20/04/2015
Xu hướng phát triển của án lệ trong cấu trúc nguồn luật của một số hệ thống pháp luật thuộc dòng họ Civil Law
Bài tập học kỳ Luật So sánh.

Án lệ được hiểu là bản án đã tuyên hoặc sự giải thích, áp dụng pháp luật được coi như tiền lệ làm cơ sở để các thẩm phán sau đó có thể áp dụng trong các trường hợp tương tự. Ở mỗi dòng họ pháp luật nói chung và mỗi hệ thống pháp luật nói riêng, án lệ có một chỗ đứng nhất định trong cấu trúc nguồn luật. Tuy vậy, do sự biến đổi của những điều kiện kinh tế - xã hội cùng với xu thế hội nhập, vai trò của nó có sự vận động phù hợp. Sau đây, bài tiểu luận sẽ tập trung vào triển khai đề bài:  Bình luận về xu hướng phát triển của án lệ trong cấu trúc nguồn luật của một số hệ thống pháp luật thuộc dòng họ Civil Law.

II. NỘI DUNG


1. Trước đây, án lệ không được coi trọng trong cấu trúc nguồn luật của các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ Civil Law.


Do chịu ảnh hưởng sâu sắc của học thuyết tam quyền phân lập nên các nước thuộc dòng họ Civil Law không thừa nhận vai trò lập pháp của các cơ quan xét xử. Các luật gia Châu Âu lục địa có quan điểm tương đối thống nhất cho rằng lập pháp là hoạt động của nghị viện, còn tòa án chỉ là cơ quan áp dụng pháp luật để xét xử chứ không phải tạo ra luật thông qua hoạt động xét xử. Mặt khác dòng  họ Civil Law là dòng họ pháp luật có trình độ hệ thống hóa, pháp điển hóa cao, sớm cho ra đời những bộ luật điển hình như Bộ luật dân sự Napoleon, Bộ luật dân sự Đức 1896. Chính vì vậy, ở các quốc gia thuộc dòng họ pháp luật Civil Law, luật thành văn là nguồn luật giữ vai trò chủ đạo, còn án lệ chỉ là những giải pháp không chắc chắn, có thể bị hủy bỏ và sửa đổi bất cứ lúc nào phụ thuộc vào vụ việc mới. Thực tiễn xét xử của tòa án không bị ràng buộc bởi những quy phạm do chính nó tạo ra và cũng không thể dựa vào các quy phạm đó để biện luận cho quyết định của mình. Án lệ chỉ được áp dụng khi thẩm phán thấy nó phù hợp với vụ án đang xét xử. Bộ luật dân sự Napoleon cũng đã thiết lập một số quy định gây cản trở cho việc phát triển án lệ. Điều 5 Bộ luật dân sự Napoleon quy định rằng: “ Cấm các thẩm phán đặt ra các quy định chung và có tính lập quy để tuyên án đối với những vụ việc được giao xét xử”. Điều 1351 Bộ luật này cũng quy định: “ Bản án chỉ có hiệu lực pháp luật đối với một vụ việc. Chỉ được xem là cùng một vụ việc khi yêu cầu về cùng một vấn đề, dựa trên cùng một căn cứ và giữa cùng các bên tranh chấp”. 

2. Án lệ ngày càng có vị thế quan trọng trong cấu trúc nguồn luật của một số hệ thống pháp luật thuộc dòng họ Civil Law

Dù gặp phải những cản trở như trên, án lệ vẫn có xu hướng phát triển trở thành một trong những nguồn luật được thừa nhận có ý nghĩa quan trọng ở hệ thống pháp luật các nước thuộc dòng họ Civil Law. Việc án lệ phát triển dường như là xu thế tất yếu cùng với sự phát triển của xã hội. Bởi lẽ theo Portalis - một luật gia có công tham gia xây dựng Bộ luật Napoleon thì :“luật pháp đứng yên trong khi đời sống xã hội của con người luôn thay đổi, vì lý do đó mà không ai có thể qui định tất cả mọi vấn đề có thể phát sinh” (1), như vậy, không có nguồn luật nào có thể giải quyết mọi vấn đề trong xã hội mà cần đến bàn tay pháp luật. Do đó, án lệ mang tính chất là nguồn luật bổ sung cho luật thành văn ở các nước thuộc dòng họ Civil Law. Mặt khác, trong xu thế hội nhập, các nước trong quá trình hợp tác về kinh tế, văn hóa… sẽ có sự ảnh hưởng nhất định đối với nhau, do đó sự tiếp nhận án lệ ở các nước thuộc dòng họ Civil Law là điều dễ hiểu. René David nhận xét: bắt đầu từ đầu thế kỷ XX, ảo tưởng về giá trị của luật thành văn là nguồn luật thuần nhất đã dần bị xoá bỏ (2). Ta có thể tìm ra những biểu hiện về sự phát triển án lệ trong một số quốc gia tiêu biểu thuộc dòng họ Civil Law:

Ở Pháp, phần lớn các quy định trong Bộ luật dân sự đã quá cổ, trở thành đối tượng giải thích của các cơ quan xét xử và việc giải thích ấy đã làm thay đổi hoàn toàn nghĩa gốc của các quy định, làm cho chúng phù hợp hơn với những bước phát triển hiện đại của xã hội. Ví dụ, trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại người ta chủ yếu dựa vào án lệ vì Bộ luật dân sự rất ít quy định về vấn đề này. Luật hành chính ở Pháp không được pháp điển hóa như luật dân sự và thực tế cho thấy nó chủ yếu phát triển dựa trên cơ sở án lệ. Với tư cách là tòa án cao nhất trong ngạch tòa hành chính, Tham chính viện đã đưa ra rất nhiều quyết định được coi là án lệ của luật hành chính. Các cơ quan hành chính nhà nước luôn tôn trọng các quyết định của Tham chính viện, coi đó như nguồn của luật hành chính. Thường thì các văn bản quy phạm pháp luật hành chính có hiệu lực cao hơn án lệ, một số ít trường hợp án lệ lại có hiệu lực cao hơn. Chẳng hạn, Tham chính viện đã tạo ra án lệ nổi tiếng trong bản án Koné ngày 3/7/1996 về vấn đề “Nhà nước phải từ chối dẫn độ người người nước ngoài trong trường hợp việc dẫn độ được yêu cầu vì mục đích chính trị” (3). Kể từ năm 2000, án lệ ở quốc gia này đã được các cơ quan nhà nước đăng miễn phí trên mạng Internet cùng với tất cả các bộ luật, luật giúp người dân tiếp cận và hiểu được pháp luật.

Ở Đức, trong rất nhiều lĩnh vực, chúng ta không thể hiểu được nội dung thực sự của các văn bản luật nếu không tìm hiểu các án lệ liên quan đến việc giải thích pháp luật. Ví dụ, từ “vũ khí” (weapon) trong Bộ luật Hình sự Đức năm 1871, đã không chi tiết hoá tất cả những loại vũ khí mà người phạm tội sử dụng khi phạm tội được qui định trong bộ luật này. Toà án tối cao liên bang Đức đã giải thích về thuật ngữ này trong án lệ năm 1971 như sau: “Theo Bộ luật Hình sự Đức được ban hành năm 1871, vũ khí chỉ bao gồm các công cụ máy móc được sử dụng làm công cụ tấn công. Sau thời điểm này, khái niệm này đã thay đổi. Ngày nay, các chất hoá học dùng làm phương tiện để tấn công cũng được coi là vũ khí” (4). Trong Bộ luật dân sự Đức, các quy định về hợp đồng, bồi thường thiệt hại v.v.. đã được hỗ trợ bởi hàng loạt những án lệ . Các luật sư cũng phải quan tâm đến án lệ để tránh phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng vì tư vấn không đúng. Trong lĩnh vực luật Hiến pháp, các án lệ của Toà án Hiến pháp Liên bang Đức có hiệu lực như luật, nó bắt buộc các toà án cấp dưới phải tuân theo. Điều 31.1 của Luật Toà án Hiến pháp Đức quy định :“ Các quyết định của Toà án Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức có hiệu lực bắt buộc với các cơ quan của chính quyền liên bang và các tiểu bang cũng như tất cả những toà án và các cơ quan nhà nước khác” .

Ngoài ra, trong không gian pháp luật của Liên minh Châu Âu rộng lớn, việc áp dụng án lệ của Tòa án công lý Châu Âu đã có ảnh hưởng đến văn hóa pháp lý trong xét xử của thẩm phán các nước thành viên. Khi giải quyết những vấn đề có liên quan đến pháp luật của Liên minh Châu Âu, các thẩm phán Pháp, Đức cũng không tránh khỏi việc sử dụng các án lệ của Tòa án công lý Châu Âu.

Hiện nay, ở nhiều nước Châu Âu lục địa đã có tuyển tập án lệ chính thức như ở Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italia, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kì và án lệ ngày càng được khẳng định là một trong những nguồn luật quan trọng trong cấu trúc nguồn luật. 

III. KẾT LUẬN

Tiến trình khẳng định vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật một số nước thuộc dòng họ Civil Law cho thấy: mặc dù không có truyền thống pháp luật phát triển dựa trên cơ sở các án lệ là nguồn luật cơ bản như hệ thống pháp luật các nước trong dòng họ Common Law, nhưng án lệ đã trở thành xu hướng phát triển của một số hệ thống pháp luật thuộc dòng họ Civil Law, là một bộ phận không thể thiếu trong pháp luật của những nước này. Sự phát triển của án lệ ở các nước Civil Law là biểu hiện của xu thế hội tụ của Common Law và Civil Law.

No comments:

Post a Comment