26/06/2014
Tòa án từ chối thụ lý vụ án với lý do tài liệu, chứng cứ được xuất trình chưa đủ để giải quyết việc bồi thường - Bài tập cá nhân 2 Luật Tố tụng Dân sự đề 9
Đề bài số 9:

A lái xe gây tai nạn làm B bị thiệt hại về sức khỏe và bị hỏng xe máy. B đã khởi kiện đến Tòa án yêu cầu A bồi thường thiệt hại về sức khỏe và tài sản. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan nên B mới chỉ xuất trình được cho Tòa án một vài giấy tờ, tài liệu ban đầu để chứng minh hành vi gây thiệt hại của A.

1. Tòa án đã từ chối thụ lý vụ án với lý do tài liệu, chứng cứ mà B xuất trình chưa đủ để giải quyết việc bồi thường. Hỏi việc Tòa án từ chối thụ lý vụ án là đúng hay sai? Tại sao?
2. Giả sử B không tự thu thập được chứng cứ và có đơn yêu cầu Tòa án thu thập. Hãy xác định các biện pháp thu thập chứng cứ mà Tòa án có thể thực hiện?

Bài làm

1. Tòa án đã từ chối thụ lý vụ án với lý do tài liệu, chứng cứ mà B xuất trình chưa đủ để giải quyết việc bồi thường. Hỏi việc Tòa án từ chối thụ lý vụ án là đúng hay sai? Tại sao?

Việc Tòa án từ chối thụ lý vụ án với lý do kể trên là sai.

- Khi xem xét thụ lý vụ án, nếu thấy việc khởi kiện chưa đáp ứng đủ các điều kiện khởi kiện nên không thể thụ lý được vụ án thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện và các chứng cứ, tài liệu kèm theo cho người khởi kiện. Theo khoản 1 Điều 168 BLTTDS, Tòa án chỉ có thể trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây: 

a) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

b) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, xin thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện;

c) Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 2 Điều 171 của Bộ luật này mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp có trở ngại khách quan hoặc bất khả kháng;

d) Chưa có đủ điều kiện khởi kiện;

đ) Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 169 BLTTDS thì Tòa án còn có quyền trả lại đơn khởi kiện và các chứng cứ, tài liệu kèm theo cho người khởi kiện, nếu họ không sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Tòa án.

Như vậy, lý do tài liệu, chứng cứ xuất trình chưa đủ để giải quyết việc bồi thường không phải một trong những lý do để từ chối thụ lý vụ án được quy định trong luật.

- Hơn nữa, B bị A gây thiệt hại về sức khỏe và tài sản, B là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, vì vậy B hoàn toàn có thể tự mình làm đơn khởi kiện A đòi bồi thường. 

Trường hợp của B cũng không rơi vào các trường hợp quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 1 Điều 168 BLTTDS. 

Ngoài đơn khởi kiện, B phải gửi kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Tranh chấp giữa B và A là tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do đó tài liệu, chứng cứ cần thiết mà B phải gửi kèm đơn khởi kiện là:

+ Các chứng cứ, tài liệu xác định có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại, lỗi của người bị hại;

+ Bản kê những thiệt hại thực tế xảy ra kèm theo các hóa đơn, chứng từ chi sửa chữa, khắc phục thiệt hại;

+ Các giấy tờ tài liệu khác.

Theo mục 5 Phần I Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC số 02/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS: “người khởi kiện phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh họ là người có quyền khởi kiện và những yêu cầu của họ là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên trong trường hợp vì lý do khách quan nên họ không thể nộp ngay đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, thì họ phải nộp các tài liệu, chứng cứ ban đầu chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ. Các tài liệu, chứng cứ khác người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Toà án trong quá trình giải quyết vụ án.” Theo đề bài, vì những lý do khách quan nên B mới chỉ xuất trình được cho Tòa án một vài giấy tờ, tài liệu ban đầu để chứng minh hành vi gây thiệt hại của A.

Từ những lý do trên, có thể thấy việc nộp đơn khởi kiện của B là hợp pháp và đúng thủ tục. Do vậy, Tòa án phải nhận đơn khởi kiện của B và tiến hành thụ lý vụ án theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, Toà án phải giải thích cho đương sự biết, nếu đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ, thì Toà án tiến hành giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục chung. Đương sự phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ.

2. Giả sử B không tự thu thập được chứng cứ và có đơn yêu cầu Tòa án thu thập. Hãy xác định các biện pháp thu thập chứng cứ mà Tòa án có thể thực hiện?

Khoản 2 Điều 85 BLTTDS quy định: “Trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu thì Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập chứng cứ:

a) Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;

b) Trưng cầu giám định;

c) Quyết định định giá tài sản;

d) Xem xét, thẩm định tại chỗ;

đ) Ủy thác thu thập chứng cứ;

e) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự.

Trong trường hợp này, do B đã có đơn yêu cầu nên Tòa án có thể thực hiện tất cả các biện pháp thu thập chứng cứ kể trên. Nhưng thực tế vụ việc chỉ cần Tòa án áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ là: 

- Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; yêu cầu các cá nhân, cơ quan, tổ chức, cung cấp các tài liệu như băng ghi hình, camera,… để xác minh lỗi của A khi có hành vi gây thiệt hại cho B. 

- Quyết định định giá tài sản để xác định thiệt hại của B, từ đó xác định nghĩa vụ bồi thường của A.

Tùy theo yêu cầu của B, loại chứng cứ, nguồn chứng cứ mà Tòa án áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ thích hợp.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Luật tố tụng dân sự Việt Nam 2004 (BLTTDS)
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011
3. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC số 02/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS
4. Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam – Trường Đại học Luật Hà Nội

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Trà My - K3507 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment