Đề bài:
Hiền, Nhung, Minh, Ánh là những người không thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo pháp luật hiện hành. Họ rủ nhau thành lập CTTNHH Sao Mai chuyên sản xuất, mua bán vật liệu xây dựng. Các sáng lập viên dự định góp vốn như sau:
- Hiền góp số tiền cho công ty thuê nhà tại phố Bạch Mai (Hà Nội) làm trụ sở giao dịch trong 10 năm
- Nhung góp một số máy móc, thiết bị dùng cho hoạt động kinh doanh của công ty
- Minh góp bằng đô la Mỹ tương đương 700 triệu VND
- Ánh góp 200 triệu đồng bằng tiền mặt.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các thành viên tiến hành góp vốn vào công ty theo quy định của pháp luật. Để định giá tài sản góp vốn của Hiền và Nhung, 4 thành viên đã lập hội đồng định giá và nhất trí:
- Định giá số tiền thuê nhà tại phố Bạch Mai (Hà Nội) của Hiền để công ty sử dụng trong vòng 10 năm là 1 tỷ đồng (giá thuê nhà là 100 triệu đồng/năm)
- Định giá tài sản góp vốn của Nhung là 400 triệu đồng, trong khi giá thị trường của những tài sản này chỉ khoảng 200 triệu đồng. Nhung đã làm thủ tục chuyển quyền sở hữu sang cho công ty.
Minh cam kết góp bằng đô la Mỹ tương đương 700 triệu VND, nhưng trên thực tế mới góp được 500 triệu đồng; số vốn còn lại (tương đương 200 triệu đồng) các thành viên nhất trí để Minh góp trong vòng 1 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Yêu cầu:
Căn cứ vào pháp luật hiện hành, hãy cho biết:
a. Các thành viên của công ty góp vốn bằng những loại tài sản như trên có hợp pháp không? Tại sao?
b. Trách nhiệm của các thành viên về việc định giá không chính xác giá trị tài sản góp vốn của Nhung? Phần chênh lệch giữa giá trị tài sản góp vốn của Nhung đã được định giá và giá thị trường được xử lý như thế nào?
c. Việc các thành viên công ty đồng ý cho Minh góp số vốn còn lại (200 triệu đồng) có hợp pháp không? Nếu Minh không góp đủ số vốn này theo đúng thời hạn đã cam kết thì xử lý như thế nào?
d. Xác định vốn điều lệ của CTTNHH Sao Mai và tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên.
NỘI DUNG BÀI LÀM
a. Các thành viên của công ty góp vốn bằng những loại tài sản như trên có hợp pháp không? Tại sao?
Tài sản mà các thành viên công ty góp vốn vào công ty TNHH Sao Mai là hoàn toàn hợp pháp. Cụ thể như sau:
Về tài sản vốn góp đối với công ty TNHH, khoản 4 Điều 4 LDN năm 2005 có quy định:
“Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam , ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty”.
Số vốn góp thành lập công ty, theo Luật đầu tư nó còn được xem như vốn đầu tư thành lập doanh nghiệp. Nghị định số 108/2006 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật đầu tư, ngoài việc khẳng định vốn đầu tư vào công ty là tiền Việt Nam và ngoài tệ tự do chuyển đổi mà còn liệt kê nhiều laoij tài sản hữu hình và vô hình cũng thể được sử dụng là vốn đầu tư với điều kiện những tài sản đó là tài sản hợp pháp. Cụ thể là khoản 1 điều 2 của nghị định này:
“Vốn đầu tư là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi và các tài sản hợp pháp khác để thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp. Tài sản hợp pháp gồm:
a) Cổ phần, cổ phiếu hoặc các giấy tờ có giá khác;
b) Trái phiếu, khoản nợ và các hình thức vay nợ khác;
c) Các quyền theo hợp đồng, bao gồm cả hợp đồng chìa khóa trao tay, hợp đồng xây dựng, hợp đồng quản lý, hợp đồng phân chia sản phẩm hoặc doanh thu;
d) Các quyền đòi nợ và quyền có giá trị kinh tế theo hợp đồng;
đ) Công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả nhãn hiệu thương mại, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, tên thương mại, nguồn gốc hoặc tên gọi xuất xứ;
e) Các quyền chuyển nhượng, bao gồm cả các quyền đối với thăm dò và khai thác tài nguyên;
g) Bất động sản; quyền đối với bất động sản, bao gồm cả quyền cho thuê, chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp hoặc bảo lãnh;
h) Các khoản lợi tức phát sinh từ hoạt động đầu tư, bao gồm cả lợi nhuận, lãi cổ phần, cổ tức, tiền bản quyền và các loại phí;
i) Các tài sản và quyền có giá trị kinh tế khác theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Như vậy,ngoài tiền Việt Nam, đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi, các thành viên khi tham gia góp vốn vào công ty TNHH có thể góp vốn bằng các loại tài sản khác nhau ngoài để tạo thành vốn công ty, với điều kiện các tài sản đó phải hợp pháp.
Các loại tài sản mà Hiền, Nhung, Minh, Ánh rủ nhau cùng góp vốn và thành lập công ty TNHH Sao Mai là những loại tài sản khác nhau:
- Hiền góp số tiền cho công ty thuê nhà tại phố Bạch Mai (Hà Nội) làm trụ sở giao dịch trong 10 năm
- Nhung góp một số máy móc, thiết bị dùng cho hoạt động kinh doanh của công ty
- Minh góp bằng đô la Mỹ tương đương 700 triệu VND
- Ánh góp 200 triệu đồng bằng tiền mặt.
Căn cứ theo các quy định về tài sản vốn góp mà các thành viên được góp khi thành lập công ty, thì các tài sản các thành viên Hiền, Nhung, Minh, Ánh là hoàn toàn hợp pháp.
Tuy nhiên cần lưu ý, đối với các tài sản góp vốn không phải tiền Việt Nam, các tài sản đó cần được định giá, cụ thể là quy định tại khoản 1 điều 30 LDN:
“Tài sản góp vốn không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá.
b. Trách nhiệm của các thành viên về việc định giá không chính xác giá trị tài sản góp vốn của Nhung? Phần chênh lệch giữa giá trị tài sản góp vốn của Nhung đã được định giá và giá thị trường được xử lý như thế nào?
Về định giá tài sản vốn góp khi thành lập doanh nghiệp, khoản 2 điều 30 LDN đã quy định như sau: “ Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí; nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số chênh lệch giữa giá trị được định và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá.
Thứ nhất:Các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc định giá không chính xáctài sản góp vốn của Nhung. Cụ thể:
Hành vi cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế là một trong các hành vi bị cấm được quy định tại Khoản 4 điều 11 Luật Doanh nghiệp. Trong trường hợp này, các thành viên đã lập hội đồng định giá và nhất trí định giá tài sản góp vốn của Nhung là 400 triệu đồng, trong khi giá thị trường tại thời điểm góp vốn của những tài sản này chỉ khoảng 200 triệu đồng và Nhung đã làm thủ tục chuyển quyền sở hữu sang cho công ty.Như vậy, các thành viên sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản vốn góp tại thời điểm vốn góp.
Tuy nhiên, Luật doanh nghiệp hiện nay không quy định cụ thể vấn đề trách nhiệm của các chủ thể nếu hành vi cố ý vi phạm điều cấm này như thế nào. Căn cứ vào Khoản 2 Điều 30 Luật Doanh nghiệp, có thể hiểu về trách nhiệm liên đới của các thành viên theo hai cách: hoặc trách nhiệm này được chia đều cho các thành viên đã cố ý định giá sai tài sản góp vốn đó, hoặc trách nhiệm được chia tương ứng với tỷ lệ vốn góp của mỗi thành viên trong công ty. Có nghĩa là sẽ có thành viên chịu trách nhiệm nhiều hơn, thành viên chịu phần trách nhiệm ít hơn tương ứng với phần giá trị vốn góp họ sở hữu hoặc cam kết góp vào công ty.
Đây cũng được xem như một điểm hạn chế của Luật doanh nghiệp năm 2005 khi quy định về trách nhiệm trong việc định giá sai giá trị thực tài sản góp vốn của thành viên. Do đó, cần làm rõ quy định về phạm vi trách nhiệm liên đới trong Luật Doanh nghiệp để tiện cho việc áp dụng.
Thứ hai: Phần chênh lệch giữa giá trị tài sản góp vốn của Nhung đã được định giá và giá thị trường được xử lý như thế nào.
Luật doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không có quy định cụ thể về vấn đề xử lý số vốn góp chênh lệch do định giá sai giá trị tài sản trong quá trình góp vốn của công ty TNHH hai thành viên trở lên. Căn cứ theo quy định tài khoản 2 điều 30, các thành viên liên đới chịu trách nhiệm đối với phần chênh lệch giá trị tài sản vốn góp và giá trị trường, theo nhóm em, phần chênh lệch giữa giá trị tài sản góp vốn của Nhung đã được định giá và giá thị trường được xử lý như sau:
a. Trong trường hợp công ty kinh doanh có lãi:
Vì đề bài chưa nói rõ đến vấn đề thỏa thuận trước khi góp vốn của các thành viên. Nếu có thỏa thuận trước thì giải quyết vấn đề này theo những gì đã thỏa thuận. Còn nếu không có thỏa thuận thì theo quan điểm riêng của nhóm, phần lợi nhuận của công ty sẽ được giải quyết như sau:
Bản chất của công ty Sao Mai là công ty TNHH 2 thành viên trở lên, là một loại hình công ty trung gian mang một nửa tính chất đối vốn. Vì vậy trong trường hợp không có thỏa thuận sẽ dựa theo tỉ lệ vốn góp thực mà phân chia lợi nhuận là điều đương nhiên khi công ty kinh doanh có lãi. (Áp dụng khoản 3, điều 18 nghị định 102/2010: Trong thời hạn chưa góp đủ số vốn theo cam kết, thành viên có số phiếu biểu quyết và được chia lợi tức tương ứng với tỷ lệ số vốn thực góp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.). Như vậy do vấn đề xác định phần tài sản góp vốn của Nhung cao hơn giá thị trường 200 triệu đồng nên trong trường hợp này các thành viên sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm trong việc chia lợi tức cho Nhung theo khoản vốn góp 400 triệu (mặc dù thực sự giá trị tài sản góp vốn của Nhung chỉ là 200 triệu).
b. Trường hợp công ty làm ăn thua lỗ và bị phá sản
Tương tự trong trường hợp công ty làm ăn thua lỗ, nợ nần dẫn đến phá sản. Theo nguyên tắc: công ty TNHH hai thành viên trở lên sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty bằng tài sản của mình. Tuy nhiên do việc định giá tài sản không chính xác dẫn đến về mặt giấy tờ số tài sản mà Nhung góp trị giá 400 triệu, tuy nhiên thực tế giá trị số tài sản đó chỉ là 200 triệu. Như vậy đối với số tiền 200 triệu chênh lệch kia, các thành viên sẽ phải có nghĩa vụ liên đới trong việc dùng tài sản của mình bù vào số tiền chênh lệch đó để trả nợ.
c . Trường hợp chị Nhung có yêu cầu rút vốn khỏi công ty
Đặt ra trường hợp chị Nhung có yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình theo quy định tại điều 43 Luật Doanh nghiệp 2005. Các thành viên cũng sẽ phải mua lại phần vốn góp có giá trị tương đương là 400 triệu của chị Nhung. Phần 200 triệu chênh lệch với giá thị trường trong trường hợp này cũng sẽ do các thành viên sáng lập liên đới chịu trách nhiệm bù vào.
c. Việc các thành viên công ty đồng ý cho Minh góp số vốn còn lại (200 triệu đồng) có hợp pháp không? Nếu Minh không góp đủ số vốn này theo đúng thời hạn đã cam kết thì xử lý như thế nào?
