28/06/2014
Những yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến việc học của bản thân - Bài tập học kỳ Phương pháp học đại học ngành luật
Bài tập học kỳ Phương pháp học đại học ngành luật có đáp án.

Đề bài: Phân tích những yếu tố bên trong ( tâm lý, sức khỏe, sở thích …) và các yếu tố bên ngoài (gia đình,giảng đường, lịch học, tài liệu…) ảnh hưởng đến việc học của bản thân và nêu những cách thức khắc phục các yếu tố bất lợi, tạo môi trường học tập thuận lợi cho bản thân.

Bài làm:

I ) Đặt vấn đề:

Học tập là quá trình rèn luyện, tích lũy kiến thức , hoàn thiện kỹ năng bản thân .Việc học luôn chịu tác động bởi nhiều yếu tố . Bao gồm cả yếu tố bên trong ( tâm lý, sức khỏe, sở thích…) và các yếu tố bên ngoài (gia đình, giảng đường, lịch học, tài liệu…). Đặc biệt là đối với một sinh viên học xa nhà, tạm xa sự chăm sóc của bố mẹ và người thân , bắt đầu phải tự lập hơn trong cuộc sống thì những yếu tố đó ngày càng tác động mạnh mẽ đến việc học.

II) Giải quyết vấn đề :

1. Những yếu tố bên trong:

Các yếu tố bên trong bắt nguồn từ bản thân người học.Tâm lý, sức khỏe, sở thích, tư duy… ảnh hưởng tích cực và tiêu cực.

a. Yếu tố sức khỏe.

Chúng ta đã rất quen với câu nói : “Có sức khỏe là có tất cả” . Học tập là hoạt động trí óc, Là kết quả của sự quan sát , lắng nghe có chọn lọc. Vì thế, học tập chịu sự tác động của sức khỏe. Sức khoẻ không tốt ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiếp thu. Có thể nhận thấy rõ ràng, khi có vấn đề về sức khỏe , sinh viên có thể phải nghỉ học , làm gián đoạn quá trình học tập, bỏ lỡ một số kiến thức giáo viên cung cấp trong giờ lên lớp. Hoặc nếu đến lớp, sức khoẻ không tốt làm giảm khả năng tập trung, khả năng ghi nhớ.

Đối với người vừa trải qua kỳ thi đại học như tôi, chắc hẳn các bạn sinh viên năm nhất và các bạn vừa tốt nghiệp trung học  phổ thông đã quen với lịch học dày đặc trong quá trình luyện thi đại học cuối cấp 3. Việc học thêm quá nhiều, học bài quá khuya gây ảnh hưởng đến sức khỏe . Việc thức khuya làm các dây thần kinh hoạt động hết công suất , làm giảm khả năng ghi nhớ bài học . Nếu thức khuya liên tục trong vòng hai đến ba ngày sẽ làm giảm 2-3 % khả năng ghi nhớ , giảm hiệu quả học tập.

b. Yếu tố tâm lý .

Trong mỗi khoảng thời gian nhất định, Bản thân lại có tâm lý khác nhau.Tâm lý ảnh hưởng lớn đến việc học. Khi đối mặt với một môn học mà mình thích thú, trước sẽ có tâm lý hưng phấn . Còn đối với những môn khó so với khả năng của bản thân , con người sẽ có tâm lý lo sợ , né tránh. Khi gặp vấn đề khó khăn bên ngoài việc học gây ra tâm lý xấu , cũng có lúc động đến việc học tâm lý vui vẻ, hưng phấn sẽ kích thích việc học hơn. Giải thích theo khoa học, khi có tâm lý vui vẻ, hưng phấn, lượng máu được đưa lên não nhiều hơn, bộ não người xử lý thông tin nhanh chóng, khả năng tiếp thu cao. Yếu tố tâm lý còn ảnh hưởng đến cách nhìn nhận vấn đề. Tâm lý tốt khiến ta nhìn nhận việc học như là một thú vui, học tập hăng say hơn. Ngược lại, khi tâm lý buồn chán, con người có nhiều suy nghĩ tiêu cực,tinh thần chịu stress , khả năng tập trung giảm, nhìn nhận việc học như một gánh nặng gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất học tập. Không chỉ với bản thân tôi mà hầu hết các bạn học sinh, sinh viên khác đều mang tâm lý sợ sai.Điều này khiến cho việc thể hiện bản thân bị hạn chế. Sự thật là nếu ta làm điều gì đó sai trong quá trình học tập và khi được sửa lại ta sẽ nhớ đến lượng kiến thức thu được ấy lâu hơn và dễ dàng hơn. Tuy nhiên tâm lý sợ sai, sợ mọi người chê cười vẫn còn tồn tại và đang tác động  đến việc học của bản thân.

c. Sở thích.

Sở thích của bản thân là yếu tố chủ quan ảnh hưởng rất lớn đến học tập.Sở thích quyết định sự hứng thú trong học tập của mỗi cá nhân.Thực tế đã chứng minh, bất cứ ai cũng sẽ học tốt hơn ở những môn học mà mình thích. Trong khi đó  việc học lại không đạt được hiệu quả  khi học những môn mình không yêu thích. Không đạt được kết quả như ý muốn càng khiến cho người học có cảm giác chán nản đối với những môn học vốn dĩ đã không có nhiều cảm tình. Hứng thú học tập được sinh ra đối với một môn học làm tăng khả năng tiếp thu cũng như tính nhẫn nại của học sinh đối với môn học đó, khiến cho chúng ta có thể cố gắng nhiều hơn ở môn mình yêu thích để đạt được kết quả  tốt. Việc khiến cho bản thân có thể ưa thích nhiều môn học cũng như làm cho những môn học mình không yêu thích trở nên bớt nhàm chán là một việc làm quan trọng để tăng hiệu quả học tập. Đối với một học sinh theo học khối A ( toán- lý- hóa)  như bản thân tôi thì việc học những môn như Văn học hay Ngoại Ngữ là một khó khăn rất lớn. Nhưng đó lại là những môn học bắt buộc tại trường THPT.Việc không phù hợp với những môn học này cùng với suy nghĩ đó không phải khối thi của mình nên thực tế Văn học và Ngoại ngữ là hai môn có số điểm tổng kết thấp nhất.

Việc có sở thích với một môn học, ngành học nào đó cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn trường đại học, ngành nghề theo học trong tương lai. Ví dụ một người học sinh có sở thích với môn Văn học sẽ lựa chọn theo học ngành Báo chí , nhà văn,….Học sinh có hứng thú đặc biệt với môn Tin học, Toán học lựa chọn việc học để trở thành những lập trình viên, quản trị viên,….Bản thân tôi lại có yêu thích đặc biệt đến các môn học của ngành luật như Luật kinh tế nên tôi đã lựa chọn con đường học tập để trở thành một luật gia trong tương lai. Dù con đường ấy có rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng với niềm đam mê, sự tin tưởng vào công lý,tôi tin bản thân tôi cùng với các bạn sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội nhất định sẽ thành công.

d. Các yếu tố bên trong khác:

Để việc học có hiệu quả, bản thân cá nhân cần có một ý thức học tập tốt.Đồng thời cần rèn luyện tư duy nhạy bén.

Mục tiêu và động lực học tập cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc học.Khi có mục tiêu tốt thì việc học mới có hiệu quả.Như tôi và rất nhiều các bạn học sinh THPT khác có một mục tiêu cụ thể trong suốt thời gian học tập tại trường, đó là đỗ vào một trường đại học chất lượng, là mơ ước của chính mình.Vì thế, cá nhân tôi đã phải cố gắng rất nhiều trong năm học lớp 12 với những phương pháp học tập mới phù hợp với mục tiêu của mình.Tuy nhiên, cũng có những lúc cảm thấy chán nản vì cho rằng mục tiêu của mình là cao so với khả năng khiến việc học trở nên nặng nề, đạt kết quả thấp.

2. Các yếu tố bên ngoài:

Bên cạnh những yếu tố bên trong, những yếu tố bên ngoài cũng có những ảnh hưởng nhất định đến việc học tập.

a. Gia đình:

Gia đình có vai trò rất lớn trong việc định hướng phát triển của mỗi cá nhân.Có thể nói, gia đình là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng tới việc học tập của con người.Thứ  nhất, truyền thống học tập của gia đình tạo nền tảng quan trọng trong sự nghiệp học tập của mỗi cá nhân. Nếu cha mẹ, anh chị em trong gia đình đều là những người có trình độ học vấn, chăm chỉ, quan tâm tới việc học của con cái thì theo lẽ tự nhiên, con người sẽ hình thành cho mình một ý thức học tập, phát huy truyền thống gia đình. Cha mẹ quan tâm tới việc học của con, đốc thúc con học tập thì người học sinh sẽ có điều kiện để tập trung vào việc học. Cha mẹ cũng chính là người góp phần định hướng tương lai học tập cho con, nhất là trong việc chọn ngành nghề để theo học. Thứ hai, không khí gia đình cũng ảnh hưởng tới học tập.Một gia đình vui vẻ, đầm ấm, hạnh phúc là động lực tinh thần giúp người học sinh tập trung vào việc học để đạt hiệu quả cao.Trong trường hợp học sinh sống trong một gia đình không hạnh phúc, cha mẹ có những biện pháp giáo dục thiếu khoa học gây ảnh hưởng xấu đến việc hình thành nhân cách. Các bạn học sinh ấy có thể sẽ không coi trọng việc học, sa vào những cám dỗ bên ngoài nhà trường, bỏ bê việc học. Thứ  ba, không thể không nói đến ảnh hưởng từ kinh tế gia đình. Rõ ràng một gia đình có kinh tế sẽ tạo cho con những cơ sở vật chất đầy đủ, thuận lợi cho việc học. Ngược lại, những học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn sẽ không có điều kiện tốt cho học tập, có những mối lo toan khác bên cạnh việc học.Thậm chí các bạn còn phải san sẻ thời gian học tập của mình để đi làm kinh tế phụ giúp gia đình.Tuy vậy, một học sinh sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế không hẳn là luôn đạt kết quả cao trong học tập. Do bị chi phối bởi những mối quan hệ khác nhau mà các bạn không đạt được thành tích tốt hoặc bởi suy nghĩ sẽ sống nhờ vào những gì cha mẹ chu cấp mà không tập trung vào con đường học vấn. Còn các bạn học sinh khó khăn lại luôn có ao ước thoát nghèo và học tập chính là con đường dẫn đến ước mơ đó.Chính điều này đã trở thành động lực giúp các bạn vượt qua khó khăn và thành công trong học tập.Vì vậy mà trong các kì thi tuyển sinh Đại học Cao đẳng toàn quốc, những gương mặt thủ khoa tiêu biểu đa phần xuất thân nông thôn trong những gia đình khó khăn về tài chính.

Cùng với đó, sự quan tâm kì vọng quá lớn từ phía gia đình hay sự định hướng mang tính chất áp đặt từ cha mẹ lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc học, gây cảm giác chán nản vì phải chịu áp lực quá lớn hoặc phải học những gì bản thân không thích.

b. Các mối quan hệ thầy cô, bạn bè…

Một học sinh sẽ học tập tốt hơn khi có mối quan hệ tốt với bạn bè. Trước hết, nếu chơi với những người bạn tốt, có năng lực học tập sẽ tạo tính cạnh tranh, thúc đẩy quá trình học tập của cá nhân.Đồng thời cũng tạo môi trường học tập tốt cho bản thân. Chúng ta cũng học được rất nhiều điều tốt từ bạn bè.

Giáo viên là người chỉ đường dẫn lối giúp ta hiểu rõ nội dung bài học. Có mối quan hệ tốt với giáo viên giúp chúng ta có hứng thú với việc học, không còn cảm giác chán ghét.Đồng thời, khi có quan hệ tốt với giáo viên, học sinh sẽ không có cảm giác ngại ngùng khi nhờ đến sự trợ giúp của giáo viên trong học tập. Nhờ đó mà hiệu quả học tập tăng lên rất nhiều.

Bước vào cánh cổng trường Đại học đồng nghĩa với việc thay đổi môi trường mới. Ở đó không còn những người bạn thân thiết gần gũi trước kia. Mọi việc trở lại vạch xuất phát.  Vai trò của  giảng viên cũng khác so với thời học phổ thông, vì thế bản thân cũng gặp rất nhiều khó khăn khi mới vào trường. Cảm giác bỡ ngỡ là không thể tránh khỏi.

c. Lịch học, tài liệu….

Lịch học tại Đại học đề cao tính tự giác,chăm chỉ của sinh viên. Đối với khi học Phổ thông, lịch học giống nhau trong cả tuần, chỉ khác ở môn học. Lên đại học, việc học theo ca, theo tiết khiến sinh viên đỡ mệt mỏi và nhàm chán nhưng lại khó có khả năng cho những công việc riêng tư cần nhiều thời gian. Thêm nữa lịch học này cũng tốn khá nhiều thời gian đi lại của sinh viên.

Khi vào Đại học, bạn sinh viên nào cũng mong muốn tìm được một công việc làm thêm.Tuy nhiên, đối với một môi trường học tập mới, vẫn còn rất nhiều điều chưa quen nên gây khó khăn cho việc đi làm.Đi làm thêm cũng ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian học tập của sinh viên.

Cuộc sống sinh viên xa nhà đồng nghĩa với việc thiếu tình cảm gia đình, sự chăm lo của cha mẹ.Sinh viên bắt buộc phải tự lập nhiều hơn.Đây cũng là khó khăn không chỉ của riêng tôi mà là của hầu hết các bạn sinh viên.

Học Đại học, sinh viên phải tự mình chuẩn bị bài, nghiên cứu nội dung bài học, tìm tòi tài liệu.Việc tìm tài liệu cũng gây không ít khó khăn cho sinh viên.Bởi có quá nhiều nguồn tài liệu khác nhau, mỗi tài liệu lại nêu những quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề khiến sinh viên nhầm lẫn và sai sót.Điều này ảnh hưởng rất lớn đối với việc học, nhất là với sinh viên ngành luật.

3. Cách thức khắc phục yếu tố bất lợi:

Những khó khăn trên trong việc học tập không chỉ là những khó khăn của riêng cá nhân tôi mà còn là khó khăn mà rất nhiều bạn sinh viên khác gặp phải. Để khắc phục những vấn đề trên, tạo môi trường học tập thuận lợi cho bản thân, cá nhân tôi đã, đang và sẽ áp dụng những cách thức sau:

- Để khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tới kết quả học tập, không nên học tập quá nhiều trong trạng thái tâm lý căng thẳng. Đồng thời không tự tạo cho mình những áp lực thi cử.Tự tin vào bản thân, không sợ sai, giấu dốt.

- Có kể hoạch học tập cụ thể. Chú ý nghe giảng trên lớp, không để xảy ra tình trạng dồn ứ bài tập.

- Ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, hợp lý.Không nên thức quá khuya. Cần ngủ 7 đến 8 tiếng/ngày.Trong những ngày ôn thi gấp rút có thể giảm xuống 6 tiếng.Nhưng phải đảm bảo giấc ngủ từ 0h đến 3h sang để cơ thể tạo chất tái sinh, tăng cường hệ miễn dịch.

- Tham gia vào các hoạt động giải trí lành mạnh, giải tỏa căng thẳng sau khi học tập vất vả.

- Áp dụng các biện pháp học tập thú vị, phù hợp như học ngoại ngữ qua phim ảnh, sách báo….Kết hợp việc học với chơi để có trạng thái tinh thần tốt.

- Khi sưu tầm tài liệu cần có sự chọn lọc.

- Giữ cho bản thân nếp sống nề nếp.Tạo dựng hứng thú đối với việc học, có ý thức, trách nhiệm với việc học tập.

- Về phía gia đình, cần phải thẳng thắn trao đổi để tìm ra hướng đi phù hợp. Cân bằng thời gian dành cho việc học và thời gian dành cho gia đình.

III. Kết luận:

Như vậy, có thể thấy, các yếu tố bên trong và bên ngoài cùng nhau tác động làm nên hiệu quả của quá trình học tập. Việc vận dụng cũng như điều tiết các yếu tố này một cách đúng đắn và khắc phục được những yếu tố bất lợi sẽ làm cho học tập trở thành một quá trình hứng thú, hiệu quả và thành công.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Phạm Phương - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment