20/02/2014
Bài tập cá nhân Luật Hành chính - Đặc điểm quản lý hành chính nhà nước
Trong quản lý nhà nước nói chung, hoạt động quản lý hành chính là hoạt động giữ vị trí trung tâm và có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là hoạt động tổ chức và điều hành nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ cơ bản nhất của nhà nước trong quản lý xã hội. Vậy, dưới góc độ pháp lý, khái niệm quản lý hành chính nhà nước được hiểu như thế nào? Và so với lý luận chung, quản lí hành chính nhà nước ở Việt Nam có những đặc điểm nào khác biệt ?

Có thể hiểu, quản lý hành chính nhà nước chính là hoạt động thực thi quyền hành pháp của Nhà nước; đồng thời đó là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước trên cơ sở pháp luật đối với hành vi của con người cũng như các quan hệ xã hội, được thực hiện bởi ít nhất một bên có thẩm quyền hành chính nhà nước trong quan hệ chấp hành, điều hành. Hay nói cụ thể hơn, “ quản lý hành chính nhà nước là một hình thức hoạt động của Nhà nước được thực hiện trước hết và chủ yếu bởi các cơ quan hành chính nhà nước, có nội dung là bảo đảm sự chấp hành pháp luật, pháp lệnh, nghị quyết của các cơ quan quyền lực nhà nước, nhằm tổ chức và chỉ đạo một cách trực tiếp và thường xuyên công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa – xã hội và hành chính – chính trị.”[1]

Trước hết, quản lý hành chính ở Việt Nam mang đầy đủ các đặc điểm chung của quản lý hành chính nhà nước như sau :

Thứ nhất, quản lý hành chính nhà nước là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước. Tính quyền lực là đặc điểm cơ bản nhất để phân biệt hoạt động quản lý hành chính nhà nước với hoạt động quản lý mang tính xã hội khác. Quyền lực nhà nước trong quản lý hành chính nhà nước biểu hiện bằng việc các chủ thể có thẩm quyền theo luật định thể hiện ý chí nhà nước thông qua những phương tiện nhất định, trong đó cơ bản và đặc biệt quan trọng chính là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hành chính. Ở Việt Nam, các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng cũng như lợi ích và lập trường giai cấp trở thành định hướng cho toàn bộ công tác quản lý hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, tính quyền lực nhà nước còn thể hiện trong việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chịu trách nhiệm bảo đảm cho hoạt động quản lý hành chính nhà nước được thực hiện một cách triệt để, chính xác thông qua những biện pháp về tổ chức, kinh tế, các hình thức như tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục và mức cao nhất là cưỡng chế nhà nước.

Thứ hai, quản lý hành chính nhà nước là hoạt động được tiến hành bởi các chủ thể có quyền hành pháp. Theo quy định của pháp luật, chủ thể quản lý hành chính nhà nước Việt Nam bao gồm: cơ quan hành chính nhà nước và công chức của những cơ quan này; thủ trưởng của cơ quan nhà nước; các công chức nhà nước, cá nhân hoặc tổ chức xã hội được nhà nước ủy quyền quản lý hành chính đối với một số loại việc nhất định. Như vậy, đối tượng của quản lý hành chính nhà nước là các quan hệ xã hội phát sinh trên mọi lĩnh vực, thuộc đời sống dân cư, đời sống pháp luật và trong nội bộ của các cơ quan nhà nước. Thông qua đó, có thể xác định khách thể mà hoạt động quản lý hành chính nhà nước hướng đến là trật tự quản lý nhà nước trên lĩnh vực hành pháp.

Thứ ba, quản lý hành chính nhà nước là hoạt động chấp hành - điều hành của nhà nước. Tính chấp hành thể hiện ngay từ mục đích của quá trình quản lý hành chính nhà nước đó là đảm bảo cho các văn bản pháp luật do cơ quan quyền lực nhà nước ban hành được thực hiện trên thực tế. Đồng thời, mọi hoạt động quản lý hành chính nhà nước đều phải được tiến hành trên cơ sở pháp luật và để thực hiện pháp luật. Bên cạnh đó, tính điều hành được biểu hiện thông qua việc các chủ thể quản lý hành chính nhà nước phải tiến hành hoạt động tổ chức và chỉ đạo trực tiếp đối với các đối tượng quản lý thuộc quyền theo một quy trình thống nhất; tổ chức để mọi đối tượng có liên quan thực hiện pháp luật nhằm hiện thực hóa các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ quản lý; đồng thời làm cho các văn bản pháp luật đi vào đời sống, được áp dụng cụ thể, chính xác. Như vậy, sự kết hợp giữa tính chấp hành và điều hành đã tạo thành một chỉnh thể thống nhất trong nội dung của hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Đây cũng là đặc điểm cơ bản để phân biệt quản lý hành chính nhà nước với hoạt động lập pháp và tư pháp.

Thứ tư, hoạt động quản lý hành chính nhà nước là hoạt động mang tính chủ động và sáng tạo. Căn cứ vào tình hình, đặc điểm của từng đối tượng quản lý cũng như điều kiện, các yếu tố xoay quanh từng trường hợp cụ thể mà các chủ thể quản lý hành chính nhà nước có thể đề ra các chủ trương, biện pháp quản lý thích hợp. Tính chủ động sáng tạo còn thể hiện rõ nét trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước. Đây là đặc điểm tồn tại bởi chính bản thân sự phức tạp, đa dạng, phong phú của đối tượng quản lý hành chính nhà nước; đồng thời đòi hỏi chủ thể quản lý phải áp dụng biện pháp giải quyết mọi tình huống phát sinh một cách có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, chủ động và sáng tạo không vượt ra ngoài phạm vi pháp luật quy định.

Thứ năm, quản lý hành chính nhà nước là hoạt động có tính liên tục, lâu dài với hệ thống cơ quan quản lý được liên kết chặt chẽ, thống nhất từ trung uơng đến địa phương; hoạt động dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Nghĩa là cấp dưới phục tùng cấp trên, thực hiện mệnh lệnh và chịu sự kiểm tra thường xuyên của cấp trên; đồng thời, cấp trên cũng phải lắng nghe ý kiến của cấp dưới, cấp dưới có quyền chủ động sáng tạo, tổ chức thực hiện pháp luật phù hợp. Mặt khác, việc tổ chức cơ cấu cơ quan quản lý hành chính nhà nước thành một khối thống nhất như vậy cũng góp phần bảo đảm tính pháp chế trong hoạt động hành pháp. Khác với hoạt động lập pháp và tư pháp, quản lý hành chính nhà nước luôn cần có tính liên tục, kịp thời và linh hoạt để đáp ứng sự vận động không ngừng của đời sống xã hội.

Ngoài ra là nhà nước đang trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đang từng bước xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, bên cạnh những đặc điểm cơ bản, chung nhất của quản lý hành chính nhà nước, hoạt động này ở Việt Nam còn mang một số tính chất riêng biệt sau đây:  Quản lý hành chính nhà nước ở Việt Nam không có sự cách biệt tuyệt đối về mặt xã hội giữa người quản lý và người bị quản lý. Bởi trong quản lý xã hội, con người vừa là chủ thể vừa là đối tượng của quản lý. Mặt khác, nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân nên nhân dân là chủ thể quản lý đất nước đồng thời cũng chính là đối tượng chịu sự quản lý hành chính nhà nước. Quản lý hành chính nhà nước cũng không mang tính vụ lợi; lấy việc phục vụ lợi ích công làm động cơ và mục đích của hoạt động. Cán bộ hành chính vì vậy phải bảo đảm cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Bên cạnh đó, quản lý hành chính nhà nước Việt Nam mang tính nhân đạo sâu sắc. Xuất phát từ bản chất nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa, tất cả các hoạt động của nền hành chính nhà nước đều có mục tiêu phục vụ con người, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và lấy đó làm xuất phát điểm của hệ thống pháp luật, thể chế, quy tắc và thủ tục hành chính

(1): Theo Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2008.

Nếu bạn muốn download không mất phí, vui lòng điền thông tin và tên/link bài tập vào form dưới đây. Xin lưu ý mỗi lần gửi mình chỉ ửi tối đa 2 tài liệu. Không gửi cả loạt.

No comments:

Post a Comment