11/10/2015
Các vấn đề pháp lý Toà án Luật biển quốc tế và thực tiễn giải quyết các tranh chấp tại Tòa - Bài tập học kỳ môn Luật Biển quốc tế
Tranh chấp quốc tế là một vấn đề thời sự khá nóng bỏng hiện nay. Chính vì vậy, việc thiết lập và duy trì hệ thống các cơ quan tài phán quôc tế để giải quyết tranh chấp là một nhu cầu bức thiết được đặt ra trong đời sống quốc tế. Mọi tranh chấp quốc tế có thể được giải quyết thông qua những cách thức, biện pháp khác nhau và đạt được những thành tựu to lớn. Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Toà án Luật biển quốc tế. Bằng những hành động thực tế của mình, Toà án Luật biển quốc tế đã có những đóng góp quan trọng trong việc củng cố, duy trì luật pháp quốc tế, tạo nên một môi trường pháp lý công bằng, bình đẳng cho các quốc gia. Để làm rõ hơn vấn đề này, sau đây em xin tìm hiểu và phân tích đề tài: “Trình bày các vấn đề pháp lý Toà án Luật biển quốc tế và thực tiễn giải quyết các tranh chấp tại Toà”.

I. Các vấn đề pháp lý về Toà án Luật biển quốc tế

1. Khái niệm Toà án Luật biển quốc tế


Toà án Luật biển quốc tế thành lập ngày 1/8/1996 theo quy định của Phụ lục VI về Quy chế của Toà án Luật biển kèm theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Trụ sở chính của Toà đặt tại Thành phố Hăm - buốc, CHLB Đức. Toà án Luật biển quốc tế là thiết chế tài phán quốc tế, được thành lập để thực hiện chức năng giải quyết tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực luật biển bằng trình tự, thủ tục tư pháp, phù hợp với quy định của Công ước 1982 và quy chế của Toà. Toà án Luật biển quốc tế là một trong số cơ quan tài phán có chức năng giải quyết những loại tranh chấp nhất định thuộc lĩnh vực luật biển.


2. Các vấn đề pháp lý về Toà án luật biển quốc tế

Thứ nhất, về thành phần và cơ cấu Toà án Luật biển quốc tế.

Số thành viên của Toà án Luật biển quốc tế gồm 21 thành viên, được tuyển chọn trong số các nhân vật nổi tiếng nhất về sự công bằng và liêm khiết, có năng lực nổi bật trong lĩnh vực luật biển. Nhiệm kỳ của các thành viên là 9 năm và họ đều có quyền tái cử, ở cuộc bầu cử đầu tiên 7 người sẽ mãn nhiệm sau 3 năm, 7 người sẽ mãn nhiệm sau 6 năm và họ được chỉ định qua rút thăm do Tổng thư ký Liên hợp quốc thực hiện ngay sau cuộc bầu cử đầu tiên. 

Theo nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán thì một thành viên của Toà không được đảm nhiệm bất kỳ một chức vụ chính trị - hành chính nào hay có bất kỳ một sự liên quan nào về tài chính trong hoạt động khai thác vùng. Thành viên của Toà cũng không được làm những nhiệm vụ như đại diện, cố vấn hay luật sư trong bất kỳ một vụ kiện nào. Một toà được coi là hợp lệ khi có đủ ít nhất 11 thành viên được bầu ngồi xử án.

Cơ cấu Toà án Luật biển quốc tế bao gồm một Chánh án, một Phó Chánh án do các thành viên của Toà bầu ra với nhiệm kỳ 3 năm và có thể tái đắc cử. Toà bầu ra Thư ký của Toà và viên chức khác nếu thấy cần thiết. Trong thành phần của Toà án Luật biển quốc tế còn có Viện giải quyết các vụ tranh chấp liên quan đến đáy biển, bao gồm 11 thành viên do Toà lựa chọn trong số 21 thành viên đã được bầu của Toà.

Thứ hai, về thẩm quyền của Toà án Luật biển quốc tế.

Toà án Luật biển quốc tế có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên cũng như tất các thực thể khác không phải quốc gia thành viên của Công ước trong tất cả các trường hợp liên quan đến việc quản lý và khai thác Vùng - Di sản chung của nhân loại. Bên cạnh đó, Toà còn giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước trong lĩnh vực thực hiện các quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển, quyền tự do của quốc gia khác về hàng hải, hàng không, đặt dây cáp, ông dẫn ngầm, dối với tài nguyên sinh vật thuộc vùng đặc quyền kinh tế.

Tranh chấp liên quan đến các thoả thuận khác cũng thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Toà. Điều 22, Phụ lục VI Công ước quy định: “Nếu được sự thoả thuận của tất cả các bên trong một hiệp ước hay một Công ước đã có hiệu lực có quan hệ đến một vấn đề do Công ước đề cập, thì bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến việc giải thích hay áp dụng hiệp ước hoặc Công ước đó có thể được đưa ra Toà án theo đúng như điều đã thoả thuận”. Chính vì vậy mà Toà có thẩm quyền giải thích các quy định của điều ước quốc tế trong lĩnh vực luật biển. Tuy nhiên, phạm vi thẩm quyền hẹp hơn so với Toà án Công lý quốc tế (Điều 21, 22, 32 Phụ lục V).

Thứ ba, về thủ tục tố tụng và giá trị phán quyết.

Toà án Luật biển quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hai thủ tục: thủ tục toàn thể (bao gồm thủ tục viết và thủ tục tranh tụng công khai) và thủ tục rút gọn. Thủ tục toàn thể đòi hỏi phải có mặt hầu hết các thẩm phán của Toà. Điều 13, Phụ lục VI Công ước quy định số thẩm phán cần thiết để mở phiên toà theo thủ tục toàn thể là 11 thẩm phán. Trong những trường hợp, nếu thấy cần thiết Toà có thể lập ra các Viện đặc biệt gồm ít nhất 3 thành viên được bầu để xét xử một loại vụ kiện nhất định theo thủ tục rút gọn. Mỗi năm Toà còn lập ra một viện gồm 5 thành viên được bầu để xét xử theo thủ tục rút gọn nhằm giải quyết nhanh các vụ kiện.

Toà án Luật biển quốc tế thông qua phán quyết theo đa số. Nếu số phiếu thuận và số phiếu chống ngang nhau thì lá phiếu của Chánh án hay người thay Chánh án chủ toạ phiên toà là lá phiếu quyết định. Phán quyết của Toà mang tính chung thẩm có giá trị bắt buộc đối với tất cả các bên trong vụ tranh chấp và đối với trường hợp đã được quyết định. Trong trường hợp có sự tranh cãi về ý nghĩa và phạm vi của phán quyết thì Toà có trách nhiệm giải thích theo yêu cầu của bất kỳ bên nào.

II. Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Toà án Luật biển quốc tế

Kể từ khi thành lập cho đến nay, Tòa án Luật biển quốc tế đã thụ lý 19 vụ việc, trong đó có 18 vụ kiện và 01 vụ cung cấp ý kiến tư vấn. Vụ kiện đầu tiên mà Tòa giải quyết là vụ giữa Xanh Vin xen và Gre-na-din và Ghi-nê vào năm 1997. Còn ý kiến tư vấn thì Tòa án đã thụ lý một vụ việc do cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương đưa lên. Các phán quyết của tòa án được thông qua bằng đa số phiếu. 

Có thể kể ra đây rất nhiều các vụ tranh chấp điển hình mà Toà án Luật biển quốc tế đã thụ lý, giải quyết như vụ Singapo kiện Malaysia về tính pháp lý của những đường lấn biển của Singapo ở khu vực Đông Nam Á; vụ Philipines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò 9 đoạn”; vụ kiện giữa Băng-la-đét và Mi-an-ma… Trong vụ Cải tạo Đất (Land Reclamation Case), Malaysia và Singapore bất đồng về tác động của các hoạt động cải tạo đất của Singapore đối với môi trường biển. Tòa đã yêu cầu hai bên thành lập một nhóm các chuyên gia độc lập nhằm nghiên cứu tác động của các hoạt động cải tạo đất. Hai bên đã tuân theo và nhờ đó đã đạt được một kết quả đáng ngạc nhiên: chưa đầy hai năm sau, Malaysia và Singapore đã có thể giải quyết bất đồng của họ một cách hòa bình thông qua việc ký kết hiệp định. Các biện pháp tạm thời của Tòa đã đưa các bên lại với nhau và giúp họ tìm ra một biện pháp ngoại giao thành công. 

Hay trong vụ tranh chấp giữa Singapore và Malaysia liên quan đến lãnh hải, Malaysia đã kiện Singapore ra toà án luật biển quốc tế nhằm buộc Singapore ngừng ngay lập tức mọi cuộc khai thác quanh Tuas và Pulau Tekong với lập luận rằng Singapore đã vi phạm lãnh hải và chiếm đất ở biển. Kết quả là, Toà đã bác bỏ lập trường của Malaysia và ra tuyên bố Singapore được tiếp tục khai thác thác xung quanh Tuas và Pulau Tekong. Quyết định trên có ý nghĩa quan trọng đối với Singapore, vì đây là tranh chấp song phương đầu tiên được giải quyết ở một toà án quốc tế. Hơn nữa, nó còn giúp chính phủ quốc gia này khỏi bị thiệt hại hàng chục triệu USD nếu yêu cầu của Malaysia được chấp nhận. Rõ ràng, các phán quyết của Toà án Luật biển quốc tế đã đem lại được sự công bằng, bình đẳng cho các quốc gia và các thủ tục tố tụng pháp lý có những đóng góp quan trọng trong việc tạo dựng một môi trường hòa bình giữa các bên và thúc đẩy việc tìm kiếm một giải pháp hợp lý để giải quyết các tranh chấp.

