17/06/2014
Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Bài tập học kỳ Luật Hiến pháp
Bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như bộ máy của những nước khác có cơ cấu tổ chức rất phức tạp, được hình thành bằng những cách thức khác nhau và có chức năng, thẩm quyền khác nhau. Cách phân loại tổ chức phổ biến nhất là căn cứ vào trật tự hình thành cũng như tính chất, vị trí, chức năng của các cơ quan nhà nước. Nếu dựa vào những căn cứ này thì các cơ quan trong bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay gồm có: Hệ thống các cơ quan đại diện (hay còn gọi là các cơ quan quyền lực nhà nước) bao gồm Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp (tỉnh, huyện, xã và cấp tương đương); Hệ thống các cơ quan chấp hành (hay còn gọi là các cơ quan quản lí nhà nước) bao gồm Chính phủ, các bộ, các ủy ban nhà nước, các cơ quan khác thuộc Chính phủ cũng như ủy ban nhân dân các cấp (tỉnh, huyện, xã và cấp tương đương) và các sở, phòng, ban thuộc ủy ban nhân dân; Hệ thống các cơ quan xét xử bao gồm Tòa án nhân dân tối cao, tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tòa án nhân dân huyện, quận và tương đương, tòa án quân sự và một số tòa án khác (như tòa kinh tế, tòa hành chính...) do Quốc hội quyết định thành lập; Hệ thống các cơ quan kiểm sát gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, viện kiểm sát nhân dân huyện, quận và cấp tương đương cũng như viện kiểm sát quân sự các cấp. Ngoài ra trong tổ chức bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn có Chủ tịch nước.

Theo Điều 2 Hiến pháp năm 1992 qui định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân...” Nhân dân có thể thực hiện quyền lực của mình bằng các biện pháp dân chủ trực tiếp, bán trực tiếp và gián tiếp. Bằng biện pháp dân chủ gián tiếp, nhân dân bầu ra các cơ quan đại diện (Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp) để thực hiện quyền lực của mình. Vì vậy, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bài viết này em xin trình bày vấn đề: “Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Nội dung

1. Khái quát về nguyên tắc quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất qua 4 bản Hiến pháp nước ta

Trong bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Nguyên tắc này được quy định lần đầu tiên trong Hiến pháp năm 1946. Điều 22 Hiến pháp năm 1946 quy định: “Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền lực cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Khác với các nước khác, Nghị viện nhân dân ở nước ta là cơ quan quyền lực cao nhất, là cơ quan có quyền đặt ra các pháp luật và có quyền quyết định những vấn đề chung của toàn quốc, biểu quyết ngân sách ... (quy định tại Điều 22, 23 Hiến pháp năm 1946).

Tiếp đó, nguyên tắc này được củng cố và quy định rõ ràng hơn trong Hiến pháp năm 1959: “Tất cả quyền lực trong nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thuộc về nhân dân, nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân” (Điều 4). Hiến pháp năm 1959 đã có một số sửa đổi, bổ sung mới: Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp (qui định tại điều 43, 44 Hiến pháp năm 1959).

Đến Hiến pháp năm 1980, vị trí tính chất và mối quan hệ giữa các cơ cấu lớn của bộ máy nhà nước có những điểm mới đáng chú ý. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, có quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước... (quy định tại Điều 82 Hiến pháp 1980).

Hiến pháp năm 1992 đã nêu rõ vị trí tính chất của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 83). Vai trò của Quốc hội được tăng cường và phát triển hơn nữa trong việc quy định cơ cấu tổ chức Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhất là trong việc quy định vị trí, tính chất, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quyền lực nhà nước.

Như vậy, có thể thấy tính quyền lực của Quốc hội ngày càng được củng cố, bổ sung và phát triển qua từng bản Hiến pháp.

2. Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất

Tính quyền lực nhà nước cao nhất của Quốc hội thể hiện thông qua các biểu hiện cơ bản sau:

Thứ nhất, tính quyền lực nhà nước cao nhất thể hiện thông qua cơ sở nguồn gốc quyền lực nhà nước. Khác với các nhà nước phong kiến Việt Nam trước đây, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được hình thành trên cơ sở bầu cử theo bốn nguyên tắc: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kí. Nhân dân cả nước bầu ra Quốc hội. Quốc hội gồm những Đại biểu Quốc hội xuất thân từ nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Quốc hội do nhân dân bầu ra, được nhân dân trực tiếp giao cho quyền lực nhà nước để thay mặt nhân dân thực hiện những quyền lực đó, theo qui định tại Điều 6 Hiến pháp năm 1992: “... nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội ...”. Để sử dụng quyền lực nhà nước một cách có hiệu quả, Quốc hội làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp (một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội được quy định tại Điều 84 Hiến pháp năm 1992), và một trong những nội dung của Hiến pháp là xác định cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, tức là Quốc hội cùng Hội đồng nhân dân thành lập ra các cơ quan nhà nước khác để thực hiện những quyền lực nhà nước nhất định. Như vậy, từ sự hình thành Quốc hội đã dẫn đến hình thành các cơ quan nhà nước khác, Quốc hội có quyền quyết định thành lập, bầu ra, phê chuẩn các chức danh cao nhất trong bộ máy nhà nước (như Chính phủ - cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Chánh án Tòa an nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao...) và tổ chức giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Thứ hai, tính quyền lực nhà nước cao nhất của Quốc hội thể hiện thông qua phạm vi quyền lực nhà nước. Trong bộ máy nhà nước ta hiện nay, bộ máy nhà nước được hợp thành bởi nhiều cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước là một tổ chức được thành lập và hoạt động theo những nguyên tắc và trình tự nhất định, có cơ cấu tổ chức nhất định và được giao những quyền lực nhà nước nhất định, được quy định trong các văn bản pháp luật để thực hiện một phần những nhiệm vụ, quyền hạn của nhà nước.  Trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, các cơ quan nhà nước đều thể hiện thẩm quyền nhưng phạm vi thẩm quyền của mỗi cơ quan là khác nhau (dựa vào vị trí, tính chất, chức năng của mỗi cơ quan nhà nước do Nhà nước quy định). Phạm vi thẩm quyền của Quốc hội được Nhà nước xác định trong Hiến pháp thông qua các phương diện hoạt động của quốc gia đó là có quyền lập hiến và lập pháp; có quyền quyết định những vấn đề cơ bản quan trọng của quốc gia (như là nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia...); có quyền giám sát tối cao đối với mọi hoạt động của Nhà nước trên từng phương diện hoạt động cụ thể của từng đối tượng chủ thể thực hiện, tập trung giám sát các cơ quan nhà nước trung ương (như Hội đồng nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiếm sát nhân dân tối cao...). Có thể thấy, phạm vi quyền lực của Quốc hội được Nhà nước ban cho bao trùm trên mọi phương diện quan trọng và cơ bản của đất nước, tất cả mỗi cơ quan nhà nước trong bộ máy nhà nước đều có phạm vị thẩm quyền riêng song đều đặt dưới sự giám sát tối cao của Quốc hội càng nhấn mạnh phạm vi quyền lực sâu rộng của Quốc hội, Quốc hội biểu hiện tập trung ý chí và quyền lực của nhân dân trong phạm vi cả nước.

Thứ ba, tính quyền lực nhà nước cao nhất của Quốc hội được thể hiện thông qua chức năng của Quốc hội. Điều 83 Hiến pháp năm 1992 đã quy định chức năng của Quốc hội bao gồm những phương diện lớn sau đây:

- Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Quyền lập hiến là quyền ban hành hiến pháp, lập ra hiến pháp và sửa đổi hiến pháp. Ở tất cả các nước trên thế giới, quyền lập hiến thuộc về cơ quan lập pháp cao nhất là quốc hội, nghị viện.  Quyền lập pháp là quyền ban hành luật và sửa đổi luật. Quyền này thuộc nghị viện, quốc hội.  Ở nước ta, quyền lập hiến và quyền lập pháp đều thuộc về Quốc hội Quyền lập hiến và lập pháp của Quốc hội xuất phát từ vị trí, tính chất của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Vì vậy chỉ có Quốc hội mới có quyền định ra các quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lí cao nhất, điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản của xã hội ta. Các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước khác ban hành không được trái với tinh thần và nội dung của Hiến pháp và Luật. Để đảm bảo cho hoạt động làm và sửa đổi Hiến pháp và Luật của Quốc hội được tiến hành hiệu quả, pháp luật đã quy định cụ thẻ các bước chuẩn bị và quy trình thực hiện. Sáng kiến lập pháp (sáng kiến pháp luật) tức là quyền trình dự án luật ra trước Quốc hội được giao cho nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và những người có chức trách trong bộ máy nhà nước (như Chính phủ, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội....), sau đó trình bày trước Quốc hội và để Quốc hội xem xét dự án đó. Ngoài ra, Hiến pháp năm 1992 cũng đã bổ sung quyền quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhằm bảo đảm cho hoạt động lập pháp của Quốc hội có hiệu quả hơn.

- Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội có quyền quyết định những mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội (các vấn đề quốc kế, dân sinh), quyế định những chính sách cơ bản về đối nội và đặc biệt là đối ngoại (như các điều ước quốc tế do Chủ tịch nước đề nghị hoặc trực tiếp kí), những vấn đề trọng đại đối với vận mệnh đất nước (quyết định chiến tranh và hòa bình, các chính sách về vấn đề dân tộc và tôn giáo...). Quốc hội đóng vai trò đặc biệt trong việc xây dựng, củng cố và phát triển bộ máy nhà nước từ trung ương tới địa phương. Bộ máy nhà nước từ trung ương tới địa phương, từ các cơ quan quyền lực nhà nước đến các cơ quan quản lí nhà nước, cơ quan xét xử và cơ quan kiểm sát được tổ chức theo mô hình nào, nguyên tắc tổ chức hoạt động ra sao đều do Quốc hội xem xét lựa chọn, quyết định tại các kì họp của mình và được thể hiện trong Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức tòa án nhân dân, Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Ngoài ra, Quốc hội còn có quyền bầu, miễn nhiễm, bãi nhiễm các chức danh quan trọng hoặc các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ, các văn bản trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội... Những vấn đề quan trọng hàng đầu và cơ bản nhất của một quốc gia đều tập trung do Quốc hội quyết định là thể hiện rõ nét cho tính quyền lực nhà nước cao nhất của Quốc hội.

- Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước nhằm đảm bảo cho những quy định của Hiến pháp và pháp luật được thi hành triệt để  và thống nhất, bộ máy nhà nước hoạt động đồng bộ và có hiệu quả. Hội đồng nhân dân, viện kiểm sát nhân dân...cũng là những cơ quan có chức năng và nhiệm vụ giám sát việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật song sự giám sát của Quốc hội là sự giám sát cao nhất. Quốc hội thực hiện quyền giám sát nhằm đảm bảo cho những quy định của Hiến pháp, pháp luật được thi hành triệt để, nghiêm chỉnh và thống nhất. Quốc hội giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo các cơ quan này thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn đã được qui định, làm cho bộ máy nhà nước ta hoạt động có hiệu lực, đồng bộ, không chồng chéo và chống những biểu hiện tham nhũng, cửa quyền, quan liêu.

Như vậy, qua các biểu hiện trên có thể thấy được rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kết luận

Quyền lực nhà nước tập trung cao nhất ở Quốc hội – cơ quan đại diện của nhân dân, trực tiếp thay mặt nhân dân cả nước lãnh đạo, điều hành các cơ quan nhà nước trong bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm thực thi và bảo vệ quyền lực vốn có của nhân dân, đảm bảo cho nhân dân một cuộc sống tốt đẹp, lành mạnh, văn minh và tiến bộ. Việc hiểu được Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất sẽ tạo điều kiện củng cố, tập trung ý chí và quyền lực của nhân dân cả nước; tạo cơ sở tin tưởng vững vàng đối với nhân dân toàn quốc về những đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng và lãnh đạo đất nước của Nhà nước nói chúng và của Quốc hội nói riêng chống lại những thế lực chống phá, thù địch trong và ngoài nước; cổ vũ tinh thần đoàn kết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ nhân dân.

Cảm ơn bạn Giang Linh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này.

No comments:

Post a Comment