Là một trong những thành viên của WTO Việt Nam có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc những cam kết của mình, trong đó có cam kết về lĩnh vực dịch vụ quảng cáo. Nghiên cứu nội dung cam kết cụ thể của Việt Nam về dịch vụ quảng cáo trong khuôn khổ WTO sẽ giúp chúng ta có được cái nhìn đầy đủ và sâu sắc hơn về vấn đề này.
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Khái niệm
Theo Hiệp định chung về Thương mại và Dịch vụ (GATS) thuật ngữ “cam kết” đề cập đến những cam kết có điều kiện về tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia mà mỗi nước thành viên WTO đàm phán cho riêng mình. Vì vậy cam kết của mỗi nước đều khác nhau.
Theo đó, cam kết cụ thể của Việt Nam về dịch vụ quảng cáo trong khuôn khổ WTO là những cam kết có điều kiện về tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia về lĩnh vực quảng cáo mà Việt Nam với tư cách là thành viên của WTO đã tham gia cam kết.
II. Nội dung các cam kết cụ thể của Việt Nam về dịch vụ quảng cáo trong khuôn khổ WTO
Trong Biểu cam kết về dịch vụ khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết 11/12 ngành dịch vụ, tính theo phân ngành là 112. Là một ngành thuộc dịch vụ kinh doanh, nội dung các cam kết của Việt Nam về dịch vụ quảng cáo là một biểu cam kết dịch vụ bao gồm 3 phần: cam kết chung, cam kết cụ thể và danh mục các biện pháp miễn trừ đối xử tối huệ quốc (MFN)
1. Cam kết chung
- Trừ khi tại các ngành và phân ngành cụ thể có quy định khác, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ được hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức văn phòng đại diện, hợp đồng hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, về cơ bản Việt Nam không cho phép doanh nghiệp thành lập chi nhánh trừ trong một số ngành cụ thể được quy định tại Biểu cam kết. Lưu ý đối với trường hợp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác với các doanh nghiệp (thương nhân) thương mại thành lập chi nhánh theo Nghị định 72/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (hoạt động mua bán hàng hóa).
Một số lĩnh vực dịch vụ cụ thể mà công ty nước thành viên có thể thành lập chi nhánh là dịch vụ pháp lý (luật sư), tư vấn quản lý (sau 3 năm), thi công xây dựng (sau 3 năm), nhượng quyền thương mại (sau 3 năm), chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ (sau 5 năm), ngân hàng v.v.
- Doanh nghiệp nước ngoài (thậm chí cả doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) phải có ít nhất 20% tổng số các nhà quản lý, giám đốc điều hành và chuyên gia là người Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này có thể có ít nhất 3 người giữ chức vụ quản lý, điều hành và chuyên gia không phải là người Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài là doanh nghiệp mà phần vốn góp của bên nước ngoài tối thiểu là 51%.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép góp vốn dưới hình thức mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam. Tại thời điểm gia nhập thì tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30%. Một năm sau ngày gia nhập, hạn chế này được gỡ bỏ, trừ trường hợp góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại cổ phần và những ngành không cam kết trong Biểu cam kết này.
2. Cam kết cụ thể đối với dịch vụ quảng cáo
Kể từ ngày gia nhập, công ty quảng cáo nước ngoài được thành lập liên doanh hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam đã được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Khi lựa chọn mô hình hợp tác liên doanh, phần vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 51% vốn pháp định của liên doanh. Từ ngày 01/01/2009 hạn chế tỷ lệ góp vốn này được gỡ bỏ
Đối chiếu với Biểu cam kết trên có thể thấy trong lĩnh vực dịch vụ quảng cáo, cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO có thể được hiểu như sau:
2.1. Phạm vi nghĩa vụ cam kết về dịch vụ quảng cáo của Việt Nam trong khuôn khổ WTO
Việt Nam cho phép các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp các dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam theo như quy định tại CPC 871. Theo đó dịch vụ quảng cáo được chia làm ba phân nhóm:
- Phân nhóm 1 – CPC 8711: Dịch vụ bán hoặc cho thuê không gian hoặc thời gian quảng cáo (dịch vụ được cung cấp nhằm chào mời không gian hoặc thời gian quảng cáo trên báo, tạp chí hoặc đài truyền hình).
- Phân nhóm 2 – CPC 8712: Dịch vụ lập chương trình, chế tạo sản phẩm và bố trí quảng cáo (Dịch vụ lập chương trình, chế tạo sản phẩm, bố trí quảng cáo cần trình bày trên phương tiện đại chúng).
- Phân nhóm 3 – CPC 8719: Dịch vụ quảng cáo khác chưa được phân loại, bao gồm dịch vụ quảng cáo ngoài trời và trên không cũng như dịch vụ phân phát hàng mẫu hoặc tư liệu quảng cáo khác
2.2. Các hình thức cung cấp dịch vụ quảng cáo theo cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO.
Các doanh nghiệp nước ngoài muốn cung cấp các dịch vụ quảng cáo tại VN chỉ có thể lựa chọn các hình thức sau:
• Lập văn phòng đại diện
• Tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác VN đã được phép kinh doanh quảng cáo tại VN
• Lập liên doanh với đối tác VN đã được phép kinh doanh quảng cáo tại VN (với điều kiện phần vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 51% vốn pháp định của liên doanh. Từ ngày 01/01/2009 hạn chế tỷ lệ góp vốn này được gỡ bỏ)
Ngoài ra, các doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam như nêu ở trên cũng được phép cung cấp dịch vụ quảng cáo cho các khách hàng tại Việt Nam thông qua phương thức cung cấp qua biên giới. Trong cam kết gia nhập WTO, Việt Nam không hạn chế phương thức cung cấp này.
Riêng đối với quảng cáo rượu và thuốc lá:
• Đối với thuốc lá, VN không cam kết cho pháp các nhà quảng cáo nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quảng cáo sản phẩm này dưới bất kỳ hình thức nào
• Đối với rượu, VN cam kết cho phép các doanh nghiệp quảng cáo có vốn đầu tư nước ngoài được quảng cáo sản phẩm này với điều kiện việc quảng cáo phải tuân thủ các quy định của nhà nước (các quy định này sẽ được áp dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử giữa các công ty quảng cáo VN và công ty quảng cáo nước ngoài)
2.3. Về phương thức cung cấp dịch vụ quảng cáo theo cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO.
Việt Nam cam kết không hạn chế đối với các phương thức cung cấp như: phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới (Model 1), phương thức tiêu dùng ở nước ngoài (Model 2). Điều này xuất phát từ các đặc điểm của các loại phương thức cung cấp này.
Đối với phương thức cung cấp qua biên giới do phương thức này không cần sự dịch chuyển địa lý của người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ mà chỉ có dịch vụ dịch chuyển và được cung ứng tại nước sử dụng dịch vụ. Đối với phương thức tiêu dùng ở nước ngoài, người sử dụng dịch vụ đến nước cung ứng dịch vụ để sử dụng dịch vụ.Vì vậy mà hai phương thức này một mặt không ảnh hưởng đến nước cam kết, mặt khác còn góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển về nhiều mặt nên Việt Nam mở cửa rộng rãi tức là không hạn chế.
Riêng đối với phương thức hiện diện thương mại, Việt Nam cam kết mở của hạn chế, tức là chỉ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài thành lập liên doanh và tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam đã được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo do phương thức này ảnh hưởng tới bên cam kết. Mặt khác hoạt động này được điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam và ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp Việt Nam nên chúng ta chỉ cam kết ở mức hạn chế.
Đối với hình thức hiện diện thể nhân, Việt Nam chưa cam kết trừ các cam kết chung bởi vì xuất phát từ đặc điểm của loại phương thức cung cấp này; trong đó người cung cấp dịch chuyển sang nước sử dụng dịch vụ với tư cách cá nhân để cung cấp nên không an toàn lại ảnh hưởng lớn đến nước thực hiện cam kết nên mức độ mở cửa còn hạn chế.
III. Nhận xét chung
1. Khung pháp lý cần được hoàn thiện.
Trong khuôn khổ pháp lý của Việt Nam điều chỉnh về lĩnh vực dịch vụ quảng cáo ngoài một số luật và quy định, dịch vụ quảng cáo còn được điều chỉnh bởi một số “Công văn” (Letter), do đó không đảm bảo tính minh bạch và tính có thể dự đoán của khung pháp lý. Bởi vậy “Công văn” hoặc các biện pháp tương tự có giá trị pháp lý không rõ ràng cần được thay thế bởi các văn bản pháp lý minh bạch và dễ dự đoán hơn. Ngoài ra Điều 18.2 Pháp lệnh Quảng cáo quy định bắt buộc các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài phải thuê thể nhân Việt Nam để tiến hành hoạt động quảng cáo tại Việt Nam nên được điều chỉnh lại vì nó chưa thực sự phù hợp với cam kết của Việt Nam về mở cửa phương thức 1 (Model 1) về cung cấp dịch vụ quảng cáo trong khuôn khổ WTO.
2. Thực tiễn áp dụng cần linh hoạt, chủ động và tích cực hơn.
Theo tính toán của VAA, tốc độ tăng trưởng của thị trường quảng cáo Việt Nam là khá cao, từ 20-30%/năm. Sự hấp dẫn của thị trường dịch vụ quảng cáo Việt Nam đã thu hút ngày càng nhiều các công ty quảng cáo nước ngoài trong khi số lượng các công ty quảng cáo trong nước được thành lập mới cũng gia tăng không ngừng. Việc tăng doanh thu của các công ty quảng cáo cũng là sự đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước qua thuế và các loại chi phí khác.
Tuy nhiên các công ty quảng cáo Việt Nam mới chủ yếu chỉ làm gia công, cung ứng dịch vụ cho những công ty quảng cáo nước ngoài. Điều này khiến cho các doanh nghiệp trong nước đã yếu thế lại càng yếu thế hơn. Khi những doanh nghiệp nước ngoài chưa xâm nhập vào thị trường Việt Nam thì các doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng xoay xở với sự yếu kém của mình. Nhưng khi sự cạnh tranh trở nên rõ nét và khốc liệt thì cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam ngày càng thu hẹp lại. Những lý do khiến công ty trong nước không thể cạnh tranh với công ty nước ngoài về trình độ và vốn. Thêm vào đó, tình trạng các doanh nghiệp trong nước có sự cạnh tranh không lành mạnh cũng là một hạn chế đáng nói.
C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kế trong việc xây dựng và cải cách pháp luật nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu của WTO. Tuy nhiên việc thực hiện trên thực tế còn nhiều khó khăn và vướng mắc. Bởi vậy trong thời gian tới Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng pháp luật nhằm tiến tới có thể thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và cam kết về thương mại dịch vụ nói chung và dịch vụ quảng cáo nói riêng trong khuôn khổ WTO.
Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment