11/05/2014
Tội bắt cóc - Bài tập nhóm Hình sự 1 - 8 điểm
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là một trong những loại tội phạm phổ biến trên thế giới, nó ngày càng có diễn biến tinh vi, phức tạp gây nguy hiểm lớn cho xã hội. Các quốc gia trên thế giới tùy thuộc vào tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội mà có những quy định khác nhau về loại tội phạm này. Ở Việt Nam, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản nằm trong Chương XIV – BLHS 1999 về “Các tội xâm phạm sở hữu” và được quy định cụ thể tại điều 134 chương này. Để hiểu rõ hơn về loại tội phạm này cũng như những quy định của pháp luật hình sự Việt Nam đối với nó thì nhóm em đã chọn đề bài tập nhóm số 2 của mình như sau:

Đề 3:

A (28 tuổi) đã gọi điện rủ B(15 tuổi) cùng thực hiện hành vi bắt cóc em họ của A là C (5 tuổi) để đòi bố mẹ của C phải nộp 50 triệu đồng tiền chuộc. Hành vi của A và B bị xử lí về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 134 BLHS.

Câu hỏi

1. Trên cơ sở quy định tại khoản 3 Điều 8 BLHS, hãy xác định hành vi phạm tội của A và B thuộc loại tội phạm nào?
2. Phân tích khách thể và đối tượng tác động của tội phạm mà A, B đã thực hiện.
3. Trong vụ án có đồng phạm không? Tại sao?
4. Giả sử A vừa chấp hành xong bản án 7 năm tù về tội cố ý gây thương tích (Điều 104 BLHS), ra tù được 3 tháng lại thực hiện hành vi phạm tội trên thì trường hợp phạm tội của A được coi là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm? Tại sao?


NỘI DUNG

Câu 1. Trên cơ sở quy định tại khoản 3 Điều 8 BLHS, hãy xác định hành vi phạm tội của A và B thuộc loại tội phạm nào?

Trả lời:

Tội phạm, hiểu theo nghĩa khái quát nhất là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt.

Theo đề bài, A (28 tuổi) đã gọi điện rủ B(15 tuổi) cùng thực hiện hành vi bắt cóc em họ của A là C (5 tuổi) để đòi bố mẹ C phải nộp 50 triệu đồng tiền chuộc. Hành vi của A và B là hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt, giữ người khác làm con tin do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý nhằm buộc người muốn chuộc phải nộp tiền cho mình hoặc tài sản thì mới thả người bị bắt, giữ.

A và B không có dấu hiệu của tình trạng mất năng lực trách nhiệm hình sự được qui định tại điều 13 BLHS. Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, A (28 tuổi) đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo qui định khoản 1 Điều 12 BLHS. Đối với B (15 tuổi) vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Khoản 2 Điều 12 – BLHS 1999).

Tội phạm rất đa dạng, không chỉ khác nhau ở các loại tội phạm mà còn khác nhau ở tình tiết, diễn biến của từng hành vi phạm tội cụ thể. Vì thế mà mỗi tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau. Việc phân loại tội phạm là căn cứ quan trọng để phân hóa TNHS, là tiền đề cơ bản để áp dụng chính xác các biện pháp trong hoạt động tư pháp hình sự. Tội phạm theo Khoản 2 điều 8 BLHS-1999 được phân làm 4 nhóm: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra tại Khoản 3 Điều 8 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 còn xác định cụ thể căn cứ để phân loại tội phạm như sau:

“Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”.

Tóm lại, để nhận biết tội phạm đó thuộc loại tội phạm gì, ta phải dựa vào mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội đó để phân loại cho từng loại tội.

Theo đề bài, A và B bị xử lí về tội bắt có nhằm chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 134 BLHS:

“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;
i ) Có hậu quả nghiêm trọng;”

Mức cao nhất của khung hình phạt theo khoản này là 12 năm tù thuộc “tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù” theo qui định tại khoản 3 Điều 8 BLHS và thuộc loại “tội phạm có mức cao nhất của khung hìnnh phạt từ trên 7 năm tù đến 15 năm tù” được xác định tại Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số qui định trong phần chung của BLHS năm 1999 số hiệu 01/2000/NQ-HĐTP do Tòa án nhân dân tối cao ban hành. Theo đó, những hành vi cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 134 BLHS là tội phạm rất nghiêm trọng.

(Những hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản tại khoản 1 Điều 134 thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng, tại khoản 3 vs 4 Điều 134 thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.)

Khoản 5  Điều 134  qui định về hình phạt bổ sung)

A và B đã cùng thực hiện hành vi bắt có em họ của A là C để đòi bố mẹ C phải nộp 50 triệu đồng tiền chuộc. Hành vi của A và B được qui định tại khoản 2 Điều 134 BLHS theo điểm “đ) Đối với trẻ em;”

Vì vậy, tội phạm mà A và B đã thực hiện thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng theo phân loại tội phạm tại khoản 3 Điều 8 BLHS.

Câu 2. Phân tích khách thể và đối tượng tác động của tội phạm mà A, B đã thực hiện.

a) Khách thể của tội phạm.

Cũng giống như hoạt động khác của con người, hoạt động phạm tội ( dù chỉ là hoạt động tồn tại trong giai đoạn lịch sử nhất định cũng nhằm vào những khách thể cụ thể, tồn tại ngoài ý thức và độc lập với ý thức của chủ thể nhưng không phải là để cải biến mà gây thiệt hại cho chính những khách thể đó.

Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại.

Với ý nghĩa là những quan hệ xã hội bị tội phạm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại, khách thể của tội phạm là một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm có vị trí đặc biệt. Khách thể của tội có ý nghĩa gần như quyết định nội dung tính nguy hiểm khách quan của tội phạm. Việc nghiên cứu khách thể của tội phạm có ý nghĩa về nhiều mặt, cả trong công tác lập pháp và trong thực tiễn áp dụng.

Khoa học luật hình sự Việt Nam phân biệt ba loại khách thể của tội phạm: Khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp. Các khái niệm này đều chỉ các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại nhưng ở mức độ khác nhau.

Khách thể chung của tội phạm là tổng hợp các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ khỏi sự xâm hại của tội phạm. Theo luật hình sự Việt Nam, khách thể chung của tội phạm là những quan hệ xã hội được xác định trong Điều 1 và Điều 8 BLHS.

Khách thể loại của tội phạm là nhóm quan hệ xã hội cùng tính chất được nhóm các quy phạm pháp luật hình sự bảo vệ khỏi sự xâm hại của nhóm tội phạm.

Khách thể trực tiếp của tội phạm là quan hệ xã hội cụ thể bị loại tội phạm cụ thể trực tiếp xâm hại. Việc xác định khách thể trực tiếp là căn cứ để gộp hoặc tách những loại hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể vào một hoặc ra nhiều tội danh và xếp chúng vào những chương nhất định trong BLHS. Bất cứ tội phạm nào cũng đều có khách thể trực tiếp. Tội phạm có thể chỉ có một khách thể trực tiếp hoặc có nhiều khách thể trực tiếp trong trường hợp tội phạm xâm hại trực tiếp nhiều quan hệ xã hội và sự gây thiệt hại cho bất cứ quan hệ xã hội nào trong số đó đều chưa thể hiện được đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi.

Trở lại với tình huống đề bài cho: “A và B bắt cóc C để đòi bố mẹ C nộp 50 triệu đồng tiền chuộc.” Hành vi của A và B được xác định là hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Có thể thấy tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản đồng thời xâm phạm đến hai quan hệ xã hội, đó là quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân.

Khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân, thông qua việc xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì người phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản. Nếu không xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì người phạm tội cũng không thể xâm phạm đến quan hệ tài sản được.

Trong trường hợp đề bài đưa ra, A và B trước tiên đã xâm phạm đến quan hệ nhân thân, ở đây là bắt cóc C. Hành vi đó đã gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của C. Sau đó, thông qua việc bắt cóc C, A và B đã yêu cầu bố mẹ C giao nộp 50 triệu đồng tiền chuộc tức là A và B đã xâm phạm đến quan hệ tài sản.

Như vậy, theo qui định của luật hình sự Việt Nam thì khách thể của tội phạm mà A và B đã thực hiện là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản.

b) Đối tượng tác động của tội phạm.

Đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận của khác thể của tội phạm, bị hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.

Các bộ phận của khách thể có thể bị tác động là:

- Chủ thể của các quan hệ xã hội;
- Nội dung của các quan hệ xã hội: Là hoạt động của các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ xã hội;
- Đối tượng của các quan hệ xã hội: Là các sự vật khác nhau của thế giới bên ngoài cũng như các lợi ích mà qua đố quan hệ xã hội phát sinh và tồn tại.

Như vậy, các loại đối tượng tác động của tội phạm còn được xác định bao gồm: con người, các đối tượng vật chất và hoạt động bình thường của chủ thể.

Theo phân tích ở trên, khách thể trong trường hợp này là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu.

Theo giáo trình Luật Hình Sự Việt Nam tập 1 – Trang 95 thì quan hệ nhân thân thuộc loại quan hệ xã hội chỉ có thể bị gây thiệt hại khi có sự biến đổi tình trạng bình thường của con người và các tội phạm được qui định trong Chương XII BLHS đều có đối tượng tác động là con người. Hành vi phạm tội của A và B được xác định là hành vi gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của C – người bị bắt cóc.

Đối với các tội phạm xâm phạm quan hệ sở hữu, đối tượng tác động của loại tội phạm này tài sản, phần lớn là tài sản hữu tính như tiền, các giấy tờ có giá … Trong trường hợp đề bài đưa ra, đối tượng tác động ở đây là tiền, cụ thể là 50 triệu đồng tiền mà A và B yêu cầu bố mẹ C giao nộp để chuộc lại C. 

Như vậy, đối tượng tác động của tội phạm trong tình huống này bao gồm con người và tài sản. Con người ở đây cụ thể là C – em họ A, C là người đã bị A và B bắt cóc. Còn tài sản trong trường hợp này là 50 triệu đồng tiền A và B yêu cầu bố mẹ C giao nộp để chuộc lại C.

Câu 3. Trong vụ án trên có đồng phạm không? Tại sao?

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 20 – BLHS 1999: “Đồng phạm là trường hợp có từ hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”

Có nghĩa là để được coi là đồng phạm cần có những điều kiện:

- Có từ hai người trở lên và những người này có đủ điều kiện chủ thể của tội phạm;
- Những người này phải cùng thực hiện một tội phạm ( cố ý )

* Về dấu hiệu thức nhất: Đồng phạm đòi hỏi phải có ít nhất hai người và hai người này có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm. Đó là điều kiện có năng lực TNHS và đạt độ tuổi chịu TNHS. Người có năng lực TNHS theo LHS Việt Nam là người đã đạt độ tuổi chịu TNHS theo điều 12 – BLHS 1999 và không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực TNHS được qui định tại điều 13 – BLHS 1999.

Trong vụ án trên có hai đối tượng là A (28 tuổi) và B (15 tuổi) đã cùng thực hiện hành vi bắt cóc em họ của A. Cả A và B đều không có dấu hiệu của việc mất năng lực trách nhiệm hình sự qui định tại điều 13 – BLHS 1999. Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, A 28 tuổi mà theo khoản 1 điều 12 – BLHS: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm” nên A đã đủ tuổi chịu TNHS theo qui định của pháp luật và A phải chịu TNHS về tội phạm mà mình thực hiện trong tình huống đưa ra ở đề bài. Đối với B 15 tuổi, theo khoản 2 điều 12 – BLHS 1999: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” mà theo phân tích ở Câu 1 thì tội phạm mà A và B cùng thực hiện trong tình huống đề bài đưa ra thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý nên B cũng phải chịu TNHS trong trường hợp này.

* Về dấu hiệu thứ hai: Cùng thực hiện hành vi phạm tội có nghĩa là người đồng phạm phải tham gia vào tội phạm với một trong bốn hành vi sau: Người thực hành, người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức. Nếu không có một trong những hành vi này thì không thể coi là cùng thực hiện và do vậy cũng không có đồng phạm được.

Với vụ án trên A đã gọi điện rủ B cùng thực hiện hành vi bắt cóc em họ của A là C nên với hành vi gọi điện rủ B thì A là người tổ chức vụ bắt cóc này và cụ thể A là chủ mưu đề ra âm mưu bắt cóc C. A cũng tham gia vào hành vi bắt cóc C và đòi tiền chuộc từ bố mẹ C nên A cũng được coi là người thực hành trong tội phạm này. Còn B đã biết hành vi của A là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cùng A thực hiện, B là người cùng thực hành hành vi phạm tội với A. Giữa hành vi của A và B có sự liên kết và thống nhất, hỗ trợ cho hoạt động chung của cả hai.

Về mặt chủ quan, đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện tội phạm đều do lỗi cố ý. Ngoài ra đối với những tội phạm có dấu hiệu mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc thì những người đồng phạm đòi hỏi phải có cùng mục đích hoặc biết rõ và tiếp nhận mục đích đó.

Trong vụ án trên, ta thấy:

+ Về lí trí : A biết rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và đã rủ B cùng thực hiện. B biết hành vi của A là hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện cùng A. Như vậy, cả A và B đều nhận thức rõ hành vi của mình và của người kia là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bên cạnh đó, A và B đều thấy rõ hậu quả chung của tội phạm mà cả hai đang thực hiện.
+ Về ý trí : Để thực hiện tội phạm của mình thì A đã rủ B tức là A mong muốn có sự liên kết giữa A và B để cùng thực hiện tội phạm đó. B khi được A rủ đã đồng ý và cùng A thực hiện nên B cũng mong muốn có sự liên kết hành vi giữa A và B để đạt được mục đích là đòi bố mẹ C giao nộp tiền chuộc.

Qua các phân tích ở trên ta thấy rằng ở A và B đều có đầy đủ các yếu tố về mặt khách quan và chủ quan để được coi là đồng phạm.

Như vậy, trong vụ án được nêu ra ở đề bài có đồng phạm.

Câu 4. Giả sử A vừa chấp hành xong bản án 7 năm tù về tội cố ý gây thương tích (Điều 104 BLHS), ra tù được 3 tháng lại thực hiện hành vi phạm tội trên thì trường hợp phạm tội của A được coi là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm? Tại sao?

Trả lời:

Về trường hợp đề bài đưa ra đối với A vừa chấp hành xong bản án 7 năm tù về tội cố ý gây thương tích (Điều 104 BLHS), ra tù được 3 tháng lại thực hiện hành vi phạm tội trên. Để xác định trường hợp phạm tội của A được coi là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm, trước hết ta cần hiểu rõ về khái niệm “tái phạm” và “tái phạm nguy hiểm”.

Điều 49 – BLHS 1999, quy định về tái phạm và tái phạm nguy hiểm như sau:

“ 1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý.”

Qua đó, ta thấy được dấu hiệu dễ thấy nhất của tái phạm và tái phạm nguy hiểm đều là người phạm tội đã bị kết án trước đó và chưa được xóa án tích. Ngoài qui định tại điểm b khoản 2 điều 49 – BLHS 1999 về tái phạm nguy hiểm là: “ Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý” thì để phân biệt giữa tái phạm và tái phạm nguy hiểm ta cần xác định rõ mức độ gây nguy hiểm cho xã hội của tội phạm người phạm tội đã bị kết án trước đó và tội phạm hiện tại mà người phạm tội mắc phải.

Với trường hợp đề bài đưa ra, trước khi thực hiện hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, A đã bị kết án 7 năm tù về tội cố ý gây thương tích (Điều 104 BLHS) và vừa ra tù được 3 tháng. Trong qui định tại Chương IX – BLHS 1999 về “Xóa án tích”, tại Điều 64 – BLHS 1999 về các trường hợp đương nhiên được xóa án tích có qui định tại điểm c khoản 2 như sau:

“2. Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
c) Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến mười lăm năm;
…”

Trường hợp phạm tội của A là về tội cố ý gây thương tích qui định tại Điều 104 - BLHS thuộc chương XII – BLHS. A bị kết án 7 năm tù nên thuộc “trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến mười lăm năm” qui định tại điểm c khoản 2 Điều 64 – BLHS 1999. Trong đó, A sẽ đương nhiên được xóa án tích nếu sau năm năm kể từ khi chấp hành xong bản án A không phạm tội mới. Tuy nhiên, A mới chỉ vừa chấp hành xong bản án được 3 tháng thì đã phạm tội mới là bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản nên A chưa được xóa án tích. Như vậy, A đã bị kết án và chưa được xóa án tích mà phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Khoản 2 Điều 134 – BLHS 19). Theo phân tích ở câu 1 thì hành vi phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của A thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý.

Tuy nhiên, đề bài không nêu rõ tội phạm mà A đã thực hiện trước đó về tội cố ý gây thương tích được qui định tại khoản nào ở Điều 104 mà chỉ đưa ra mức án là 7 năm tù. Mức án này hoàn toàn có thể phù hợp với khoản 2 và khoản 3 Điều 104 mà 2 khoản này lại qui định về tội phạm với mức độ gây nguy hiểm cho xã hội là khác nhau nên chưa đủ căn cứ để xác định trường hợp phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của A được đưa ra ở đề bài là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm. Để giải quyết vấn đề này, nhóm em đưa ra hai trường hợp sau:

+) Trường hợp 1: Trường hợp phạm tội của A được coi là tái phạm.

Giả sử, hành vi phạm tội cố ý gây thương tích của A được quy định tại khoản 2 Điều 104 – BLHS 1999: “Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ a đến k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”

Ta có thể thấy khung hình phạt cao nhất trong trường hợp này là 7 năm tù. Trên cơ sở quy định tại khoản 3 Điều 8 – BLHS 1999 thì tội phạm mà A thực hiện trong trường hợp này là tội phạm nghiêm trọng. Như vậy, A đã bị kết án về tội nghiêm trọng do cố ý (về tội cố ý gây thương tích), chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý (về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản) phù hợp với khoản 1 Điều 49 – BLHS 1999 nên trường hợp phạm tội của A được coi là tái phạm.

+) Trường hợp 2: Trường hợp phạm tội của A được coi là tái phạm nguy hiểm.

Giả sử, hành vi phạm tội cố ý gây thương tích của A được quy định tại khoản 3 Điều 104 – BLHS 1999: “Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.”

Ta có thể thấy khung hình phạt cao nhất trong trường hợp này là 15 năm tù. Trên cơ sở quy định tại khoản 3 Điều 8 – BLHS 1999 thì tội phạm mà A thực hiện trong trường hợp này là tội phạm rất nghiêm trọng. Như vậy, A đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng do cố ý (về tội cố ý gây thương tích), chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý (về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản) phù hợp với điểm b khoản 2 Điều 49 – BLHS 1999 nên trường hợp phạm tội của A được coi là tái phạm nguy hiểm.

Ngoài ra, trong trường hợp hành vi phạm tội cố ý gây thương tích của A được quy định tại khoản 4 Điều 104: “Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.”  Nhưng A lại có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ được qui định tại khoản 1 Điều 46 – BLHS 1999 và theo qui định tại điều 47 – BLHS 1999: “Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật này quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật”  thì việc tòa án quyết định hình phạt 7 năm tù cho A là hoàn toàn phù hợp với pháp luật vì mức án này dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà A mắc phải qui định tại khoản 4 Điều 104 – BLHS 1999 và thuộc khung hình phạt liền kề nhẹ hơn, đó là khung hình phạt “từ năm năm đến mươi lăm năm” thuộc khoản 3 Điều 104 – BLHS 1999. Trong tình huống này, trường hợp phạm tội của A cũng phù hợp với qui định tại điểm a khoản 2 Điều 49 – BLHS, tức là trường hợp phạm tội của A được coi là tái phạm nguy hiểm.

Như vậy, với trường hợp đề bài đưa ra, chưa thể kết luận trường hợp phạm tội của A là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm. Trường hợp phạm tội của A sẽ là tái phạm nếu tội phạm cố ý gây thương tích mà A thực hiện được qui định tại khoản 2 Điều 104 – BLHS 1999. A sẽ phạm tội tái phạm nguy hiểm nếu tội cố ý gây thương tích mà A thực hiện được qui định tại khoản 3 Điều 104 – BLHS 1999 hoặc tại khoản 4 Điều 104 – BLHS 1999 nhưng có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 46 – BLHS 1999.

KẾT LUẬN

Qua tình huống trên, chúng em đã phần nào hiểu rõ hơn về loại tội phạm bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản cũng như hiểu hơn về những quy định của pháp luật đối với loại tội phạm này. Có thể thấy, việc ghi nhận Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản trong BLHS có ý nghĩa giáo dục với người dân và răn đe đối với người có ý định phạm tội, nó là cơ sở pháp lý cho công cuộc đấu phòng và chống các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân. Đối với mỗi người dân, chúng ta cần chung tay góp sức, tuyên truyền, giúp đỡ mọi người hiểu rõ hơn về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tích cực phê phán những hành vi phạm tội để góp phần đẩy lùi loại tội phạm này, góp phần đảm bảo an toàn xã hội, trật tự an ninh quốc gia, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Bài tập nhóm của chúng em đến đây là kết thúc. Chúng em đã cùng nhau xây dựng và đưa ra những ý kiến, lập trường cho tình huống mà đề bài đặt ra nên chắc hẳn vẫn còn nhiều thiếu sót. Chúng em rất mong nhận được những nhận xét cũng như đóng góp của thầy cô để chúng em có thể hiểu rõ hơn về bộ môn Luật Hình sự và các bài tập sau được hoàn thiện hơn.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

* Tài liệu tham khảo trên sách, báo, các văn bản pháp luật

1. Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Được sửa đổi, bổ sung năm 2009), Nxb. Chính trị quốc gia.
2. Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số qui định trong phần chung của BLHS năm 1999 số hiệu 01/2000/NQ-HĐTP do Tòa án nhân dân tối cao ban hành.
3. Mai Bộ, Các tội xâm phạm sở hữu trong BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2010.
4. Một vài ý kiến về dấu hiệu chiếm đoạt trong các tội phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt ThS. Thái Chí Bình – Tòa án nhân dân thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang.
5.  PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, PGS,TS. Lê Thị Sơn, Từ điển pháp luật hình sự, Nxb. Bộ tư pháp.
6. Tội Phạm và cấu thành tội phạm – Nguyễn Ngọc Hòa, NXB CAND.
7. Trường đại học luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân.

* Tài liệu tham khảo trên internet

1. “Các dấu hiệu về khách thể của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”
2. “Căn cứ phân loại tội phạm”
3. “Một số vấn đề đồng phạm trong vụ án hình sự”
4. “Phân loại tội phạm, CTTP, khách thể và đối tượng tác động”

Cảm ơn bạn Tuấn đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment