Nước ta là một trong những quốc gia đa dân tộc, trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, các dân tộc luôn kề vai sát cánh gắn bó máu thịt bên nhau trong đấu tranh chống ngoại xâm, chống thiên tai địch hoạ và dựng xây đất nước. Các dân tộc nước ta là một cộng đồng thống nhất trong đa dạng; cư trú xen kẽ và phân tán trên mọi vùng miền với cơ cấu dân số và trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều; bản sắc văn hoá từng dân tộc tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hiến Việt Nam. Bình đẳng, đoàn kết các dân tộc là đường lối của Đảng ta đã xác định ngay từ khi mới thành lập và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Dựa trên nền tảng của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã đề ra các chủ trương, chính sách dân tộc với những nội dung cơ bản: "Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển".
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề dân tộc trong công cuộc hoàn thiện, đổi mới đất nước, trên cơ sở những kiến thức đã được học từ thầy cô và tài liệu tham khảo, với bài tập nhóm tuần thứ nhất này, nhóm 8 lớp Tư tưởng Hồ Chí Minh N03 chúng em xin chọn đề tài “Nêu quan điểm vận dụng của Đảng ta về vấn đề dân tộc trong công cuộc đổi mới đất nước” với mong muốn được hiểu cũng như làm rõ hơn về vấn đề này. Sau đây là toàn bộ nội dung chính trong bài làm của chúng em.
NỘI DUNG CHÍNH
Quan điểm vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta về vấn đề dân tộc được thể hiện trên những luận điểm sau:
1. Khơi dậy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc nguồn động lực mạnh mẽ để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, với việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến luợc: xây dựng chủ nghĩa xã hội đi đôi với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó chính là sự thể hiên tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ đổi mới. Sự nghiệp đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã được 19 năm. Thành tưu về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, về đối nội và đối ngoại của đổi mới là rất to lớn. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thành tựu đó là trong quá trình đổi mới Đảng ta luôn kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Văn kiện Đại hội IX của Đảng viết: “15 năm đổi mới (1986- 2000) đã cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu. Trong quá trình đổi mới, phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Điều đó có ý nghĩa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tư tuởng Hồ Chí Minh, cốt lõi là tư tuởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vẫn là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và cách mạng nước ta.
Trước nguy cơ “diễn biến hoà bình” trước việc một số thế lực lợi dụng vai trò giúp đỡ, viện trợ, đặt nhân quyền cao hơn chủ quyền để can thiệp vào công cuộc nội bộ của các nước, hiên nay, hơn lúc nào hết, chúng ta cần quán triệt lời dạy của Hồ Chí Minh: Mỗi một người phải nhớ rằng có độc lập mới tự lập, có tự cường mới tự do. Hồ Chí Minh khẳng định: “Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Vận dụng tư tưởng trên đây của Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế toàn cầu hoá và thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX viết: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường.”
Để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Đảng ta xác định phải phát huy tối đa nội lực, trong đó yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất vẫn là nguồn lực con người với tất cả sức mạnh thể chất và tinh thần.
Theo Hồ Chí Minh, con người Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước, gắn bó cộng đồng, ý chí kiên cường bất khuất, không chịu làm nô lệ, không cam phận nghèo hèn,… Do vậy, cần phải phát triển tinh thần yêu nước ấy, làm cho nó đươc thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.
Trong hai cuộc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, tinh thần yêu nước ấy đã được phát huy cao độ và biến thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng vô song của dân tộc, đã đánh bại hai đế quốc lớn, giành độc lập thống nhất cho Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, truyền thống quý báu ấy cần được tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ, biến thành nguồn nội lực vô tận để đưa đất nước vượt qua mọi nguy cơ, thách thức, vững bước tiến lên.
2. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc trên lập trường giai cấp vô sản.
Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề dân tộc, đề cao sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, nhưng Người luôn đứng vững trên quan điểm giai cấp để nhận thức và giai quyết vấn đề dân tộc. Theo Người, cần nắm vững những quan điểm có tính nguyên tắc, đó là: Luôn khẳng định vai trò lịch sử của giai cấp công nhân và quyền lãnh đạo của Đảng; Phải biết sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng; Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này là để khắc phục những khuynh hướng tả và hữu, và chống lại các quan điểm chia rẽ, tách rời dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau của kẻ thù. Trong phong trào cách mạng thế giới, có lúc đã từng diễn ra khuynh hướng chỉ nhấn mạnh một chiều quan điểm giai cấp, coi nhẹ vấn đề dân tộc. Gần đây lại chuyển sang một cực đoan khác: Chỉ nhấn mạnh yếu tố dân tộc, yếu tố nhân loại, coi nhẹ hoặc vứt bỏ yếu tố giai cấp, từ bỏ đấu tranh cách mạng, từ bỏ chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Dù tình hình thế giới có biến động đến đâu, dù Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới không còn thì vẫn còn đó những nét cơ bản của thời đại: “Đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức” (Theo Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 1996, tr76)
Khi xã hội còn đấu tranh giai cấp mà bỏ rời quan điểm giai cấp, chỉ nhấn mạnh bảo vệ sự sống, bảo vệ lợi ích toàn nhân loai, kết quả tai hại là đã làm suy yếu phong trào cách mạng thế giới, dẫn đến sự tan rã hệ thỗng xã hội chủ nghĩa đã tưng tồn tại hàng nửa thế kỷ.
Khuynh hướng chỉ nhấn mạnh lợi ích dân tộc, từ bỏ chủ nghĩa quốc tế chân chính đã dẫn đến sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc Sôvanh, để cho kể thù lợi dụng, kích động, làm cho tình hình một số khu vực mất ổn định kéo dài, các cuộc chiến tranh sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ,… diễn ra liên miên, gây đau thương tang tóc cho nhân dân các dân tộc, chỉ làm giàu cho túi tiền của bọn tài phiệt, lái súng.
Ở nước ta, quan điểm xem xét vấn đề dân tộc tách rời quan điểm giai cấp cũng được bộc lộ dưới nhiều hình thức và mức độ. Có ý kiến cho rằng đất nước đi theo con đường nào cũng được, chế độ nào cũng được, miễn là có cuộc sống sung sướng, tự do. Có ý kiến nêu vấn đề: Độc lập dân tộc có nhất thiết phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội? Cũng có ý kiến cho rằng chủ nghĩa xã hôi là một lý tưởng tốt đẹp, nhưng là điều không tưởng,… từ đó họ khuyên chúng ta nên từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa, từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng. Khuynh hướng đó cũng được thể hiện trong việc đòi hỏi phải xem xét, đánh giá lại một số sự kiện và nhân vật lịch sử,…
Mặt khác, cũng cần khắc phục quan điểm sơ cứng, giáo điều trong việc nhìn nhận vấn đề giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nướcc ta, thoát ly bối cảnh và điều kiện lịch sử cụ thể của dân tộc. Phải thấy chúng ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội nhằm mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hôi công bằng, dân chủ, văn minh”, nhân dân ấm no, hạnh phúc,… mục tiêu đó không chỉ là vấn đề giai cấp mà vùa là giai cấp, lại vừa là dân tộc. Nó chứng tỏ ở Việt Nam chỉ có Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân mới là lực lượng đại biểu chân chính cho lợi ích của dân tộc, mới xây dựng được mặt trận đại đoàn kết dân tộc để thực hiện được mục tiêu trên. Những lệch lạc về phía này hay phía khác đều là trái với tư tuởng Hồ Chí Minh.
Vì vây, đi đôi với tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, cần làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh về sự kết hợp dân tộc và giai cấp, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội được quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, lấy đó làm định hướng cho việc nhận thức và giải quyết các vấn đề của dân tộc và của thời đại hiên nay.
3. Chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giải quyết tốt mối quan hệ giữa các dân tộc anh em và trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Trong thời kỳ lịch sử mới, Đảng ta tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết của Hồ Chí Minh, ra sức phấn đấu để tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nên tảng; lấy mục tiêu độc lập, thống nhất, tiến lên dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn mịnh làm điểm tương đồng, đồng thời chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc… Chủ trương đó của Đảng đã thực sự đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, dù sống ở trong nước hay định cư ở nước ngoài, đồng tình, ủng hộ và đã thu được những kết quả tôt đẹp. Khối đại đoàn kết dân tộc đã được tăng cương và mở rộng hơn một bước, đã huy động được sức người, sức của của đồng bào ở trong nước và kiều bào ở nước ngoài đóng góp vào thành tựu của công cuộc đổi mới.
Trong xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc phải chăm lo giai quyết tốt hơn nữa mối quan hệ giữa các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Đại hội đại biểu toàn lần thứ IX của Đảng đã nêu rõ: “Vấn đề dân tộc và đoan kết các dân tộc luôn luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng” (Theo Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nôi - 2001, tr.127) Đại đoan kết các dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam là một nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Lịch sử đã ghi nhận công lao và đóng góp to lớn của các dân tộc miền núi nước ta và thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tông, Nguyên, Minh, Thanh. Trong đấu tranh cách mạng thời kỳ bí mật cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống pháp và chống Mỹ, Việt Bắc, Đông Nam bộ và Tây Nguyên,… đều là nơi đặt bản doanh, là căn cứ địa vững chắc của cách mạng. Vì vây, Hồ Chí Minh đã nhân định: “Đồng bào miền núi có truyền thống cần cù và dũng cảm trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến, đồng bào miền núi đã có nhiều công trạng vẻ vang và oanh liệt” (Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập,nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.10, tr.608)
Trong việc, đền ơn, đáp nghĩa cho đồng bào miền núi, giúp miền núi nhanh chóng tiến kịp miền xuôi, Ngươi chỉ thị: “Các cấp bộ đảng phải thi hành đúng chính sách dân tộc, thực hiện sự đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc”, sao cho khoảng sau hai kế hoạch 5 năm, đạt được các mục tiêu: “Nhân dân no ấm hơn, mạnh khoẻ hơn - Văn hoá sẽ cao hơn - Giao thông tiện lợi hơn - Bản làng vẫn tươi hơn - Quốc phòng vững vàng hơn”.
Nhìn lại đời sống các dân tộc miền núi sau hơn 15 năm đổi mới, tình hình đã có một số chuyển biến rõ nét: Kinh tế tự nhiên được thu hẹp, sản xuất hàng hoá tại một số vùng được mở rộng, mức sống vật chất và tinh thần của đông bào miền núi được cải thiện một bước. Tuy nhiên, đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của đồng bào vẫn đang ở tình trạng nghèo nàn và lạc hâu: Thiếu đất canh tác, tình trạng du canh du cư vẫn tiếp diễn, nạn mù chữ còn phổ biến, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan đang phát triển…
So với nhiều nước trên thế giới hiện nay, mối quan hệ giữa các dân tộc anh em ở nước ta là tốt đẹp và ổn định. Tuy nhiên, không phải không có những cơ sở đe các thế lực thù địch khai thác, lợi dụng. Có những vấn đề do lịch sử để lại, có vấn đề do kể thù gây ra và nuôi dưỡng nhằm chống phá cách mạng thời gian trước đây, có vấn đề do sai lầm của cán bộ ta trong thi hành chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ ở miền núi, vi phạm đến đời sống tình cảm, tâm lý, tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng,…
Để loại trừ những nguyên nhân có thể dẫn đến căng thẳng trong mối quan hệ giữa các dân tộc, có thể bị kẻ thù lợi dụng, chúng ta phải thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội đại biêu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã đề ra cho miền núi, trong đó có nhiệm vụ: xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, phát triển sản xuất hàng hoá, xoá đói,giảm nghèo; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; đặc biệt quan tâm vùng gặp nhiều khó khăn, vùng trước đây là căn cứ cách mạng và kháng chiến; tích cực thực hiện chính sách ưu tiên trong việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ đan tộc thiểu số; chống kỳ thị chia rẽ dân tộc, chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, khắc phục tư tưởng tự ti, mặc cảm dân tộc (Theo Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiên Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2001, tr. 127-128)
Nhờ vận dụng sáng tạo và kết hợp nhuần nhuyễn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, Hồ Chí Minh đã rất thành công trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đại đoàn kết các dân tộc đa số và thiểu số, khơi dậy và phát huy tiềm năng cách mạng của toàn dân tộc, đưa đến thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giai phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Nhìn vào thắng lợi cách mạng Việt Nam hơn 70 năm qua và nhìn rộng ra tình hình thế giới ở thập niên cuối của thế kỷ XX, chúng ta dễ dành nhận thấy đâu là nguyên nhân dẫn đến thắng lợi, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự tan rã, sụp đổ, đến chiến tranh dân tộc, xung đột sắc tộc,… chúng ta càng trân trọng và tự hào biết bao với di sản tư tưởng lý luân quý báu mà Hồ Chí Mình để lại cho Đảng và cho dân tộc.
KẾT LUẬN
Tóm lại, có thể khẳng định rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt, vận dụng một cách sáng tạo và đưa lại những kết quả rõ rệt. Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ; chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc cực đoan và kỳ thị, chia rẽ dân tộc; khắc phục tư tưởng tự ti, mặc cảm dân tộc; cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trên đây là toàn bộ bài tập nhóm tuần thứ nhất của chúng em với đề tài: “Nêu quan điểm vận dụng của Đảng ta về vấn đề dân tộc trong công cuộc đổi mới đất nước” Vì khuôn khổ bài tập nhóm tháng có hạn nên có thể bài làm của chúng em không tránh khỏi những thiếu sót. Nhóm 8 - lớp Tư tưởng Hồ Chí Minh N03 chúng em rất mong nhận được sự góp ý từ các thầy, các cô để bài làm được hoàn thiện hơn.
Chúng em xin chân thành cảm ơn!
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ GD-ĐT, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội 2009
2. Hội đồng trung ương chỉ đạo biên soan giáo trình Quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB CTQG, Hà Nội 2003
3. Nguyễn Mạnh Tường (chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh - Một số nhận thức cơ bản, NXB CTQG, Hà Nội 2009
4. Nguyễn Bá Linh, Tư tưởng Hồ Chí Minh - Một số nội dung cơ bản, NXB CTQG, Hà Nội 1995
5. Sơn Song Sơn, Uỷ viên trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm thường trực UBND, Vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc trong đường lối đổi mới của Đảng ta
6. Các website:
- http://vi.wikipedia.org
- http://vn.answers.yahoo.com
- http://www.wattpad.com
- http://tailieuhay.com
- http://cema.gov.vn
Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment