Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử chứa đầy máu và nước mắt, là lịch sử của các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Từ các triều đại phong kiến như Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ… cho đến thời đại của chủ tịch Hồ Chí Minh và mãi về sau này nữa dân tộc ta luôn giương cao ngọn cờ chiến đấu với quyết tâm: Lúc nào còn hoạ xâm lăng thì lúc ý ta còn kháng chiến để bảo vệ tổ quốc và toàn vẹn lãnh thổ. Đặc biệt, kể từ ngày có Đảng (2/1930) - tổ chức chính trị duy nhất thể hiện sức mạnh của toàn thể đồng bảo, thì cuộc kháng chiến đó diễn ra một cách quyết liệt, sôi nổi, có đường lối chiến lược… Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh đi từ thắng lợi này đến hết thắng lợi khác, giành lại độc lập, tự do và chủ quyền lãnh thổ. Không dừng lại ở đó, ngay cả trong thời đại ngày nay, khi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ đã kết thúc một cách thành công tốt đẹp thì Đảng lại tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện bước tiếp theo của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa ở nước ta vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội cong bằng, dân chủ, văn minh”. Tuy nhiên cần phải thấy rõ rằng, không phải tự nhiên mà Đảng ta ra đời, mà Đảng ta ra đời là một tất yếu của lịch sử, khi trong xã hội đã xuất hiện đầy đủ các tiền đề của nó mà cụ thể ở đây có ba tiền đề cơ bản. Qua việc tìm hiểu về các tiền đề này sẽ càng khẳng định rõ hơn tính tất yếu lịch sử của Đảng và sự đúng đắn, sáng suốt của chủ tịch Hồ Chí Minh khi sáng lập ra Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Trên cơ sở những kiến thức được học từ thầy cô, giáo trình và tài liệu tham khảo, với bài tập nhóm tuần 2 này, nhóm 8 lớp Tư tưởng Hồ Chí Minh N03 chúng em xin chọn đề tài: “Nêu tiền đề ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam” với mong muốn được hiểu cũng như làm rõ hơn về vấn đề này. Sau đây là toàn bộ nội dung chính trong bài làm của chúng em.
NỘI DUNG CHÍNH
1. Chủ nghĩa Mác-Lênin
Để đạt mục tiêu cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Phải dựa vào lý luận cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác Lênin. Khi huấn luận cán bộ cách mạng năm 1925-1927, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng muốn giữ vững, phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ta ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”. Đảng mà không có một chủ nghĩa chân chính dẫn đường thì cũng giống như tàu không có bàn chỉ nam. Vì vậy có thể khẳng định rằng yếu tố đầu tiên của Đảng ra đời là phải có một chủ nghĩa chân chính dẫn đường đúng như Bác Hồ nói: “Bây giờ trên thế giới đang tồn tại nhiều chủ nghĩa, nhiều học thuyết những học thuyết chân chính nhất, cơ bản nhất, khoa học nhất đó chính là học thuyết Mác- - Lênin”.
Ở nước ta, sau khi Nguyễn Ái Quốc bắt gặp Luận cương của Mác–Lênin, Người đã khẳng định đó chính là con đường duy nhất để giải phóng dân tộc và sinh tồn đất nước. Do vậy, Người tích cực truyền bá vào Việt Nam cụ thể là Nguyễn Ái Quốc đã lập ra tổ chức “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” để truyền bá chủ nghĩa Mác vào Việt Nam (6/1925), chủ trương “vô sản hoá” truyền bá vào tận các hầm mỏ - nơi công nhân đang làm việc (1927)… Tuy nhiên khi tiếp cận với chủ nghĩa Mác–Lênin về việc thành lập Đảng cộng sản, Người cũng rất chú ý về việc vận dụng nó sao cho phù hợp với thực tiễn đất nước, không rập khuôn, sáo mòn.
C.Mác và Lênin chủ yếu quan tâm đến vấn đề thành lập Đảng cộng sản ở các nước tư bản chủ nghĩa, với nhiệm vụ lãnh đạo giai cấp vô sản và quấn chúng làm cách mạng nhằm lật đổ chế độ tư bản và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Do vậy, xuất phát từ tình hình thực tế ở các nước tư bản phương Tây và nước Nga, Lênin đã nêu ra luận điểm: Đảng cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác và phong trào công nhân phương Tây. Chủ nghĩa Mác là học thuyết xã hội khoa học, mang lý tưởng về một xã hội nhân đạo thực sự. Còn giai cấp công nhân phương Tây là giai cấp tiên tiến, đông đảo về lực lượng, được rèn luyện, thử thách nhiều.
Ở Việt Nam thời kỳ bấy giờ là một nước lạc hậu, bị phụ thuộc, giai cấp công nhân thì còn mỏng về số lượng, non về chất lượng, chưa qua thử thách nhiều và cũng ít kinh nghiệm, bởi thế Đảng phải là một tổ chức chính trị tiên phong, vững mạnh, có khả năng đề ra được đường lối và phương páhp cách mạng đúng đắn, có khả năng vận động, tập hợp, tổ chức quần chúng và gắn cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng vô sản thế giới. Đồng thời Đảng phải có trách nhiệm lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. thực hiện làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản, giải quyết triệt để hai mâu thuẫn cơ bản là đánh đuổi thực dân đế quốc và lật đổ phong kiến, tư sản, đem lại ruộng đất cho dân cày
Năm 1924 Hồ Chí Minh cũng đã nhận xét: “Mác đã xây dựng học thuyết của miùnh trên những triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”. Bới thế khi áp dụng vào Việt Nam cần linh hoạt, sáng tạo về chủ nghĩa Mác – Lênin. Trong quá trình hoạt động của Người, nhận thấy rõ tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác – Lênin đối với một nước mà lý luận còn kém, đường đi còn mờ nhạt, Nguyễn Ái Quốc vừa tích cực học tập, tìm kiếm ở trong đó con đường đi của đân tộc, vừa cố gắng sửa đổi, bổ sung để nó hoàn thiện hơn khi áp dụng vào Việt Nam. Chính vì thế khi chủ nghĩa này phát triển nhanh ở Việt Nam thì nó là tiền đề số một để một tổ chức cách mạng ra đời - tổ chức giữ vai trò lãnh đạo con đường đi đó chính là Đảng Cộng Sản Việt Nam.
2. Phong trào yêu nước và phong trào công nhân
Ở các nước tư bản, các Đảng cộng sản ra đời là sản phẩm của sự kết hợp phong trào công nhân và chủ nghĩa Mác – Lênin. Việt Nam là một nước thuộc địa nên Đảng Cộng sản ra đời là sản phẩm của sự kết hợp ba nhân tố: Phong trào yêu nước, phong trào công nhân và chủ nghĩa Mác – Lênin. Bác Hồ đã từng nói: “Dân ta có một long nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của ta. Mỗi khi có hoạ xâm lăng thì long yêu nước ấy lại trỗi dậy và mạnh mẽ hơn bao giờ hết”. Từ khi thực dân Pháp xâm lược, đô hộ và khai thác thuộc địa ở nứoc ta, làm cho đời sống của nhân dân ta cơ cực, bần cùng nên nhân dân ta đã nổi dậy đấu tranh chống Pháp, gọi chung là phong trào yêu nước. Đặc biệt sau chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào yêu nước của nhân dân ta càng diễn ra mạnh mẽ như phong trào đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế do tư sản dân tộc khởi xướng, phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ do tiểu tư sản khởi xướng, nhiều phong trào đấu tranh khác do nông dân nổi dậy đòi giảm tô giảm thuế… Sự phát triển mạnh mẽ của những phong trào đấu tranh yêu nước ở mọi tầng lớp nhân dân lao động đã thúc đẩy giai cấp công nhân vùng dậy đấu tranh và tạo thành một phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân nên gọi chung là phong trào công nhân.
