức khác theo quy định của Chính phủ (sau đây gọi chung là tổ chức) được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất; tổ chức kinh tế nhận chuyển quyền sử dụng đất.” Sở dĩ ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các tổ chức vì đây là cơ quan có tư cách thẩm quyền chung cao nhất tại địa phương và là người thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai trên địa bàn tỉnh.

Tương tự theo khoản 2 Điều 37, thẩm quyền của cấp huyện chủ yếu tập trung vào các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng đất, do Luật đất đai căn cứ vào chủ thể để phân biệt thẩm quyền giữa ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với thẩm quyền của ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Kết luận

Tóm lại, để giải quyết vấn đề đề bài đặt ra cần tập trung tìm hiểu thật kĩ các điều luật Điều 36, 37 Luật đất đai năm 2003. Ngoài ra có thể tham khảo thêm Điều 74 quy định về đất chuyên trồng lúa nước và Điều 125 về trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp phải xin phép các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ở nước ta, nhóm đất nông nghiệp chiếm tỉ lệ tương đối lớn trong vốn đất đai của cả nước, loại đất này được phân bố rộng khắp phạm vi cả nước và đóng một vai trò quan trọng trong đời sống cũng như sự phát triển kinh tế của đất nước. Do vậy việc sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích và hợp lí sẽ gốp phần nâng cao hiệu quả sử dụng cũng như bảo vệ được nguồn tài nguyên quan trọng này. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp cần được thực hiện đúng pháp luật, khoa học và hợp lí để tránh những hậu quả không đáng có.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Giang Linh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment