08/05/2014
Bài tập học kỳ Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê nin - Thực trạng của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất của Việt Nam trước và sau Đổi mới - 8 điểm - bài 2
MỞ ĐẦU:

Như chúng ta đã biết, trước thời kì đổi mới năm 1986, nền kinh tế nước ta lạc hậu và thấp kém so với nhiều nước khác trên thế giới và sau thời kì đổi mới năm 1986, nền kinh tế đã có những khởi sắc nhất định. Nhằm đi tìm câu trả lời cho vấn đề này nên trong danh mục các bài tập lớn của môn “Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin”, em đã chọn đề bài số 2: “Phân tích thực trạng của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất của Việt Nam trước và sau đồi mới (1986), từ đó rút ra kết luận về sự vận dụng quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ pháp triển của lực lượng sản xuất ở nước ta”.

NỘI DUNG:

I. Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất

1. Khái  niệm và kết cấu của lực lượng sản xuất

Lực lượng sản xuất là sự kết hợp giữa người lao động (sức khoẻ thể chất, kinh nghiệm, kỹ năng, tri thức lao động của họ) với tư liệu sản xuất mà trước hết là công cụ lao động để tạo ra một sức sản xuất vật chất nhất định.

Trong lực lượng sản xuất gồm ba yếu tố cơ bản: con người - người lao động với thể lực, học vấn, kinh nghiệm, kỹ năng, trình độ lao động;  tư liệu lao động (gồm công cụ lao động và đối tượng lao động). Các yếu tố trong lực lượng sản xuất không thể tách rời nhau, chúng có quan hệ hữu cơ với nhau trong đó yếu tố con người - người lao động giữ vị trí hàng đầu, tư liệu sản xuất đóng vai trò rất quan trọng.

Ngày nay khoa học - kỹ thuật ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp của xã hội.  Điều này thể hiện ở chỗ, khoa học đã thẩm thấu vào tất cả quy trình lao động, đóng vai trò quan trọng trong tổ chức, quản lý sản xuất, trong chế tạo, cải tiến công cụ lao động, …

2. Khái niệm và kết cấu của quan hệ  sản xuất

Quan hệ sản xuất là những quan hệ cơ bản giữa người với người trong quá trình sản xuất vật chất (sản xuất và tái sản xuất xã hội) thể hiện ở quan hệ về mặt sở hữu đối với tư liệu sản xuất, ở quan hệ trong tổ chức quản lý sản xuất và quan hệ về mặt phân phối sản phẩm sản xuất ra. 

Như vậy, quan hệ sản xuất gồm ba quan hệ:

Quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất.
Quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất.
Quan hệ phân phối sản phẩm sản xuất.

Quan hệ sản xuất mang tính khách quan, nó được hình thành trong quá trình phát triển lịch sử không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Quan hệ sản xuất là quan hệ cơ bản quyết định tất cả các quan hệ xã hội khác của con người.

3. Mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất

3.1. Vai trò quyết định của lực lượng sản xuất đối với sự hình thành và biến đổi của quan hệ sản xuất:

Trình độ của lực lượng sản xuất biểu hiện ở trình độ của công cụ lao động, ở trình độ kỹ năng, kinh nghiệm của người lao động, trình độ ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất,… ứng với trình độ của lực lượng sản xuất là tính chất của nó. Trình độ của lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất. Điều này thể hiện ở chỗ:

Thứ nhất, xu hướng của sản xuất vật chất là không ngừng biến đổi và phát triển. Sự biến đổi đó bao giờ cũng bắt đầu bằng sự biến đổi và phát triển của lực lượng sản xuất mà trước hết là công cụ lao động. Từ sự biến đổi của lực lượng sản xuất này mà quan hệ sản xuất phải biến đổi theo cho phù hợp.

Thứ hai, lực lượng sản xuất là yếu tố động nhất, cách mạng nhất, nó luôn luôn vận động và biến đổi trong quá trình lịch sử. Lực lượng sản xuất là nội dung, quan hệ sản xuất là hình thức xã hội của quá trình sản xuất. Sự biến đổi trong lực lượng sản xuất (nội dung) sớm muộn cũng kéo theo sự biến đổi trong quan hệ sản xuất (hình thức).

Thứ ba, sự phát triển của lực lượng sản xuất đến trình độ nào đó nhất định làm cho quan hệ sản xuất trở nên không phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất nữa. Khi ấy, xuất hiện mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất. Mâu thuẫn này tất yếu dẫn đến đấu tranh giai cấp mà đỉnh cao của nó là cách mạng xã hội nhằm phá bỏ "xiềng xích trói buộc" lực lượng sản xuất để xác lập quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất.

3.2. Tác động ngược lại của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất:

Mặc dù bị quyết định bởi lực lượng sản xuất, nhưng quan hệ sản xuất có tính độc lập tương đối so với lực lượng sản xuất. Vì vậy, quan hệ sản xuất có thể tác động trở lại lực lượng sản xuất. Sự tác động trở lại của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất diễn ra theo hai xu hướng:

Thứ nhất, nếu quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ của lực lượng thì sẽ thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.

Thứ hai, nếu quan hệ sản xuất không phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất (hoặc là lạc hậu, hoặc là vượt trước quá xa so với trình độ của lực lượng sản xuất) thì sẽ kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Sự phù hợp (được quan niệm là sự phù hợp biện chứng chứa đựng mâu thuẫn), tức là sự phù hợp trong mâu thuẫn, bao hàm mâu thuẫn.

Tiêu chí của sự phù hợp được biểu hiện thông qua sự tác động biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất và được thể hiện cụ thể là năng suất lao động tăng; người lao động hăng hái sản xuất; đời sống của người lao động được nâng cao; môi trường làm việc được cải thiện; lực lượng sản xuất phát triển,… Sự tác động của quan hệ sản xuất tới lực lượng sản xuất còn được thể hiện ở chỗ, quan hệ sản xuất quy định mục đích của nền sản xuất. Trên cơ sở đó tác động đến thái độ của người lao động, tới tính tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật hay cải tiến công cụ lao động, v.v của người lao động. Từ đó tác động tới lực lượng sản xuất. Ví dụ, nếu mục đích của nền sản xuất xã hội là vì lợi nhuận thì sớm hay muộn người lao động cũng không tích cực lao động. Nếu mục đích của nền sản xuất là vì con người - nhân dân lao động thì chắc chắn, người lao động sẽ tích cực, nhiệt huyết lao động.

Quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ của lực lượng sản xuất là quy luật chung nhất chi phối toàn bộ tiến trình lịch sử nhân loại. Quy luật này làm cho lịch sử là một dòng chảy liên tục song mang tính gián đoạn. Trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, quy luật này có những biểu hiện đặc thù của nó.

II. Sự vận dụng quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở Việt Nam

1. Giai đoạn trước đổi mới (trước năm 1986)

1.1. Thực trạng của lực lượng  sản xuất:

Nước ta vốn là một đất nước thuộc địa nửa phong kiến, lại phải chịu hậu quả nặng nề do hai cuộc chiến tranh kéo dài chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ mang lại. Nên trước thời kì đổi mới, nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, nghèo nàn, trình độ quản lí tháp kém cùng với nền sản xuất tự cấp tự túc, thêm vào đó là sự bao vậy cấm vận về mọi mặt của Mĩ_nhất là về kinh tế, đã làm cho lực lượng sản xuất nước ta vốn đã thấp kém lại càng khó có thể phát triển.

Trình độ tay nghề người lao động trong thời kì này rất thấp, hầu hết là lao động chưa qua đào tạo. Lao động Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, họ lao động chủ yếu theo những kinh nghiệm mà cha ông đã để lại từ trước.

Là một nước nông nghiệp lạc hậu, nên tư liệu sản xuất nhất là công cụ lao động còn rất thô sơ, giản đơn, chủ yếu là cái cày, cái cuốc,… phục vụ chính cuộc sống lao động hằng ngày theo kiểu “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Trong công nghiệp, máy móc thiết bị còn ít, quá hư cũ, lạc hậu, trình độ khoa học- kĩ thuật hầu như là rất thấp kém so với các nước khác. Tại 3 xí nghiệp cơ khí Caric, được phẩm 2/9 và dệt số 5 đều tồn tại tình trạng nói trên.Ở xí nghiệp cơ khí Caric, tuy có một số máy cắt nhưng nói chung tất cả các máy móc đều được trang bị khá lâu, chưa được đổi mới. Ở xí nghiệp dược phẩm 2/9, căn bản chỉ có 1 phần xưởng tiếp thu, cải tạo, số trang thiết bị mới không đáng kể; còn các phân xưởng khác chủ yếu là thủ công. Tính chung, các dây chuyền thủ công vẫn chiếm tỉ trọng đáng kể trong toàn bộ xí nghiệp dược phẩm 2/9. Ở xí nghiệp dệt số 5, tình hình vẫn tương tự, vẫn là cải tiến số máy cũ còn lại để khai thác, một vài máy dệt kim hiện đại mới trang bị thêm nhưng tỉ trọng không đáng kể.

Trong sản xuất, nguyên liệu, nhiên liệu, thiết bị, phụ tùng bị thiếu nghiêm trọng do hậu quả của chiến tranh mang lại. Đặc biệt, các tuyến đường vận chuyển, các nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng đã bị bom đạn phá hủy trầm trọng: “Trong 21 năm (…) Mĩ đã ném xuống đất nước Việt Nam: 7.850.000 tấn bom các loại”. Ngoài ra, với việc khai thác thuộc địa của các nước đế quốc thì sản lượng tài nguyên (quặng, boxit, than, chì, …) nước ta cũng giảm đi một cách đáng kể. 

Như vậy, nhìn chung trước đổi mới, tư liệu sản xuất ở Việt Nam còn rất thấp kém, lạc hậu, chậm phát triển.

1.2. Thực trạng của quan hệ sản xuất:

Trong khi đó thì Đảng và nhà nước lại chủ trương xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, điều này được thể hiện rõ trong điều 18 Hiến pháp năm 1980. Các thành phần kinh tế cá thể, tư nhân dựa trên chế độ tư hữu đều không được nhà nước thừa nhận.

Trước yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, nước ta đã vứt bỏ hết các yếu tố tư bản chủ nghĩa với quan niệm tư bản chủ nghĩa là xấu, không áp dụng nó ở Việt Nam “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ một xã hội mà nền kinh tế phổ biến là sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa,….”. (Điều 15, Hiến pháp năm 1980). 

Với một nước còn đang trong tình trạng lạc hậu, đói nghèo thì quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa là quá cao, không phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế đất nước.

1.3. Kết luận về sự vận dụng quy luật trong giai đoạn này:

Việc vận dụng sai quy luật trình độ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất đã mang đến những hậu quả nghiêm trọng. 

Nền kinh tế lâm vào khủng hoảng trầm trọng kinh tế tăng trưởng thấp, nếu tính chung từ năm 1976 đến năm 1985, tổng sản phẩm xã hội tăng 50,5%, bình quân mỗi năm tăng 4,6%. Thu nhập quốc dân tăng 38,8%, bình quân tăng 3,7%/năm. Sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Hàng năm, Nhà nước không những phải nhập các mặt hàng quan trọng cho sản xuất mà còn phải nhập hàng tiêu dùng, kể cả những loại hàng hóa lẽ ra sản xuất trong nước có thể đáp ứng được như gạo và vải mặc. Từ 1976 đến 1985 Nhà nước đã nhập 60 triệu mét vải các loại và gần 1,5 triệu tấn lương thực quy gạo. Sản xuất nông-công nghiệp đình đốn. Lưu thông, phân phối ách tắc. Lạm phát ở mức ba con số, chí số CPI năm 1985 là 92% sang năm 1986 đã tăng lên 775%. Đời sống của các tầng lớp nhân dân sa sút chưa từng thấy. Ở thành thị, lương tháng của công nhân, viên chức chỉ đủ sống 10 - 15 ngày. Ở nông thôn, vào lúc giáp hạt có tới hàng triệu gia đình nông dân thiếu ăn. Tiêu cực xã hội lan rộng. Lòng dân không yên. 

Tình hình diễn biến đến mức, vào khoảng từ cuối năm 1985 đến cuối năm 1986, nghĩa là sau thất bại của cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền (9-1985), đại đa số quần chúng nhân dân cảm thấy không thể tiếp tục sống như cũ được nữa; đồng thời các cơ quan lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước cũng thấy rõ không thể tiếp tục duy trì những chủ trương, chính sách đã lỗi thời, hoặc chỉ thay đổi có tính chất chắp vá, nửa vời.

Sau giai đoạn đổi mới năm 1986 đến nay, thực trạng của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất của Việt Nam đã có sự phát triển nhất định.

2. Giai đoạn sau đổi mới ( từ năm 1986 đến nay )

2.1. Thực trạng của lực lượng sản xuất:

Từ sau khi đổi mới, lực lượng sản xuất ở Việt Nam đã không ngừng phát triển.

Trình độ chuyên môn người lao động ngày càng được nâng cao, số lao động đã qua đào tạo ngày càng tăng. Theo báo cáo “Điều tra lao động việc làm năm 2012” của Tổng cục thống kê ( Bộ kế hoạch và đầu tư): Năm 2012, lực lượng lao động cả nước đạt 52,384 nghìn; trong đó  người lao động không có trình độ chuyên môn kĩ thuật chiếm 83,2%, trình độ dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trở lên lần lượt chiếm 4,7%; 3,7%; 2,0% và 6,4%. Theo thông tin được đưa ra trong buổi tổng kết điều tra lao động - việc làm từ năm 1996 đến 2005, do Bộ LĐTB-XH tổ chức sáng 11/4/2006 tại Hà Nội: Năm 2005, lực lượng lao động cả nước đạt 44.385 nghìn người, bình quân tăng 844 nghìn người/năm trong giai đoạn 1996-2005,  với tốc độ tăng bình quân 1,7%. Về chất lượng lao động, nếu như năm 1996, tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo là 12,3% thì đến năm 2005 là 24,79%, như vậy số lao động đã qua đào tạo tăng 2,5 lần.( Nguồn: dantri.com.vn). Theo số liệu của molisa.gov.vn (website của Bộ lao động – thương binh xã hội) tỉ lệ lao động đã qua đào tạo nghề ở nước ta năm 2012 đạt 33,5% và mục tiêu năm 2015 đạt 40%. Hệ thống trường dạy nghề ngày càng được mở rộng, góp phần nâng cao trình độ người lao động. Bên cạnh đó, ở Việt Nam những năm gần đây, đội ngũ trí thức tăng nhanh, chỉ tính riếng số sinh viên cũng đã cho thấy sự tăng nhanh vượt bậc. Theo thống kê của Bộ Giáo Dục: Năm 2003-2004 tổng số sinh viên đại học và cao đẳng là 1.131.030 sinh viên đến năm 2007- 2008 tăng lên 1.603.484 sinh viên. Năm 2008 tổng số sinh viên ra trường là 233.966 trong đó sinh viên tốt nghiệp đại học là 152.272; sinh viên tốt nghiệp cao đẳng là 81.694. Số trí thức có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cũng tăng nhanh. Theo thống kê cả nước đến 2008 có hơn 14 nghìn tiến sĩ và tiến sĩ khoa học và đang đặt mục tiêu trong 10 năm tới sẽ có 20000 tiến sĩ. Năm 2008 nước ta có 275 trường Trung cấp chuyên nghiệp, 209 trường cao đẳng, 160 trường Đại học và có tới 27.900 trường phổ thông, 226 trường dân tộc nội trú… Nhìn vào những con số này, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trình độ người lao động nước ta ngày một được nâng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: tâm lí coi trọng tấm bằng đại học, đào tạo sinh viên, thạc sĩ một cách tràn lan,… So với các nước khác thì chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đạt 3,79 điểm xếp 11/12 nước tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) (nguồn: nhandan.com.vn).

Máy móc trang thiết bị hiện đại ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn trong sản xuất. 

Trong nông nghiệp, các loại máy cấy, máy gặt đập liên hợp, máy tuốt,… đã xuất hiện và được đưa vào sử dụng rộng rãi. Theo thống kê của ngành chuyên môn: ở đồng bằng sông Cửu Long, tính đến nay cả ĐBSCL có trên 7.000 máy gặt đập liên hợp và trên 3.500 máy gặt xếp dãy. Dự kiến đến năm 2015, thì số lượng máy máy gặt đập liên hợp tăng lên 15.000 chiếc. (nguồn: thanhnien.com.vn). Cùng với đó là hệ thống các giống cây trồng vật nuôi ngày càng được nâng cao. Theo số liệu của bộ NN $ PTNT: Đến nay đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, cây ăn quả… được dùng giống mới, đã có 90 cây trồng được chọn tạo, đưa tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp lên 35% (Nguồn: tiengiang.gov.vn). 

Trong công nghiệp, việc ứng dụng công nghệ kỉ thuật mới cũng được đẩy mạnh như việc ứng dụng các hệ thống sản xuất tự động điều khiển bằng máy tính; ứng dụng sử dụng các nguyên liệu sinh học, hạt nhân vào quá trình sản xuất, sử dụng các nguồn năng lượng mới như năng lượng gió, năng lượng mặt trời,…Ngoài ra, các phương tiện máy móc hiện đại cũng được nước ta sản xuất như máy tính, máy gặt, các loại máy móc trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Một trong những thành tựu nổi bật phải kể đến như giàn khoan tự nâng 90m nước, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt tái hoạt động, máy soi cắt lớp điện toán trong công nghiệp, dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông,… Hệ thống điện, đường, trường, trạm cũng được nhà nước đầu tư và phát triển. Ngành điện lực Việt Nam đã có những bước phát triển rất lớn. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cả nước chỉ có khoảng 6.000MW, sau 20 năm đổi mới đồng nghĩa với một quá trình đầu tư xây dựng mạnh mẽ, đến nay cả nước đã có tới 28.000MW và hàng trăm ngàn km đường dây, hàng trăm trạm biến áp từ 500kV trở xuống. Nguyên nhiên vật liệu, tài nguyên khoáng sản, năng lượng không tái tạo nước ta được khai thác, phục vụ cho sản xuất, đời sống hiện nay rất nhiều. Theo Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam – TKV trữ lượng than tại Việt Nam rất lớn: riêng ở Quảng Ninh khoảng 10.5 tỷ tấn, trong đó đã tìm kiếm thăm dò 3.5 tỷ tấn (chiếm khoảng 67% trữ lượng than đang khai thác trên cả nước hiện nay), chủ yếu là than antraxit. Khu vực đồng bằng sông Hồng được dự báo có khoảng 210 tỷ tấn, chủ yếu là than Asbitum, các mỏ than ở các tỉnh khác khoảng 400 triệu tấn. Riêng than bùn là khoảng 7 tỉ m3 phân bố ở cả 3 miền (Nguồn: tổng cục thống kê và VINACOMIN). Năng lượng tái tạo vẫn đang trong giai đoạn được đầu tư, phát triển như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, năng lượng hạt nhân,…

Tuy nhiên, tư liệu sản xuất ở nước ta vẫn còn kém phát triến so với nhiều nước khác xung quanh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Nước ta còn phải nhập khẩu nhiều máy móc trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu từ nước khác. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta, chiếm chiếm 25,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, trong đó  chủ yếu là khí đốt, phân bón, rau hoa quả, thuốc trừ sâu, điện thoại các loại và linh kiện, vải, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may da...Đứng thứ 2 là Hàn Quốc, chiếm 13,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam; thứ 3 là Nhật Bản, chiếm 10,2%, thứ 4 là EU, chiếm 7,7%;…(Nguồn: Thời báo kinh tế Việt Nam).

Như vậy, lực lượng sản xuất ở nước ta tuy vẫn còn nhiều hạn chế nhất định nhưng đã có sự phát triển vượt bậc so với giai đoạn trước đổi mới. Sựu phát triển không đồng đều của lực lượng sản xuất dẫn tới sự sở hữu không đồng đều về tư liệu sản xuất của mọi người trong xã hội.

2.2. Thực trạng của quan hệ sản xuất:

Từ sau đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, Đảng và Nhà nước đã xác định lại các quan hệ sản xuất ở nước ta. Bằng đường lối, chính sách pháp luật đúng đắn bước đầu nhà nước ta đã cho phép tồn tại nhiều thành phần kinh tế khác nhau “ Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lí của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tâp thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng” ( Điều 15, Hiến pháp năm 1992 ).

Như vậy, sau giai đoạn đổi mới nhà nước ta đã thừa nhận nhiều loại quan hệ sản xuất với nhiều trình độ khác nhau của lực lượng sản xuất: quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Việc thừa nhận này của Đảng và nhà nước là hoàn toàn phù hợp thực trạng của lực lượng sản xuất nước ta hiện nay: trình độ còn thấp lại không đồng đều giữa các vùng miền, các ngành nghề; ở nhiều người dân vẫn sử dụng cái cuốc, cái cày để lao động trong khi đó ở nhiều nơi thì người lao động lại làm việc trong các phòng thí nghiệm, các khu công nghệ cao. Đảng và Nhà nước ta đã có cái nhìn đúng đắn và vận dụng một cách sáng suốt quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với sự phát triển của lực lượng ở nước ta.

2.3. Kết luận về sự vận dụng quy luật trong giai đoạn này:

Nhờ việc vận dụng đúng quy luật quan hê sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng  trong việc cho phép tồn tại nhiều quan hệ sản xuất phù hợp với các trình độ khác nhau của lực lượng sản xuất đã mang lại sự phát triển lớn cho nền kinh tế nước ta giai đoạn này.

Nền kinh tế nước ta giai đoạn này có tố độ tăng trưởng nhanh. Trong hơn 20 năm đổi mới, GDP của Việt Nam đã tăng liên tục. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), GDP chỉ tăng trưởng bình quân 3,9%/năm, thì trong 5 năm tiếp theo (1991-1995) đã nâng lên đạt mức tăng bình quân 8,2%. Trong giai đoạn 1996-2000 tốc độ tăng GDP của Việt Nam là 7,5%, thấp hơn nửa đầu thập niên 1990 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Từ năm 2001 đến nay, tốc độ tăng GDP của Việt Nam luôn giữ ở mức cao và ổn định. Năm 2003 tăng 7,3% ; năm 2004 : 7,7% năm 2005 : 8,4% ; năm 2006 : 8,2% ; năm 2007 : 8,5% và năm 2008, 2009 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế là 6,2% và 5,32%. GDP năm 2010 tính theo giá thực tế đạt 101,6 tỷ USD, gấp 3,26 lần so với năm 2000. Trong năm 2011, mặc dù sự phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu còn rất chậm, song mức tăng trưởng kinh tế bình quân vẫn đạt 7%/năm, tuy thấp hơn kế hoạch (7,5% - 8%), nhưng vẫn được đánh giá cao hơn bình quân các nước trong khu vực. Năm 2012, GDP tăng 5,03% so với năm 2011. Mức tăng trưởng tuy thấp hơn mức tăng 5,89% của năm 2011, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn thì đây là mức tăng trưởng hợp lý. 

Cùng với việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP, cơ cấu kinh tế trong nước của Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể. Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm dần, năm 1986 là 46,3%, năm 2005 còn 20,9%, năm 2010 còn 20,6% ;tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng nhanh và liên tục với thiết bị, công nghệ ngày càng hiện đại: năm 1988 là 21,6%, năm 2005 lên 41%; tỷ trọng khu vực dịch vụ đã tăng từ 33,1% năm 1988 lên 38,1% năm 2005 (Nguồn: tapchicongsan.org.vn). Trong từng nhóm ngành, cơ cấu cũng có sự thay đổi tích cực. Trong cơ cấu công nghiệp, tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến tăng, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Cơ cấu của khu vực dịch vụ thay đổi theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của các ngành dịch vụ có chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch…

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 42 trên thế giới và đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á (Nguồn: VnExpress.net). Tuy vị trí này còn thấp và không quá lạc quan khi xét về dân số chúng ta đứng thứ 13 trên thế giới nhưng vị trí này cũng là kết quả của sự cố gắng trong suốt những năm từ đổi mới đến nay của Đảng, Nhà Nước và nhân dân ta. Một số mặt hàng xuất khẩu nước ta có vị trí cao trên trường quốc tế có thể kể đến như: trong năm 2012, xuất khẩu cà phê và gạo đứng vị trí thứ 1, dệt may ở vị trí thứ 3,da dầy, thủ công mĩ nghệ,… Tất cả những điều đó hứa hẹn một sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian sắp tới.

KẾT LUẬN:

Như vậy, sự vận dụng quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ pháp triển của lực lượng sản xuất có vai trò và tầm quan trọng rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trước và sau năm 1986. Dân gian vẫn thường có câu “ Có thực mới vực được đạo”, với sự phát triển của một đất nước thì kinh tế đóng vai trò rất lớn, nó gần như tác động và có vai trò quyết định tới các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Vì thế, một yêu cầu đòi hỏi nhất thiết với nước ta trong thời gian tới là phải tiếp tục vận dụng quy luật trên một cách đúng dắn, phù hợp với tình hình trong nước và trên thế giới, không được phạm phải sai lầm như trong giai đoạn trước năm 1986 nữa; có như vậy thì nền kinh tế mới phát triển, đời sống người dân mới bớt khổ cực và xã hội mới phát triển.

Trên đây là toàn bộ những  tìm hiểu của em về đề tài: “Phân tích thực trạng của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất của Việt Nam trước và sau đồi mới (1986), từ đó rút ra kết luận về sự vận dụng quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ pháp triển của lực lượng sản xuất ở nước ta” mong thầy cô giáo nhận xét và góp ý. Em xin chân thành cảm ơn!

Cảm ơn bạn Linh Nguyễn đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment