17/06/2014
Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc ban hành Luật thuế sử dụng đất - Bài tập học kỳ Luật Tài chính
Ở Việt Nam, đất đai không được thừa nhận là sở hữu tư nhân. Một cách khái quát nhất, thuế đối với đất đai là thuật ngữ hàm chỉ các loại thuế đánh vào việc sử dụng đất hoặc có quyền sử dụng và đánh thuế đánh vào hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu đất. Việt Nam hiện nay có các sắc thuế liên quan đến đất đai như: thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế nhà, đất và thuế chuyển quyền sử dụng đất.

Để phần nào hiểu rõ hơn về Luật thuế sử dụng đất, bài viết dưới đây đề cập đến vấn đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc ban hành Luật thuế sử dụng đất.”

Nội dung

1. Khái quát về Luật thuế sử dụng đất

Thuế sử dụng đất nông nghiệp

Thuế sử dụng đất nông nghiệp là loại thuế thu vào việc sử dụng đất nông nghiẹp hoặc việc được giao đất vào sản xuất nông nghiệp


Thuế sử dụng đất nông nghiệp có một số nét đặc thù. Một, thuế sử dụng đất nông nghiệp chỉ thu vào việc sử dụng hoặc có quyền sử dụng đất, không thu vào hoa lợi trên đất vì vậy có tác dụng giảm nhệ gánh nặng thuế cho người nộp thuế, chủ yếu là các hộ nông dân có thu nhập thấp so với mặt bằng chung trong xã hội. Hai, thuế sử dụng đất nông nghiệp là loại thuế có tính xã hội cao do đối tượng nộp thuế chiếm tỷ lệ lớn. Ba, thuế sử dụng đất nông nghiệp là loại thuế được thu theo mùa vụ, được tính bằng thóc nhưng chủ yếu thu bằng tiền, do vậy mà việc thu thuế phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm thu hoạch của vụ sản xuất chính và giá cả thực tế trên thị trường địa phương.


Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là loại thuế thu hàng năm (bằng tiền hay hiện vật) mà tổ chức, cá nhân sử dụng đất phi nông nghiệp bắt buộc phải nộp cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Cũng như các sắc thuế khác, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có các đặc điểm chung của thuế và một số đặc điểm đặc thù. Một, nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có quyền sử dụng hoặc trực tiếp sử dụng đất phi nông nghiệp để ở, để xây dựng công trình, để sản xuất, kinh doanh. Hai, nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là nghĩa vụ bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất phi nông nghiệp. Hành vi trốn thuế, gian lận thuế đều là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý về hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ba, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chỉ phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với việc sử dụng đất phi nông nghiệp mà thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật; còn sử dụng đất phi nông nghiệp nhưng đất đó không thuộc đối tượng chịu thuế thì tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (như đất do cơ sở tôn giáo sử dụng, đất xây dựng cơ sở y tế, giáo dục, đất làm nghĩa trang, nghĩa địa,…). Bốn, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là một loại thuế trực thu, do các chủ thể có quyền sử dụng hoặc trực tiếp sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp theo quy định pháp luật về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Năm, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có tính chất động viên chủ thể có quyền sử dụng hoặc trực tiếp sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu quả. Thông qua việc thu thuế đã khuyến khích chủ thể có quyền sử dụng đất phải sử dụng có hiệu quả bằng việc đầu tư sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Sáu, thuế được thu hàng năm với mức thuế suất thấp, tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá đất tính thuế của từng mảnh đất hoặc theo mức thu cố định cho mỗi đơn vị diện tích sử dụng, có phân biệt theo vị trí, mục đích sử dụng đất. Chủ thể sử dụng đất phi nông nghiệp ở những vị trí có khả năng sinh lợi lớn, mang lại lợi nhuận cao cho người sử dụng thì phải đóng thuế cao hơn những chủ sử dụng đất ở những vị trí kém sinh lợi.

Thuế nhà, đất

Thuế nhà, đất là loại thuế thu vào việc trực tiếp sử dụng hoặc việc có quyền sử dụng đất ở, đất xây dựng công trình, loại thuế thu vào việc trực tiếp sử dụng hoặc việc có quyền sử dụng đất ở, đất xây dựng công trình. Loại thuế này không thu vào đất nông nghiệp, lầm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản và làm muối.

Thuế nhà, đất có một số đặc thù khác với các loại thuế đất khác. Một, thuế nhà, đất không thu vào đất nông nghiệp. Vì thế, khi xác điịnh số thuế nhà, đất hộ gia đình ở nông thôn phải nộp cần có sự tách biệt giữa diện tích đất nông nghiệp với diện tích đất ở. Hai, căn cứ tính thuế nhà, đất mặc dù có nhiều điểm tương dồng với căn cứ tính thuế sử dụng đất nông nghiệp nhưng trong nhiều trường hợp có mức thu cao hơn nhiều. Ba, thuế nhà, đất cũng được tính bằng thóc và thu bằng tiền nhưng thời hạn nộp thuế không phụ thuộc vào thời điểm thu hoạch vụ sản xuất chính như thời hạn thu thuế sử dụng đất nông nghiệp

2. Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc ban hành Luật thuế sử dụng đất

Cơ sở lý luận

2.1.1 Quan điểm xây dựng Luật thuế sử dụng đất

- Quán triệt chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về nội dung tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới chính sách pháp luật về đất đai. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/01/2008 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã yêu cầu: “Hoàn thiện chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, đất được giao nhưng không đưa vào sử dụng theo cam kết và các trường hợp sở hữu, sử dụng nhà, đất vượt quá hạn mức quy định, ngăn chặn những cơn sốt giá do đầu cơ bất động sản, đặc biệt là đất đai”. 

- Việc xây dựng Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là để thực hiện Chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010. Ngày 06 tháng 12 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 201/2004/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010. Theo đó, chính sách thuế liên quan đến tài sản là đất sẽ được hoàn thiện theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế để bảo đảm công bằng giữa các tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu, sử dụng tài sản là đất.

- Hoàn thiện và đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật về thuế, thống nhất với quy định của Luật quản lý thuế; phù hợp với thực tiễn và phù hợp với các quy định của Luật đất đai năm 2003, Luật nhà ở, Luật đầu tư và các chính sách thu khác liên quan đến đất đai

2.1.2 Hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến việc ban hành Luật thuế sử dụng đất

Trong kháng chiến chống Pháp, Nhà nước đã có chính sách dộng viên đóng góp của giai cấp nông dân – lớp người trực tiếp sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp cho cuộc kháng chiến bằng việc ban hành Sắc lệnh số 13 ngày 01 tháng 05 năm 1952 về thuế nông nghiêp. Thuế nông nghiệp trong vòng 3 năm đầu kể từ khi ra đời (1951 – 1954) đã là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước và là nguồn lương thực quan trọng phục vụ cho cuộc kháng chiến.

Sau giải phóng thủ đô năm 1954, Việt Nam bị chia cách hai miền Bắc và Nam nên không thể có ngay một chính sách thuế thống nhất và duy nhất đối với đất đâi. Ở miền Bắc, ngoài Sắc lệnh thuế nông nghiệp nêu trên, còn có thểm thuế thổ trạch ban hành kèm theo Điều lệ tạm thời về thuế thổ trach do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 12 tháng 01 năm 1956. Thuế này đánh vào nhà đất ở các thành phố và thị trấn sau giải phóng thủ đô, với đối tượng nộp thuế là tất cả những ai có nhà, đất hoặc trực tiếp sử dụng nhà, đất hoặc người trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất nếu có phát sinh tranh chấp mà chưa xác định được chủ sử dụng đất và chủ sở hữu hợp pháp. Thuế thổ trạch xác định theo hai yếu tố thuế suất (là thuế suất tỷ lệ được quy định riêng đối với nhà và đất); giá nhà và giá đất tiêu chuẩn. Ở miền Nam, thuế đánh vào đất đai là thuế điền thổ được áp dụng từ năm 1853. Ngày 21/10/1972 Chính quyền Mỹ-Ngụy ban hành Sắc lệnh số 014/TT-SL theo đó thuế điền thổ gồm hai loại thuế thổ trạch và thuế ruộng vườn. Thuế thổ trạch đánh vào đất, nhà, vật kiến trúc nằm trong phạm vi đô thị với đối tượng nộp thuế gồm chủ sở hữu bất động sản nói trên. Căn cứ tính thuế là giá trị đất, nhà và vật kiến trục ấn định theo thời giá ngày 1/1 của năm tính thuế và thuế suất. Thuế ruộng, vườn đánh vào đất trồng lúa và các loại ngũ cốc, đất trồng cây công nghiệp,… có đối tượng nộp thuế là chủ sở hữu ruộng vườn. Căn cứ tính thuế là giá trị năng suất ruộng vườn chịu thuế theo tình trạng ruộng đất trong năm tính thuế và thuế suật.

Sau khi miền năm giải phóng, đất nước thống nhất, Hội đồng nhà nước ban hành Pháp lệnh thuế nông nghiêp năm 1983 thay thế Sắc lệnh thuế nông nghiệp năm 1951, áp dụng toàn quốc. Năm 1989, Pháp lệnh này đã được sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mời quản lý kinh tế nông nghiệp theo Nghị Quyết 10 NQ/TW ngày 5/4/1988 của Bộ chính trị.

Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng đề ra yêu cầu đổi mới trong quản lý và sử dụng đất đai, trước yêu cầu đó, ngày 29/6/1991, Hội đồng nhà nước đã ban hành Pháp lệnh thuế nhà, đất thay thế Điều lệ tạm thời về thuế thổ trạch, có hiệu lực từ ngày 15/7/1991; ngày 10/7/1993, Quốc hội đã thông qua Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp thay thế cho Pháp lệnh thuế nông nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/1/1992. Luật thuế này ra đời đã làm thay đổi căn bản bản chất của loại thuế đánh vào việc sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp, đó là sự thay thế loại thế hồn hợp ảo hảm cả thuế đất và thuế hoa lợi trên đất bằng loại thuế sử dụng đất thuần túy.

Thông tư số 83/TC-TCT ngày 07 ngày 10 năm 1994 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 94/CP ngày 25/8/1994 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh về thuế nhà, đất. Thông tư này thay thế Thông tư số 50-TC/TCT ngày 30 tháng 9 năm 1992. Thông tư hướng dẫn cụ thể và chi tiết về đối tượng chịu thuế; đối tượng nộp thuế; các trường hợp không thu thuế đất ở, đất xây dựng; căn cứ tính thuế và mức thuế; kê khai nộp thuế, các trường hợp giảm thuế, miễn thuế đất… thuế đất được thu bằng tiền theo giá thóc thuế sử dụng đất nông nghiệp của vụ cuối năm liền trước năm thu thuế.

Thông tư số 71/2002/TT-BTC ngày 19 tháng 8 năm 2002 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 83/TC-TCT. Để thực hiện miễn, giảm thuế nhà đất phù hợp với thực tế, ngày 19 tháng 8 năm 2002, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 71/2002/TT-BTC hướng dẫn bổ sung một số quy định về thuế nhà, đất tại Thông tư số 83/TC-TCT. Bổ sung thêm đối tượng được miễn thuế đất ở đối với các hộ dân cư tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, đất ở của các hộ thuộc diện hộ nghèo. Miễn thuế đất 01 năm đối với hộ gia đình bị Nhà nước thu hồi đất để phục vụ quy hoạch của cấp có thẩm quyền phải mà phải chuyển đến nơi ở mới thì số thuế của diện tích đất bị giải toả và diện tích đất nơi ở mới được miễn trong năm đó.

Hiện nay, nguồn chủ yếu của pháp luật thuế đối với việc sử dụng đất được tìm thấy trong Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp, Pháp lệnh thuế nhà, đất, Pháp lệnh sửa đổi bổ sung Pháp lệnh thuế nhà đất và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngày 17/6/2010, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá XII đã thông qua “Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp”. Luật thuế sử sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực vào ngày 01/01/2012.

Cơ sở thực tiễn

2.2.1 Tình hình thực hiện Pháp lệnh thuế nhà, đất năm 1992 

* Kết quả đạt được

Chính sách thuế nhà, đất được thực hiện theo Pháp lệnh thuế nhà, đất ngày 31 tháng 7 năm 1992 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thuế nhà, đất ngày 19/5/1994. Sau hơn 15 năm thực hiện, Pháp lệnh thuế nhà, đất cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra khi ban hành Pháp lệnh, cụ thể là: 

- Pháp lệnh thuế nhà, đất đã góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với việc sử dụng đất. 

Theo quy định của Pháp lệnh thuế nhà, đất thì đối tượng chịu thuế là đất ở, đất xây dựng công trình; tạm thời chưa có quy định về thuế nhà và chưa thu thuế nhà. Theo đó, đối tượng nộp thuế là các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất ở, đất xây dựng công trình. Trong trường hợp có sự tranh chấp hoặc chưa xác định được quyền sử dụng đất thì tổ chức, cá nhân đang trực tiếp sử dụng đất là đối tượng nộp thuế đất. Để thực hiện Pháp lệnh thuế nhà, đất thì tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm kê khai tình hình sử dụng đất với cơ quan thuế (kể cả trường hợp có sự thay đổi về quyền sử dụng đất). Như vậy, thông qua việc kê khai tình hình sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân trong những năm đầu thực hiện Pháp lệnh đã góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với việc sử dụng đất.

- Góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm phù hợp với quy định pháp luật về đất đai.

Theo quy định của Pháp lệnh thuế nhà, đất thì căn cứ tính thuế đất được xác định theo mức thuế sử dụng đất nông nghiệp, cụ thể là đối với đất ở, đất xây dựng công trình thuộc thành phố, thị xã, thị trấn mức thuế bằng từ 1 đến 32 lần mức thuế sử dụng đất nông nghiệp cao nhất trong vùng và chia theo từng loại đất đô thị; đối với đất ở, đất xây dựng công trình thuộc vùng ven đô thị, ven đầu mối giao thông và ven trục giao thông chính, mức thuế bằng từ 2 đến 2,5 lần mức thuế sử dụng đất nông nghiệp cao nhất trong vùng; đối với đất ở, đất xây dựng công trình thuộc vùng nông thôn, đồng bằng, trung du, miền núi, mức thuế bằng 1 lần mức thuế sử dụng đất nông nghiệp cao nhất trong vùng. Việc thu thuế sử dụng đất đối với nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở được phân bổ theo hệ số cho các tầng khác nhau, từ tầng 5 trở lên không phải nộp thuế đất ở, từ tầng 4 trở xuống áp dụng theo hệ số phân bổ, càng lên cao hệ số giảm dần. Với quy định này, Pháp lệnh thuế nhà, đất đã góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả hơn.

- Góp phần thực hiện chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng cần được ưu đãi.

Pháp lệnh thuế nhà, đất có quy định chính sách miễn, giảm thuế nhà, đất đối với một số đối tượng cần được ưu đãi, như: đất ở vùng rừng núi, rẻo cao, đất ở đối với đồng bào xây dựng vùng kinh tế mới; gia đình thương binh, gia đình liệt sỹ, đất xây nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách xã hội; người tàn tật, người chưa đến tuổi thành niên, người già cô đơn không nơi nương tựa, đồng bào dân tộc thiểu số, người gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ... Điều này đã giúp giảm gánh nặng cho người nộp thuế, góp phần thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng cần được ưu đãi.

- Động viên sự đóng góp của người sử dụng đất vào ngân sách nhà nước, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.

Thuế nhà, đất có số thu bình quân khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm và tốc độ tăng bình quân hàng năm 13%. Đây là nguồn thu ổn định, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách địa phương. 

* Những hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được như nêu trên, Pháp lệnh thuế nhà, đất đã bộc lộ một số hạn chế cần được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới. 

- Về đối tượng chịu thuế

Theo quy định của Pháp lệnh thuế nhà, đất, đối tượng chịu thuế là đất ở và đất xây dựng công trình. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 13 của Luật đất đai năm 2003 xác định nhóm đất phi nông nghiệp gồm: Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị; đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp; đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp (đất xây dựng khu công nghiệp; đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng; đất làm gốm); đất sử dụng vào mục đích công cộng (giao thông, thuỷ lợi, công trình công cộng, di tích lịch sử-văn hoá); đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;...

Đồng thời, trên thực tế do sự phát triển của kinh tế thị trường, nhiều ngành nghề kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế được phát triển, họ có sử dụng đất nhưng không để ở hoặc xây dựng công trình mà còn tiến hành các hoạt động sản xuất,  kinh doanh khác như kinh doanh kho bãi, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm…việc sử dụng đất từ những hoạt động này sinh lợi rất lớn nhưng họ lại không phải đóng thuế sử dụng đất (vì họ cũng không thuộc đối tượng nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp). Do đó, cần phải thay đổi đối tượng chịu thuế đối với thuế nhà, đất là đất ở, đất sản xuất kinh doanh cho phù hợp.

- Về căn cứ tính thuế

Pháp lệnh thuế nhà, đất hiện hành quy định: Căn cứ tính thuế dựa trên cơ sở thuế sử dụng đất nông nghiệp là diện tích đất, hạng đất và mức thuế. Trong đó:

+ Hạng đất tính thuế được xác định căn cứ vào các yếu tố chất đất, vị trí, địa hình, khí hậu, thời tiết và điều kiện tưới tiêu... là phù hợp với việc phân loại để thu thuế sử dụng đất nông nghiệp nhưng không phù hợp với việc tính thuế sử dụng đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.

+ Mức thuế được tính bằng kilôgam thóc trên 1 ha của từng hạng đất căn cứ vào mục đích sử dụng và khả năng thu hoa lợi trên đất, nay không còn phù hợp trong điều kiện chính sách tài chính liên quan đến đất đai thực hiện thống nhất theo quy định của Luật đất đai năm 2003 (sử dụng giá đất do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trong khung giá của Chính phủ làm căn cứ để tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; tính tiền sử dụng đất và tiền thuê đất khi giao đất, cho thuê đất...). Mức thuế đất phi nông nghiệp được áp dụng bằng từ 1 đến 32 lần mức thuế sử dụng đất nông nghiệp cao nhất trong vùng, nếu tính ra số tiền phải nộp trên 1m2 là rất thấp .

Ngoài ra, đối với đất ở các vùng giáp ranh, việc xác định số thuế đất phải nộp gặp rất nhiều vướng mắc, cụ thể: 2 mảnh đất ở cùng một vị trí, giá đất như nhau nhưng thuộc 2 địa phương khác nhau thì số thuế đất phải nộp là khác nhau do mức thuế khác nhau (do 2 mảnh thuộc 2 loại đô thị khác nhau) và giá thóc tính thuế khác nhau (do giá thóc tính thuế của mối địa phương là khác nhau). Hơn nữa, giá đất phi nông nghiệp có đặc điểm là phụ thuộc vào loại đô thị, loại đường phố, đặc biệt là vị trí của thửa đất nên giá đất của từng thửa đất rất khác nhau trong khi thuế đất của 2 thửa đất tuy cùng thuộc một loại đô thị, cùng thuộc một loại đường phố, có vị trí khác nhau, nhưng lại cùng nộp mức thuế đất như nhau là không hợp lý; thuế lúc thiên tai mất mùa lại cao hơn lúc được mùa do giá thóc lúc mất mùa cao hơn lúc được mùa.

Pháp lệnh thuế nhà, đất chưa có sự điều tiết cao đối với những đối tượng có quyền sử dụng đất với diện tích lớn để khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và hạn chế đầu cơ về đất, cụ thể là: Không phân biệt giữa việc sử dụng đất trong hạn mức và vượt hạn mức; không phân biệt giữa người có quyền sử dụng một thửa đất với người có quyền sử dụng nhiều thửa đất; không phân biệt giữa người có đất đưa vào khai thác sử dụng đúng tiến độ với người có đất nhưng bỏ hoang, không đưa vào khai thác sử dụng

- Về chính sách miễn, giảm thuế

Pháp lệnh thuế nhà, đất quy định miễn thuế đối với gia đình thương binh loại 1/4, loại 2/4; gia đình liệt sĩ được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước, nhưng không miễn giảm đối với các đối tượng là người có công với cách mạng như: Người hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945; thương binh hạng 3/4, 4/4; bệnh binh 2/3, 3/3 dẫn đến chưa công bằng trong quá trình thực hiện.

- Về phương thức thu thuế

Thuế đất (áp dụng đối với cả thuế sử dụng đất nông nghiệp) ghi thu bằng thóc nhưng quy đổi ra tiền theo giá thóc của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cho từng mùa vụ đã dẫn đến thiếu công bằng trong việc động viên thuế: Miền núi cao hơn miền xuôi (vì giá thóc ở miền núi, trung du thường cao hơn ở vùng đồng bằng và miền xuôi), lúc thiên tai mất mùa phải nộp thuế nhiều hơn lúc mùa vụ bình thường (do giá thóc lúc mất mùa cao hơn lúc mùa vụ bình thường). Giá thóc trên thị trường ở các thời điểm khác nhau cũng gây khó khăn cho công tác thu thuế và không khuyến khích người dân nộp thuế sớm. Ngoài ra, có trường hợp cùng hạng đất có cùng định suất thuế, nhưng giá thóc giữa các địa phương khác nhau, nên việc quy định giá thóc thu của các địa phương khác nhau, tạo thêm sự bất bình đẳng trong chính sách thu.

- Về quản lý thuế

Ngày 29/11/2006, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Luật Quản lý thuế đã bãi bỏ các quy định về quản lý thuế trong các luật, pháp lệnh về thuế (như đăng ký, kê khai, tính và nộp thuế, xử lý vi phạm về thuế, khiếu nại, thời hiệu... ), trong khi đó Pháp lệnh thuế nhà, đất quy định cả nội dung về chính sách thuế và quản lý thuế là không còn phù hợp.

2.2.2 Sự cần thiết ban hành Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Thứ nhất, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã xác định: “Tiếp tục cải cách pháp luật về thuế theo hướng ổn định, đơn giản hơn, mức thuế phù hợp, có tính đến các chế định kinh tế quốc tế và khu vực cũng như các điều ước quốc tế khác có liên quan”.

Thứ hai, Pháp lệnh thuế nhà, đất được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 31/7/1992 và được Uỷ ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều năm 1994, quy định về điều tiết nguồn thu đối với đất phi nông nghiệp. Pháp lệnh này bước đầu đặt cơ sở cho việc tăng cường quản lý, động viên đóng góp của người sử dụng đất vào ngân sách nhà nước, tăng cường nguồn lực cho ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, qua hơn 15 năm thực hiện, đến nay, trước những bất cập phát sinh trong quản lý, điều tiết việc sử dụng đất, nhiều quy định của Pháp lệnh đã không còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật đất đai năm 2003; nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế chưa tương xứng với giá trị đất đai; đặc biệt, chưa thể hiện vai trò điều tiết, quản lý của Nhà nước trong vận hành nền kinh tế thị trường. 

Thứ ba, một số quy định về quản lý thuế đất trong Pháp lệnh thuế nhà, đất đã được thể hiện trong Luật quản lý thuế. Vì vậy, việc sửa đổi, nâng cao giá trị pháp lý của Pháp lệnh là cần thiết, nhằm hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về quản lý, sử dụng đất theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng; đồng thời, việc ban hành luật nhằm thể chế hóa chủ trương đổi mới chính sách về đất đai mà Đảng đã đề ra trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/01/2008, theo đó, tăng cường hơn nữa vai trò của thuế trực thu, trong đó có thuế sử dụng đất.

Thứ tư, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp không điều chỉnh việc thu thuế đối với nhà, vì các lý do sau: 

- Qua lấy ý kiến nhân dân cho thấy, việc áp dụng thuế nhà ở tại thời điểm hiện nay chưa có sự đồng thuận cao trong nhân dân. Hơn nữa, khi nền kinh tế chưa ổn định, việc áp dụng thuế nhà ở sẽ tác động đến tâm lý và làm tăng thêm nghĩa vụ tài chính đối với một bộ phận người dân.

- Một trong những mục tiêu áp dụng thuế đối với nhà ở là nhằm hạn chế đầu cơ nhà ở, song trên thực tế giá trị nhà ở lại gắn liền với giá trị đất và đầu cơ lại tập trung vào đất, căn cứ vào vị trí, địa thế của đất mà không phải đầu cơ giá trị xây dựng nhà trên đất. Do vậy, để hạn chế đầu cơ thì phải tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất.

- Áp dụng thuế nhà ở thực chất là áp dụng thuế tài sản, song trên thực tế, ngoài nhà ở còn có nhiều loại tài sản khác có giá trị lớn, thậm chí lớn hơn giá trị xây dựng của nhiều loại nhà như ô tô, máy bay, tàu thủy, du thuyền… Nếu chỉ áp dụng thuế tài sản đối với nhà ở thì chưa bảo đảm tính hợp lý, công bằng của một sắc thuế. Mặt khác, một số nước có trình độ phát triển hơn Việt Nam cũng chưa áp dụng thuế đối với nhà ở.

- Tại thời điểm hiện nay, việc tổ chức thực thi thuế đối với nhà ở có thể gặp khó khăn do nhiều điều kiện bảo đảm thực thi chưa đầy đủ, đồng bộ.

- Dự kiến số thu từ thuế nhà ở cho ngân sách nhà nước không lớn, trong khi đó chi phí cho công tác hành thu lại không nhỏ.

Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản và các diễn biến của thị trường này luôn là sự quan tâm của toàn xã hội. Đảng và Nhà nước ta cũng xác định rõ tầm quan trọng của thị trường bất động sản, tại Nghị quyết Trung ương 7, khóa IX của Đảng đã đặt ra yêu cầu khá toàn diện về xây dựng, quản lý thị trường bất động sản, thực hiện chính sách tài chính về đất đai. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng cũng khẳng định: “Thực hiện công khai, minh bạch và tăng cường tính pháp lý, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đất đai. Nhà nước điều tiết giá đất bằng quan hệ cung - cầu về đất đai và thông qua các chính sách về thuế có liên quan đến đất đai”. Tuy nhiên đến nay, việc thể chế hóa đường lối của Đảng theo yêu cầu lành mạnh hóa thị trường bất động sản, triển khai còn chậm và thiếu đồng bộ, nhất là thực hiện chính sách tài chính về đất đai. Hiện nay thị trường bất động sản ở nước ta đang tồn tại nhiều vấn đề sự bất hợp lý, đặc biệt là vấn đề cung - cầu, giá bất động sản không phản ánh đúng giá trị thực, giới đầu cơ lợi dụng trục lợi. Nhằm khắc phục những bất hợp lý này, góp phần tạo ra một thị trường bất động sản lành mạnh,  đồng thời, để xây dựng hệ thống pháp luật về thuế đồng bộ, phù hợp với chủ trương của Đảng, chiến lược cải cách thuế, yêu cầu thực tiễn và các văn bản luật có liên quan, việc ban hành Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là cần thiết .

Kết luận

Nguồn thu từ việc thu thuế sử dụng đất mang lại một phần đáng kể cho ngân sách nhà nước. Việc hiểu biết và áp dụng thực tiễn Luật thuế sử dụng đất vào xã hội không chỉ đem lại nguồn lợi về vật chất cho đất nước mà còn thúc đẩy sự phát triển và hội nhập của quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu.

Đề tài “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc ban hành Luật thuế sử dụng đất” là một đề tài hay và cấp thiết, không chỉ giúp ta hiểu hơn về một trong những văn bản pháp luật quan trọng của Nhà nước mà còn thúc đẩy suy nghĩ, tìm tòi giải pháp để không ngừng nâng cao hiệu quả của Luật thuế sử dụng đất.

Tài liệu tham khảo

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật thuế Việt Nam, NXB Công an nhân dân, Hà Nội – 2008
2. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của chính phủ, Đặc san tuyên truyền pháo luật số 11/2010, Chủ đề Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Hà Nội - 2010
3. Luật sử dụng đất nông nghiệp 1993
4. Pháp lệnh nhà, đất 1992
5. Pháp lệnh sửa đổi bổ sung Pháp lệnh nhà, đất 1994
6. Đề cương giới thiệu Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
7. Tờ trình Chính phủ vè Dự án Luật thuế nhà đất (Dự thảo 3)
8. Tờ trình Chính phủ về dự án Luật thuế sử dụng đất (Dự thảo thứ 6, tháng 12 năm 2003), Phụ lục số V, tr.3, 4 và 6
9. Website:
- Đề cương giới thiệu Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp http://www.vibonline.com.vn/vi-VN/PreLaws/Details.aspx?PreLawID=114
- Dự thảo Luật thuế nhà, đất 
http://duthaoonline.quochoi.vn/du-thao-luat/du-thao-luat-nha-111at
- Trang thông tin điện tử Diễn đàn các doanh nghiệp Việt Nam của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt nam http://www.vibonline.com.vn/vi_VN/Home/Downloadaspx?FileID=995
- Thuế nhà đất – Một số bất cập và hướng hoàn thiện  http://luattaichinh.wordpress.com/2009/05/18/thuế-nh-dất-một-số-bất-cập-va-hướng-hon-thiện/

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Giang Linh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này.

No comments:

Post a Comment