Bài tập học kỳ Luật Biển quốc tế.
Bãi cạn lúc nổi lúc chìm là một loại địa hình thường thấy có mặt ở thềm lục địa/biển, chìm xuống dưới mặt nước biển khi thủy triều lên cao và lộ ra rõ hơn khi thủy triều xuống thấp. Vì tính “lúc nổi lúc chìm” đặc biệt mà quy chế của bãi cạn cũng có tính đặc trưng riêng, đặc biệt trong việc xác định đường cơ sở. Bài viết dưới đây sẽ phân tích các vấn đề pháp lý liên quan đến bãi cạn, cũng như vai trò của nó trong việc xác định đường cơ sở.
I. Khái quát chung về bãi cạn lúc nổi lúc chìm
1. Khái niệm
Theo Điều 13 Công ước luật Biển năm 1982 quy định:
“1.“Bãi cạn lúc chìm lúc nổi” (haut-fonds découvrants) là những vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước. Khi toàn bộ hay một phần bãi cạn đó ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi cạn này có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải.
2. Khi các bãi cạn lúc chìm lúc nổi hoàn toàn ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì chúng không có lãnh hải riêng”.
Như vậy, về cơ bản, bãi cạn lúc nổi lúc chìm được phân biệt với các dạng địa hình trên biển khác nhờ vào chính đặc trưng “lúc nổi lúc chìm”: nổi trên mặt biển khi thủy triều xuống và chìm xuống dưới mặt nước khi thủy triều lên.
2. Quy chế pháp lý về bãi cạn lúc nổi lúc chìm
Việc xác định các bãi cạn nửa nổi nửa chìm có những vùng biển nào là một vấn đề rất phức tạp. Trong luật pháp quốc tế truyền thống chưa có bất kỳ qui định cụ thể nào về vấn đề này. Công ước Luật biển 1982 đã có những quy định khá rõ ràng về quy chế pháp lý của các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm. Theo khoản 2 Điều Công ước Luật biển 1982, các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm nói chung không có lãnh hải riêng (và do đó cũng không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa) và sự có mặt của chúng không ảnh hưởng đến việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
II. Vai trò của bãi cạn trong việc xác định đường cơ sở
Trong một số trường hợp, bãi cạn lúc nổi lúc chìm cũng được dùng để xác định đường cơ sở.
Khoản 1 Điều 13 Công ước 1982 quy định: “Khi toàn bộ hay một phần bãi cạn đó ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi cạn này có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải.”
Đối với bãi cạn lúc nổi lúc chìm gần bờ thì sẽ được sử dụng để tính đường cơ sở thẳng cho quốc gia ven biển. Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 7 Công ước 1982 thì: “Các đường cơ sở thẳng không được kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm, trừ trường hợp ở đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được sự thừa nhận chung của quốc tế”.
Đối với bãi cạn lúc chìm, lúc nổi xa bờ, theo khoản 1 Điều 47 Công ước năm 1982 quy định: “Một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm, lúc nổi của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỉ lệ diện tích nước sơ với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỉ lệ 1/1 và 9/1”.
Tuy nhiên, cần nói thêm rằng không phải tất cả các bãi cạn lúc chìm lúc nổi đều được xác định là các điểm cơ sở của các đường cơ sở.
KẾT LUẬN
Có thể thấy rằng, bãi cạn lúc nổi lúc chìm và các quy chế pháp lý xung quanh nó là rất đặc biệt. Chính sự đặc biệt trong việc lãnh hải, xác định đường cơ sở…có liên quan đến bãi cạn lúc nổi lúc chìm, cũng như tính chất địa lý đặc biệt của nó so với dịa hình đảo, quần đảo…mà các quốc gai có tranh chấp chủ quyền trên biển luôn lưu tâm đến việc khẳng định chủ quyền của mình với các bãi cạn, cũng như cải tạo và hợp pháp hóa việc cải tạo các bãi cạn trở thành đảo.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển UNCLOS 1982
2. Luật biển quốc tế hiện đại, TS. Lê Mai Anh, NXB. Lao động-Xã hội, 2005
No comments:
Post a Comment