01/02/2015
Khái niệm, nội dung cơ bản và vai trò của hương ước đối với sự phát triển của làng xã - Bài tập nhóm Đại cương văn hóa Việt Nam
Trong kho tàng văn hóa đa dạng, đặc sắc của dân tộc Việt Nam còn ẩn dấu một di sản văn hóa vô cùng quý giá, đó chính là các hương ước cổ mà nhân dân ta vẫn quen gọi nôm na là lệ làng. Hương ước là tập hợp những quy tắc xử sự chung nhất, là nếp sống đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân làng. Trong cuộc sống hiện đại, hương ước đang dần bị lãng quên, lớp trẻ ít hai biết về nó nữa. Vì thế, khi bắt gặp đề tài: “Hương ước của làng là gì? Nội dung cơ bản của hương ước? Vai trò ảnh hưởng của hương ước đối với sự phát triển của làng xã hôm nay”, chúng em đã quyết định chọn làm, với hi vọng những kiến thức mà mình tìm hiểu được sẽ góp phần giúp bản thân và các bạn hiểu thêm về một khía cạnh của văn hóa làng xã, một phần của văn hóa Việt.

NỘI DUNG


I. Hương ước của làng là gì?


- Định nghĩa: Hương ước là thuật ngữ gốc Hán, khi du nhập vào Việt Nam nó vẫn được giữ nguyên nghĩa. Hương ước xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ XV,  là bản pháp lí đầu tiên, ghi nhận các quy tắc xử sự chung mang tính bắt buộc đối với các thành viên trong làng xã, nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ xã hội cộng đồng vốn phức tạp. Các điều lệ này được hình thành dần trong lịch sử, được bổ sung, điều chỉnh mỗi khi cần thiết.

Hương ước là văn bản pháp lý của mỗi làng, trong đó bao gồm  các  điều  ước về dân sự, hình sự, các điều ước về giữ gìn đạo lý, phong tục tập quán… Hương  ước  là hệ  thống  luật  tục  tồn  tại  song song với pháp luật mà cơ bản  không đối lập với pháp luật. Hương ước do các vị chức sắc của làng soạn thảo trên cơ sở thống nhất với dân làng. 

GS.Đinh Gia Khánh viết: “Hương ước là bản ghi chép các điều lệ liên quan đến tổ chức xã hội cũng như đến đời sống xã hội trong làng, các điều lệ hình thành dần trong lịch sử, được điều chỉnh và bổ sung mỗi khi cần thiết”.

- Thời điểm xuất hiện: Về thời điểm xuất hiện hương ước, các nhà nghiên cứu lịch sử, dân tộc học từ trước đến nay vẫn chưa khẳng định. Dựa vào các thư tịch cổ, chúng ta mới chỉ biết rằng đến triều đại vua Lê Thánh Tông triều đình đã ra sắc lệnh thể chế hoá hương ước. Bộ luật Hồng Đức đã ghi lại chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông về việc biên soạn và thi hành hương ước như sau:

- Các làng xã không nên có khoản ước riêng vì đã có luật chung của nhà nước.

- Riêng làng xã nào có những tục khác lạ thì có thể lập khoán ước và cấm lệ

- Trong trường hợp đó, thảo ra hương ước phải là người có trình độ nho học, có đức hạnh, có chức và có tuổi tác.

- Thảo xong, phải được quan trên kiểm duyệt và có thể bị bác bỏ.

-  Khi đã có khoán ước rồi, mà vẫn có người không chịu tuân theo, cứ nhóm họp riêng, thì những kẻ ấy sẽ bị quan trên trị tội.

Như vậy, có thể thấy rằng, đến đời vua Lê Thánh Tông đã có hương ước rồi nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa tìm thấy bản hương ước nào được soạn thảo vào thế kỷ XVI chứ chưa nói gì đến thế kỷ XV.

Tìm hiểu các văn bản hương ước có thể thấy chúng luôn được điều chỉnh sửa đổi qua các thời kỳ. Xét một trong những bản hương ước thành văn cổ nhất mà chúng ta hiện có là hương ước làng Mộ Trạch, huyện Đường An, phủ Thương Hồng (nay là huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) ra đời từ năm 1665 sau đó đã được sửa đổi, bổ sung tới 16 lần, từ 30 điều ban đầu lên tới 82 điều ở bản cuối cùng.

- Tên gọi: Hương ước có khoảng 50 tên gọi khác nhau, như: hương tục, hương lệ, hương biên, hương khoán, lệ  tục, phe khoán, phiên khoán, sự  lệ, tục lệ, ước lập, văn ước, khoán ước, khoán lệ, khoán bạ… Các văn bản Hán Nôm liên quan đến hương ước hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm chủ yếu được gọi là tục lệ. Những văn bản hương ước, tục lệ hay khoán lệ này có thể được gọi chung là hương ước làng xã  truyền  thống,  tục lệ cổ truyền hay hương ước cổ truyền.

Trong xã hội hiện nay, hương ước khá xa lạ với nhiều người. Nhiều nhà nghiên cứu đều khẳng định, hương ước là nguồn tư liệu cực kỳ phong phú để nghiên cứu văn bản học, sử học, dân tộc học và luật học. TS. Vũ Duy Mền đã từng nhận định: “Dù không phải là một bộ luật hoàn chỉnh, hương ước, với những điều qui định về một số nét sinh hoạt riêng của làng xã vẫn đóng một vai trò "cương lĩnh”, có thể còn khá chung chung, nhưng dù sao cũng đáng xem là một nếp sống hàng ngày của làng xã mà mọi cá nhân, mọi tổ chức, trong làng, trong xã phải tuân thủ”. 

II. Nội dung của hương ước.

1. Kết cấu:

Tìm hiểu nội dung các bản hương ước mới ở một số địa phương khu vực đồng bằng Bắc Bộ, có thể thấy cấu trúc của nó, ngoài phần mở đầu và kết luận, văn bản được chia thành các chương (hoặc các phần)

Chương 1: Nguyên tắc  chung,

Chương 2: Các quy định về lễ nghi, tôn giáo (chủ yếu là quy định về lễ hội)

Chương 3: Quy định về nếp sống văn hoá nói chung (chủ yếu là xây dựng Gia đình văn hoá, việc cưới, việc tang)

Chương 4:  Đạo lý gia đình và xã hội,

Chương 5: An ninh trật tự, bảo vệ môi trường,

Cuối cùng là Điều khoản thi hành.

Một số bản Quy ước làng văn hóa chỉ chia thành 3 phần lớn, đó là: Nguyên tắc chung, Những quy định cụ thể, Điều khoản thi hành.

Nguyên tắc chung nêu khái quát tình hình lịch sử, quá trình hình thành, truyền thống văn hoá, cách mạng của địa phương, tình hình hiện tại, những thuân lợi, khó khăn trong xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời nêu nguyên tắc chung khi soạn thảo, giá trị pháp líý và phạm vi hiệu lực của văn bản.

Những quy định cụ thể: Là quy định về xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng nếp sống văn hoá trong các sinh hoạt hàng ngày, giữ gìn trật tự an ninh, quy định về ngày lễ, ngày giỗ, ngày hội, việc cưới, việc tang, về bảo vệ và phát triển sản xuất, bảo vệ các công trình công cộng, vệ sinh môi trường và các quy định khác (về khuyến học, khuyến nông…)

Về điều khoản thi hành:  Việc theo dõi thi hành quy ước của các thôn làng thường giao cho trưởng thôn, trưởng làng chịu trách nhiệm cùng với sự phối hợp với các đoàn thể của địa phương. Các hoạt động diễn ra đều có sự chỉ đạo của cấp uỷ đảng địa phương, sự theo dõi, quản lí.

2. Nội dung

Nội dung của hương ước thường gồm 4 loại quy ước:

Quy ước về chế độ ruộng đất: Những điều kiện tự nhiên đặc trưng đã quy định nước ta là một nước nông nghiệp. Nền nông nghiệp được thể hiện rõ nét nhất ở nông thôn, đặc biệt là ở các làng xã. Hương ước các làng đều khẳng định”việc nhà nông là cái gốc lớn” để bảo vệ, phát triển sản xuất và đề ra một số quy định khuyến khích mọi người, mọi nhà tận dụng đất đai để sản xuất và quy định về việc sử dụng ruộng đất. Như Hương ước của làng Quỳnh Đôi - Nghệ An có tới 4 điều khoản nói về vấn đề này, trong đó điều 9 quy định “làng xét các nơi trong đồn điền không cày bừa để ruộng hoang thì phải phạt”. Hay như ở làng Quýt Lâm, khoản thứ 25 hương ước quy địnhvề ruộng đất của làng: “Một sở vườn đình giao cho tự thừa coi giữ. Một sở vườn nghĩa từ giao cho phu trường coi giữ. Một sở vườn nhà nhóm giao cho giáp làng coi giữ. Một sở vườn đình giao cho từ thừa cày làm...”. Tuy nhiên, ngày nay việc sử dụng đất đai trong các làng xã phải tuân theo quy định của luật đất đai Việt Nam.

Quy ước về khuyến nông, bảo vệ sản xuất, môi trường và các danh lam thắng cảnh đền chùa, miếu mạo: Về công tác khuyến nông bảo vệ sản xuất được chú trọng nhằm tận dụng diện tích đất. Điều 113 Hương ước làng Quỳnh Đôi - Nghệ Tĩnh quy định: “Nguyên làng ta có một dải ruộng hoang ở xứ đập Bản và Vụng Cầu, Làng nên cho khai khẩn thành ruộng trồng trọt để làm mối lợi them cho dân làng, nay làng bản hễ người nào có sức phá vỡ cày cấy được khoảng 4 năm thì cứ lấy lúa trên ruộng, được bao nhiêu làng chia 3, làng chỉ lấy 1 phần, làng àm như thế trong 20 năm, hết hạn phải giao ruộng cho làng”. Điều thứ 1,khoản thứ 5, hương ước của làng Long Phụng quy định: “Các nhà trong làng hè vách đều phải sạch sẽ, những ao rãnh trong vườn và các hồ ở noài ngõ vườn, chứa nước dơ dáy là chỗ sanh loại độc trùng và độc khí thì hội hào mục mỗi kỳ hội đồng trong hương kiểm, tộc biểu và hương dịch đi biểu các nhà người lấp liền mấy chỗ lũng ấy như ao hồ khỏi các vi trùng sanh đẻ, người nào ở đàng tư ích, cấm không dược ném đồ đơ dáy, hoặc xác thú vật chết hai bên đàng cái hay nơi ao hồ, phải chon sâu cho khỏi truyền nhiễm”.

Hương ước các làng còn quy định về những điều xử phạt rất nghiêm khắc đối với hành vi làm ô nhiễm không khí, làm nhiễm bẩn nguồn nước, làm lây lan dịch bệnh trong xóm làng. Như Điều 46 Hương ước Làng Thanh Liệt (nay thuộc huyện Thanh Trì) ghi: “Người ta ai có mạnh khỏe thì sống mới lâu, muốn dân làng được mạnh khỏe thì ai cũng phải biết giũ gìn vệ sinh chung và vệ sinh riêng”.

Quy ước về tổ chức xã hội và trách nhiệm các chức dịch của làng: Thành viên trong làng chịu sự chỉ huy của người đứng đầu, phải tuân theo những quy tắc do làng đặt ra và đều bình đẳng lẫn nhau trên cơ sở tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau. Những người đứng đầu phải có trách nhiệm chỉ huy việc thực hiện các quy định của làng và giải quyết các sự việc xảy ra trong làng. Như tiết kế 1 trong Hương ước của làng Quýt Lâm, phủ Mộ Đức có ghi: “Sở đình hay nhà hội trong làng, nơi căn giữa, thì chức sắc ngồi từng trước, mấy người kỳ lão có danh vọng ngồi từng sau, chức sắc nhượng theo chức hàm, kỳ lão nhượng theo niên xỉ, thủ thứ mà ngồi”.

Quy ước về văn hoá tinh thần và tín ngưỡng: Hầu như các Hương ước của các làng xã đều có những quy định về văn hóa ứng xử, tín ngưỡng, các lễ khao vọng, cưới hỏi,... nhằm đặt ra những quy tắc xử sự chung phù hợp với phong tục tập quán của làng xã.

Ở mỗi làng đều có quy định về tín ngưỡng của riêng mình. Điều đó được ghi trong các Hương ước của các làng. Như Hương ước làng Quýt Lâm, phủ Mộ Đức có ghi các tế tự gồm: Lễ Nguyên đán, Lễ tế Xuân thủ, Lễ cúng Hành khiển, Thượng điền, Hạ điền,... Trong đó, Khoản 3, Tiết thứ 2 ghi rõ: Mỗi năm đến sớm mai ngày 15 tháng giêng, thì tế xuân thủ tại đình, thường dùng một con heo và phẩm vật, lựa một người kỳ cực đứng vai cứng, lễ ấy chi bạc năm đồng năm giác”.

Trong làng thường xuyên có tổ chức các lễ cưới hỏi, rước dâu hay mừng thọ, và những lễ này cũng được quy định trong Hương ước rất chi tiết về các khoản lệ phí phải nộp, thời gian và quy mô tổ chức. Bên cạnh đó, các quy định về văn hóa ứng xử trong làng xã cũng được quy định rất rõ ràng, chi tiết và khá chặt chẽ (quy tắc “kính lão đắc thọ”, “tôn sư trọng đạo”,...)

Trong làng, ai làm việc tốt, việc có lợi cho dân làng, cho cộng đồng thì được thưởng. Ngược lại, ai làm điều sai trái gây hại cho làng thì sẽ phải chịu phạt. Chúng ta có thể lấy dẫn chứng cụ thể trong hương ước làng Diên Trương: 

“Tiết 18: thưởng phạt trong làng:

+ Thưởng: trong làng người nào có công đức với làng, làm nhiều điều lợi ích cho công chúng trong làng, hưởng chức tận tâm làm việc, người nhiệt thành cứu giúp tai nạn thời làng đem cao tọa thứ lên hạng người có công lao…

+ Phạt: những người trong gia đình cư xử với nhau không được hòa thuận, không lo làm ăn; những kẻ thấy tai nạn không cứu vớt…phạt truất tọa thứ, truất phần biếu và tùy từng trường hợp mà phạt bạc từ 3 đồng đến 5 đồng, hoặc phạt dịch từ một ngày rưỡi đến bảy ngày rưỡi…”

Nhiều quy định trong các bản hương ước cổ trước đây thường có các hình phạt khá nặng nề, chủ yếu đánh vào danh dự của cá nhân hay cả gia đình, dòng họ người phạm tội, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thậm chí gây thiệt mạng. Tuy nhiên, đa số các bản hương ước hiện nay đều bãi bỏ hoặc thay thế những hình phạt như vậy để phù hợp với chính sách mới.

Trong các quy ước trên thì quy ước về chế độ ruộng đất có vị trí quan trọng nhất, bởi vì đại đa số người dân của các làng đều làm nông nghiệp là chủ yếu.

Ngoài 4 loại quy ước cơ bản trên, có làng lại ghi thêm vào hương ước những điều khoản về sự đóng góp các loại công quỹ, về tổ chức khao vọng, về các lễ hội…

III. Ảnh hưởng của hương ước đối với sự phát triển của làng xã hiện nay.

Trong cuộc sống hiện tại, khi nhà nước ngày càng phát triển thì vai trò của hương ước đã mất đi ít nhiều, để thay vào đó là các văn bản, các điều luật. Thế nhưng vai trò cũng như  sức ảnh hưởng của hương ước, nhất là đối với các làng xã ở nước ta vẫn còn hết sức sâu đậm. Ảnh hưởng của hương ước có thể nhìn nhận một cách khách quan trên hai khía cạnh đó là mặt tích cực và mặt tiêu cực.

- Mặt tích cực: 

+ Hương ước với ý nghĩa là văn bản pháp lý đầu tiên của làng xã, đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng dân cư. Cho đến ngày nay, nhiều điều lệ tốt đẹp, phù hợp với ý chí Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn tiếp tục được bảo tồn và phát triển. Hương ước có giá trị rất lớn trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, bảo tồn các phong tục tập quán của làng xã. Nhiều điều lệ trong hương ước có giá trị pháp lý cao, được người dân thừa nhận và chấp hành tốt, với ý thức tự giác cao. Bên cạnh đó, các quy định tốt đẹp của hương ước cũng góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa Việt. Những lễ hội của mỗi làng, những phần thưởng khuyến học trong mỗi dòng họ… đều góp phần làm nên bức tranh làng xã Việt Nam.

Hương ước đi sâu vào tâm khảm, phản ánh tâm lý của dân làng. Sức mạnh cưỡng chế của hương ước dựa vào lề thói, nếp sống quen thuộc của cộng đồng làng. Đó là sức mạnh có tính chất tâm lí nằm sâu trong tiềm thức của mọi dân làng. Hương ước vừa uốn người ta vào khuôn phép, động viên người ta hành động, gắn bó dân làng thành một cộng đồng chặt chẽ, vừa điều tiết các trách nhiệm và các quyền lợi của mọi thành viên trong làng. Do đó hương ước có ý nghĩa trong việc bổ sung cho pháp luật khi cần xử lí những vấn đề rất cụ thể nảy sinh từ nếp sống đặc thù của làng. Hương ước không chỉ có ý nghĩa như là một thứ pháp luật mà còn có ý nghĩa như là một hệ thống tiêu chuẩn đạo đức. Vì vậy, nó chứa đựng những giá trị văn hóa dân gian, hàm chứa nhiều yếu tố tích cực. Song, hương ước cũng tồn tại không ít các yếu tố tiêu cực.

-  Mặt tiêu cực:

Cùng với mặt tích cực, chúng ta cũng không thể không nhắc tới những mặt tiêu cực của hương ước.

Từ xưa dân gian ta đã có câu “phép vua thua lệ làng”. Câu nói đó đã phần nào phản ánh vai trò quan trọng của hương ước. Nếu ưu điểm của hương ước là có thể điêu chỉnh những mối quan hệ mà pháp luật khó có thể với tay tới thì đây cũng là nhược điểm lớn nhất của hương ước. 

Vì sức ảnh hưởng lớn như thế nên việc muốn điều chỉnh, chế tài những hương ước trái với ý chí nhà nước và pháp luật luôn là một bài toán khó đối với Nhà nước ta. Điều này càng khó khăn hơn ở những vùng quê nghèo nàn lạc hậu, người dân vốn chỉ biết đến lệ làng. Đối với người dân những vùng như thế, sức ảnh hưởng, đe dọa của hương ước lớn hơn nhiều cái gọi là pháp luật. Hơn nữa, lệ làng từ bao đời đã có, từ ông bà, tổ tiên đều chịu chế tài của hương ước nên hương ước đã bám rễ sâu trong tâm hồn họ. Thậm chí họ sợ điều tiếng với dân làng còn hơn cả sợ ngồi tù. Và vì vậy, nếu muốn điều chỉnh, hay đả phá những lệ làng cổ hủ, lạc hậu, Nhà nước, chính quyền cần có một quá trình lâu dài, “mưa dầm thấm lâu” để người dân tự giác rời bỏ các điều lệ trái với pháp luật mà không thể ép buộc họ từ bỏ những hương ước ây. Để thực hiện điều này thì cần đến sự kiên trì, nhiệt huyết của Chính quyền trong khu vực. Cho đên tận ngày nay, chính phủ, Đảng, Nhà nước ta vẫn luôn áp dụng chính sách vận động tuyên truyền cổ vũ xóa bỏ hương ước lạc hậu, cổ hủ và đã giành được những thành công nhất định. Có điều quá trình này vẫn còn cần không ngừng tiếp tục thực hiện để sao cho hương ước chính là một bản luật pháp đơn giản hóa, được nhân dân hiểu và tự giác chấp hành.

KẾT LUẬN

Thời gian qua đi, sau lũy tre xanh, có biết bao nhiêu biến cố, đổi thay đã xảy ra nhưng dường như sức mạnh thời gian không thể xóa nhòa được những gì đã là bản sắc người Việt. Trước những cám dỗ của thời cuộc, có thể trong một khoảnh khắc nào đó chúng ta tưởng chừng như đã nhòa đi nhưng không: chỉ một thời gian sau những sóng gió ấy chúng ta đang dần dần khôi phục lại gần như nguyên vẹn tất cả. Có thể bây giờ khi nhắc đến hương ước đến lệ làng không còn thấy khắt khe như trước nữa, mà trong lòng lại cảm thấy tự hào xiết bao về bản sắc của chính ta, cha ông ta, dân tộc ta.

No comments:

Post a Comment