03/09/2015
So sánh chế định hợp đồng của bộ luật Hammurabi và luật dân sự La Mã - 8,5 điểm
Bài tập học kỳ Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới.

Ngay từ thời cổ đại, pháp luật đã trở thành một nét đẹp của nền văn minh cổ đại.  Có thể nói, Bộ luật Hammurabi và Luật dân sự La Mã là hai bộ luật toàn diện và tiến bộ nhất trong lịch sử pháp luật cổ đại. Cả hai bộ luật đã phản ánh, điều chỉnh những quan hệ xã hội thời bấy giờ, trong đó có chế độ hợp đồng, một trong những lĩnh vực quan trọng trong điều kiện kinh tế hàng hóa của hai quốc gia đang phát triển mạnh. Sau đây, em xin chọn đề tài: So sánh chế độ hợp đồng của  Luật dân sự La Mã và Bộ luật Hammurabi. Do điều kiện về tài liệu tham khảo và sự hiểu biết còn hạn chế nên bài viết còn nhiều thiếu sót, mong quý thầy cô góp ý để bài viết sau được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn.

NỘI DUNG

I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ LUẬT DÂN SỰ LA MÃ VÀ BỘ LUẬT HAMMURABI

1. Luật dân sự La Mã

Luật La Mã là hệ thống luật cổ, được xây dựng cách đây khoảng hơn 2000 năm (499 TCN), áp dụng cho thành Roma và sau đó là cả đế quốc La Mã. Luật La Mã là luật được hình thành từ việc hành luật lâu năm theo tập quán không có luật viết. Từ thời kì cộng hòa hậu kì trở đi là giai đoạn phát triển hưng thịnh nhất của luật La Mã vì thời kì này lãnh thổ của đế quốc La Mã được mở rộng nhất và nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh. Luật La Mã lúc này có những phát triển vượt bậc như:  luật bao gồm các quy phạm, liên quan đến hoạt động tổ chức quyền lực và hoạt động của nhà nước và các quy định liên quan đến cá nhân như sở hữu, hôn nhân và gia đình, hợp đồng và thừa kế; kĩ thuật lập pháp rõ rang, lời văn chuẩn mực và có giá trị pháp lí cao.

2. Bộ luật Hammurabi

Bộ luật Hammurabi là văn bản luật cổ nhất còn được bảo tồn tốt, được tạo ra vào khoảng thập niên 1760 TCN ở Babylon cổ đại. Nó được vị vua thứ sáu của Babilon là Hammurabi ban hành.Bộ luật được xây dụng trên cơ sở pháp điển hóa nhiều văn bản trước đó và sự kế thừa luật lệ người Xu-ne. Đây là một bộ luật khá hoàn chỉnh gồm 282 điều. Là một bộ luật tổng hợp, Hammurabi được xây dựng dưới dạng luật hình, gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh nhiều lĩnh vực và đều có chế tài, chủ yếu là những quan hệ xã hội liên quan đến lợi ích của giai cấp thống trị.

II. SO SÁNH CHẾ ĐỊNH HỢP ĐỒNG CỦA BỘ LUẬT HAMMURABI VÀ LUẬT DÂN SỰ LA MÃ THỜI CỘNG HÒA HẬU KÌ VÀ THỜI KÌ QUÂN CHỦ

1. Giống nhau

Chế độ hợp đồng trong bộ luật Hammurabi và luật dân sự La Mã có những nét tương đồng với nhau.

• Pháp luật đặc biệt chú ý điều chỉnh quan hệ hợp đồng vì đây là quan hệ phổ biến do kinh tế hàng hóa phát triển mạnh.

• Pháp luật bảo vệ, củng cố chế độ chiếm hữu của giai cấp thống trị, áp đặt ý chí giai cấp thống trị lên toàn xã hội.

Ngoài ra, giữa hai bộ luật còn giống nhau ở: hợp đồng làm bằng văn bản và điều kiện để có giá trị về cơ bản giống các bộ luật khác, do sự thỏa thuận, tự nguyện, không dùng vũ lực đe dọa, cưỡng bức để ký hợp đồng.

2. Khác nhau

a. Điều kiện để hợp đồng có hiệu lực

Theo tinh thần của Luật La Mã, để hợp đồng có hiệu lực phải có hai điều kiện. Một là hợp đồng phải có sự thỏa thuận giữa hai bên, không được lừa dối, không được dùng vũ lực. Hai là hợp đồng phải phù hợp với quy định của luật pháp.

Theo quy định của bộ luật Hammurabi, hợp đồng mua bán phải có đủ ba điều kiện thì mới có giá trị:

• Tài sản phải được bảo đúng giá trị sử dụng của nó;

• Người bán phải là chủ thực sự của tài sản;

• Khi tiến hành hợp đồng phải có người thứ ba làm chứng.

Như vậy, Bộ luật Hammurabi chỉ ghi nhận riêng đối với hợp đồng mua bán về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng,các điều kiện trên chứng tỏ giá trị thực tiễn của bộ luật và thể hiện trình độ lập pháp của người Lưỡng Hà đã khá cao, đã mang những tư tưởng tiến bộ. Còn Luật dân sự La Mã quy định chung đối với tất cả các loại hợp đồng, điều kiện có hiệu lực khá rõ, thể hiện ý chí của nhà nước và vai trò của pháp luật.

b. Hình thức hợp đồng 

Luật dân sự La Mã có hai loại hợp đồng chính, đó là: hợp đồng miệng và hợp đồng viết. Hợp đồng miệng có hiệu lực kể từ khi phát ngôn, câu hỏi của người bán và người mua phải khớp nhau. Hợp đồng miệng không thể kí kết giữa người câm và người điếc. Hợp đồng viết là hợp đồng được kí kết bằng văn bản và phát sinh nghĩa vụ theo hợp đồng.

Bộ luật Hammurabi quy định hợp đồng phải được lập thành văn bản và có người làm chứng.

Như vậy, hợp đồng trong Luật dân sự La Mã khá phong phú về thể loại còn trong Bộ luật Hammurabi lại quy định chặt chẽ về hình thức của hợp đồng.

c. Hình thức bảo đảm

Hình thức bảo đảm trong chế định hợp đồng của hai bộ luật khá khác nhau.

Trong Luật dân sự La Mã, khi có sự vi phạm hợp đồng, trái vụ xuất hiện. Các biện pháp để bảo đảm trái vụ là cầm cố vật, sự bảo lãnh của người trung gian. Theo nguyên tắc chung, hợp đồng bị hủy bỏ nếu có sự đồng ý của hai bên. Nhưng trên thực tế, trái vụ có thể bị đình chỉ khi có một trong các điều kiện sau: hai bên thỏa thuận chuyển khoản nợ cũ sang trái vụ mới, người chủ nợ từ chối quyền đòi hỏi của mình, hết thời hiệu đưa đơn kiện (theo quy định của Tòa án), người mắc nợ gặp phải thiên tai dịch họa không thể cưỡng lại được.

Còn trong Bộ luật Hammurabi, các biện pháp bảo đảm thường là các chế tài hình sự (hình phạt) như: cầm cố tài sản, bắt con tin, bắt nô lệ, xiết nợ, tử hình... ( Điều 115, Điều 119). Những biện pháp chế tài này đã vi phạm đến quyền con người, chà đạp lên nhân phẩm, danh dự, tính mạng của con người, con người bị coi như một đồ vật để đem ra trao đổi cho những nợ nần của mình. Đây là điểm hạn chế của bộ luật. Bộ luật quy định, nếu người bán bị người làm chứng tố cáo vật bán là của người khác, thì sẽ bị tử hình. Ngược lại nếu có người nhận vật bán là của mình bị mất và người nhận đó không có người làm chứng nhận biết đồ vật đó, thì người nhận đó cũng bị tử hình, vì luật cho rằng đó là tội vu khống ( Điều 9 và điều 11).

Nhìn chung, đây là điểm khác biệt rõ nét nhất của hai bộ luật. Bộ luật Hammurabi mang nặng tính chất trừng trị và các biện pháp trừng phạt rất hà khắc và dã man, còn Luật dân sự La Mã lạ thể hiện rõ tính nhân đạo cùng với tính xã hội của pháp luật cổ đại. Từ đó, ta thấy được sự tiến bộ của kĩ thuật lập pháp của Luật La Mã, chế định hợp đồng đã phát triển đến trình độ rất cao.

Nếu như bộ luật Hammurabi chưa quy định về chế định về quyền sở hữu thì ở Luật dân sự La Mã đã quy định cụ thể về quyền sở hữu nhưng ở Luật dân sự La Mã có quy định thêm về quyền sở hữu: đó là quyền sử dụng và ý muốn thực hiện quyền đó với tài sản của người khác để phục vụ cho chính bản thân mình

Mặt khác, Bộ luật Hammurabi có những điểm tiến bộ hơn so với Luật dân sự La Mã, đó là đã có những quy định về bảo hành trong hợp đồng mua bán. Theo điều 279 Bộ luật quy định: “Người bán có nghĩa vụ bảo hành tài sản và trong trường hợp rủi ro tài sản bị trả lại do lỗi của sản phẩm thì người bán phải trả tiền cho người mua”. Tuy nhiên, quy định này chỉ có thể ra đời ở các thành phố lớn. Bên cạnh đó, pháp luật còn có những quy định tiến bộ về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Về hợp đồng lĩnh canh ruộng đất, khi thuê mướn thì chủ ruộng và người lĩnh canh thỏa thuân thông qua hợp đồng, chủ ruộng bao giờ cũng thu được tô còn rủi ro thì người lĩnh canh tự chịu. Điều 46 Bộ luật quy định : “Nếu người này không thu tiền thuê ruộng, mà sẽ căn cứ theo thu hoạch để thu tô 1/2 hay 1/3 thì thu hoạch  sẽ do nông dân và chủ ruộng căn cứ vào tỉ lệ đã định để chia nhau”. Tuy đã có những điểm tiến bộ đáng kể trong việc bảo vệ lợi ích của người dân nghèo khổ, nhưng nhìn chung, Bộ luật vẫn bảo vệ giai cấp thống trị, người cho thuê mướn luôn được lợi còn nhân dân nghèo khổ là đối tượng trừng trị của pháp luật.

KẾT LUẬN
  
Mặc dù cả hai bộ luật còn những hạn chế nhưng đã phần nào phản ánh được thực trạng của xã hội thời cổ đại. Qua đây, ta thấy được những điểm giống  và khác nhau về chế độ hợp đồng cũng như ưu điểm và nhược điểm của hai bộ luật. Nhìn chung, Luật dân sự La Mã đã được xây dựng rất công phu, điều chỉnh và phản ánh một cách sinh động hoạt động kinh tế chính trị văn hóa xã hội của vương quốc Babilon, còn Bộ luật Hammurabi lại có những điểm tiến bộ mang tính nhân văn và kĩ thuật lập pháp phát triển ở mức độ nhất định. Cả hai bộ luật không chỉ là nguồn nghiên cứu giá trị pháp lý quý báu mà còn là nguồn để nghiên cứu lịch sử phong phú của xã hội cổ đại.

No comments:

Post a Comment