Dưạ trên những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin về xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu sâu sắc tình hình thực tế ở Việt Nam, một nước phong kiến nửa thuộc địa, kinh tế nông nghiệp lạc hậu và nông dân chiếm đa số trong xã hội. Giai cấp công nhân Việt Nam mới hình thành còn mỏng về số lượng, phong trào còn non yếu, lại chưa có kinh nghiệm. Bởi thế chỉ có một mình giai cấp công nhân thôi chưa đủ sức để chiến thắng một tập đoàn đế quốc sừng sỏ, mặc dù đây là giai cấp tiên tiến nhất, giai cấp gánh vác sứ mệnh lịch sủ của dân tộc. Vì thế, muốn đủ sức mạnh để đánh thắng địch, phải liên minh với nhiều giai cấp khác có cùng lý tưởng. Nhận thức được điều này, Nguyễn Ái Quốc đã kết hợp nhuần nhuyễn phong trào công nhân với phong trào yêu nước do nông dân, tiểu tư sản, Tư sản dân tộc… khởi xướng. Bởi Người viết: “Ở Việt Nam nếu phong trào công nhân không gắn bó chặt chẽ với phong trào yêu nước, không trở thành nòng cốt của phong trào yêu nước, thì cách mạng cũng không đủ lực lượng để mở rộng được cuộc đấu tranh và đưa nó đến thắng lợi”. Nếu phong trào yêu nước không được dẫn dắt bởi giai cấp công nhân với đội tiên phong là Đảng Cộng sản thì cuộc đấu tranh của nó cũng không đi đến thắng lợi. Việc kết hợp nhuần nhuyễn những quan diểm cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin về xây dựng Đảng kiểu mới với việc phân tích sâu sắc tình hình thực tể của cách mạng Việt Nam thời bấy giờ là một thành công của Hồ Chí Minh.
Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, kết hợp giác ngộ dân tộc với giác ngộ giai cấp trên nền tảng của chủ nghĩa Mác –Lênin là con đường Hồ Chí Minh đã chọn và đã đi. Từ đó dẫn tới hệ luận điểm: không phải mọi người yêu nước đều là cộng sản, nhưng việc tiếp nhận đường lối của Đảng Cộng Sản lại là diều kiện cần thiết đẻ xác định được mục tiêu yêu nước đúng đắn; còn mỗi người công sản trước hết phải là người yêu nước, hơn nữa phải là người yêu nước tiêu biểu, phải thường xuyên truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin, quan điểm, đường lối của Đảng trong nhân dân và lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi đương lối đó.
Mặc dù việc gắn phong trào công nhân với phong trào yêu nước đã có một thời bị lên án là nặng về tính dân tộc và nhẹ về tính giai cấp nhưng qua thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh được tính đúng đắn khi Nguyễn Ái Quốc kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố này dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác Lên nin. Và đây là một tiền đề cơ bản nữa để Đảng ta ra đời.
3. Những hoạt động thực tiễn chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết tiến tới thành lập Đảng
Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh không những đã nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của một chính Đảng cách mạng, mà còn chuyển nhận thức đó vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người khẳng định: Muốn giải phóng dân tộc thành công “Trước hết phải có Đảng cách mạng, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.
Với nhận thức đó, từ rất sớm, trong những hoạt động thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc luôn quan tâm chú ý đến việc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập một chính Đảng cách mạng ở Việt Nam.
Sau khi được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn dề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, chế độ Xô Viết mới ra đời và tích cực tham gia nhiều hoạt động của Quốc tế Cộng sản. Hội liên hiệp thuộc địa được thành lập năm 1921 và Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông được thành lập năm 1925 là những tổ chức quốc tế đầu tiên của phong trào giải phóng dân tộc, mà Nguyễn Ái Quốc vừa là người khởi xướng vừa là người tổ chức, lãnh đạo với vai trò chủ yếu nhất.
Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho việc chuẩn bi về cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập Đảng sau này. Thông qua tổ chức tiền thân Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, có Cộng sản đoàn làm nòng cốt, Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện đào tạo bồi dưỡng lớp cán bộ đầu tiên theo chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối cách mạng mới, bằng cách mở các lớp huấn luyện tại Quảng Châu từ năm 1925 đến năm 1927. Sau các khoá học phần lớn họ trở về nước để truyền bá lý luận giải phóng dân tộc và tổ chức nhân dân, còn một số ít nước được chọn vào trường Quân sự Hoàng Phố và trường đại học Phưong Đông học tập để sau đó trở về Việt Nam hoạt động trong phong trào các mạng của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân khác, làm cho phong trào chuyển dần từ tự phát sang tự giác. Đây chính là sự gặp gỡ tất yếu của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam với tư tưởng cách mạng tiên tiến nhất của thời đại.
Sự xuất hiện ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam từ giữa năm 1929 đến đầu năm 1930 là sản phẩm tất yếu của phong trào công nhân và phong trào yêu nước dâng cao, là sản phẩm tất yếu của sự chuyển biến về ý thức hệ. Những người cách mạng Việt Nam trong nước đã nhận thấy tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không còn đáp ứng đựoc yêu cầu của tình hình mới, cần phải có Đảng Cộng sản thay thế. Nhưng trong một nước không thể tòn tại đồng thời ba tổ chưc cộng sản có cùng mục tiêu, lý tưởng. Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập đại biểu và chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày mồng 3-2-1930. Việc hợp nhất đó đã đáp ứng được đòi hỏi bức thiết của thực tiễn cách mạng Việt Nam
KẾT LUẬN
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn. Khi cách mạng trong nước đã đủ các tiền đề của nó, nó sẽ là ngọn lửa bùng cháy mà không có bất kỳ một sức mạnh nào đủ để dập tắt. Chính Đảng cộng sản Việt Nam ra đời là yêu cầu tất yếu của lịch sử đứng ra để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam đang diễn ra một cách quyết liệt. Đảng ra đời cũng xoay chuyển cách mạng Việt Nam tới những bước ngoặt vĩ đại: Đó là thắng lợi của cách mạng tháng 8/1945 đã chấm dứt sự tồn tại dai dẳng hàng nghìn năm của chế độ phong kiến lạc hậu, què quặt, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do, đi lên chủ nghĩa xã hội; đó là thắng lợi trước hai đế quốc sừng sỏ nhất thế giới: Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, mở đường cho chủ nghĩa xã hội đi tới. Trong thời đại ngày nay - thời đại cả nước thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn thách thức để xây dựng cuộc sống mới, để khẳng định vị thế của mình trên thế giới, tiến tới hoàn thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, vươn tới chủ nghĩa cộng sản - ước mơ của nhân loại.
Trên đây là toàn bộ bài làm của chúng em với đề tài: “Nêu tiền đề ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam”. Vì khuôn khổ bài tập nhóm có hạn nên có thể bài làm của chúng em không tránh khỏi những thiếu sót. Nhóm 8 lớp Tư tưởng Hồ Chí Minh N03 chúng em rất mong nhận được sự góp ý từ các thầy các cô để bài làm được hoàn thiện hơn.
Chúng em xin chân thành cảm ơn!
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ GD-ĐT, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội 2009
2. Hội đồng trung ương chỉ đạo biên soan giáo trình Quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB CTQG, Hà Nội 2003
3. Nguyễn Mạnh Tường (chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh - Một số nhận thức cơ bản, NXB CTQG, Hà Nội 2009
4. Nguyễn Bá Linh, Tư tưởng Hồ Chí Minh - Một số nội dung cơ bản, NXB CTQG, Hà Nội 1995
5. Các website:
- http://vi.wikipedia.org
- http://vn.answers.yahoo.com
- http://www.wattpad.com
- http://tailieuhay.com
No comments:
Post a Comment