Thứ nhất:Việc các thành viên đồng ý cho Minh góp số vồn còn lại (200 trăm triệu đồng) trong vòng 1 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là hợp pháp.
Khoản 1 Điều 18 Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp 2005, quy định về việc thực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp, như sau: “Thành viên phải góp vốn đầy đủ, đúng tiến độ đã cam kết trong Danh sách thành viên. Nếu việc góp vốn được thực hiện nhiều hơn một lần, thời hạn góp vốn lần cuối của mỗi thành viên không vượt quá 36 tháng, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung, thay đổi thành viên và mỗi lần góp vốn thành viên được cấp một giấy xác nhận số vốn đã góp của lần góp vốn đó”.
Như vậy khoảng thời gian tối đa để góp vốn còn thiếu so với cam kết là 36 tháng (3 năm). Do đó, việc nhất trí để Minh góp 200 triệu còn thiếu trong 1 năm là phù hợp với quy định của pháp luật. Và tại thời điểm góp vốn đầy đủ giá trị phần vốn góp, Minh sẽ được công ty cấp giấy chứng nhận phần vốn góp.
Thứ hai: trong trường hợp Minh không góp đủ số vốn này theo đúng thời hạn đã cam kết,
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2005 về thực hiện góp vốn và và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp::
“2. Trường hợp có thành viên không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp được coi là nợ của thành viên đó đối với công ty; thành viên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết.
3. Sau thời hạn cam kết lần cuối mà vẫn có thành viên chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp được xử lý theo một trong các cách sau đây:
a) Một hoặc một số thành viên nhận góp đủ số vốn chưa góp;
b) Huy động người khác cùng góp vốn vào công ty;
c) Các thành viên còn lại góp đủ số vốn chưa góp theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty.
Sau khi số vốn còn lại được góp đủ theo quy định tại khoản này, thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty và công ty phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật này.”
Như vậy, thứ nhất, nếu Minh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn 200 triệu chưa góp được sẽ coi là nợ của Minh đối với công ty; Minh sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết. Và theo quy định tại khoản 3 điều 18 Nghị định 102/2010: Trong thời hạn chưa góp đủ số vốn theo cam kết, thành viên có số phiếu biểu quyết và được chia lợi tức tương ứng với tỷ lệ số vốn thực góp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.
Thứ hai, sau thời hạn cam kết lần cuối mà Minh vẫn chưa góp đủ số vốn đã cam kết, Minh đương nhiên không còn là thành viên của công ty và không có quyền chuyển nhượng quyền góp vốn đó cho người khác. Hướng dẫn cụ thể về trường hợpchưa góp đủ số vốn theo cam kết được quy định tại điều 39, nghị định 102/2010. Cụ thể, số vốn chưa được góp có thể xử lý theo 3 cách:
- Các thành viên còn lại góp đủ số vốn chưa góp theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong điều lệ công ty.
- Một hoặc một số thành viên sẽ nhận góp đủ số vốn chưa góp của Minh
- Huy động người khác cùng góp vốn vào công ty
Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn lần cuối, số vốn chưa góp đủ.
Đồng thời, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn 90 ngày theo người đại diện theo pháp luật của công ty phải báo cáo kết quả tiến độ góp vốn và đăng ký thay đổi thành viên của công ty. Hồ sơ đăng ký thay đổi thành viên trong trường hợp này bao gồm:
a) Giấy đề nghị đăng ký thay đổi thành viên;
b) Thông báo kết quả tiến độ góp vốn hoặc bản sao, có xác nhận của công ty, giấy chứng nhận phần góp vốn của các thành viên;
c) Danh sách thành viên.
Ngoài ra, trong trường hợp số vốn thực góp được thực hiện theo khoản 5 Điều này vẫn thấp hơn so với tổng số vốn cam kết góp, cơ quan đăng ký kinh doanh đăng ký số vốn đã góp là vốn điều lệ của công ty khi thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên của công ty, các thành viên chưa góp đủ vốn theo cam kết phải liên đới chịu trách nhiệm tương đương với số vốn chưa góp về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác của công ty phát sinh trước khi đăng ký thay đổi thành viên.
d. Xác định vốn điều lệ của CTTNHH Sao Mai và tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên.
Thứ nhất, khoản 6 điều 4 Luật doanh nghiệp quy định: “”Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời gian nhất định và được ghi vào điều lệ công ty”. Như vậy, phần vốn này có thể là phần vốn đã góp hoặc vốn cam kết góp khi đăng kí – ngay tại thời điểm đăng ký kinh doanh, các thành viên không nhất thiết phải góp đủ số vốn đã cam kết.Mỗi phần vốn có một giá trị và một thời hạn góp vốn cụ thể, các thành viên của công ty phải góp đầy đủ và đúng hạn số vốn của mình như đã cam kết.
Đối với công ty TNHH Sao Mai với 4 thành viên: Hiền, Nhung, Minh, Ánh, vốn điều lệ sẽ là tổng số vốn mà 4 thành viên này đã góp hoặc cam kết góp vào công ty, cụ thể:
- Hiền góp tiền cho công ty thuê nhà làm trụ sở trên phố Bạch Mai trong vòng 10 năm tương đương với giá trị là 1 tỷ đồng.
- Nhung góp vào công ty một số máy móc, thiết bị dùng cho hoạt động kinh doanh của công ty tương ứng với giá trị được các thành viên của công ty thống nhất định giá là 400 triệu đồng.
- Minh cam kết góp vào công ty bằng dolas Mỹ với giá trị tương đương là 700 triệu đồng.
- Ánh góp 200 triệu đồng tiền mặt.
Căn cứ theo quy định trên, vốn điều lệ của công ty TNHH Sao Mai được tính bằng tổng số vốn mà các thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty sẽ tương ứng với 2 tỷ 300 triệu đồng.
Thứ hai, về tỷ lệ vốn góp:
Công ty Sao Mai gồm 4 thành viên Hiền, Nhung, Minh, Ánh, với số vốn điều lệ là 2 tỷ 300 triệu đồng. Trong đó, Hiền góp vào công ty 1 tỷ đồng tiền thuê nhà cho công ty làm trụ sở, Nhung góp vào công ty máy móc, thiết bị tương ứng với 400 triệu đồng, Minh góp bằng dola tương đương với 700 triệu đồng, Ánh góp 200 triệu đồng tiền mặt.
Căn cứ theo vốn điều lệ và số vốn góp vào công ty của mỗi thành viên, ta có thể tính tỉ lệ phần vốn góp của các thành viên vào công ty như sau::
- Tỷ lệ vốn góp vào công ty của Hiền là:
1.000.000.000/2.300.000.000 *100% = 43,5%
- Tỷ lệ vốn góp vào công ty của Nhung là:
400.000.000/2.300.000 * 100% = 17,4%
- Tỷ lệ vốn góp vào công ty của Minh là:
700.000.000/2.300.000.000 * 100% = 30,4%
- Tỷ lệ vốn góp vào công ty của Ánh là
200.000.000/2.300.000.000 * 100% = 8,7%
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật doanh nghiệp năm 2005
2. Nghị định 102/2010/NĐ – CP “Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp”
3. Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
4. “Vốn điều lệ của công ty từ quy định của Nghị định 102/2010/NĐ-CP” - ThS. Phạm Hoài Huấn - Khoa Luật thương mại, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. (web: http://toaan.gov.vn)
5. “Phần vốn góp: Cam kết góp hay thực góp” – Thời báo kinh tế Sài Gòn.
6. “Xác định loại và giá trị tài sản góp vốn vào công ty” – Ths. Đỗ Quốc Quyền.
Cảm ơn bạn Nguyễn Trà My - K3507 - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment