1. Khái quát chung về chế độ trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh của chủ sở hữu doanh nghiệp
Chế độ trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh của chủ sở hữu doanh nghiệp là chế độ mà ở đó chủ sở hữu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản của mình. Theo pháp luật Việt Nam, có hai loại doanh nghiệp có chế độ trách nhiệm vô hạn là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.
1.1. Chế độ trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh của chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân
Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2005 đã định nghĩa về doanh nghiệp tư nhân như sau: “ Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”.Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, có toàn quyền quyết định đối với hoạt động của doanh nghiệp, có toàn quyền quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Và trên hết là chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh.
Đối với chủ doanh nghiệp tư nhân, do tính chất độc lập về tài sản của doanh nghiệp không có nên chủ doanh nghiệp tư nhân – người chịu trách nhiệm duy nhất trước mọi rủi ro của doanh nghiệp sẽ phải chịu chế độ trách nhiệm vô hạn. Chủ doanh nghiệp tư nhân không chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong phạm vi phần vốn đầu tư đã đăng kí với cơ quan đăng kí kinh doanh mà phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình trong trường hợp phần vốn đầu tư đã đăng kí không đủ để trang trải các khoản nợ của doanh nghiệp tư nhân. Một doanh nghiệp tư nhân không có khả năng thanh toán nợ đến hạn và lâm vào tình trạng phá sản thì tất cả những tài sản thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân đều nằm trong diện tài sản phá sản của doanh nghiệp. Chính vì đặc trưng pháp lý cơ bản này mà bên cạnh những hạn chế do không có tư cách pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân còn phải chịu một số hạn chế khác như không được phát hành bất kì một loại chứng khoán nào và chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được thành lập duy nhất một doanh nghiệp tư nhân và cho đến khi nào doanh nghiệp tư nhân đã được lập thành đó vẫn còn tồn tại thì cá nhân chủ doanh nghiệp tư nhân không được thành lập thêm một doanh nghiệp tư nhân nào khác.
1.2. Chế độ trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh của thành viên công ti hợp danh
Theo Điều 130 Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì công ty hợp danh là doanh nghiệp trong đó “phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh); ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn”. Như vậy, nếu căn cứ vào tính chất thành viên và chế độ chịu trách nhiệm tài sản thì công ti hợp danh theo pháp luật Việt Nam có thể được chia thành hai loại: những công ti chỉ bao gồm những thành viên hợp danh và những công ti có cả thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Tuy nhiên, dù thuộc loại công ti hợp danh nào thì thành viên hợp danh luôn phải là “cá nhân chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ti.”
Trách nhiệm tài sản của các thành viên hợp danh đối với các nghĩa vụ của công ti là trách nhiệm vô hạn và liên đới. Chủ nợ có quyền yêu cầu bất kì thành viên hợp danh nào thanh toán các khoản nợ của công ti đối với chủ nợ. Mặt khác, các thành viên hợp danh phải bằng toàn bộ tài sản của mình ( bao gồm cả tài sản đầu tư vào kinh doanh và tài sản dân dự) chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ti.
2. Ưu điểm, nhược điểm của chế độ trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh của chủ sở hữu doanh nghiệp
2.1. Ưu điểm
Thứ nhất, vì phải chịu trách nhiệm vô hạn nên chủ thể kinh doanh có khả năng huy động vốn vay lớn hơn số vốn đầu tư vào kinh doanh và chỉ bị hạn chế trong tổng số tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền quản lý của chủ thể kinh doanh.
Thứ hai, việc quản lý và điều hành doanh nghiệp tư nhân thường đơn giản hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác, bởi việc quản lý và điều hành doanh nghiệp tư nhân do một mình chủ doanh nghiệp tư nhân đảm nhận. Doanh nghiệp tư nhân không có số lượng cổ đông lớn như công tư cổ phần, có những cổ đông không hề quen biết nhau và thậm chí có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ đông đối kháng nhau về lợi ích. Việc thành lập doanh nghiệp tư nhân cũng rất dễ dàng bởi nó không bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật so với loại hình doanh nghiệp khác.
Thứ ba, chủ sở hữu doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đó đem đến sự thống nhất tuyệt đối, tránh tình trạng phân hóa ý chí trong nội bộ doanh nghiệp bởi sự khác nhau giữa quyền và lợi ích của mỗi bên chủ sở hữu.
Thứ tư, chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ sở hữu doanh nghiệp tạo sự tin tưởng cho đối tác, khách hàng và giúp cho doanh nghiệp ít chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật như các loại hình doanh nghiệp khác. Điều này rất tốt bởi doanh nghiệp tư nhân và công ti hợp danh đóng vai trò khá quan trọng trong các hoạt động kinh tế đối ngoại thời “mở cửa”, đặc biệt trong lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam.
2.2. Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm thì chế độ chịu trách nhiệm vô hạn cũng có những nhược điểm như sau:
Thứ nhất là mức độ rủi ro cao, bởi chủ sở hữu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và của mình chứ không giới hạn số vốn và chủ thể kinh doanh đã đầu tư vào doanh nghiệp.
Thứ hai, do doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân phải đứng ra đại diện cho doanh nghiệp tư nhân trong bất kì giao dịch nào. Có thể là chịu trách nhiệm tất cả các món nợ giữa các chủ nợ với doanh nghiệp, có thể là nguyên đơn, bị đơn trước Tòa án trong các tranh chấp và vụ kiện liên quan đến doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân không chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động của doanh nghiệp mà còn phải chịu trách nhiệm trong các giao dịch khác mà doanh nghiệp tham gia. Vì vậy vai trò của người chủ doanh nghiệp tư nhân trong việc lãnh đạo, điều hành cũng như đại diện cho doanh nghiệp của mình là vô cùng quan trọng và có không ít khó khăn, rủi ro.
Những điều trên dẫn đến nhược điểm thứ ba, việc phải chịu trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh đã không khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư trực tiếp vào kinh doanh và họ không dám đầu tư kinh doanh vào một lĩnh vực mạo hiểm. Như vậy, có thể thấy, mức độ rủi ro của các loại hình doanh nghiệp mà chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm vô hạn là rất lớn, có thể dẫn đến phá sản, hơn nữa, nếu không thanh toán đủ số nợ thì chủ doanh nghiệp có khả năng bị truy tố trước pháp luật.
No comments:
Post a Comment