18/06/2015
So sánh sự giống và khác nhau giữa cao trào cách mạng 1930 – 1931 và phong trào dân chủ 1936 – 1939
Bài tập học kỳ Đường lối cách mạng Đảng cộng sản Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi là một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc ta, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, mở đầu kỉ nguyên mới độc lập tự do, kỉ nguyên nhân dân lao động lên nắm chính quyền, làm chủ đất nước và vận mệnh dân tộc, kỉ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội. Một trong những nguyên nhân chủ quan quan trọng đem lại thắng lợi của Cách mạng tháng tám là Đảng ta đã có quá trình chuẩn bị trong suốt 15 năm, đúc rút được những bài học kinh nghiệm qua những thành công cũng như thất bại của các phong trào cách mạng như cao trào 1930 – 1931 và phong trào dân chủ 1936 – 1939. Nhằm góp phần đem lại những cái nhìn mới về hai phong trào này qua lăng kính so sánh, em xin lựa chọn đề tài: “Sự giống và khác nhau giữa cao  trào cách mạng 1930 – 1931 và phong trào dân chủ 1936 – 1939” 

I. Những điểm chung của cao trào cách mạng 1930 – 1931 và phong trào dân chủ 1936 – 1939.

1. Đây đều là những cuộc diễn tập chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám năm 1945

Đó là những cuộc tập dượt để kiểm nghiệm về khả năng lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam với đội tiên phong của nó là Đảng Cộng sản ; về sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân, đặc biệt khối liên minh công nông khi được tập hợp, tổ chức dưới ngọn cờ của Đảng. 

Qua các phong trào, đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng ta được tôi luyện, trưởng thành trong đấu tranh, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về xác định kẻ thù, tập hợp lực lượng cách mạng, hình thức phương pháp đấu tranh, quy luật giành giữ chính quyền. 

Qua thực tiễn đấu tranh, nhân dân ta càng thấy được bộ mặt thâm độc, tàn bạo của kẻ thù đế quốc, phong kiến, đồng thời cũng xây dựng và củng cố được niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và tương lai, tiền đồ của cách mạng, để tiếp tục quyết tâm vững bước tiến lên vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.

2. Cả hai phong trào đều đều có sự trực tiếp chỉ đạo của Đảng và thu hút đông đảo quần chúng trong cả nước tham gia với nhiều hình thức đấu tranh phong phú

Phong trào cách mạng 1930-1931 và phong trào dân chủ 1936-1939 là những cuộc đấu tranh đầu tiên dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. 

Trong cao trào cách mạng 1930 – 1931 : từ tháng 2 đến 4/1930 được coi là khởi động cho cao trào cách mạng, mở đầu là cuộc bãi công của 3000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng đòi tăng lương giảm giờ làm, chống tư bản 2/1930, tiếp đó là bãi công của 4000 công nhân nhà máy diêm – cưa Bến Thủy, 4000 công nhân nhà máy dệt và sợi Nam Định.

Từ tháng 6 đến tháng 8/1930, cả nước có 121 cuộc đấu tranh. Trên khắp cả 3 kì từ nông thôn đến thành thị đều diễn ra các cuộc đấu tranh của quần chúng dưới nhiều hình thức : bãi công, mít tinh, biểu tình, tuần hành của quần chúng với truyền đơn biểu ngữ và có cờ Đảng dẫn đường. Tháng 9 và 10/1930, cả nước có 362 cuộc đấu tranh (Bắc Kì : 29, Nam Kì : 17, Trung Kì : 316). Từ tháng 9, phong trào đã dấy lên đỉnh cao ở Nghệ Tĩnh, thu hút hàng chục vạn người tham gia đấu tranh, tiến tới đấu tranh vũ trang và khởi nghĩa vũ trang cướp chính quyền, thành lập chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương 10/1930, bên cạnh việc thông qua Luận cương chính trị của đồng chí Trần Phú, bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng chính thức, Hội nghị tập trung phân tích về tình hình cách mạng đang diễn ra. Sau Hội nghị, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã tập trung lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước, có những đường lối chỉ đạo cụ thể cho tình hình ở Nghệ Tĩnh trong việc xây dựng và gìn giữ chính quyền, chống lại sự khủng bố, đà áp của kẻ thù.

Trong phong trào dân chủ 1936 – 1939,  mở đầu giai đoạn này là phong trào “Đông Dương đại hội”. Hàng trăm ủy ban hành động đã được thành lập khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam để phân phát truyền đơn, ra báo chí, tổ chức mít tinh, hội họp quần chúng, thảo luận các vấn đề về dân sinh, dân chủ, tập hợp ý kiến, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, thảo ra bản “dân nguyện” gửi tới phái đoàn của Quốc hội Pháp sang điều tra tình hình Đông Dương. 

Trong giai đoạn 1936 – 1939, mỗi năm có hàng trăm cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân ở nhiều nơi trên khắp cả nước. Đặc biệt là cuộc đấu tranh ngày 1/5/1938, lần đầu tiên trong ngày Quốc tế lao động, nhiều cuộc mít tinh đã được tổ chức công khai ở Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn và nhiều nơi khác với hàng vạn quần chúng tham gia, nhân dân ta đã thể hiện sự hưởng ứng với phong trào đấu tranh của công nhân thế giới trong ngày Quốc tế lao động.

Công tác quần chúng được Đảng chú trọng. Đảng đã thành lập Công hội, Đoàn thanh niên phản đế, Hội cứu tế bình dân… ở nông thôn, lập Hội cấy, Hội cày, Hội hiếu hỉ… Những hình thức tổ chức linh hoạt, hoạt động công khai, nửa công khai, đã tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia.

Căn cứ vào tình hình thế giới nói chung, tình hình nước Pháp nói riêng và thực tiễn cách mạng trong nước, Đảng đã hoàn thiện đường lối đấu tranh và lãnh đạo cách mạng theo xu hướng dân chủ trong giai đoạn 1936 – 1939. Đảng phát động phong trào “Đông Dương đại hội”. Đảng tổ chức lãnh đạo hàng trăm cuộc bãi công trong giai đoạn này. Đảng tham gia đấu tranh công khai trên nghị trường, đưa các ứng viên của Đảng và vận động những người tiến bộ trong hàng ngũ trí thức ra ứng cử vào các cơ quan dân cử. Mục đích của Đảng nhằm mở rộng lực lượng của Mặt trận Dân chủ và vạch trần chính sách phản động của bọn thực dân và tay sai, bênh vực quyền lợi của nhân dân lao động. Đảng còn triệt để sử dụng báo chí công khai, lập ra nhiều tờ báo làm vũ khí đấu tranh cách mạng, giác ngộ nhân dân về con đường cách mạng của Đảng. 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, có thể nói chưa bao giờ ở Việt Nam lại có một phong trào rộng lớn với sức mạnh to lớn của quần chúng như trong giai đoạn 1936 - 1939. Điều này đã khắc phục được nhược điểm của phong trào công nông 1930 - 1931 trước đây. 

3. Phong trào cách mạng 1930 - 1931 và phong trào dân chủ 1936 -1939 đều mang tính dân tộc 

Phong trào cách mạng 1930 – 1931 

Đối tượng cách mạng là kẻ thù mang tính chất chiến lược, lâu dài của cả dân tộc là đế quốc và phong kiến. 

Mục tiêu đấu tranh là “Độc lập dân tộc” và “Người cày có ruộng”. Đó là những mục tiêu đáp ứng được nguyện vọng cơ bản và lâu dài của cả dân tộc. 

Lực lượng cách mạng chủ yếu là liên minh công – nông. Đây là động lực chủ yếu của cách mạng giải phóng dân tộc. 

Phong trào cách mạng 1930-1931 là cuộc tập dượt đầu tiên chuẩn bị cho cách mạng giải phóng dân tộc sau này. 

Do đó, rõ ràng phong trào cách mạng 1930-1931 mang tính chất dân tộc. 

Phong trào dân chủ 1936 – 1939  

Đối tượng cách mạng chưa phải là thực dân Pháp và phong kiến nói chung, mà là bọn phản động thuộc địa không chịu những chính sách mà Mặt trận nhân dân Pháp ban hành. Nhưng đó chính là kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc lúc bấy giờ. 

Mục tiêu đấu tranh : Tạm gác khẩu hiệu “Độc lập dân tộc” và “Người cày có ruộng”, chỉ đòi các quyền tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Nhưng đó cũng là quyền lợi của cả dân tộc. 

Về lực lượng : hết sức rộng rãi, bao gồm mọi lực lượng dân chủ, kể cả một bộ phận những người Pháp có xu hướng chống phát xít, nhưng lực lượng đông đảo nhất vẫn là lực lượng dân tộc. 

Phong trào dân chủ 1936 - 1939 là một giai đoạn chuẩn bị cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc sau này. 

Vì những lý do trên, phong trào 1936 - 1939 là một cuộc vận động dân chủ nhưng vẫn mang tính chất dân tộc. 

II. Sự khác biệt giữa cao trào cách mạng 1930 – 1931 và phong trào dân chủ 1936 – 1939

1. Hoàn cảnh lịch sử

Với cao trào cách mạng 1930 – 1931 

Những năm 1929 – 1933, cuộc khủng hoảng kinh tế đẩy thế giới tư bản lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng trên quy mô lớn, Pháp là nước tư bản lớn nên cũng không không tránh khỏi điều này. Pháp một mặt bóc lột nhân dân trong nước, mặt khác tăng cường bóc lột thuộc địa để bù đắp những thiệt hại do khủng hoảng kinh tế gây ra. Đông Dương là thuộc địa của Pháp nên phải hứng chịu những hậu quả hết sức nặng nề, đời sống nhân dân càng khốn khổ do chính sách bóc lột, vơ vét về kinh tế và khủng bố về chính trị của thực dân Pháp. Bọn địa chủ phong kiến lợi dụng vào bọn quan thầy tìm cách bóc lột vơ vét nhân dân, đặc biệt là nông dân làm cho mâu thuẫn càng lên cao. 

Sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái, thực dân Pháp tăng cường khủng bố, đàn áp nhằm dập tắt phong trào của quần chúng, càng làm cho tình hình chính trị thêm căng thẳng. 

Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 và chính sách thống trị hà khắc của thực dân Pháp làm cho mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt, với hai mâu thuẫn cơ bản là : mâu thuẫn dân tộc giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với đế quốc Pháp, mâu thuẫn giai cấp giữa nông dân với địa chủ phong kiến. 

Đúng lúc đó, ba tổ chức cộng sản lần lượt được ra đời ở ba miền (1929) sau đó hợp nhất thành một chính đảng thống nhất và duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam (đầu năm 1930). Đảng vừa mới ra đời đã kịp thời lãnh đạo nhân dân đứng lên chống đế quốc, phong kiến. 

Những nhân tố trên đã thúc đẩy sự bùng nổ của phong trào cách mạng 1930 – 1931.

Với phong trào dân chủ 1936 – 1939 : Để thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933), một số nước như Đức, Italia, Nhật Bản đã phát xít hóa bộ máy chính quyền, ráo riết chạy đua vũ trang. Chủ nghĩa phát xít xuất hiện đe doạ đến nền hoà bình thế giới, chúng gây chiến tranh xâm lược, thủ tiêu quyền tự do, dân chủ, Chúng đã ra sức xóa bỏ mọi quyền tự do, dân chủ, câu kết chặt chẽ với nhau, âm mưu dùng sức mạnh quân sự để chia lại thế giới và tiêu diệt nhà nước xã hội chủ nghĩa Liên xô, làm cho hòa bình thế giới bị đe dọa nghiêm trọng. Thế giới bị đặt trước một cuộc chiến tranh cực kỳ tàn khốc. 

Đại hội VII Quốc tế cộng sản họp tại Mát-xcơ-va (7/1935) xác định kẻ thù trực tiếp, trước mắt là chủ nghĩa phát xít và nhiệm vụ trước mắt của giai cấp công nhân là chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Đại hội cũng chủ trương thành lập mặt trận nhân dân chống phát xít rộng rãi. 

Tháng 6/1936, Mặt trận Nhân dân Pháp giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ở Pháp, đứng ra thành lập một chính phủ mới, ban hành một số chính sách tiến bộ, mở rộng quyền tự do, dân chủ ở các nước thuộc địa trong đó có Việt Nam. 

Hoàn cảnh trong nước

Tuy nhiên, ở Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng, bọn phản động thuộc địa không chịu thi hành chính sách tiến bộ của Mặt trận Nhân dân Pháp. 

Trong khi đó, tàn dư của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 tiếp tục làm cho đời sống nhân dân Việt Nam cực khổ, kể cả tư sản dân tộc, địa chủ vừa và nhỏ. Vì vậy, yêu cầu dân sinh, dân chủ rất lớn. 

Phong trào cách mạng Việt Nam sau một thời gian tạm lắng xuống giờ đây đã được phục hồi. Tháng 3/1935, Đảng đã họp Đại hội lần thứ nhất tại Ma Cao, Trung Quốc để phục hồi tổ chức của Đảng. Với chính sách tiến bộ của Mặt trận nhân dân Pháp, nhiều chiến sĩ cách mạng được trả lại tự do, quay trở lại hoạt động, làm cho cách mạng Việt Nam có thêm sức mạnh để bước vào thời kỳ đấu tranh mới. 

Những hoàn cảnh trên là động lực thúc đẩy nhân dân ta đấu tranh đòi cải thiện dân sinh, dân chủ.

Tóm lại, do hoàn cảnh thế giới, hoàn cảnh trong nước của mỗi giai đoạn khác nhau, Đảng lại đề ra chủ trương, sách lược của giai đoạn 1930-1931 và giai đoạn 1936-1939 khác nhau. Cụ thể như sau : 

2. Kẻ thù của cách mạng

Giai đoạn 1930 – 1931, thực dân Pháp bóc lột nặng nề nhân dân ta để bù đắp cho những thiệt hại của khủng hoảng kinh tế, chúng ta xác định rõ kẻ thù là đế quốc Pháp nói chung, phong kiến và phản cách mạng.

Giai đoạn 1936 – 1939, chủ nghĩa phát xít xuất hiện là hiểm họa lớn cho toàn nhân loại, Đại hội VII của Quốc tế cộng sản cũng đã xác định đây là kẻ thù trực tiếp của cách mạng các nước lúc bấy giờ. Mặt trận nhân dân lên nắm chính quyền ở Pháp, đã thi hành một số chính sách tiến bộ với các nước thuộc địa. Tuy nhiên, ở Việt Nam, bọn phản động thuộc địa không chịu thi hành chính sách tiến bộ. Chúng ta xác định kẻ thù trong giai đoạn này là chủ nghĩa phát xít, bọn phản động thuộc địa không chịu thi hành chính sách tiến bộ và tay sai.

3. Nhiệm vụ của cách mạng

Những năm 1930 – 1931, Cương lĩnh chính trị đầu tiên cũng như Luận cương chính trị 10/1930 đã xác định đường lối chiến lược cách mạng của Đảng là tiến hành cuộc “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, nhiệm vụ của cách mạng là đánh đổ bọn đế quốc Pháp; bọn phong kiến và phản cách mạng, làm cho nước Việt Nam được độc lập; dựng lên chính phủ công nông binh; tổ chức ra quân đội công nông; tịch thu hết sản nghiệp lớn của bọn đế quốc; tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc và bọn phản cách mạng đem chia cho dân cày nghèo; tiến hành cách mạng ruộng đất.

Những năm 1936 – 1939, đường lối chiến lược đó của Đảng vẫn được giữ vững nhưng chủ trương sách lược đã có những thay đổi theo những diễn biến mới của tình hình thế giới và trong nước. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 7/1936 tại Thượng Hải, Trung Quốc đã xác định nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít, chống nguy cơ chiến tranh ; đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo và hòa bình.

4. Hình thức, phương pháp đấu tranh

Giai đoạn 1930 – 1931, phong trào công nông phát triển tới đỉnh cao. Các cuộc đấu tranh, biểu tình đòi cải thiện quyền lợi của công nhân, nông dân diễn ra liên tiếp. Từ các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi về kinh tế, đã chuyển sang kết hợp khẩu hiệu đấu tranh kinh tế với đấu tranh chính trị, hình thức đấu tranh quyết liệt hơn, tự vệ vũ trang, biểu tình thị uy, khởi nghĩa vũ trang để tiến công vào cách cơ quan chính quyền của địch ở nhiều địa phương, trên cơ sở đó, chính quyền Xô Viết được thiết lập. Như vậy, hình thức đấu tranh của giai đoạn này chủ yếu là bãi công, biểu tình, và xuất hiện biểu tình có vũ trang, phương pháp đấu tranh là bí mật, bất hợp pháp. 

Giai đoạn 1936 – 1939, các hình thức đấu tranh phong phú, đa dạng hơn. 

+ Biểu tình, mít tinh, bãi công đòi quyền lợi, hội họp bàn bạc các vấn đề dân sinh dân chủ, đấu tranh kinh tế, chính trị. Phong trào “Đông Dương đại hội”.

+ Chủ yếu là đấu tranh chính trị, không có đấu tranh vũ trang. Từ năm 1930 đến 1945, đây là giai đoạn duy nhất hoàn toàn đấu tranh bằng chính trị, không có đấu tranh vũ trang. Đó cũng là một nét độc đáo của phong trào dân chủ 1936 - 1939. Sở dĩ chúng ta có thể làm được điều đó vì đã có sự chỉ đạo chung của Quốc tế cộng sản. 

+ Hình thức đấu tranh nghị trường là một lĩnh vực đấu tranh mới mẻ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đảng đưa các ứng viên của Đảng ra ứng cử vào các cơ quan dân cử để đấu tranh mở rộng quyền tự do dân chủ cho nhân dân, cải thiện các điều kiện kinh tế xã hội.Trong các cuộc bầu cử vào nghị viện và các tổ chức khác, người của mặt trận dân chủ đều giành được thắng lợi lớn.

+ Đấu tranh trên lĩnh vực báo chí là được Đảng ta sử dụng triệt để như một vũ khí lợi hại. Các tờ báo tiến bộ bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp được xuất bản rộng rãi ở cả ba miền như báo Thời báo, Tân xã hội, Tiến lên, Lao động, Nhân dân, Tiền phong… Báo chí cách mạng trở thành mũi xung kích trong những phong trào lớn và hoạt động của cuộc vận động dân chủ, dân sinh thời kì 1936 – 1939 như Đông Dương đại hội, đón Gôđa và Brêviê, những cuộc bầu cử và đấu tranh nghị trường.

Trong giai đoạn này, phương pháp đấu tranh là kết hợp hình thức hợp pháp, nửa hợp pháp; công khai, nửa công khai.

5. Tập hợp lực lượng cách mạng

Giai đoạn 1930 – 1931, lực lượng cách mạng chủ yếu là liên minh giai cấp công nhân – nông dân, trong đó giai cấp công nhân nắm vai trò lãnh đạo. Trong giai đoạn này, chúng ta đã đánh giá không đúng khả năng cách mạng của tầng lớp tiểu tư sản, khả năng chống đế quốc và phong kiến ở mức độ nhất định của bộ phận tư sản dân tộc, khả năng lôi kéo một bộ phận trung, tiểu địa chủ tham gia mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc và tay sai. Đây là một sai lầm Đảng khi chưa thấy được khả năng cách mạng của các tầng lớp nhân dân khác để cô lập và phân hóa kẻ thù, không tập hợp được đông đảo lực lượng cách mạng. Cũng chính vì điều này nên trong những năm 1930 - 1931, chúng ta không có mặt trận để tập hợp rộng rãi lực lượng dưới ngọn cờ cách mạng. 

Giai đoạn 1936- 1939, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta đã thiết lập được Mặt trận dân tộc thống nhất. Đó là Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương, sau đổi thành Mặt trận dân chủ Đông Dương (tháng 3/1938). Thông qua Mặt trận, Đảng ta đã tập hợp được rộng rãi các tầng lớp nhân dân, không phân biệt các khuynh hướng chính trị, đảng phái, dân tộc, đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngoài liên minh giai cấp công nhân - nông dân là lực lượng chủ yếu của cách mạng, Mặt trận Dân chủ Đông Dương còn có sự tham gia rộng rãi của tầng lớp trí thức, tiểu tư sản, tư sản dân tộc, trung tiểu địa chủ có cảm tình với cách mạng, kể cả những người Pháp dân chủ ở Đông Dương. Lực lượng cách mạng đông đảo đã đem lại những hình thức đấu tranh mới, sự phát triển mạnh mẽ và những thắng lợi nhất định cho phong trào dân chủ 1936 – 1939.  Một đội quân chính trị hùng hậu đã được hình thành để chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám sau này. 

6. Địa bàn hoạt động 

Phong trào cách mạng 1930 - 1931 chủ yếu diễn ra ở các vùng nông thôn, còn ở địa bàn thành thị mới chỉ diễn ở các nhà máy, xí nghiệp. 

Phong trào dân chủ 1936 - 1939 diễn ra ở cả nông thôn và thành thị nhưng chủ yếu là ở các thành thị. 

III. Kết luận

15 năm ra đời và phát triển của Đảng cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công (1930-1945) là 15 năm với nhiều biến động, thăng trầm, với những cuộc tập dượt quan trọng như cao trào cách mạng 1930 – 1931 và phong trào dân chủ 1936 – 1939. Cao trào cách mạng 1930 – 1931 cũng như phong trào dân chủ 1936 – 1939 dù giống hay khác nhau đều có mối quan hệ khăng khít trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Sự khác nhau giữa hai phong trào chủ yếu là do hoàn cảnh thế giới và trong nước của hai giai đoạn 1930-1931 và 1936-1939 là khác nhau, đòi hỏi Đảng phải có sự điều chỉnh chủ trương sách lược cho phù hợp. Những sự đổi mới đó cho thấy rõ, Đảng đã thực sự trưởng thành và có đủ khả năng đối phó với mọi tình hình diễn biến phức tạp, đưa cách mạng tiến lên không ngừng.

2 comments:

  1. viết thành bảng sẽ dễ xem hơn

    ReplyDelete
  2. cảm ơn rất nhiều ạ
    tài liệu này đã giúp cho việc làm bài tập của em dễ dàng hơn
    một lần nữa em xin cảm ơn
    😙😘😚😙😘😚😙😘😚😙😘😚😙😚

    ReplyDelete