30/05/2014
Các chức năng cơ bản của gia đình - Bài tập học kỳ Xã hội học đại cương
Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, là nơi con người ta sinh ra và lớn lên, là nơi nuôi dưỡng các thế hệ về cả thể chất, trí tuệ lẫn đạo đức, nhân cách để hội nhập vào cuộc sống cộng đồng - xã hội và hơn nữa là trở thành những con người lương thiện, sống có ích, có nghĩa, có tình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”.Vậy gia đình có những chức năng gì? Tầm quan trọng của việc nghiên cứu xã hội học gia đình đồi với lĩnh vực pháp luật?

Nội dung 

Để hiểu được những vấn đề trên trước hết trước hết ta phải hiểu được khái niệm gia đình là gì?

1. Khái niệm gia đình.

Gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng và là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, những chủ đề nghiên cứu về gia đình luôn thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, tuy nhiên hiện nay có rất ngiều quan điểm về gia đình.Tùy theo phương pháp và cách tiếp cận, người ta có thể đưa ra nhiều khái niệm khác nhau về gia đình, như: 

Gia đình là thiết chế xã hội, trong đó những người có quan hệ ruột thịt (hoặc đặc biệt cùng chung sống). Gia đình là phạm trù biến đổi mang tính lịch sử và phản ánh văn hóa của dân tọc và thời đại. Gia đình là trường học đầu tiên có mối quan hệ biện chứng với tổng thể xã hội.( )


Gia đình – đơn vị xã hội (nhóm xã hội nhỏ), là hình thức tổ chức xã hội quan trọng nhất của sinh hoạt cá nhân dựa trên hôn nhân và các quan hệ huyết thống, tức là quan hệ vợ chồng, giữa cha và mẹ, giữa anh chị em và người thân thuộc khác cùng chung sống và có kinh tế chung.( )

“Gia đình là tế bào của xã hội, Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình.Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con thành những công dân tốt. Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ.Nhà nước và xã hội không thừa nhận việc phân biệt đối xử giữa các con(3)

Khái niệm về gia đình mang tính pháp lý ở Việt Nam được ghi trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Điều 8. Giải thích từ ngữ ): "Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau theo hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau theo qui định của Luật này"(4)

Tóm lại Gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt của con người, là một thiết chế văn hóa xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển dựa trên các mối quan hệ như: quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục giữa các thành viên trong gia đình.

2. Các chức năng cơ bản của gia đình

 “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt”(5)  Gia đình có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội. 

Gia đình đóng vai trò, vị trí hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của loài người. Gia đình được sinh ra, tồn tại và phát triển có sứ mệnh đảm đương những chức năng đặc biệt mà xã hội và tự nhiên đã giao cho, không thiết chế xã hội nào có thể thay thế được. Chức năng của gia đình là một khái niệm then chốt của xã hội học gia đình, các nhà nghiên cứu xã hội học gia đình trên cấp độ vi mô và cấp độ vĩ mô đều khẳng định những chức năng cơ bản của gia đình. Quan hệ giữa gia đình và xã hội cũng như quan hệ giữa các thành viên và các thế hệ trong gia đình thông qua việc thực hiện các chức năng của gia đình, do đó trở thành đối tượng nghiên cứu chủ yếu của xã hội học gia đình. Các nhà xã hội học đã nghiên cứu về gia đình trên các cấp độ cả vi mô và vĩ mô đã cho thấy gia đình có các chức năng cơ bản sau: chức năng kinh tế, chức năng tái sinh sản, duy trì nói giống và chức năng giáo dục.

2.1 Chức năng kinh tế

Đây là chức năng cơ bản quan trọng của gia đình nhằm tạo ra của cải, vật chất, là chức năng đảm bảo sự sống còn của gia đình, đảm bảo cho gia đình được ấm no, giàu có làm cho dân giàu, nước mạnh như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “dân có giàu thì nước mới mạnh “. Chức năng này bao quát về nhu cầu ăn, ở, tiện nghi, là sự hợp tác kinh tế giữa các thành viên trong gia đình nhằm thỏa mãn nhu cầu của đời sống.

Để có kinh tế của mỗi gia đình ngày càng được cải thiện và nâng cao, ngoài những thành viên đang còn ở độ tuổi trẻ em thì những thành viên đang ở độ tuổi lao động cần có một công việc, một mức thu nhập ổn định. Ngoài ra còn cần có nguồn thu nhập thêm để có thêm nguồn thu chi trả cho những chi phí lặt vặt hàng ngày. Ví dụ: giáo viên có thể nhận dạy lớp học thêm, công nhân có thể nhận thêm sản phẩm làm ngoài giờ, những người nông dân thì có thể tăng gia chăn nuôi, tranh thủ buổi tối bện chổi rơm, đan giậu,… Mỗi gia đình cần luôn có ý thức phấn đấu làm giàu và làm giàu một cách chính đáng, đồng thời biết cách hài hòa giữa đời sống vật chất và tinh thần. Bên cạnh đó xã hội cũng cần phải có trách nhiệm chăm lo chung cho mọi gia đình bằng cách phát triển kinh tế, văn hóa có như vậy thì chức năng kinh tế của gia đình mới có thể hoàn thiện được.

2.2  Chức năng tái sinh sản, duy trì nòi giống

Chức năng này góp phần cung cấp sức lao động – nguồn nhân cho xã hội. Chức năng này sẽ góp phần thay thế những lớp người lao động cũ đã đến tuổi nghỉ  hưu, đã hết khả năng lao động linh hoạt, năng động, sáng tạo. Việc thực hiện chức năng này vừa đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của xã hội vừa đáp ứng được nhu cầu về tâm sinh lí, tình cảm của chính bản thân con người. Ở mỗi quốc gia khác nhau thì việc thực hiện chức năng này là khác nhau. Ví dụ:

Ở Việt Nam, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con vừa đảm bảo được sức khỏe cho mẹ lại đảm bảo được chất lượng về cuộc sống cho gia đình và có điều kiện chăm sóc, dạy bảo các con.

Ở Trung Quốc hiện nay tỉ lệ nam giới đang có sự chênh lệch lớn so với nữ giới, vì thế nên nhà nước đang thực hiện chính sách khuyến khích sinh con một bề là con gái. Đến năm 2010, tại Trung Quốc, SRB đạt 118 bé trai/100 bé gái, giảm so với 121 (năm 2008), 119 (năm 2005), 121 (năm 2004). Tỷ số giới tính sẽ vẫn tiếp tục chênh lệch ở mức báo động 119 bé trai trên 100 bé gái vào những năm 2030.

2.3  Chức năng giáo dục

Đây là chức năng hết sức quan trọng của gia đình, quyết định đến nhân cách của con người, dạy dỗ nên những người con hiếu thảo, trở thành người công dân có ích cho xã hội bởi gia đình là trường học đầu tiên và ở đó cha mẹ là những người thầy đầu tiên trong cuộc đời mỗi con người:” Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con; tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.. ”(6) Mỗi gia đình đều hình thành tính cách của từng thành viên trong xã hội Gia đình là môi trường xã hội hóa đầu tiên của con người và là chủ thể của sự giáo dục. Như khoa học đã xác định rõ ràng, cơ sở trí tuệ và tình cảm cá nhân thường hình thành ngay từ thời thơ ấu. Gia đình trang bị cho đứa trẻ những ý niệm đầu tiên để lí giải thế giới sự vật, hiện tượng, những khái niệm về cái thiện và cái ác, dạy cho trẻ con hiểu rõ đời sống và con người, đưa trẻ con vào thế giới của những giá trị mà gia đình thừa nhận và thực hiện trong đời sống của nó.

Việt Nam là một quốc gia mang đậm nét đẹp truyền thống về đạo đức và lối sống thuần phong mĩ tục, vì thế nội dung giáo dục của gia đình cũng phải chú ý đến việc giáo dục toàn diện cả về phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm, lối sống, ý thức, cung cách cư xử trong cuộc sống và giáo dục cả về tri thức…

Chức năng giáo dục của gia đình chịu tác động trực tiếp của các yếu tố khách quan và chủ quan. Sự thay đổi lớn trong các chính sách kinh tế xã hội, những biến đổi trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, lối sống, sự thiếu hụt kinh nghiệm, ý thức dạy con trong những gia đình trẻ… đó là những yếu tố ảnh hưởng đến chức năng giáo dục của gia đình.

Để chức năng này được thực hiện một cách có hiệu quả thì gia đình phải có phương pháp giáo dục, răn đe một cách đúng đắn. Ai sai thì nhận sai và sửa chữa chứ đừng vì cái tôi, cái sĩ diện và tính bảo thủ của mình mà cố chấp không thay đổi. Có nhiều gia đình dạy dỗ con cái bằng những trận đòn roi, những cái bạt tai đến tối mặt mũi.. Liệu đó có phải là biện pháp hiệu quả? Những biện pháp ấy chẳng những không đem lại tác dụng gì mà càng khiến con cái trở nên chai lì, tâm lí tiêu cực và mất đi tình cảm thân thiết, niềm tin vào những người trong cùng một mái nhà. Thay bằng những trận đòn roi đến nhừ người thì những bậc cha mẹ nên dạy dỗ, chỉ bảo con cái mình nhẹ nhàng, phân tích rõ đúng sai để con trẻ hiểu. Hơn nữa những bậc cha mẹ, ông bà nên là một tâm gương để thế hệ trẻ noi theo. Các thành viên trong gia đình sống thuận hòa, vui vẻ, cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. 

Lại có nhiều những gia đình cha mẹ mải kiếm tiền mà không biết hài hòa giữa vật chất và tinh thần nên không có thời gian quan tâm sát sao đến con cái khiến chúng trở nên sống buông thả, bị cám dỗ vào những tệ nạn xã hội, có những hành vi đi ngược lại với thuần phong mĩ tục và truyền thống đạo đức của dân tộc…

Tuy việc giáo dục ở gia đình chỉ là một khía cạnh nhưng đó vẫn là cái gốc, con người sẽ trở nên hoàn thiện hơn khi có sự kết hợp giáo dục cả ở gia đình, nhà trường, xã hội và hơn nữa là ý thức tự giác tu dưỡng rèn luyện từ phía mỗi người…

Thông qua việc thực hiện chức năng giáo dục, gia đình thực sự trở thành cầu nối không thể thay thế được giũa xã hội và cá nhân.

Gia đình là phạm trù lịch sử, biến đổi theo thời gian. Mỗi thời đại lịch sử cũng như mỗi chế độ xã hội đều sản sinh ra một loại gia đình, xây dựng một kiểu gia đình lí tưởng với chức năng xã hội của nó.

2.4 Các chức năng khác .

Ngoài ba chức năng cơ bản trên thì gia đình còn có chức năng thoả mãn nhu cầu tinh thần, tình cảm và chăm sóc sức khỏe. Đây là chức năng có ý nghĩa quan trọng trong việc chia sẻ tình yêu thương gắn bó giữa các thành viên của gia đình, đặc biệt là tình yêu hạnh phúc lứa đôi. Tổ ấm gia đình vừa là điểm xuất phát cho con người trưởng thành, vững tin bước vào cuộc sống xã hội, đồng thời cũng là nơi bao dung, an ủi cho mỗi cá nhân trước những rủi ro, sóng gió cuộc đời. Càng về cuối đời, con người càng trở nên thấm thía và khao khát tìm về sự bình ổn, thoả mãn nhu cầu cân bằng trạng thái tâm lý, tình cảm trong sự chăm sóc, đùm bọc của gia đình; chăm sóc sức khỏe, đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe của các thành viên tron gia đình.

Có một số ý kiến cho rằng các chưc năng của gia đình đang có sự biến đổi để phù hợp với cuộc sồng hiện tại. 

3. Ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên cứu xã hội học gia đình đối với lĩnh vực pháp luật

Gia đình là hiện tượng xã hội khách quan, nó biểu hiện mối quan hệ giữa người với người. Đó là sự tồn tại khách quan không thể xóa bỏ được. Sự tồn tại của gia đình có liên quan tới nhiều vấn đề xã hội và các mối quan hệ trong xã hội trong đó có lĩnh vực pháp luật. Việc nghiên cứu xã hội học gia đình có ý nghĩa thực tiễn hết sức quan trọng đối với lĩnh vực pháp luật, thể hiện trên cả ba phương diện: hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp.

3.1  Khái quát chung về xã hội học gia đình 

Xã hội học gia đình là ngành xã hội học chuyên biệt nghiên cứu hệ thống các nhân tố bên trong và nhân tố bên ngoài của của sự hoạt động, sự phát triển và sự thay đổi của gia đình với tư cách là hình thức hoạt động của con người, cơ cấu và các chức năng của gia đình trong những điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa cụ thể của xã hội.(7)

Xã hội học gia đình, với tư cách là lĩnh vực chuyên ngành của xã hội học, nghiên cứu các nhân tó bên trong của gia đình. Đó là những nhân tố như quan hệ hôn nhân nhân – huyết thống giữa các thành viên trong gia đình; tình cảm giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái; sự phân chia trách nhiệm và nghĩa vụ  giữa các thành viên trong gia đình… Xã hội học gia đình cũng nghiên cứu các nhân tố bên ngài của gia đình. Chẳng hạn, mối quan hệ của gia đình với các lĩnh vực khác của xã hội như văn hóa, giáo dục, tôn giáo, kinh tế, với tổng thể các mối quan hệ xã hội.

Xã hội học gia đình bản thân nó là khoa học xã hội học chuyên biệt nghiên cứu về gia đình. Nó có những quy luật đặc thù riêng song cũng là bộ phận của xã hội học cho nên nó cũng đòi hỏi phải nghiên cứu gia đình một cách tổng thể trong mối quan hệ, sự tác động qua lại của các yếu tố cấu thành cơ cấu của gia đình, chức năng của gia đình đối với bản thân mối quan hệ nội tại của gia đình và mối quan hệ gia đình với mọi quan hệ của xã hội tổng thể.

Gia đình là hiện tượng xã hội tồn tại một cách khách quan trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, nó biểu hiện mối quan hệ giữa người với người. Đó là tồn tại khách quan không thể xóa bỏ được. Vấn đề vô cùng quan trọng là sự tồn tại của gia đình có liên quan đến nhiều vấn đề xã hội và các mối quan hệ trong xã hội cho nên cần nhận thức đầy đủ mối quan hệ của gia đình thì mới củng cố được mối quan hệ gia đình vì đó là chỗ dựa tinh thần cho con người.

3.2  Đối với các hoạt động pháp luật. 

3.2.1 .  Ý nghĩa của xã hôi học gia đình đối với hoạt động xây dựng pháp luật.

Hiện thực xã hội luôn vận động, biến đổi và phát triển kéo theo sự biến đổi của các mỗi quan hệ xã hội. Pháp luật cũng phải vận động và phát triển tương ứng với từng giai đoạn lịch sử của xã hội. Nghiên cứu xã hội học gia đình nhằm có những căn cứ đúng đắn để đánh giá cơ cấu, thực trạng mức sống, nhu cầu, sự biến đổi trong cuộc sống của gia đình trong xã hội từ đó đưa ra các chính sách, điều luật phù hợp với xã hội thực tại. Ví dụ như về thời gian phụ nữ được nghỉ sau khi sinh là 4 tháng hay 6 tháng thì hợp lý? Các quy định ưu đãi cho hộ nghèo… Khía cạnh nghiên cứu này mang lại cho chủ thể của hoạt động xây dựng pháp luật sự hiểu biết đầy đủ, chân thực, khách quan về cơ cấu, tình hình thực tế, nguyên nhân của những mặt còn tồn tại… Thông qua việc nghiên cứu, các nhà làm luật sẽ tập hợp lại những nguyện vọng của nhân dân và thể hiện dưới những điều luật mang tính bắt buộc.

Đây cũng là hình thức thu thập thông tin, tài liệu lý luận và thực nghiệm phục vụ cho các dự án luật như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Lao Động, Luật Phòng Chống Bạo Lực Gia Đình,Luật Bình Đẳng Giới …và sau này có thể có thêm nhiều luật mới ra đời.

3.2.2  Ý nghĩa của xã hôi học gia đình đối với hoạt động thực hiện pháp luật 

“Thực hiện pháp luật là quá trình hoạt động có mục đích làm cho các quyết định của pháp luật đi vào thức tiễn của cuộc sống, trở thành hành vi hợp pháp của các chủ thể pháp luật”(8) . Trong môi trường gia đình được giáo duc về việc thực hiện pháp luật các chủ thể sẽ có xử sự tích cực hơn trong việc thực hiện pháp luật 

Gia đình là trường học đầu tiên của con người. Gia đình cũng cung cấp cho con mỗi thành viên dù ít dù nhiều những kiến thức cơ bản về pháp luật. Hiểu biết pháp luật thì sẽ thực hiện pháp luật và thiêú hiểu biết pháp luật thì sẽ thực hiện pháp luật. Nghiên cứu xã hội học gia đình để thấy được thực trạng bạo lực gia đình như thế nào, trẻ em có được đến trường không, có bị bóc lột sức lao động không… 

3.2.3 Ý nghĩa  của xã hôi học gia đình đối với hoạt động áp dụng pháp luật. 

Áp dụng pháp luật là hoạt động của các cá nhân có thẩm quyền nhằm cá biệt các quy phạm pháp luật vào các trường hợp cụ thể. 

Gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến ý thức pháp luật của những đứa con. Bố mẹ gương mẫu nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ thì những đứa con cũng noi theo. Bố mẹ coi thường pháp luật thì những đứa con rất dễ bị ảnh hưởng.

3.3 Đối với ý thức pháp luật.

“Ý thức pháp luật là thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật(9)  ( pháp luật trong quá khứ hoặc hiện tai hay trong tương lai). Nó giữ vai trò chi phối tất cả các quá trình điều chỉnh hành vi của con người, bao gồm: 

Thứ nhất là về hệ tư tưởng pháp luật: Nghiên cứu xã hội học gia đình để tìm hiểu về sự giáo dục con cái về pháp luật từ đó đưa ra các biện pháp nâng cao hiểu biết của nhgười dân về hệ thống luật pháp không chỉ trong nước mà con trên thế giới. Ví dụ như ban hành các chính sách, qui định về giáo dục phải phù hợp với từng địa phương (miền núi ít người khác với đồng bằng,  nông thôn).

Thứ hai là về tâm lý pháp luật: Nhờ vào việc nghiên cứu xã hội học gia đình, chúng ta biết được thái độ, tình cảm của người dân đối với hệ thống pháp luật hiện hành đối với cuộc sống gia đình.

Ý thức pháp luật  cá nhân: thể hiện thế giới quan pháp lý, thái độ pháp lý của cá nhân. Sự hình thành và phát triển ý thức pháp luật cá nhân là quá tình con người nhận thức, tích lũy những kiến thức về pháp luật và những hiện tượng pháp lý khác.Ý thức pháp luật bị chi phối bởi lập trường giai cấp, hệ tư tưởng thịnh hành trong xã hội, truyền thống dân tộc, điều kiện, hoàn cảnh sống. Như vậy, những thói quen, tư tưởng trong gia đình tác động ít nhiều tới ý thức pháp luật mỗi cá nhân. Gia đình truyền thống nặng về tư tưởng nho giáo sẽ khó chấp nhận những điều luật hội nhập với thế giới. Đôi khi những suy nghĩ ấy lại có phần cổ hủ không theo kịp thời đại. Gia đình có lối sống theo kiểu phương đông phóng khoáng lại  cảm thấy những điều luật thể hiện mặt truyền thống là rất bất cập và lạc hậu. Gia đình cũng dậy cho chúng ta biết ý thức đúng – sai và phải biết chịu trách nhiệm trước việc làm sai trái. Có thể thấy:”ý thức pháp luật của mỗi ca nhân được hình thành và phát triển trong môi trường sống của họ, qua sự giáo dục trong gia đình, nhà trường…”(10)

Ý thức pháp luật nhóm: được hình thành dựa trên quan điểm, tình cảm của một số các ca nhân có cùng thái độ, tình cảm với pháp luật, tuy nhiên ở đây gia đình cũng giữ một vai trò không nhỏ trong việc định hướng, hình thành ý thức pháp luật của cá nhân mỗi người. 

Ý thức pháp luật xã hội: được hiểu là tổng thể những quan niện tư tưởng của xã hội đõ về pháp luật, trong một xã hội văn minh mà cơ sở là cac gia đình tiến bộ sẽ dẫn đến việc ý thức pháp luật tốt, việc thực hiện pháp luật được chấp hành cách nghiêm chỉnh. Điều này, phụ thuộc vào hiểu biết của mỗi cá nhân ở cả chiều rộng và chiều sâu,” hiểu được pháp luật càng đầy đủ, chính xác sẽ có điều kiện thực hiên chúng một cách nghiêm chỉnh…Ngược lại, không hiểu biết pháp luật, hiểu biết một cách không đầy đủ,không đúng đắn là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật”(11) 

Kết luận 

Bất kì một xã hội nào muốn phát triển, ổn định và bền lâu thì rất cần có các gia đình – những tế bào nhỏ của xã hội ấm êm, hạnh phúc và phát triển cả về Đức – Trí – Thể - Mĩ. Nếu các chức năng của gia đình được các gia đình ý thức thực hiện một cách có hiệu quả thì chắc rằng đất nước sẽ ngày càng phát triển toàn diện hơn, nâng cao về đạo đức lối sống, trí tuệ của người Việt.

Xã hội học gia đình với các nghiên cứu thực tiễn từ các nhà khoa học đã khẳng định về vai trò, vị trí và chức năng của gia đình trong đời sống mỗi con người. Và việc nghiên cứu ấy có ý nghĩa thực tiễn đối với pháp luật và thể hiện rõ nhất ở ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Như vậy, xã hội học gia đình đóng góp một phần quan trọng vào nhận thức, ý thức và hành động của mỗi người từ đó hình thành nên hệ thống các tư duy một cách đúng đắn, mạch lạc mang lại một cuộc sống vui vẻ, hòa hợp và ý nghĩa 

Danh mục tài Liệu đã tham khảo 

1. Đại Học Luật Hà Nội, Giáo trình Lí Luận Chung Về Nhà Nước và Pháp Luật, nxb. Tư Pháp, Hà Nội, 2010. 
2. Đại Học Luật Hà Nội, Tập Bài Giảng Xã Hội Học, nxb. CAND, Hà Nội, 2007. 
3. Hiến Pháp 1992, sửa đổi bổ sung năm 2001. 
4. Luật Hôn Nhân và Gia Đình 2000. 
5. Ts. Ngọ Văn Nhân, Xã Hội Học Pháp Luật, nxb. Tư Pháp, Hà Nội, 2010.
6. Ths. Nguyễn Văn Năm, Vai Trò Của Ý Thức Pháp Luật Đối Với Việc Thực Hiện Pháp Luật, Tạp Chí Luật Học số 3/2011.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Đinh Thành đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment