Bài tập học kỳ môn về Pháp luật bồi thường và giải phóng mặt bằng - Đề bài: Đánh giá vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật của người dân trong việc thực thi các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng? Nêu các giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác này.
Thực trạng thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật của người dân trong việc thực thi các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đảng và Nhà nước ta đã và đang tiếp tục có những chính sách nhằm đẩy mạnh việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật nói chung và pháp luật về đất đai, giải phóng mặt bằng nói riêng cho toàn thể nhân dân. Việc tuyên truyền, giáo dục này được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau trên khắp các địa phương. Tại các địa phương, Sở Tài nguyên môi trường tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về chính sách Pháp luật bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để người dân tự giác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Các địa phương phối hợp với các tổ chức xã hội, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ thực hiện các buổi họp mặt tại các điểm sinh hoạt cộng đồng để phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên môi trường tổ chức mở chuyên trang, chuyên mục thường kỳ hàng tháng, tuần để tuyên truyền phổ biến giáo dục Pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng trên các kênh thông tin đại chúng của tỉnh (báo, truyền hình, đài phát thanh). Ngoài ra, các địa phương cũng đã kết hợp, lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân về giải phóng mặt bằng với các hoạt động trợ giúp pháp lý.
1. Những điểm tích cực.
Do ý nghĩa cũng như ảnh hưởng to lớn của việc giải phóng mặt bằng nên công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật của người dân trong việc thực thi các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng nhận được sự hưởng ứng tích cực nhân dân của các địa phương. Tại các buổi giao lưu, phổ biến pháp luật, số lượng người dân tham gia luôn đông. Bên cạnh đó công tác này nhận được sự quan tâm, giúp đỡ có hiệu quả của các cấp Uỷ đảng, chính quyền, báo đài và sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể quần chúng ở các địa phương. Chính sự kết hợp này tạo nên sự thành công của hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật của người dân về việc thực thi các quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng.
Thông qua tuyên truyền phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng nhân dân nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực đất đai nói chung và giải phóng mặt bằng nói riêng. Qua đó, trong những năm gần đây số lượng đơn thư khiếu kiện vượt cấp hay việc phản đối phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đã có xu hướng giảm xuống.
2. Những điểm hạn chế.
Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai nói chung và giải phóng mặt bằng nói riêng đã được triển khai rộng khắp toàn quốc tuy nhiên chưa được thường xuyên và sâu rộng trong quần chúng nhân dân đặc biệt là tại các địa phương vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do hạn chế về cơ sở vật chất, điều kiện giao thông, bất đồng ngôn ngữ nên tại các địa phương vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số việc tiếp cận, tuyên truyền pháp luật cho người dân còn gặp phải rất nhiều khó khăn.
Một số địa phương vẫn chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tuyên truyền phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật của người dân về giải phóng mặt bằng. Tại các địa phương này, công tác trên được thực hiện một cách hết sức hời hợt, có rất ít các buổi giao lưu tuyên truyền kiến thức pháp luật cho người dân, các hình thức tuyên truyền cũng chưa được phong phú.
Nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện hoạt động tuyên truyền,giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật của người dân về bồi thường giải phóng mặt bằng, nhìn chung còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác này, nhất là ở địa phương cơ sở. Do nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện được sử dụng cho hoạt động này còn hạn chế nên phạm vi và đối tượng của hoạt động tuyên truyền , giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật của người dân chỉ giới hạn ở một số xã, huyện nhất định cũng như chỉ có một số lượng nhất định đối tượng người dân được tuyên truyền về chính sách, pháp luật về bồi thường ,giải phóng mặt bằng, dẫn đến sự không đồng đều trong mặt bằng phổ biến, giáo dục pháp luật ở bộ ,ngành, địa phương. Bên cạnh đó, do những khó khăn trên mà công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa tiến hành thường xuyên, liên tục gây ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng chung của hoạt động.
Về đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật giải phóng mặt bằng, rất nhiều trong số họ có năng lực, trình độ và kỹ năng tuyên truyền còn hạn chế hoặc thiếu kinh nghiệm trong hoạt động tuyên truyền, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở nhiều nơi còn thiếu về số lượng. Đồng thời ở rất nhiều địa phương, đội ngũ này hoạt động kiêm nhiệm nhiều công việc, do đó họ không thể chuyên tâm và có được nhiều thời gian để thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật giải phóng mặt bằng. Chính điều này ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả của công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật.
No comments:
Post a Comment