Bài tập tính huống học kỳ Luật Hình sự 2.
Đề bài: Chiều ngày 17 tháng 9 năm 2003, Đ cùng C đang ngồi uống nước thì có một em bé mời mua vé số. C lấy 15.000 đồng mua 3 tờ vé số. Trong khi C trả tiền thì Đ nhận lấy 3 tờ vé số từ người bán đút và cất vào túi quần của mình và nói: “Để tôi cầm cho may mắn, nếu trúng thưởng thì tối nay lại nhậu nhé”. C chỉ cười và không có phản ứng gì. Sáng hôm sau khi dò vé số biết trúng thưởng, Đ đã đi nhận thưởng 150 triệu đồng rồi gọi điện cho C nói: “3 tờ vé số hôm qua trượt hết rồi” rồi đi mua một chiếc xe máy. Sau đó Đ mời C đến nhà liên hoan khao xe mới. C nghi ngờ, đi hỏi và biết được 3 vé số mà mình mua trúng thưởng trị giá 150 triệu đồng. C yêu cầu Đ trả lại số tiền trúng thưởng nhưng Đ kiên quyết từ chối và nói dối là vé không trúng thưởng nên đã xé bỏ. C đề nghị cơ quan công an điều tra và vụ việc được xác định đúng như đã nêu trên.
Hỏi:
1. Hành vi của Đ cấu thành tội gì? Tại sao? (4 điểm)
2. Tội phạm mà Đ thực hiện có cấu thành vật chất hay hình thức? Tại sao? (2 điểm)
3. Hãy xác định khung hình phạt đối với hành vi phạm tội mà Đ đã thực hiện. (1 điểm)
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ.
- Chủ thể của tội phạm: chủ thể thường, đủ điều kiện về tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ.
- Khách thể của tội phạm: quan hệ sở hữu đối với tài sản.
- Đối tượng tác động của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: tài sản trị giá 150 triệu.
- Điều 139 bộ luật hình sự.
II. GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG.
1. Hành vi của Đ cấu thành tội gì? Tại sao?
Hành vi của Đ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ luật hình sự; có thể khẳng định như vậy vì những lý do sau:
Xét điều 139 Bộ luật hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội này được quy định như sau:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
* Về chủ thể của tội phạm: trong trường hợp này ta coi như Đ đã đủ điều kiện về tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự.
* Khách thể của tội phạm: Quan hệ sở hữu đối với tài sản, trong tình huống này thì khách thể tội phạm do Đ thực hiện là quan hệ sở hữu của C với tài sản là tấm vé số trúng thưởng trị giá 150 triệu.
* Mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Về dấu hiệu pháp lý tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được định nghĩa là Hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối.
+ Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản: gồm hai hành vi khác nhau đó là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt .
Hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật.
Cụ thể trong trường hợp này, Đ đã có hành vi lừa dối C, khi biết tấm vé số trúng thưởng lẽ ra Đ phải trả lại cho chủ của tấm vé là C nhưng Đ đã đi nhận thưởng và nói dối với C là tấm vé không trúng thưởng. Hành vi gian dối thứ hai là khi C sau khi được Đ mời ăn liên hoan mua xe máy mới đã nghi ngờ và đi dò thì biết tấm vé của mình trúng thưởng, Đ lại tiếp tục gian dối bằng cách nói dối là vé không trúng thưởng nên đã xé bỏ. Đ đã cố tình đưa ra những thông tin không đúng sự thật để đánh lừa C,
Hình thức của hành vi lừa dối: Hành vi lừa dối ở trong trường hợp này thể hiện qua lời nói, Đ đã gọi điện cho C và nói “ 3 tờ vé số hôm qua trượt hết rồi” và tiếp tục nói dối là đã xé bỏ vé số vì không trúng thưởng.
Hành vi chiếm đoạt : Trong trường hợp này, tài sản bị chiếm hữu đang ở trong sự chiếm hữu của người phạm tội, ở đây là Đ, Đ đã giữ lại tài sản là phần thưởng trị giá 150 triệu lẽ ra phải giao cho C. Vì đã tin vào thông tin mà Đ cung cấp là tấm vé số không trúng thưởng nên C đã không nhận giải, ngay từ đầu tình huống, Đ đã yêu cầu giữ hộ tấm vé cho may mắn và C đã tin tưởng giao cho Đ. Trường hợp này, tội phạm hoàn thành ngay khi Đ gọi điện cho C và nói tấm vé không trúng thưởng( trước đó đã tự ý đi nhận thưởng mà không nói với C).
>> Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và là kết quả của hành vi lừa dối.
+ Hậu quả: Hậu quả do hành vi của Đ gây ra là những thiệt hại cho quan hệ sở hữu thể hiện dưới dạng thiệt hại về vật chất, ở đây là C đã bị mất số tiến là 150 triệu mà lẽ ra C phải được hưởng do bỏ tiền ra mua vé số.
+ Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả: Quan hệ nhân quả là dạng của mối liên hệ giữa các hiện tượng, trong đó hiện tượng được gọi là nguyên nhân với những điều kiện nhất định đã làm phát sinh hiện tượng khác gọi là kết quả. Hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 150 triệu là kết quả của hành vi lừa dối, hành vi chiếm đoạt xảy ra ngay khi hành vi lừa dối được hoàn thành.
* Mặt chủ quan của tội phạm: Đ đã đưa ra thông tin giả là tấm vé không trúng thưởng với mục đích là để C tin đó là sự thật và từ bỏ quyền sở hữu của mình với tấm vé số.( tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ xảy ra khi tấm vé số đã trúng thưởng, còn khi tấm vé số không trúng thưởng thì giá trị của tấm vé số không đủ để cấu thành tội, luật quy định phải từ 500000đ trở lên, trong khi 3 tờ vé có giá là15000đ). Đ đã đưa ra thông tin giả để C tin đó là sự thật.
+ Động cơ và mục đích phạm tội: Trường hợp này, động cơ và mục đích phạm tội của Đ có tính chất tư lợi, lấy tiền để phục vụ nhu cầu cá nhân của mình.
+ Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp,người phạm tội biết mình có hành vi lừa dối và mong muốn hành vi lừa dối có kết quả để có thể chiếm đoạt được tài sản, ở đây Đ đã có hành vi lừa dối và mong muốn hành vi lừa dối có kết quả (C hoàn toàn tin là tấm vé mình mua không trúng thưởng) để có thể chiếm đoạt được tài sản, Đ đã có chủ tâm chiếm đoạt tài sản của C và hành động để biến mục đích của mình được thực hiện.
- Về ý chí: Người phạm tội mong muốn hậu quả phát sinh, hậu quả của hành vi phạm tội mà người phạm tội đã thấy trước hoàn toàn phù hợp với mục đích, ở đây là mong muốn chiếm được 150 triệu của Đ, và hậu quả xảy ra đúng với mục đích của Đ.
- Về lý trí: Ở đây Đ nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình và thấy trước được hậu quả của hành vi phạm tội của mình.
=> Từ những căn cứ pháp lý và các dấu hiệu của tội phạm nêu trên, ta kết luận hành vi của Đ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139, bộ luật hình sự.
2. Tội phạm mà Đ thực hiện có cấu thành vật chất hay hình thức? Tại sao?
Để có thể xác định tội mà Đ thực hiện mà ở đây là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có cấu thành vật chất hay hình thức thì ta căn cứ vào những đặc điểm của cấu thành tội vật chất và hình thức để phân biệt:
* CTTP vật chất là CTTP có các dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Đối với dấu hiệu hậu quả (và cùng với nó là dấu hiệu mối quan hệ nhân quả) ở loại CTTP này lại được quy định theo hai mức độ khác nhau:
+ Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc để xác định tội phạm hoàn thành. Ở loại CTTP này, nhà làm luật không trực tiếp đưa dấu hiệu hậu quả vào trong CTTP mà hậu quả được quy định gián tiếp thông qua cách quy định về hành vi phạm tội.
+ Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc để định tội. Ở dạng CTTP này, nhà làm luật trực tiếp đưa hậu quả vào các quy định của CTTP với ý nghĩa là điều kiện xác định những trường hợp thoả mãn CTTP của loại tội đó, loại trừ những trường hợp hành vi không cấu thành tội phạm.
=> Cấu thành tội phạm vật chất là CTTP có các dấu hiệu của mặt khách quan gồm hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả.
* Cấu thành tội phạm hình thức là CTTP có một dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội. CTTP hình thức là CTTP chỉ có một dấu hiệu của mặt khách quan được mô tả trong CTTP là dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội. Trong CTTP hình thức không có dấu hiệu hậu quả cũng như quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Do đặc điểm của CTTP hình thức như vậy mà quan hệ tâm lí của người phạm tội với các dấu hiệu của tội phạm có CTTP hình thức có điểm khác căn bản so với tội phạm có CTTP vật chất.
Căn cứ vào những khái niệm và đặc điểm của CTTP nêu trên, ta có thể khẳng định tội mà Đ phạm phải (lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 bộ luật hình sự) có CTTP vật chất. Ta thấy ở mặt khách quan của tội mà Đ phạm, có đầy đủ dấu hiệu như hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Ở đây, hậu quả còn là yếu tố bắt buộc để định tội Đ, giả sử tấm vé Đ giữ không trúng thưởng, vì một lý do gì đó C đòi lại nhưng Đ không trả thì cũng không thể định tội Đ mặc dù ở đây có yếu tố lừa dối, do đó hậu quả là yếu tố bắt buộc trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp của Đ, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc để định tội, vì nếu lừa đảo nhưng không hay chưa chiếm đoạt được tài sản thì cũng không thể định tội danh được; hành vi của Đ lừa dối đi đến kết quả là lấy được số tiền trúng thưởng của C, và kết quả đã hoàn thành.
Không thể khẳng định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có cấu thành hình thức vì CTTP hình thức chỉ xét đến hành vi, lỗi đã là lỗi cố ý trực tiếp, xét riêng hành vi đã thấy được hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mặc dù hậu quả có thể xảy ra hay không xảy ra vì những điều kiện khách quan. Trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mặc dù lỗi cũng là lỗi cố ý trực tiếp nhưng phải tính đến yếu tố “chiếm đoạt tài sản”, nghĩa là xảy ra hậu quả tài sản bị chiếm đoạt thì mới định tội danh được, hành vi lừa dối trong trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện là nhằm thực hiện việc chiếm đoạt. Những hành vi lừa dối nhằm mục đích khác dù mục đích này có tính tư lợi cũng không phải là hành vi phạm tội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vậy tội phạm mà Đ thực hiện có cấu thành vật chất.
3. Hãy xác định khung hình phạt đối với hành vi phạm tội mà Đ đã thực hiện.
Để xác định khung hình phạt cho tội mà Đ đã thực hiện, trước hết, xét đến tội mà Đ phạm phải được quy định trong điều 139 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khung hình phạt được quy định tại khoản 1 điều 139 như sau : “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị….., thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm” vì tài sản mà Đ chiếm đoạt là tấm vé số trúng thưởng 150 triệu nên không thể xác định khung hình phạt cho Đ theo khoản 1.
Theo khoản 2, điều 139: 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất nguy hiểm;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức.
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
Khung hình phạt cho tội của Đ được xác định theo điểm e, khoản 2, điều 139, với tình tiết làm tăng nặng tội là tài sản bị chiếm đoạt có giá trị trong khoảng từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng mà cụ thể trong tình huống này, tài sản mà Đ chiếm đoạt là tấm vé số đạt giải của C với trị giá lên đến 150 triệu đồng.
Vậy khung hình phạt cho Đ là từ hai cho đến bảy năm tù giam, định mức khung hình phạt theo điểm e, khoản 2, điều 139.
No comments:
Post a Comment