Thực tiễn xét xử còn cho thấy trong nhiều trường hợp Tòa án phải bỏ phiếu nhiều lần đối với các khía cạnh khác nhau. Ví dụ, trong vụ kiện giữa Băng-la-đét và Mi-an-ma về phân định biên giới biển tại vịnh Bengal, Tòa đã bỏ phiếu 7 lần về các nội dung khác nhau của phán quyết. Phán quyết của Tòa là cuối cùng và không được xem xét lại. Trong vụ kiện này, Tòa đã đưa ra phán quyết lựa chọn đường cách đều được điều chỉnh làm đường biên giới giữa hai quốc gia. Phán quyết này là một phát triển tích cực trong khu vực vì đã giải quyết nguồn gốc chủ yếu gây căng thẳng tại vịnh Bengal, và cho thấy rằng với ý chí chính trị, những tranh chấp biển có thể được giải quyết hòa bình. 

Vụ kiện đường lưỡi bò 9 đoạn giữa Philipines và Trung Quốc hiện đã được Toà án Luật biển quốc tế thụ lý và đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ để đưa ra xét xử. Tòa án Luật biển quốc tế vạch ra một thời gian biểu cụ thể ban đầu cho quá trình phân xử cũng như thông qua bộ quy định về trình tự tố tụng vụ kiện. Cụ thể, Tòa đã chỉ đạo Philippines hoàn thiện bộ hồ sơ kiện Trung Quốc, trong có có các vấn đề liên quan tới thẩm quyền của Tòa, tính pháp lý của vụ kiện, yêu cầu bồi thường cũng như các điều khoản trong tranh chấp trước ngày 30/3/2014. Tòa đã thành lập Hội đồng gồm 5 thành viên để giải quyết vụ kiện này. Ông Thomas Mensah – một tiến sĩ ngành luật ở Ghana đóng vai trò là Chủ tịch hội đồng. Bốn người khác gồm ông Jean-Pierre Cot (Pháp); ông Alfred Soons (Hà Lan); ông Rudiger Wolfrum (người Đức – đại diện cho Philippines) và ông Stanislaw Pawlak (người Ba Lan – đại diện cho Trung Quốc). Tiếp đó, phiên họp đầu tiên của Toà về việc xét xử vụ kiện “đường lưỡi bò” đã mở màn hôm 11/7 vừa rồi để thông qua bộ quy định về trình tự xét xử và chuẩn bị cho các giai đoạn tiếp theo. Hiện nay, vấn đề tranh chấp Biển Đông liên quan tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Việt Nam – Trung Quốc đang nóng hơn bao giờ hết. Trong công cuộc đấu tranh dựa trên nền tảng lương tri và tôn trọng luật pháp quốc tế, Việt Nam có thể tiến hành kiện Trung Quốc ra Toà án Luật biển quốc tế, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) hoặc Hội đồng trọng tài theo phụ lục VII của công ước để đáp trả các hành động “leo thang” xâm phạm trực tiếp vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Thiết nghĩ, đây là một giải pháp mang tính khả thi rất cao nếu được thực hiện. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế và không tạo ra chứng cứ để quy thuộc chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt. Những hành động này không bổ sung vào bộ hồ sơ pháp lý về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Những hành động như vậy bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ và chắc chắn sẽ bị toà án quốc tế bác bỏ một khi chúng được đưa ra tòa án quốc tế nhằm minh chứng cho chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Tóm lại, cùng với xu thế toàn cần hoá là những thách thức to lớn đối với các quốc gia trong việc đối mặt và giải quyết những bất đồng, tranh chấp trong quan hệ quốc tế. Yêu cầu đặt ra cho quá trình hợp tác này là phải có các chính sách và cơ quan tài phán chuyên môn để có thể nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, đồng thời không làm phương hại đến hoà bình, an ninh quốc tế. Chính vì vậy mà việc củng cố và nâng cao vai trò của Toà án Luật biển quốc tế nói riêng và hệ thống cơ quan tài phán quốc tế nói chung là một việc làm hết sức cần thiết, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Luật biển quốc tế hiện đại, Nxb. CAND, Hà Nội, 2008.
2. TS. Nguyễn Thị Kim Ngân, TS. Chu Mạnh Hùng (đồng chủ biên), Giáo trình luật quốc 
tế (dùng trong các trường đại học chuyên ngành luật và ngoại giao), Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2012.
3. Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982.

No comments:

Post a Comment