30/05/2014
Thời hiệu - Bài tập học kỳ Luật Dân sự 1
Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, các quan hệ xã hội ngày càng phát triển, giao lưu dân sự ngày càng được đẩy mạnh. Từ đó nẩy sinh tranh chấp dân sự ngày càng tăng lên. Để đảm vệ quyền và lợi ích hơp pháp của các bên thúc đẩy giao dịch dân sự phát triển thì các tranh chấp phải được giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Việc quy định về thời hiệu sẽ đảm bảo cho tính ổn định của các quan hệ dân sự, đồng thời tạo ra môi trường lành mạnh đẻ kích thích giao lưu dân sự phát triển. Việc xác định đúng thời hiệu có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các chủ thể cũng như hoạt động giải quyết tranh chấp của cơ quan tòa án.Nhiều vụ việc thực tiễn là bài học rất đau đớn cho các đương sự vì không nhận thức dầy đủ ý nghĩa của thời hiệu. Bộ luật dân sự 2005 quy định đầy đủ về thời hiệu qua đó tạo điều kiện cho các chủ thể chủ động thực hiện các biện pháp  bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần được giải quyết kịp thời.Để tìm hiểu hơn về vấn đề này em xin chọn đề tài “Đánh giá các quy định pháp lý hiện hành về thời hiệu”.

B  NỘI DUNG

I KHÁI QUÁT CHUNG VỀ THỜI HIỆU.

1. Khái niệm và  đặc điểm của thời hiệu

1.1 Khái niệm thời hiệu

Thời hiệu được quy định rõ trong Bộ luật dân sự 2005 mà cụ thể là điều 154 quy định:

“Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng dân sự,được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự”. 

Cùng với thời hạn, thời hiệu là một chế định pháp lý quan trọng trong việc xác lập quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ dân sự. Trước hết thời hiệu là căn cứ pháp lý để làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự. Thời hiệu giúp cho việc ổn định các quan hệ dân sự trong việc xác lập quyền hợp pháp cho các chủ thể trong các trường hợp nhất định. Bên cạnh đó, thời hiệu tạo điều kiện giảm bớt khó khăn cho tòa án trong việc phải thụ lí các vụ án dân sự mà khó có thể tìm được chứng cứ chứng   minh bởi nó đã xẩy ra quá lâu và chính cac chủ thể cũng không có ý thức bảo vệ quyền lợi của mình. Thời hiệu nâng cao ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật của các chủ thể, từ đó sớm xác lập ổn định các quan hệ dân sự, khuyến khích các bên tích cực, chủ động, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Hết một khoảng thời gian được xem là thời hiệu thì sẽ làm phát sinh một hậu quả pháp lý đối với người có quyền hoặc người có nghĩa vụ.

Thời hiệu là một sự kiện dẫn đến hậu quả làm phát sinh quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền được bảo vệ quyền dân sự bị vi phạm.

Khác với thời hạn, thời hiệu do pháp luật quy định, các bên không có quyền thỏa thuận như thời hạn, vì vậy thời hiệu mang tính chất bắt buộc. Mọi sự thỏa thuận của các bên khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự nhằm thay đổi thời hiệu hoặc cách tính thời hiệu đều bị xem xét là vô hiệu.  Việc áp dụng thời hiệu cũng mang tính bắt buộc đối với Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xem xét, giải quyết các yêu cầu của người khiếu kiện.

Ví dụ: A cho B vay 5 triệu trong vòng 1 tháng từ ngày 01/01/2009 đến hết ngày 30/01/2009. Sau thời hạn này B không trả tiền A  thì A có quyền kiện ra tòa án. Thời hiệu xác định trong trường hợp này là 2 năm tính từ ngày 31/01/2009 đến hết ngày 31/01/20011.

1.2. Đặc diểm pháp lý của thời hiệu

Thời hiệu cũng là thời hạn, vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đơn vị tính, về thời điểm bắt đầu kết thúc, tuy nhiên thời hiệu là một dạng cụ thể đặc biệt của thời hạn bởi vậy thời hiệu có những đặ điểm sau

- Thời hiệu do pháp luật quy định và mang tính bắt buộc tuân thủ.

Khác với thời hạn, thời hiệu do pháp luật quy định và sự tồn tại của thời hiệu không phụ thuộc vào ý chischur quan của người có quyền, lợi ích liên quan. Bởi vậy thời hiệu mang tính chất bắt buộc tuân thủ, các bên không được phép thỏa thuận để xác định về thời hiệu hay làm thay đổi quãng thời gian mà pháp luật quy định cho thời hiệu. Mọi sự thỏa thuận của các bên tham gia quan hệ dân sự nhằm thay đổi thời hiệu hoặc cách tính thời hiệu đều được xem là vô hiệu và việc áp dụng thời hiệu cũng mang tính bắt buộc đối với tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét giải quyết yêu cầu khởi kiện. 

Ví dụ: Bộ luật dân sự quy định về thời gian khởi kiện đối với hành vi vi phạm đối với nghĩa vụ trong hợp đồng là 2 năm thì các bên chủ thể không thể thỏa thuận trong hợp đồng kéo dài thời gian khởi kiện đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng lên 5 năm hay rút ngắn xuống còn một năm được. Cũng tương tự như vậy, các bên không được phép thỏa thuận để xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu là khi có quyền phát hiện ra quyền lợi của mình bị xâm phạm.

- Thời hiệu mang tính định lượng và định tính liên tục, trừ trường hợp do pháp luật quy định

Thời hiệu trước tiên là thời hạn, khi nói tới thời hạn tức là nói tới khoảng thời gian xác định, nó có điểm bắt đầu và điểm kết thúc . Thông thường thời hiệu được tính bằng đơn vị cụ thể như: ngày, tháng, năm và được định lượng bằng số cụ thể. Ví dụ thời hiệu khởi thời hiệu khởi kiện là hai năm thời hiệu yêu cầu là một năm.

Thông thường thời hiệu là khoảng thời gian có tính liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc, tuy nhiên trong một số trường hợp nếu có các sự kiện nhất định xẩy ra thì khoảng thời gian xẩy ra các sự kiện không được tính vào thời hiệu hoặc thời hiệu được tính lại từ đầu. Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 thì thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự sẽ được tính lại từ đầu khi xẩy ra một số sự kiện làm gián đoạn như: có sự giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hệu; hoặc quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu mà bị người có quyền nghĩa vụ liên quan tranh chấp. Còn đối với thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự thì xẩy ra các sự kiện như sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại yêu cầu khác quan; chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, yêu cầu chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự ; chưa có người đại diện thay thế thì khoảng thời gian diễn ra các sự kiện đó không đực tính vào thời hiệu. Ngoài ra, trong trường hợp trong khoảng thời hạn của thời hiệu nhưng bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần nghĩa vụ của mình đối với bên khởi kiện hoặc các bên đã tự hòa giả với nhau thì thời hiệu phải được tính lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xẩy ra sự kiện trên.

- Thời hiệu là cơ sở dể các chủ thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và là điều kiện để tòa án thụ lý vụ việc dân sự.

Một trong những quyền của chủ thể được thực hiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là quyền khởi kiện, yêu cầu và việc còn thời hiệu là điều kiện cần để chủ thể thực hiện quyền khởi kiện, yêu cầu của mình. Khi không còn thời hiệu thì dù thực tế chủ thể có quyền lợi ích hợp pháp cần bảo vệ, chủ thể cung cấp các tài liệu chứng minh cho yêu cầu của mình là đúng thì tòa án không có cơ sở pháp lý để giải quyết các yêu cầu đó . Khi tiếp nhận đơn kiện, đơn yêu cầu của các chủ thể thì tòa án phải xem xét còn thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu hay không, nếu còn thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu thì đơn khởi kiện,đơn yêu cầu của chủ thể mới được chấp nhận, nhờ đó quyền và lợi ích của chủ thể được bảo vệ.

- Nội dung của chế định thời hiệu phụ thuộc vào pháp luật của mỗi nước, cụ thể là phụ thuộc vào điều kiện kinh tế- xã hội của nước đó,

Theo quan điểm Mác-Lê nin thì kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau và những tác động đó trở thành tích cực thì cần có sự phù hợp giữa kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng. Pháp luật là vấn đề thuộc kiến trúc thượng tầng còn kinh tế là vấn đề thuộc cơ sở hạ tầng, bởi vậy pháp luật phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội.Chế định thời hiệu là một bộ phận của hệ thống pháp luật, tuy nhiên những quy định của nó cũng phải phù hợp với trình độ phát triển của kinh tế xã hội. Ví dụ ở Việt Nam, do điều kiện kinh tế xã hội còn khó  khăn và ý thức pháp luật của người dân chưa được cao, khi sự việc xẩy ra trong khoảng thời gian dài thì việc xác minh trở nên khó khăn, bở vậy thời hiệu khởi kiện thường được quy định ngắn.

- Hậu quả pháp lý phát sinh trong thời hiệu có phạm vi hẹp hơn so với các thời hiệu khác.

Kết thúc khoảng thời gian thời hiệu sẽ và chỉ làm phát sinh một  hoặc các hậu quả pháp lý trong bốn hậu quả pháp lý sau: chủ thể được hưởng quyền dân sự; chủ thể được miễn trừ nghĩa vụ dân sự; chủ thể bị mất quyền khởi kiện vụ án dân sự; chủ thể bị mất quyền yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự. Như vậy, hậu quả phps lý phát sinh trong thời hiệu có phạm vi hẹp hơn so với các thời hạn khác.

II CÁC LOẠI THỜI HIỆU.

Căn cứ vào điều 155 của Bộ luật dân sự năm 2005 có 3 loại thời hiệu sau: thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự; thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự và thời hiệu khởi kiện.

1. Thời hiệu khởi kiện 

1.1   Khái niệm đặc điểm của thời hiệu khởi kiện.

Thời hiệu khởi kiện được quy định tại Khoản 3, Điều 155 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất thời hiệu khởi kiện”. 

Chúng ta có thể đưa ra định nghĩa cụ thể hơn như sau: Thời hiệu khởi kiện là thời hạn do pháp luật quy định mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó mất hết quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Bộ luật dân sự 2005 không quy định về thời hiệu khởi kiện chung cho các loại quan hệ pháp luật dân sự chung như pháp luật tố tụng của một số nước mà quy định thời hạn khác nhau của thời hiệu khởi kiện đối với đối với từng loại quan hệ pháp luật dân sự cụ thể . Các thời hiệu khởi kiện theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 bao gồm:

+ Thời hiệu khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm các điều kiện về chủ thể, ý chí, hình thức của giao dịch là một năm kể từ ngày xác lập giao dịch;

+ Thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là hai năm kể từ ngày mà quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; 

+ Thời hiệu khởi kiện dối với hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng là hai năm kể từ ngày quyền lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; 

+ Thời hiệu khởi kiện thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại là 3 năm, yêu cầu phân chia di sản thừa kế, công nhận hay bác bỏ quyền thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. 

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự không áp dụng trong những trường hợp: Yêu cầu hoàn trả tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước; Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; và các trường hợp khác do pháp luật quy định. Sở dĩ pháp luật không giới hạn thời gian khởi kiện đối với các trường hợp này vì:

Thứ nhất, đối với yêu cầu hoàn trả lại tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước.

Nhà nước chủ thể đặc biệt, đại diện cho nhân dân và thay mặt nhân dân quản lý nhà nước và xã hội. Bởi vậy nhà nước chính là tài sản của nhân dân, không chủ thể nào được quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt trừ trường hợp nhà nước đồng ý. Khoản 1 Điều 160 BLDS 2005 quy định thời hiệu yêu cầu hoàn trả tài sả thuộc hình thức sở hữu nhà nước không bị hạn chế bởi thời hiệu. Như vậy bất kì chủ thể nào có hành vi xâm phạm tới tài sản của nhà nước thì dù việc xẩy ra bao lâu, các cơ quan tổ chức được nhà nước giao nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực đó cũng có quyền khởi kiện yêu cầu chủ thể đó hoàn trả. Yêu cầu hoàn trả tài sản nối tại thời điểm này là quyền đòi lại vật do bị chiếm hữu trái pháp luật thuộc sở hữu toàn dân.

Thứ hai: đối với yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân bị xâm phạm

Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân bị xâm phạm được quy định tại Điều 25 BLDS bao gồm quyền : yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan , tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm phải bồi thường  thiệt hại. 

Ví dụ: thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kiện thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người khác để lại là 3 năm kể từ thời điểm mở thừa kế(Điều 645), về giao dịch dân sự vô hiệu là 2 năm ( Khoản 1, Điều 136) và có những trường hợp thời hiệu khởi kiện không bị hạn chế.

1.2 Cách  tính thời hiệu khởi kiện.

Thời hiệu khởi kiện bắt đầu tính từ thời điểm quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật quy định khác(Khoản 1 Điều 159 Bộ luật dân sự năm 2005). “Thời điểm quyền,  lợi ích hợp pháp bị xâm phạm” thời điểm người có nghĩa vụ ohair thực hiện nghĩa vụ nhưng họ đã không thực hiện. Ví dụ: các bên thỏa thuận về thời điểm trả nợ trong hợp đồng  vay nhưng đến thời điểm đó bên vay không trả, kể từ thời điểm này bên cho vay có quyền khởi kiện trước tòa án yêu cầu bên vay phải trả nợ.

Trường hợp các bên không quy định về thời hạn thuwch hiện nghĩa vụ, thì tùy theo tính chất của từng quan hệ pháp luật mà có những quy định riêng như “bất cứ lúc nào”, “ngay lập tức”, “khoảng thời gian hợp lý” hoặc “khi có yêu cầu”,… Chỉ sau khi kết thúc thời hạn mới đó mới được coi thời điểm vi phạm và bắt đầu tính thời hiệu. Trong một số trường hợp thời điểm vi phạm là thời điểm xác lập quan hệ( Tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu) hoặc là thời điểm xẩy ra một sự kiện nào đó(thời điểm mở thừa kế)…

Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thời hiệu khởi kiện có thể bị gián đoạn khi xẩy ra những sự kiện nhất định được pháp luật dự liệu. Trong trường hợp này thời hiệu tạm dừng, khoảng thời gian diễn ra các sự kiện đó không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự. Điều 161 Bộ luật dân sự năm2005đã quy định thời gian có sự kiện xẩy ra không tính vào thời hiệu khởi kiện, thời hiệu khởi kiện yêu cầu giải quyết việc dân sự:

+ có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm người có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xẩy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép. Ví dụ: Bị tai nạn, đau ốm, thiên tai,…

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình. Ví dụ: đi công tác đột xuất, thư tín bị thất lạc…

+ Người có quyền khởi kiện chưa thành niên, đang bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng chưa có người đại diện. Những người này họ không thể yêu cầu toà án bảo vệ quyền lợi của họ, nên pháp luật quy địn tạm ngừng thời hiệu khởi kiện.

Khác với tạm ngừng thời hiệu khởi kiện, trong đó khoảng thời gian xẩy ra trước khi có sự kiện tạm ngừng vẫn được tính vào thời hiệu chung, thì bắt đầulại thời hiệu khởi kiện là pháp luật dự liệu những sự kiện, nếu chúng xẩy ra thì thời hiệu sẽ được tính lại từ đầu, thời gian trước khi xẩy ra sự kiện không được tính vào thời hiệu chung. Theo Điều 162 BLDS năm 2005 quy định thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại trong các trường hợp sau:

Bên nghĩa vụ thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình dối với người khởi kiện.

Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện .

Các bên tự hòa giải với nhau.

Trong trường hợp nêu trên, các thời hiệu khởi kiện được bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo xẩy ra sự kiện.

Quy định về tạm ngừng thời hiệu khởi kiện nhằm bảo vệ quyền lợi của người có quyền vì những lí do khách quan không thể thực hiện được quyền khởi kiện của họ trong thời gian xẩy ra sự kiện khách quan.

Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện khi có một căn cứ được quy định tại điều 162 BLDS, những trường hợp này do một bên không thực hiện nghĩa vụ , cho nên người có quyền đã khởi kiện và bên có nghĩa vụ công nhậncó nghĩa vụ và sẽ hoặc đã  thực hiện một phần nghĩa vụ, vì vậy các nghĩa vụ đó phải trực tiếp tồn tại trong một thời hạn nhất định…

Ví dụ: các bên thỏa thuận về thời điểm trả nợ trong hợp đồng vay, nhưng đến thời điểm đó bên vay không trả , kể từ thời điểm này bên cho vay có quyền khởi kiện trước tòa án theo yêu cầu bên vay phải trả nợ.

2.Thời hiệu hưởng quyền dân sự  và miễn trừ nghĩa vụ dân sự:

2.1 Khái niệm và đặc điểm của thời hiệu hưởng quyền nghĩa vụ dân sự

Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó, chủ thể được hưởng quyền dân sự( Khoản 1 Điều 155 Bộ luật dân sự dân sự năm 2005). Ở đây, thời hiệu là một sự kiện pháp lí làm phát sinh quyền dân sự cho chủ thể, nhưng không phải bất cứ chủ thể nào cũng có thể xác lập theo thời hiệu mà chỉ trong thời hiệu pháp luật quy định. Ví dụ khoản 1 Điều 247 Bộ luật dân sự 2005 quy định thời hiệu làm phát sinh quyền sở hữu tài sản của người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng thỏa mãn điều kiện “ngay tình, liên tục, công khai”. Tương tự như vậy các trường hợp quy định tại các điều 239,241,242,243,244 Bộ luật dân sự 2005, theo đó, người chiếm hữu tài sản có thể trở thành chủ sở hữu tài sản theo thời hiệu khi đáp ứng đủ diều kiện luật định.

Thời điểm bắt đầu thời hiệu hưởng quyền là thời điểm thực tế chiếm hữu tài sản, đối với những tài sản mà pháp luật quy định phải đăng kí( ví dụ bất động sản), thì thời hiệu bắt đầu từ thời điểm đăng kí.

Ví dụ: Theo Khoản 1, Điều 247 BLDS quy định, người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu của tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp quy định tại Khỏa 2 Điều  247 BLDS.

A nhặt được 1 vật X trị giá 800 nghìn bị đánh rơi trên đường. A không biết ai đã đánh rơi, A đã thông báo cho UBND xã, UBND đã thông báo công khai. Thời hiệu của A để trở thành chủ sở hữu của vật X là 10 năm ( thời hiệu hưởng quyền). trong khoảng thời gian này, B đến nhận vật X là của mình và yêu cầu A trả lại vật. A thấy có dấu hiệu nghi ngờ nên không trả lại cho B. Như vậy đã có sự tham gia tranh chấp cảu người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Thời hiệu hưởng quyền của A sẽ được tính lại từ đầu nếu tranh chấp chấm dứt ( B không đòi lại vật nữa, bất kể lý do gì)

2.2 Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự:

Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó, thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn thực hiện nghĩa vụ đó( khoản 2 Diểu 155 Bộ luật dân sự 2005).

Khác với thời hiệu hưởng quyền dân sự cho phép chủ thể hưởng quyền khi kết thúc thời hạn luật định, thì thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự, người có nghĩa vụ được miễn trừ nghĩa vụ tương ứng với thời điểm kết thúc thời hạn. Khi một chủ thể tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó, thì họ có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trong một thời hạn do các bên chủ thể có thỏa thuận hoặc do một bên có pháp luật quy định. Nếu họ không thực hiện nghĩa vụ và những người có quyền cũng không yêu cầu họ thực hiện thì sau một thời hạn luật định họ không phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Xuất phát từ đặc điểm pháp luật về thời hiệu, từ đặc điểm của các quyền nhân thân không gắn với tài sản của cá nhân, tổ chức, pháp luật quy định hưởng quyền không được áp dụng đối với các trường hợp chiếm hữu tài sản thuộc sở hữu toàn dân không có căn cứ pháp luật và các quyền nhân thân không gắn với tài sản. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự không áp dụng trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với nhà nước ( Khoản 3 Điều 157 Bộ luật dân sự năm 2005). Quy định này nhằm bảo vệ triệt để chế độ sở hứu toàn dân, bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng và toàn xã hội.

2.3 Cách tính thời hiệu hưởng quyền dân sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự.

- Được tính từ thời điểm bắt đầu từ “ngày” đầu tiên và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu( Điều 156 Bộ luật dân sự 2005). Như vậy, thời hiệu được xác định là ngày và về nguyên tắc hai loại thời hiệu này không bị gián đoạn bởi bất kì lý do gì, chúng phải có tính liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc; nếu có sự kiện làm gián đoạn thì thời hiệu được tính lại từ đầu, sau khi sự kiện làm gián đoạn chấm dứt ( Điều 158 Bộ luật dân sự 2005). Căn cứ vào đặc điểm của pháp luật về thời hiệu mà khi pháp luật quy định chủ thể được hưởng quyền hoặc miễn trừ nghĩa vụ mới có hiệu lực ( Khoản 1 Điều 157 Bộ luật dân sự 2005).

- Tính liên tục của thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự 

Thứ nhất: có sự giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nghĩa vụ đang được áp dụng thời hiệu.

Thứ hai,Quyền và nghĩa vụ đang áp dụng thời hiệu mà bị người có quyền và nghĩa vụ liên quan tranh chấp.

3. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

3.1 Khái niệm các thời hiệu giải quyết việc dân sự

Theo quy định của pháp luật thì việc dân sự là các yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân gia đình, kinhy doanh, lao động, thương mại được tòa án thụ lý giải quyết. Việc dân sự là một bộ phạn quan trọng của vụ án dân sự, nó cũng có ý nghĩa rất lớn, bởi quy định thời hiệu yêu cầu giải quyết dân sự nói chung và pháp luật nói riêng về thời hiệu nói riêng là rất quan trọng.

Theo khoản 4 Điều 155, BLDS năm 2005 quy định thì “Thời hạn yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hượp pháp của cá nhân,cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu”.

3.2 Phương thức tính thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yều cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Xuất phát từ việc giải quyết việc dân sự thường được tiến hành nhanh gọn với thủ tục đơn giản so với việc giải quyết các vụ án dân sự. Vì nếu như trường hợp pháp luật không có quy định khác thì thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được quy định là một năm, ngắn hơn so với thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Thời điểm bắt đầu được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được đánh dấu bằng việc gửi đơn lên Tòa án.

Về nguyên tắc , xuất phát từ tính đặc trưng của loại thời hiệu hưởng quyền- thời hiệu hưởng quyền – thời hiệu xây dựng trên cơ sở tôn trọng sự tồn tại lâu dài của một quyền như một thực trạng, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự- thúc đẩy việc khẳng định một quyền nhất định trong quan hệ nghĩa vụ do pháp luật quy định. Vì vậy, theo Điều 158 BLDS xác định 2 loại thời hiệu này có tính liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc. Tính liên tục này có sự xác định kể cả trong trường hợp có sự chuyển giao tài sản và các quyền về tài sản. Thời hiệu không bị gián đoạn do quyền và nghĩa vụ dân sự được chuyển giao cho người khác. Thời hiệu hưởng quyền, miễn trừ nghĩa vụ có thể bị gián đoạn khi có một trong các sự kiện sau:

Có sự giải quyết của cơ quan có thẩm quyền đối với quyền và nghĩa vụ đang được áp dụng thời hiệu.

Quyền, nghĩa vụ đang được áp dụng thời hiệu mà bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan tranh chấp.

4.   Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu có thể bị gián đoạn khi xảy ra những sự kiện nhất định được pháp luật dự liệu, khi rơi vào trường hợp này thì thời hiệu khởi kiện được tạm dừng, khoảng thời gian tạm dừng không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự. Đây là quy định nhằm bảo về quyền lợi cảu những người có quyền vì những lý do khách quan không thể thực hiện được quyền của họ trong thời gian xảy ra sự kiện khách quan. 

Điều 161 BLDS đã xác định cụ thể các trường hợp cụ thể pháp luật không tính  vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự. Khoảng thời gian này được xác định trong các trường hợp sau:

+ Do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

Sự kiện bất khả kháng: sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được dù đã dung mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, chẳng hạn tai nạn, ốm đau…

Trở ngại khách quan: trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền và nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, nghĩa vụ hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền và nghĩa vụ dân sự của mình, chẳng hạn thiên tai, dịch họa…

+ Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Đây thuộc trường hợp người chưa đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự để tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng – những người này không thể tự mình yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi cho họ do đó pháp luật quy định phải tạm ngừng thời hiệu khởi kiện.

Ví dụ: Cũng ở ví dụ trên A bị bệnh về tâm thần mà người thân của A cũng không còn, 2 tháng sau tòa án mới tìm được người đại diện cho A thì khoảng thời gian 2 tháng tính từ ngày A mắc bệnh đến ngày tòa án tìm người đại diện thì khoảng thời gian 2 tháng đó sẽ không được tính vào thời hiệu khởi kiện.

- Chưa có người đại diện thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được trong trường người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết.

Như vậy thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự tạm ngừng khi có sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian Bộ Luật Dân Sự quy định. Khi kết thúc sự kiện làm gián đoạn thời hiệu khởi kiện, thì thời hiệu khởi kiện lại tiếp tục diễn ra.

- Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu đòi hỏi phải có sự tiếp diễn của một hiện trạng trong một thời gian nhất định. Vì vậy, khi có một sự kiện do pháp luật quy định làm biến đổi hiện trạng đó thì thời gian đã xảy ra coi như không được tính vào thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự. Và thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được bắt đầu lại từ đầu.

Căn cứ để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện được quy định cụ thể tại điều 162 tại Bộ Luật Dân Sự 2005. Như vậy, khi bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện. Sự thừa nhận nghĩa vụ có thể bằng mọi hình thức: bằng văn bản, trả lãi suất, xin hoãn nợ,... do người có nghĩa vụ hoặc đại diện của người đó trực tiếp thực hiện thì thời hiệu khởi kiện được bắt đầu lại. (Điểm A khoản 1 điều 162 Bộ Luật Dân Sự 2005). 

Thời hiệu khởi kiện cũng bắt đầu lại trong trường hợp bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện (Điểm B khoản 1 điều 162 BLDS 2005)

III. THỰC TIỄN ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ THỜI HIỆU.

1. Thực tiễn áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện.

Thứ nhất, BLDS 2005 chưa có quy định về trường hợp pháp nhân chưa xác định được người đại diện.

Điều 161 Bộ luật dân sự 2005 quy định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là khoảng thời gian xẩy ra một trong các sự kiện sau:

+  Sự kiện bắt bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu;

+ Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, yêu cầu chưa thành niên,mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

+  Chưa có người đại diện khác để thay thế hoặc vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được trong trường hợp người đại diện của người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết.

Thứ hai, chưa có hướng dẫn cụ thể về các trường hợp bắt dầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, do đó còn nhiều cách hiểu không thống nhất.

Điều 162 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về các trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, theo đó thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp:

1.Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện.

2.Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện.

3.Các bên đã tự hòa giải với nhau.

Thứ ba, quy định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế cũng còn gây ra nhiều cách hiểu khác nhau.

Điều 645 BLDS 2005 quy định thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế ( Thời điểm mở thừa kế theo điều 633 BLDS 2005 là thời điểm người có tài sản chết).Tuy nhiên, trên thực tế khi áp dụng quy định này cho thấy một số trường hợp còn chưa thống nhất về cách hiểu.

Thứ tư, chưa có sự phù hợp giữa các quy định  của pháp luật về thời hiệu.

Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của mình là 10 năm.Tức là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế nếu các đồng thừa kế không khởi kiện yêu cầu chia di sản thì sẽ mất quyền khởi kiện. Vấn đề đặt ra là vậy tài sản do người chế để lại sẽ thuộc về ai Trong khi tại Điều 247 BLDS 2005 quy định một chủ thể thành chủ sở hữu đối với tài sản bất động sản khi chiếm hữu ngay tình, công khai liên tục trong suốt 30 năm?

Ví dụ: Ông A mất mảnh đất từ 1998, di sản ông để lại gồm một ngôi nhà ngói 4 gian và một mản vườn rộng 400m2 tại xã X thuộc tỉnh D. Khi ông mất con trai cả của ông A là B đang sinh sống ở nước ngoài nên di sản do ông C là con út của ông A quản lý. Đến năm 2011 anh B về nước yêu cầu chia di sản của ông A dể lại. Tuy nhiên anh C cho rằng số di sản trên là của ông A cho riêng anh C, hơn nữ thời hiệu khởi kiện thừa kế đã hết. Anh B khởi kiện ra Toàn án tỉnh D yêu cầu chia di sản trong tường hợp này theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì thời hiệu khởi kiện đã hết nên anh B không được chấp nhận. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật Việt Nam quyền sở hữu tài sản trên không thuộc sỡ hữu của anh C. Vậy phải xác định tài sản đó thuộc quyền sở hữu của ai, có thể nói ở đây có sự không phù hợp giữa các quy định của pháp luật.

Thứ năm, việc xác định thời hiệu bắt đầu khởi kiện chưa được chính xác dẫn đến việc xác định thời điểm kết thúc vụ việc sai và giải quyết vụ việc sai.

Theo quy định tại Điều 159 Bộ uật dân sự 2005 thì “Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Như vậy nếu pháp luật chuyên nghành hoặc các trường hợp khác của Bộ luật dân sự có quy định khác thì thời hiệu khởi kiện sẽ được xác định bắt đầu từ ngày quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Tuy nhiên thực tế áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án còn nhiều sai sót trong việc xác định bắt đầu thời hiệu.

2. Thực tiễn áp dụng các quy định về  thời hiệu hưởng quyền dân sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự. 

Các quy định của pháp luật về thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự đã tạo điều kiện cho các chủ thể xác lập, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, trong thực tế việc áp dụng các quy định này vẫn còn gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, gây ảnh hưởng đến lợi ích của đương sự.

Khoản 2, Điều 158 BLDS 2005 quy định một trong những sự kiện làm gián đoạn thời hiệu là “có sự giải quyết của cơ quan có thẩm quyền đối với quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu” nên khi áp dụng vẫn gây ra nhiều cách hiểu khác nhau.

Ví dụ: A tranh chấp với B chiếc xe máy mà A đang chiếm hữu không có pháp luật nhưng ngay tình, do không chứng minh được quyền chiếm hữu hợp pháp của mình nên A làm đơn đến viện kiển sát tố cáo B. Trong thời gian dài viện kiểm sát mời A đến làm việc vài lần, sau đó hướng dẫn kiện ra tòa. Khi thụ lý, tòa cho rằng một số quyền lợi của A đã hết hiệu lực khởi kiện, A cho rằng việc của mình có sự giải quyết của Viện kiểm sát, tức là có sự kiện làm gián đoạn thời hiệu nên phải tính lại từ đầu. còn nếu tòa cho rằng viện kiểm sát không phải là cơ quan có thẩm quyền dân sự nên việc A được viện mời đến làm việc không phải là sự kiện làm gián đoạn thời hiệu.

Trong trường hợp này, việc viện kiểm sát tham gia vào giải quyết vụ việc dân sự có phải là sự kiện làm gián đoạn thời hiệu khởi kiện hay không vẫn gây nhiều ý kiến tranh cãi. 

Bên cạnh đó quy định “thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự không áp dụng trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với nhà nước trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” còn gây ra nhiều cách hiểu khách nhau.

3. Thực tiễn áp dụng các quy định về thời hiệu yều cầu giải quyết việc dân sự.

Nếu như việc xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan,tổ chức lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước xâm phạm và căn cứ được xác định đã giải thích khá cụ thể tại tiểu mục 2.2 Mục 2 phần IV, Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/05/2005 của hội đồng thẩm phán TANDTC thì đối với việc xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu quyền phát sinh quyền là một yêu cầu chưa có sựu giải thích cụ thể. Điều 26 và Điều 28 BLTTDS đã liệt kê những yêu cầu về dân sự và hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tỏa án, tương ứng với mỗi yêu cầu đó , tùy vào từng loại việc mà pháp luật lại quy định thời điểm đương sự yêu cầu giải quyết công việc khác nhau. 

IV. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỜI HIỆU

Qua những phân tích và đánh về thời hiệu còn có nhiều vấn đề cần phải bổ sung. Sau đây là một số kiến nghị của em về vấn đề này:

1 Hoàn thiện các quy định về thời hiệu khởi kiện.

Thứ nhất, Điều 161 Bộ luật dân sự 2005 cần được quy định thêm về trở ngại dối với trường hợp chưa xác định được người đại diện.

Thứ hai, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xác định thời hiệu bắt đầu khởi kiện, các trường hợp bắt đầu khởi kiện lại vụ án dân sự.

Thứ ba, đối với những quan hệ sở hữu có áp dụng thời hiệu, pháp luật cần có sửa đổi bổ sung đảm bảo tính hợp lý và cụ thể phù hợp với sự đa dạng đặc thù của quan hệ sở hữu.

2 Hoàn thiện quy định về thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Thứ nhất,đói với yêu cầu về việc chấm dứt nuôi con nuôi,yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, tuyên bố một người đã chết… nên có quy định rõ là không áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu trên.

Thứ hai, cần nhanh chóng có hướng dẫn về vấn đề thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự dể tạo điều kiện thuận lợi khắc phục những khó khan, lung túng trong quá trình giải quyết việc dân sự.

3. Hoàn thiện các quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự.

Thứ nhất, cần có hướng dẫn giải thích thế nào là “có sự giải quyết của cơ quan có thẩm quyền đối với quyền nghĩa vụ dân sự đang áp dụng thời hiệu.

Thứ hai, cần có hướng dẫn có hướng dẫn các trường hợp không áp dụng thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự.

C KẾT BÀI 

Việc xác định đúng thời hiệu có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các chủ thể cũng như hoạt động giải quyết tranh chấp của cơ quan tòa án. Chính vì vậy ý thức đầy đủ ý nghĩa của thời hiệu giúp đương sự bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình. Chính vì thế pháp luật cần quy định hoàn thiện hơn những quy định về thời hiệu để các quyền của đương sự được đảm bảo tối đa.

Danh mục tài liệu tham khảo 

1. Bộ Luật dân sự việt nam
2. Phạm Văn Hiểu, “Những bất cập về thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế trong pháp luật dân sự hiện hành, Tạp chí luật học, số 8/2007, tr. 19 - 22.
3. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập I, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009. 
4. Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009

Cảm ơn bạn Đinh Thành đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment