11/05/2014
Tình trạng vi phạm pháp luật của thanh niên Việt Nam hiện nay - Bài tập học kỳ Lý luận Nhà nước và pháp luật - 8,5 điểm
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu phần lớn là do thanh niên”. Đúng vậy, thanh niên là lực lượng quan trọng của xã hội, là lớp người của tương lai, quyết định vận mệnh của cả dân tộc. Xuất phát từ vai trò đặc biệt quan trọng của thế hệ thanh niên, Đảng và nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để thế hệ này phát triển một cách hoàn thiện nhất. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật của thanh niên Việt Nam hiện nay đang là vấn đề cần báo động, là sự nhức nhối đối với toàn xã hội. Đây cũng là đề tài mà em chọn để làm bài tập lớn của mình.

Trước tiên, em xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các thầy cô bộ môn Lí luận nhà nước và pháp luật là những người đã rất tận tình giúp đỡ để em có thể hoàn thành bài tập này. Trong quá trình làm bài tập nếu có điều gì còn thiếu sót, kính mong thầy, cô thông cảm.

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

I. Cơ sở lí luận.

1. Khái niệm thanh niên. 

Thanh niên là một giai đoạn chuyển tiếp về thể chất và tinh thần trong sự phát triển của con người, diễn ra giữa giai đoạn trẻ em và trưởng thành. Độ tuổi của thanh niên khác biệt theo từng quốc gia và chức năng. Hơn nữa, thậm chí bên trong mỗi quốc gia hay nền văn hóa cũng có những độ tuổi khác nhau để một cá nhân được coi là đủ lớn để được xã hội tin tưởng và giao phó một số trách nhiệm.

Ở Việt Nam, độ tuổi của thanh  niên được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể là:

Theo Luật Thanh Niên số 53/2005/QH ngày 29 tháng 11 năm 2005 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XI và được Chủ tịch nước công bố tại lệnh số 24/2005/L/CTN ngày 9 tháng 12 năm 2005, thì độ tuổi của thanh niên là “từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi”. 

2. Khái niệm vi phạm pháp luật.

Vi phạm pháp luật là hiện tượng xã hội, tệ nạn trong xã hội, là những  hành vi phản ứng tiêu cực của một số cá nhân hoặc tổ chức đi ngược lại với ý chí của nhà nước được quy đinh trong pháp luật. Những hành vi có tính chất tiêu cực đó luôn gây hại cho nhà nước, xã hội và nhân dân nên bị nhà nước, xã hội và nhân dân lên án, đấu tranh đòi loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội.  

Nói một cách ngắn gọn thì vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật, có lỗi do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Vi phạm pháp luật là sự kiện pháp lí và là cơ sở để truy cứu trách nhiệm pháp lí.

II. Tình hình vi phạm pháp luật của thanh niên Việt Nam hiện nay.

1. Thực trạng. 

Bên cạnh những thanh  niên luôn cố gắng, nỗ lực rèn luyện, trau dồi văn hóa và đạo đức thì cũng có một bộ phận không nhỏ thanh niên đã và đang vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, thanh  niên là giai đoạn chuyển tiếp giữa trẻ em với trưởng thành. Vì thế có những suy nghĩ chưa chính chắn, chưa hiểu rõ và có nhận thức đầy đủ về pháp luật nên đã vi phạm pháp luật. Thực trạng của vấn đề vi phạm pháp luật ở lứa tuổi thanh niên đang là một vấn đề được xã hội quan tâm.

Vi phạm pháp luật của thanh niên diễn ra với nhiều hình thức phong phú và đa dạng.

Tình  hình vi phạm pháp luật của thanh niên hiện nay có xu hướng gia tăng với nhiều hiện tượng vi phạm pháp luật phong phú và đa dạng: vi phạm kỷ luật nhà nước, vi phạm dân sự, vi phạm hình sự  ... Các vi phạm pháp luật  bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ những lĩnh vực đơn giản đến phức tạp như: vi phạm luật an toàn giao thông khi tham gia giao thông, bạo lực học đường, tàng trữ và sử dụng văn hoá phẩm đồi trụy, cờ bạc, mại dâm, buôn bán ma túy, bắt cóc buôn bán trẻ em... 

Vi phạm pháp luật của thanh niên có xu hướng ra tăng, khó kiểm soát. 

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự (Bộ Công an), trong 5 năm thực hiện Đề án 4 Đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em và phạm tội trong lứa tuổi vị thành niên thuộc Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, đã phát hiện 47.000, vụ phạm pháp hình sự do 64.500 em vị thành niên gây ra; trung bình hàng năm chiếm 1/4 tổng số vụ phạm pháp hình sự trên toàn quốc. Ngoài ra, việc vi phạm pháp luật gần gũi nhất với thanh niên đó chính là vi phạm luật An toàn giao thông. Tỉ lệ không chấp hành an toàn giao thông ở bậc trung học phổ thông chiếm đến 70% số thanh niên các bậc học.

Theo tổng kết của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm 2011, Tổng cục đã xử lý 15.000 vụ phạm pháp hình sự, xử lý trên 22.000 đối tượng, trong đó có hơn 75% là thanh niên. Với các vụ án chủ yếu đó là chơi thuốc lắc, sử dụng ma túy, tang trữ văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực học đường,…

Độ tuổi vi phạm pháp luật của thanh niên có xu hướng giảm dần hay nói cách khác là đang có sự trẻ hoá.

Trong tổng số các vụ vi phạm pháp luật của cả nước thì đối tượng dưới 14 tuổi chiếm 13%, từ 14 đến 16 tuổi chiếm 34,7%, từ 16 đến 18 tuổi chiếm 52%. Về trình độ văn hoá của các đối tượng phạm pháp vị thành niên này, thống kê cho thấy số không biết chữ chiếm 9,7%, tiểu học chiếm 2,8%, THCS chiếm 41%, THPT chiếm 21%; số đã bỏ học chiếm 45%. Từ năm 2005 đến nay, tình hình phạm tội ở lứa tuổi thành niên đang có dấu hiệu ngày càng cao hơn, cả về mức độ lẫn sự nghiêm trọng của các vụ án. Chỉ trong năm 2006, riêng trẻ em dưới 14 tuổi có gần 8000 vụ vi phạm pháp luật, chiếm đến 70% tội phạm vị thành niên (VTN).. Thống kê của ngành Công an cho biết hiện tại cả nước có khoảng 20.000 trẻ em trong độ tuổi tới trường lang thang bụi đời, tụ tập băng nhóm ngoài xã hội. Đó chính là mầm mống của tội phạm đã và đang nảy sinh trong lứa tuổi VTN.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội ( Bộ công an), thời gian gần đây, số vụ án mạng do trẻ vị thành niên thực hiện đang có chiều hướng gia tăng với hàng nghìn vụ mỗi năm. Tội phạm thường ở độ tuổi từ 16 đến 18 (60%). Trong 3 tháng đầu năm 2011 trên phạm vi cả nước, các băng nhóm vị thành niên sử dụng vũ khí gây ra 107 vụ xô xát tăng 51 vụ so với cùng kì năm 2010, chiếm 34% so với tổng vụ phạm pháp xảy ra trên toàn nước.

Theo thống kê, trong khoảng 5 năm trở lại đây, sự gia tăng tỷ lệ tội phạm ở độ tuổi thanh niên (nhất là từ 16 đến 30 tuổi) đang khiến xã hội hoang mang. Trong năm 2009, tỷ lệ tội phạm ở độ tuổi 18-30 chiếm 34,5% (35435 bị cáo) sang năm 2010 đã tăng lên mức 40%.

Tình trạng  vi phạm pháp luật diễn ra với tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Chỉ trong 8 tháng của năm 2012, hàng loạt vụ vi phạm pháp luật mà hung thủ là những thanh niên máu lạnh đang tạo nên sự lo ngại trong xã hội.

Không ai lạ gì với cái tên Lê Văn Luyện – sát thủ 17 tuổi. Vào rạng sáng ngày 24 tháng 8 năm 2011, Lê Văn Luyện đã cắt toàn bộ hệ thống báo động và đột nhập vào tiệm vàng Ngọc Bích hòng cướp tài sản. Sau khi bị chủ nhà phát hiện, Luyện đã ra tay sát hại anh Trịnh Thành Ngọc (37 tuổi) và chị Đinh Thị Chín (35 tuổi) cùng con gái bé Trịnh Thị Thảo 18 tháng tuổi, chém đứt lìa bàn tay của con gái lớn Trịnh Thị Bích (8 tuổi). 

Bên cạnh các vụ án giết người kinh hoàng  thì nhiều vụ án chỉ xuất phát từ các xích mích cá nhân. Một vụ ném mìn kinh hoàng xảy ra tại Hà Nội vào lúc 1h sáng 10/8. Tiếng nổ phát ra tại một quán vịt nướng ở thôn Phú Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Ngay sau đó, Công an đồn số 1- Công an huyện Từ Liêm nhận được thông tin đã có mặt tại hiện trường để xác minh nguyên nhân tiếng nổ. Bằng nghiệp vụ và quan sát tại hiện trường công an đã xác định và bắt khẩn cấp Thiều Văn Hiếu (SN 1990), quê Xuân Quang, xã Đội Bình, Ứng Hòa, Hà Nội. Khi bị bắt giữ Hiếu đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Theo đó, do có xích mích vì tranh khách ăn vịt nướng tại quán, Hiếu đã nảy sinh ý đồ dùng mìn tự tạo để "chơi" lại đối thủ. Tuy nhiên, khi mìn phát nổ đã không có thương vong về người. 

Vi phạm pháp luật xảy ra có tổ chức với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta đều biết đến cô gái có biệt danh My “sói” sinh năm 1996 ở quận Hoàng Mai, Hà Nội và đồng bọn về tội "hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em và cướp tài sản". Cùng bị truy tố với My sói là các đồng phạm Trịnh Thăng Long (sinh năm 1992) ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa; Nguyễn Xuân Thắng (sinh năm 1993) ở Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội, Nguyễn Đức Hoàng (sinh năm 1992) ở phường Điện Biên, Đống Đa, Hà Nội; Lê Quang Vinh (sinh năm 1991) ở quận Hoàng Mai, Hà Nội và Trần Hoàng Nam (sinh năm 1992) ở quận Long Biên, Hà Nội. Do cần tiền tiêu xài, Đào Thị Thu Hương và Trịnh Thăng Long (là người tình của Hương) nảy ra ý định lừa các phụ nữ đưa vào nhà nghỉ nhằm mục đích hiếp dâm và cướp tài sản. Để thực hiện, nhóm này lên mạng internet để "chat" làm quen với các với bé gái rồi rủ họ đi chơi. Chỉ cần gặp mặt được nạn nhân, nhóm này dùng vũ lực ép đi theo, sau đó đánh đập, đe dọa, khống chế đưa đến các nhà nghỉ để tổ chức hiếp dâm tập thể, cướp tài sản.. Trong vòng 4 ngày từ 16/7/2010 đến 20/7/2010), nhóm này đã gây ra tổng cộng 5 vụ cướp tài sản, tổng giá trị trên 30 triệu đồng; 02 vụ hiếp dâm và 01 vụ hiếp dâm trẻ em để rồi chúng phải nhận bản án 160 năm tù cho 8 bị cáo. Đây là ví dụ khá điển hình cho thực trạng vi phạm pháp luật có tổ chức với hình thức lừa đảo khá tinh vi sử dụng mạng xã hội ảo.

Tình trạng vi phạm pháp luật của thanh niên ở các đô thị đặc biệt là các thành phố lớn cao hơn khu vực nông thôn. 

Theo thống kê của các cơ quan tư pháp, ở Hà Nội, tỷ lệ thanh niên phạm pháp chiếm khoảng 50% số các vụ việc vi phạm pháp luật. Ở thành phố Hồ Chí Minh, năm 2011 có 702 vụ vi phạm pháp luật do trẻ vị thành niên gây ra (chiếm 18,82%) với 1.156 đối tượng (chiếm 23,69%) trong số 3.730 vụ phạm phạm hình sự được Công an thành phố khám phá; năm 2010 có 1.235 đối tượng dưới 18 tuổi (chiếm 24,77%), 2.735 đối tượng tuổi từ 18 đến 30 (chiếm 54,86%) trong số 4.985 đối tượng bị công an bắt và xử lý

2. Nguyên nhân.

Thực trạng vi phạm pháp luật của thanh niên hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tựu chung lại trong hai nhóm nguyên nhân chính là nguyên nhân khách quan: gia đình, nhà trường và xã hội, nguyên nhân chủ quan từ chính các bạn trẻ.

a. Nguyên nhân khách quan.

- Gia đình:

Nhiều gia đình thiếu trách nhiệm, không quan tâm đến việc quản lí, giáo dục con cái, ỷ lại cho nhà trường và xã hội. 

Bên cạnh đó, nhiều bố mẹ lại chưa có biện pháp giáo dục con cái đúng đắn như chiều chuộng, thỏa mãn vô nguyên tắc những yêu cầu của con cái, đôi khi thấy con có việc làm sai trái đã dạy con bằng biện pháp đánh đập, hành hạ. 

Hoặc vi phạm pháp luật của thanh niên là kết quả của những hoàn cảnh đáng thương như: bố mẹ đã chết hoặc li hôn, sống không có tình cảm.

- Nhà trường: 

Các chương trình giáo dục ý thức pháp luật cho thanh niên chưa sát, các biện pháp giáo dục đạo đức chưa gắn và sát với các giải pháp quản lí các học sinh chưa ngoan.

Bên cạnh đó, việc quản lí học sinh trong các trường còn nhiều thiếu sót, cơ chế kỉ luật chưa nghiêm. Đồng thời, đôi lúc chương trình học ở trường còn quá nặng gây áp lực lớn đối với học sinh, làm họ dễ nản chí, bỏ cuộc, bước lầm đường.

Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường còn chưa chặt chẽ nên chưa thể quản lí được hết tình trạng của thanh,thiếu niên.

- Xã hội

Xã hội quá phát triển cũng là một tác động đến tình trạng vi  phạm pháp luật của thanh niên. 

Môi trường sống thiếu lành mạnh với nhiều tệ nạn xã hội, nhiều kênh truyền thông bạo lực như phim ảnh, game online… đã tác động lớn đến tinh thần các em.

Pháp luật còn nhiều lỗ hổng. Ngoài ra, khi các em vi phạm pháp luật thì còn nhiều tiêu cực trong việc xử lí làm cho họ mất đi niềm tin vào pháp luật, coi thường nó.

Hoạt động giáo dục ý thức pháp luật của xã hội còn rất hạn chế. 

Không những thế, tình trạng khó khăn trong cuộc sống; thất nghiệp;...

b, Nguyên nhân chủ quan

Lứa tuổi thanh niên là lứa tuổi đang có sự thay đổi mạnh mẽ về tâm sinh lí, muốn tự khẳng định mình và dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng. Cùng với đó, hoạt động giao tiếp với bạn bè đồng trang lứa nhiều và xảy ra va chạm cũng không ít.

Tình trạng thanh niên thiếu hiểu biết pháp luật còn nhiều đặc biệt là ở những vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Cũng có một bộ phận thanh niên hiểu biết về pháp luật nhưng vẫn cố tình vi phạm, hành động bất chấp hậu quả, thái độ coi thường công tác giáo dục và phổ biến pháp luật.

Ngoài ra, các vấn đề tình cảm cá nhân khiến cho tâm lý không ổn định.

III. Giải pháp.

Thanh niên có vai trò rất quan trọng nên giáo dục để nâng cao ý thức pháp luật, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật cho bộ phận này có ý nghĩa  rất lớn. 

a. Đối với gia đình, nhà trường và xã hội.

- Gia đình, đặc biệt là cha mẹ, những người quyết định trực tiếp đến sự trưởng thành và nên người của các em. Gia đình cần quan tâm đúng mức đến nguyện vọng của con trong từng giai đoạn trưởng thành, cho các em con đường học tập rộng mở để các em không bị ảnh hưởng, lôi kéo bởi bạn bè và Internet.
- Trong nhà trường cần đề cao hơn nữa tầm quan trọng của môn học Giáo dục công dân, Nhà nước và pháp luật trong các cấp học, bậc học. Đồng thời nên tổ chức các buổi giáo dục về pháp luật cho học sinh, sinh viên.
- Giữa nhà trường và gia đình, giữa nhà trường và các cơ quan chức năng khác cần chú trọng hơn nữa trong việc quản lý, giáo dục các em và phòng chống vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên.  
- Các tổ chức xã hội có thể tiến hành các đợt tình nguyện, giúp đỡ các gia đình có điều kiện khó khăn để nâng cao ý thức và tạo cho thanh niên có lối sống tích cực. Không kỳ thị, coi thường những thanh thếu niên có số phận bất hạnh, cuộc sống khó khăn.
- Tạo điều kiện cho thanh niên cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong các hoạt động, lĩnh vực của đời sống xã hội để tăng tính tập thể, xã hội cho thanh niên.
- Nâng cao nhận thức một số cấp uỷ, lãnh đạo địa phương về vị trí, vai trò của thanh niên trong công tác phổ biến, giáo dục phát luật. Các hành động phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên cần tập trung vào đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật.

Bên cạnh việc “phòng ngừa” là tạo dựng những môi trường sống tốt cho giới trẻ, tiến hành giáo dục pháp luật cho bộ phận thanh niên thì cũng cần những hình phạt đủ để răn đe đối tượng phạm tội. Đối tượng phạm tội trẻ hóa đang ngày càng gia tăng, đã đến lúc pháp luật nước ta cần tính tới sửa đổi bổ sung điều luật liên quan đến tội phạm vị thành niên để phù hợp với tình hình thực tế bởi lẽ hình phạt hiện tại của nước ta còn mang tính nhân văn cao, chưa đủ sức răn đe đối với giới trẻ.

b. Đối với những người trẻ.

Đồng thời, công tác tự ý thức của thanh niên là điều quan trọng nhất nhằm giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật của mình. Đây là thế hệ tương lai của toàn xã hội, họ cần phải xác định cho mình một con đường đi, một lối sống tích cực, lành mạnh để trở thành những con người có ích cho xã hội. 

- Thế hệ thanh niên phải nỗ lực không ngừng, rèn luyện về cả tri thức và đạo đức để thành công.
- Tăng cường tham gia các hoạt động xã hội, các tổ chức lành mạnh, rèn luyện sức khỏe...

KẾT THÚC VẤN ĐỀ

Thanh niên là đối tượng được nhà nước và xã hội quan tâm, tạo điều kiện để được phát triển toàn diện nhất. Song, bên cạnh đó thì những mặt trái của đối tượng này là tình trạng vi phạm pháp luật đã và đang là sự nhức nhối của toàn xã hội. Để giải quyết những vấn đề này cần sự đóng góp của toàn thể xã hội, nhất là những thế hệ thanh niên để Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập với bạn bè quốc tế.

Cảm ơn bạn Đặng Mai Hoa đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment